Các bài tập hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật tim mà bạn cần biết

Việc duy trì hoạt động tích cực và các bài tập hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật tim rất quan trọng và cần thiết để người bệnh trở lại hoạt động thường ngày.

1. Làm thế nào để bắt đầu bài tập hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật tim?

Khi bạn trải qua vấn đề về bệnh tim mạch, câu hỏi tự nhiên mà bạn đặt ra là liệu việc tập thể dục có an toàn hay không. Tuy nhiên, vận động tích cực có thể giúp cho tim mạch của bạn trở nên mạnh mẽ hơn và hỗ trợ quá trình phục hồi về lâu dài. Quan trọng nhất là bạn cần nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ bác sĩ.

Hãy xem xét việc tham gia các buổi phục hồi chức năng tim, và nếu có thể, hãy trao đổi với bác sĩ để đảm bảo rằng bạn đang tiếp cận một lộ trình tập luyện phù hợp, đặc biệt là nếu bạn chưa có định hướng vài tuần sau khi phẫu thuật tim.

Theo các chuyên gia, bước đầu tiên sau khi can thiệp nên là đi bộ nhẹ nhàng, thậm chí chỉ cần một vài phút là đủ. Hãy thử đi bộ trong khả năng của bạn, tránh gắng sức và hãy tăng thời gian và tốc độ khi bạn cảm thấy thoải mái hơn.

Sau phẫu thuật tim, bệnh nhân cần theo sát kế hoạch chăm sóc sức khỏe và làm quen với các hoạt động thể chất được bác sĩ khuyến cáo
Sau phẫu thuật tim, bệnh nhân cần theo sát kế hoạch chăm sóc sức khỏe và làm quen với các hoạt động thể chất được bác sĩ khuyến cáo

Bạn hãy đặt một mục tiêu là thực hiện hoạt động tập thể dục trong khoảng 15-20 phút mỗi lần từ tuần thứ 4 đến tuần thứ 6 sau khi phẫu thuật. Đến thời điểm này, bạn có thể cân nhắc tham gia các buổi phục hồi chức năng tim để đảm bảo bạn đang tiếp tục theo một kế hoạch phục hồi an toàn và hiệu quả.

2. Bài tập nào là lựa chọn tốt nhất?

Đi bộ gần như không tốn quá nhiều chi phí, miễn bạn có thể thực hiện chúng một cách an toàn. Bạn có thể thực hiện ở mức độ phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình và đây có thể là bước khởi đầu để rèn luyện thể lực trước khi bắt đầu quá trình phục hồi. Sau đó, việc lựa chọn bài tập nên tùy thuộc vào bạn, miễn là có sự đồng ý từ chuyên gia y tế của bạn.

2.1 Bắt đầu quá trình hồi phục chức năng tim

  • Từ ba đến sáu tuần sau khi xuất viện, chuyên gia tim mạch sẽ khuyến khích bắt đầu chương trình hồi phục chức năng tim ngoại trú.
  • Trước khi bắt đầu chương trình hồi phục chức năng tim, bác sĩ tim mạch sẽ lên lịch kiểm tra khả năng chịu đựng khi tập thể dục (ETT).

Chương trình hồi phục chức năng tim bao gồm:

  • Thực hiện tập thể dục dưới sự giám sát của thiết bị đo từ xa.
  • Cung cấp kiến thức về nhịp độ, hơi thở, dinh dưỡng và cách duy trì một lối sống lành mạnh và có lợi cho tim.
  • Độ dài của chương trình sẽ tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể, nhưng thường kéo dài từ ba đến bốn tuần, với hai đến ba buổi mỗi tuần.

2.2 Một số bài tập hồi phục sức khỏe

Dưới đây là một số bài tập hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật tim mà các bệnh nhân nên tham khảo:

Bài tập thở:

● Sử dụng phế dung kế (IS): thực hiện từ bốn đến năm lần mỗi ngày.

● 10 nhịp thở chậm và sâu: đảm bảo thư giãn vai khi thực hiện.

● Dành thời gian giữa các hơi thở.

● Đặt tay (hoặc gối) lên vết mổ ở ngực: thực hiện hai hoặc ba cơn ho mạnh.

● Tham gia các lớp tập thở cùng cộng đồng.

Bệnh nhân có thể chọn bài tập thở để tim mình nhẹ nhàng thích nghi với những thay đổi
Bệnh nhân có thể chọn bài tập thở để tim mình nhẹ nhàng thích nghi với những thay đổi

Bài tập vận động và linh hoạt:

Thực hiện các bài tập này trước và sau khi đi bộ:

● Đừng nín thở (đếm to và hít thở chậm, sâu).

● 10 lần lặp lại mỗi bài tập, hai lần mỗi ngày.

Bài tập đi bộ:

● Trong bốn đến sáu tuần tiếp theo trước khi bắt đầu phục hồi chức năng tim.

● Thực hiện chương trình đi bộ hai lần mỗi ngày.

● Đo bước đi theo thời gian (phút), không phải khoảng cách (dặm).

● Nếu gặp vấn đề về tim như đau ngực, khó thở, choáng váng hoặc đánh trống ngực, hãy dừng ngay lập tức.

Nghỉ ngơi sau khi luyện tập:

Khi bạn gia tăng dần chương trình tập luyện và mức độ hoạt động, bạn sẽ trải qua cảm giác mệt mỏi. Do đó, cơ thể bạn cần thời gian nghỉ ngơi đủ để phục hồi. Bạn nên duy trì giấc ngủ trưa mỗi ngày khi ở nhà.

2.3 Lời khuyên từ chuyên gia về các bài tập hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật tim:

● Chọn quần áo và giày thoải mái.

● Đợi ít nhất một giờ sau bữa ăn trước khi bắt đầu tập thể dục và đi bộ.

● Tránh các khu vực đồi núi và leo cầu thang quá mức.

● Điều chỉnh nhịp độ khi leo cầu thang.

● Tập thể dục trong thời tiết lạnh hoặc nóng và ẩm sẽ gây căng thẳng cho tim.

● Nếu nhiệt độ bên ngoài quá nóng hoặc quá lạnh, nên tập thể dục trong nhà.

● Lựa chọn máy chạy xe đạp hoặc sử dụng máy chạy bộ làm giải pháp thay thế có thể chấp nhận được cho việc đi bộ.

● Trong khoảng thời gian từ sáu đến tám tuần, bệnh nhân không nâng, đẩy hoặc kéo tạ hay các vật nặng khác lớn hơn 4.5kg. Bạn cũng nên tránh các bài tập uốn vặn thân thể.

3. Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật tim

Ngoài việc thực hiện các bài tập hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật tim thì trong thời gian nằm viện, việc đánh giá tình trạng bệnh và chức năng tiêu hóa là quan trọng để bắt đầu chế độ dinh dưỡng đường miệng sớm nhất có thể. Nguyên tắc chế độ này bao gồm việc chuyển từ thức uống lỏng (nước cháo, nước trái cây) đến thức ăn mềm (cháo, súp), kèm theo nước trái cây và sữa, rồi từ đó chuyển sang thức ăn đặc, với lượng từ ít đến nhiều.

Bên cạnh bài tập hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật tim, người bệnh cần thay đổi cả chế độ dinh dưỡng hằng ngày
Bên cạnh bài tập hồi phục sức khỏe sau phẫu thuật tim, người bệnh cần thay đổi cả chế độ dinh dưỡng hằng ngày

Trong giai đoạn phục hồi, chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đủ năng lượng, chất đạm (12-14% tổng năng lượng), chất xơ (20-25g/ngày), vitamin và khoáng chất. Ngoài ra, cần kiểm soát lượng chất béo (15-20% tổng năng lượng), cholesterol (< 200mg), và giữ mức chất béo bão hòa thấp (< 8% tổng năng lượng), đồng thời tăng cường chất béo không bão hòa đôi và đa nối đôi (omega 3, EPA) để hỗ trợ quá trình hồi phục sau phẫu thuật và giảm nguy cơ tim mạch.

Tăng cường sử dụng:

● Bổ sung thực phẩm giàu đạm từ nguồn động vật như thịt heo/gà nạc, cá, và từ nguồn thực vật như đậu, hạt, nấm, tảo.

● Gia tăng ăn thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá thu, tảo.

● Tăng cường chế độ ăn chứa chất xơ và phytosterols, như rau củ quả, đậu, hạt, và ngũ cốc nguyên hạt.

Hạn chế sử dụng:

● Giảm lượng muối trong khẩu phần, không vượt quá 2g muối mỗi ngày; tránh sử dụng nước mắm, nước tương, hoặc muối khi ăn để giữ khẩu phần ít muối.

● Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn như thức ăn đóng hộp, thịt cá xông khói, lạp xưởng, xúc xích, giò chả, tương, các loại sốt, cũng như các loại hải sản khô như cá khô, tôm khô, mực khô,... và thực phẩm muối chua như cà muối, dưa muối.

● Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, bao gồm mỡ động vật, thịt đỏ, óc, tim, gan, cật, trứng, tôm cua; tránh đồ ăn vặt, ăn nhanh, đồ chiên xào dầu mỡ, thực phẩm nhiều đường, sữa, bơ béo và sữa nguyên chất.

● Giảm lượng chất kích thích như cà phê, rượu, bia và thực phẩm có ga.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan