Ảnh hưởng của giãn tĩnh mạch vùng chậu

Hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu là một bệnh lý thường gặp ở nữ giới. Do khó chẩn đoán nên bệnh dễ bị bỏ sót, dễ gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

1. Giãn tĩnh mạch vùng chậu là gì?

Hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu còn được gọi là hội chứng xung huyết vùng chậu (hoặc sung huyết vùng chậu) là bệnh lý thường gặp ở nữ giới. Bệnh dễ bỏ sót một phần do tâm lý ngại ngùng của bệnh nhân khi phải chia sẻ với bác sĩ về những cơn đau ở vùng kín. Mặt khác, đây là một bệnh chuyên khoa phẫu thuật mạch máu - một chuyên ngành chưa phát triển đồng đều trong nước.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng 15% bệnh nhân trong độ tuổi từ 18 - 50 có biểu hiện đau vùng chậu. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh con. Trong số này, có khoảng 30% trường hợp bị đau vùng chậu mãn tính do giãn tĩnh mạch vùng chậu.

2. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch vùng chậu

Vùng chậu là phần thấp nhất của ổ bụng, là 1 khoang được bao quanh bởi các cơ xương. Trong khoang vùng chậu có chứa bàng quang, buồng trứng, tử cung, phần cuối ruột già,... Nơi này có nhiều nhánh tĩnh mạch nối thông với nhau. Máu sẽ theo các động mạch tới nuôi vùng chậu, sau đó được chuyển về tim qua các tĩnh mạch ở đây.

Nếu hệ tĩnh mạch gặp vấn đề về lưu thông máu, máu sẽ bị ứ lại, khiến các tĩnh mạch bị giãn ra, làm tăng áp lực trong tĩnh mạch và gây ra các triệu chứng của hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu.

Những nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch vùng chậu gồm:

  • Mang thai nhiều lần hoặc sinh nhiều con: Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người mẹ khi mang thai sẽ khiến các tĩnh mạch giãn to ra để đáp ứng được nhu cầu chuyển máu tới bào thai. Bên cạnh đó, khi thai nhi lớn lên vào những tháng cuối thì cũng có thể chèn ép vào các tĩnh mạch vùng chậu, gây cản trở máu về tim và làm giãn các tĩnh mạch ở đây. Hầu hết các tĩnh mạch sẽ thu nhỏ lại và trở về kích thước bình thường sau khi sinh con. Tuy nhiên, nếu kích thước tĩnh mạch không phục hồi lại được do bị hỏng các van trong quá trình mang thai thì người mẹ có thể có triệu chứng của hội chứng xung huyết vùng chậu;
  • Tắc hoặc hẹp các tĩnh mạch: Các tĩnh mạch lớn ở vùng bụng dưới có thể bị tắc hoặc hẹp do huyết khối, chèn ép tĩnh mạch chậu,... Khi đó, máu sẽ phải đi theo các nhánh tĩnh mạch phụ về tim. Lâu ngày, các nhánh tĩnh mạch này giãn to, ứ huyết, gây hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu.
giãn tĩnh mạch vùng chậu
Mang thai nhiều lần hoặc sinh nhiều con có thể gây ra giãn tĩnh mạch vùng chậu

3. Triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch vùng chậu

Các biểu hiện cụ thể của hội chứng gồm:

  • Đau vùng bụng dưới mãn tính kéo dài trên 6 tháng, cảm giác tức nặng bụng dưới sẽ tăng dần trong ngày, đau nhất vào cuối ngày. Tình trạng đau vùng chậu thường xuất hiện sau khi mang thai - xu hướng đau nặng hơn sau mỗi lần mang thai;
  • Đau khi giao hợp và sau khi giao hợp, nặng chân và mỏi chân sau khi quan hệ tình dục;
  • Triệu chứng liên quan đến kích thích các cơ quan khác: Đau trong kỳ kinh nguyệt; kích thích đường tiểu gây tiểu khó, tiểu gấp, tiểu nhiều lần; kích thích đại tràng gây táo bón; đau nhức ở chân, thắt lưng,... Các triệu chứng này tăng lên khi đứng hoặc ngồi lâu, giảm khi bệnh nhân nằm nghỉ;
  • Quan sát thấy giãn các tĩnh mạch vùng tầng sinh môn chủ yếu ở âm hộ; giãn tĩnh mạch ở những vị trí không điển hình như mông, mặt sau và mặt bên của đùi hoặc bị suy giãn tĩnh mạch tái phát sớm sau phẫu thuật;
  • Một số phụ nữ đôi khi có dịch tiết âm đạo trong hoặc nước;
  • Triệu chứng khác: Mệt mỏi, nhức đầu, chướng bụng, thay đổi tâm trạng,...

Tuy nhiên, tình trạng đau vùng chậu mãn tính cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý phụ khoa khác như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư vùng chậu, hội chứng chèn ép dây thần kinh thẹn,... Do vậy, bệnh nhân bị đau vùng chậu nên đi khám để loại trừ các bệnh này trước khi nghĩ tới hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu.

4. Chẩn đoán giãn tĩnh mạch vùng chậu

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ có chẩn đoán sơ bộ về tình trạng của bệnh nhân. Để khẳng định chẩn đoán giãn tĩnh mạch vùng chậu, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện thêm các kỹ thuật khác là:

  • Siêu âm bụng chậu hoặc siêu âm với đầu dò âm đạo để phát hiện tình trạng các tĩnh mạch bị giãn to và tình trạng rối loạn huyết động học của dòng máu lưu chuyển trong các tĩnh mạch này. Để siêu âm cho kết quả chính xác nhất, bệnh nhân nên tuân thủ một chế độ ăn ít chất xơ trước đó 3 ngày và nên siêu âm lúc đói;
  • Chụp tĩnh mạch số hóa xóa nền: Sau khi gây tê tại chỗ, bác sĩ đưa 1 ống thông nhỏ vào lòng tĩnh mạch đùi của bệnh nhân rồi luồn tới tĩnh mạch vùng chậu để chụp. Hình chụp cho phép bác sĩ chẩn đoán mức độ bệnh, nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp;
  • Nội soi ổ bụng được chỉ định thực hiện nếu bệnh nhân đau vùng chậu gây khó chịu và chưa xác định được nguyên nhân;
  • Các xét nghiệm bổ sung: Chụp CT, MRI, cộng hưởng từ hệ tĩnh mạch,...
giãn tĩnh mạch vùng chậu
Siêu âm bụng chậu để chẩn đoán giãn tĩnh mạch vùng chậu

5. Điều trị hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu

Khi mắc hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu, chị em phụ nữ thường bị đau, khó chịu nên trốn tránh việc gần gũi với chồng. Hạnh phúc gia đình khó gìn giữ cùng áp lực của cuộc sống, tình trạng bị những cơn đau hành hạ,... sẽ khiến chị em suy sụp. Vậy có cách nào điều trị hội chứng này?

Các bác sĩ thường đề nghị điều trị bệnh như sau:

  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể được chỉ định cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu chúng không có hiệu quả hoặc cơn đau của bệnh nhân vẫn rất nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị khác;
  • Sử dụng thuốc nội tiết tố nữ hoặc thuốc trợ tĩnh mạch để điều trị hội chứng xung huyết vùng chậu. Tuy nhiên, kết quả không quá cao và việc điều trị không thực sự triệt để. Thường thì các biểu hiện của hội chứng này sẽ tiếp tục xuất hiện sau khi người bệnh ngưng thuốc;
  • Thuyên tắc tĩnh mạch buồng trứng qua can thiệp nội mạch (thực hiện dưới gây tê tại chỗ). Sau khi chụp xác định chẩn đoán, các tĩnh mạch bị chảy ngược sẽ được thuyên tắc bằng một số biện pháp khác nhau. Mục đích của việc này là triệt tiêu dòng máu chảy ngược trong các tĩnh mạch bị giãn - nguyên nhân gây đau vùng chậu;
  • Nếu hội chứng xung huyết vùng chậu có liên quan với bệnh lý tắc nghẽn các tĩnh mạch lớn thì cần điều trị bằng phương pháp đặt stent tái thông tĩnh mạch. Khi đó, máu sẽ lưu chuyển qua các tĩnh mạch chính vừa được tái thông để đổ về tim, đồng thời làm giảm lưu lượng máu ở các tĩnh mạch nhánh, giảm tình trạng ứ đọng máu trong các tĩnh mạch vùng chậu, từ đó cải thiện triệu chứng của bệnh.

Theo nhiều nghiên cứu, phương pháp thuyên tắc mạch qua can thiệp nội mạch có thể cải thiện tới 80 - 100% triệu chứng của hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nếu bị đau vùng bụng dưới trên 6 tháng, đau sau khi quan hệ tình dục, mỏi chân sau khi sinh hoạt vợ chồng kèm giãn tĩnh mạch ở các vùng quanh mông, bộ phận sinh dục,... thì có khả năng cao chị em đã mắc hội chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu. Lúc này, những người có dấu hiệu trên nên ngay lập tức đi khám để được khẳng định chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan