Bệnh tim bẩm sinh không tím: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh tim bẩm sinh là dị tật hay gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Bệnh tim bẩm sinh được chia ra thành tim bẩm sinh tím và bệnh tim bẩm sinh không tím.

1. Bệnh tim bẩm sinh là gì?

Bệnh tim bẩm sinh là những dị tật của tim hoặc các mạch máu lớn có ngay từ khi trẻ sinh ra. Bệnh tim bẩm sinh thường được chia ra bệnh tim bẩm sinh tímbệnh tim bẩm sinh không tím.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh tim bẩm sinh vẫn chưa được tìm ra. Người ta cho rằng yếu tố di truyền và yếu tố môi trường có vai trò trong hình thành các dị tật tim bẩm sinh trong giai đoạn bào thai.

2. Bệnh tim bẩm sinh không tím

Bệnh tim bẩm sinh không tím là những dị tật bẩm sinh tim không gây triệu chứng tím, bao gồm: hẹp van động mạch chủ hoặc phổi bẩm sinh, thông liên thất, thông liên nhĩ, hẹp eo động mạch chủ, còn ống động mạch.

  • Hẹp động mạch chủ: Hẹp động mạch chủ có thể gặp hẹp ở các vị trí khác nhau, nhưng thường gặp nhất là hẹp eo động mạch chủ (vùng tương ứng với dây chằng chủ – phổi, sau chỗ tách ra của động mạch dưới đòn trái).
  • Hẹp động mạch phổi: Hẹp động mạch phổi có thể do tổn thương ở van động mạch phổi, tổn thương vùng phễu (hẹp lối ra) do phì đại cơ vùng trên tâm thất hoặc hẹp phối hợp cả van và phễu trong khi vách liên thất vẫn bình thường. Hẹp van động mạch phổi có thể đơn độc, có thể nằm trong bệnh cảnh của tứ chứng Fallot.
  • Thông liên thất: là tình trạng có đường thông giữa 2 tâm thất qua vách liên thất. Đây là bệnh tim bẩm sinh hay gặp thứ 2.
Thông liên thất
Hình ảnh thông liên thất
  • Thông liên nhĩ: là tình trạng có đường thông giữa 2 tâm nhĩ qua vách liên nhĩ. Đây là bệnh tim bẩm sinh hay gặp nhất trong các bệnh tim bẩm sinh.
  • Còn ống động mạch: ống động mạch nối giữa động mạch chủ và động mạch phổi trong thời kỳ bào thai không bị tắc lại sau khi sinh (thông thường ống này sẽ hoàn toàn tắc lại trong vòng 2 tháng sau sinh) mà vẫn tiếp tục tồn tại và hoạt động kéo dài.

3. Triệu chứng của bệnh tim bẩm sinh không tím

Nhiều trường hợp tim bẩm sinh không tím không biểu hiện triệu chứng. Nếu suy tim xuất hiện, đứa trẻ sẽ gặp khó khăn về dinh dưỡng do không đủ sức để bú, có xu hướng chậm tăng cân và khóc ít hơn bình thường. Trong trường hợp nặng, trẻ thường khó thở và thở nhanh. Nếu không được chẩn đoán ở giai đoạn sơ sinh, các triệu chứng có thể xuất hiện khi đứa trẻ lớn lên. Đó là chậm phát triển về thể chất, khó thở lúc đầu khi gắng sức và về sau là cả khi nghỉ ngơi.

4. Điều trị bệnh tim bẩm sinh không tím

Việc điều trị bệnh tim bẩm sinh không tím phụ thuộc vào từng loại dị tật tim bẩm sinh. Có những trường hợp yêu cầu phẫu thuật rất sớm ngay trong những tháng đầu sau sinh. Có thể là phẫu thuật sửa toàn bộ hoặc phẫu thuật sửa tạm thời. Trẻ bị tim bẩm sinh cần được theo dõi định kỳ với một bác sĩ tim mạch nhi để có những quyết định điều trị tại những thời điểm phù hợp.

Bệnh tim bẩm sinh không tím nên được điều trị sớm để không gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Bạn nên lựa chọn những bệnh viện lớn, uy tín để phẫu thuật bởi đây không phải là ca phẫu thuật đơn giản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan