Uống thuốc đau dạ dày không đầy đủ khiến bệnh khó hết

Điều trị đau dạ dày bằng cách sử dụng thuốc đạt kết quả như mong muốn, bạn cần lưu ý sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Việc uống thuốc dạ dày sai cách hoặc uống thuốc dạ dày không đầy đủ không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

1. Những điều cần biết về bệnh đau dạ dày

Bệnh đau dạ dày không chỉ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà nó còn có thể gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng về lâu dài, đặc biệt là nguy cơ gây ra ung thư dạ dày.

Nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau dạ dày rất đa dạng, trong đó phổ biến nhất là thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn không đủ bữa, ăn đồ cay nóng thường xuyên, lạm dụng quá mức thực phẩm chế biến sẵn,... và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như thức khuya, thiếu ngủ,.... Ngoài ra, những vấn đề gây căng thẳng trong cuộc sống và công việc cũng khiến bạn có nguy cơ mắc phải bệnh đau dạ dày.

Bệnh nhân bị đau dạ dày có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:

  • Đau tức vùng thượng vị: Tình trạng đau tức có thể kèm theo cảm giác đau âm ỉ, đau tức bụng hoặc nóng rát. Cơn đau đôi khi có thể lan ra cả sau lưng từng cơn và thời gian mỗi cơn có thể kéo dài từ vài phút đến vài tiếng hoặc đôi khi đau liên tục tùy theo mức độ tổn thương dạ dày.
  • Cảm giác chán ăn: Dạ dày bị tổn thương làm cho năng suất tiêu hóa thức ăn cũng kém hơn bình thường nên bệnh nhân sẽ cảm thấy đầy bụng, khó tiêu, không thấy thèm ăn hoặc ăn không ngon miệng. Sau khi ăn có thể tăng cường độ đau.
  • Buồn nôn, nôn: Khi bệnh nhân nôn nhiều có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải và kèm theo một số vấn đề sức khỏe khác.
  • Xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện nôn ra máu tươi hoặc đi ngoài phân màu đen. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng chóng mặt, hoa mắt do thiếu máu.

2. Các nhóm thuốc trị đau dạ dày phổ biến

Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân và từ đó kê các đơn thuốc cụ thể để phù hợp với từng bệnh nhân nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất. Một số nhóm thuốc điều trị đau dạ dày phổ biến thường gặp gồm có:

2.1. Nhóm thuốc ức chế bơm proton

Các thuốc thuộc nhóm này có tác dụng của những loại thuốc này là giảm đau thượng vị, cải thiện các triệu chứng khó chịu như đầy bụng, ợ nóng,... đồng thời duy trì lượng acid dạ dày ở mức ổn định giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn và ăn uống ngon miệng hơn..

Thuốc phát huy hiệu quả tối đa vào buổi sáng, đặc biệt là trước khi ăn sáng một giờ. Một số loại thuốc thường được bác sĩ kể đơn sử dụng gồm có Nexium, Aciphex, Dexilant,... Một số tác dụng phụ hiếm gặp có thể xảy ra khi sử dụng những thuốc này như tiêu chảy, đau đầu,...

2.2. Nhóm thuốc với tác dụng kháng acid

Các thuốc thường gặp thuộc nhóm này gồm có Magnesia, Amphojel, Mylanta, Pepto-Bismol,... Chúng giúp làm giảm các triệu chứng đau bụng, ợ nóng và khó tiêu do lượng acid dư thừa trong dạ dày. Điều lưu ý khi sử dụng các thuốc dạng viên là bạn nên nhai kỹ để thuốc phát huy tác dụng giảm đau nhanh chóng.

2.3. Nhóm thuốc ức chế thụ thể H2

Các thuốc phổ biến thường được sử dụng thuộc nhóm này là ranitidine (Zantac), famotidine (Pepcid, Pepcid AC),... Các thuốc này cũng có tác dụng tương tự các nhóm trên là kiểm soát tình trạng acid dư thừa trong dạ dày. Tuy không phát huy tác dụng nhanh chóng như các nhóm thuốc khác nhưng nhóm thuốc này duy trì tác dụng kéo dài hơn.

Nhóm thuốc ức chế thụ thể H2 được chỉ định khi bệnh nhân bị đau do viêm loét dạ dày hoặc viêm loét dạ dày-tá tràng có kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, ợ chua hoặc khó nuốt.

Để đạt được hiệu quả giảm đau tối đa, có thể kết hợp nhóm thuốc này với thuốc kháng axit để có được hiệu quả giảm đau tốt nhất.

3. Người bị đau dạ dày cần lưu ý điều gì?

Một số lưu ý về thói quen ăn uống mà bệnh nhân đau dạ dày cần lưu ý như sau:

  • Có thời gian ăn uống điều độ, đúng giờ: Khi cơ thể rơi vào trạng thái đói quá mức, dạ dày sẽ co bóp liên tục gây tăng cảm giác đau. Ngược lại, khi ăn quá no làm kích thích niêm mạc dạ dày gây ra tình trạng tăng tiết acid làm mức độ viêm loét càng nghiêm trọng hơn.
  • Chia ra nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để góp phần trung hòa lượng acid trong dạ dày nhưng không nên ăn quá nhiều vào ban đêm.
  • Hạn chế ăn ăn quá nhiều các thực phẩm chế biến sử dụng nhiều dầu mỡ. Thay vào đó nên chế biến thực phẩm bằng các cách luộc, hấp giúp giữ nguyên hương vị và chất dinh dưỡng.
  • Nên ăn chậm, nhai từ từ để tăng hiệu quả tiêu hóa thức ăn: Bệnh nhân không nên ăn cơm kèm theo canh mà nên ăn cơm riêng và nhai kỹ để tăng cường bài tiết nước bọt để làm giảm thời gian thức ăn nằm trong dạ dày,. Điều này giúp làm giảm gánh nặng cho dạ dày và giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn.
  • Thời điểm thích hợp để uống nước là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và trước bữa ăn khoảng 1 tiếng. Sau bữa ăn không nên uống nước ngay vì có thể gây ra tình trạng loãng dịch vị và làm cho dạ dày đau hơn.

4. Hậu quả của việc uống thuốc đau dạ dày không đúng cách

Việc uống thuốc đau dạ dày không đúng cách có thể khiến bạn mắc phải một trong ba hậu quả sau đây:

  • Làm cho bệnh càng khó chữa hơn

Khi bệnh nhân bị đau dạ dày thì đây mới chỉ là sự khởi đầu của bệnh và không đồng nghĩa với loét dạ dày và điều trị cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên nếu không dùng thuốc đúng theo hướng dẫn thì có thể gây ra loét dạ dày nặng hơn, điều trị phức tạp và lâu hơn.

  • Tăng mức độ kháng thuốc

Viêm loét dạ dày có nguyên nhân từ một tổ hợp các yếu tố gồm có rượu bia, thuốc lá, tác dụng phụ của thuốc, dạ dày tăng tiết acid, nhiễm khuẩn Helicobacter pylori, dạ dày giảm bài tiết chất nhầy... Trong đó có một yếu tố cố định và gần được xem là yếu tố cố định hay được nhiều người nhắc đến đó là acid. Trong phác đồ điều trị viêm loét dạ dày bao giờ có chỉ định một loại thuốc giảm tiết acid như cimetidin, quamatel, omeprazol, lanzoprazol...

Khi sử dụng đúng liều lượng và chỉ định thì chúng có khả năng ức chế quá trình bài tiết acid một cách hiệu quả. Ngược lại, chúng lại gây ra một phản xạ ngược đó là tăng tiết acid dẫn đến hậu quả là lượng acid trong dạ dày ngày một nhiều hơn làm bệnh càng diễn tiến nặng hơn và khó điều trị hơn. Và đây là nguyên nhân gây ra tình trạng uống thuốc đau dạ dày mà vẫn đau.

  • Ung thư dạ dày

Những hệ lụy trên là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân cần phải đến bệnh viện thường xuyên để thăm khám và điều trị. Bệnh nhân vẫn có thể sửa sai trong trường hợp này bằng cách thay đổi lối sống, thay đổi chế độ ăn uống theo hướng lành mạnh hơn. Tuy nhiên, đối với biến chứng ung thư thì người bệnh không những không được điều trị khỏi mà còn bị kết thúc cuộc sống của mình sớm hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một tỷ lệ đáng kể số người bị biến chứng sang ung thư dạ dày từ loét, hay còn được gọi là loét ung thư hóa. Khi bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP thì họ có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn gấp từ 3-6 lần so với các nhóm đối tượng khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: hoanmysaigon.vn, medilatec.vn

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

142 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan