Chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân tim mạch cần biết những điều gì?

Chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân tim mạch là điều quan trọng trong quá trình điều trị. Nếu bạn trải qua cơn đau tim hoặc được chẩn đoán về bệnh tim mạch, có khả năng bạn đang phải đối mặt với nhiều thay đổi trong cuộc sống. Thông thường chúng ta sẽ tập trung vào việc cải thiện sức khỏe thể chất như có chế độ ăn lành mạnh hơn, gia tăng cường độ tập thể dục. Tuy nhiên, mọi người lại thường lơ là đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần của chính mình.

1. Mối liên hệ giữa cơn đau tim và sức khoẻ tinh thần

Cơn đau tim là một sự kiện lớn trong cuộc đời, khiến cuộc sống bị gián đoạn một cách nghiêm trọng và điều này là nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc vô cùng mạnh mẽ và tiêu cực.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân tim mạch cần được quan tâm và chú trọng như bệnh lý đã điều trị
Chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân tim mạch cần được quan tâm và chú trọng như bệnh lý đã điều trị

Có thể nói, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân tim mạch là vô cùng quan trọng. Sau khi mắc các bệnh tim mạch, tỷ lệ bị trầm cảm cũng gia tăng và điều này có thể mang lại nhiều biến chứng cho tình hình sức khỏe của bệnh nhân tim mạch.

2. Trầm cảm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bệnh nhân tim mạch như thế nào?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người đang phải đối mặt với bệnh tim mạch, bao gồm cả những người đang trong quá trình hồi phục sau cơn đau tim hoặc suy tim, đều có nguy cơ trầm cảm cao hơn. Ngược lại, việc sống chung với trầm cảm làm tăng nguy cơ khiến bệnh tim mạch phức tạp và nguy hiểm.

Trầm cảm và lo lắng làm cho chất lượng cuộc sống của bệnh nhân tim mạch bị suy giảm đáng kể, gây nguy hại trực tiếp đến tim mạch. Mức độ căng thẳng cao có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về nhịp tim và làm yếu đi hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, trầm cảm có thể tăng nguy cơ đau tim và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành cục máu đông.

Những người còn mắc chứng trầm cảm thường ít tuân thủ các bài tập vật lý trị liệu hoặc chế độ tập thể dục - yếu tố quan trọng để cải thiện sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, trầm cảm liên quan đến thói quen ăn uống không lành mạnh, hút thuốc, lạm dụng rượu/bia và các thói quen xấu khác, để lại hậu quả tiêu cực đối với hệ thống tim mạch.

Người bệnh mắc trầm cảm có thể tìm đến bia rượu để giải sầu và khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn
Người bệnh mắc trầm cảm có thể tìm đến bia rượu để giải sầu và khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn

Do đó, việc chú ý đến cả dấu hiệu bệnh tim tái phát lẫn tình trạng trầm cảm ở người bệnh sau điều trị cần được xem trọng và can thiệp kịp thời.

3. Những triệu chứng cần lưu ý khi chăm sóc sức khỏe tinh thần bệnh nhân tim mạch

Cảm giác chán nản, buồn bã và lo lắng xuất hiện sau một cơn đau tim là một phản ứng bình thường. Những cảm xúc này thường sẽ dần giảm đi trong vài tuần khi sức khỏe của bạn được cải thiện và bạn bắt đầu quay lại với hoạt động hàng ngày.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những tình trạng này cũng giảm nhẹ. Có đến 15% số người mắc bệnh tim có thể phải đối mặt với tình trạng trầm cảm nặng. Các triệu chứng trầm cảm lâm sàng có thể xuất hiện sau phẫu thuật tim, cơn đau tim, hoặc các vấn đề tim khác bao gồm:

  • Suy nghĩ tiêu cực gia tăng.
  • Dễ xúc động.
  • Trở nên không thích các hoạt động xã hội, thích ở một mình.
  • Gặp khó khăn trong việc thực hiện các công việc hàng ngày, bao gồm cả những việc cần thiết cho quá trình hồi phục của bệnh nhân.
  • Mất hứng thú với những việc đã từng mang lại niềm vui cho bản thân trong quá khứ.
  • Có ý nghĩ hoặc cảm giác muốn tự tử.

Khi xuất hiện những biểu hiện này cần chú ý và thảo luận với các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để có được lời khuyên và những biện pháp phù hợp để chăm sóc khỏe tinh thần của bệnh nhân tim mạch.

4. Chăm sóc và yêu thương bản thân là chìa khóa để nâng cao sức khỏe tinh thần của bệnh nhân tim mạch.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc tự chăm sóc bản thân kết hợp cùng với thay đổi lối sống phù hợp như: có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, siêng năng tập thể dục có thể cải thiện sức khỏe tinh thần cũng như là cải thiện tình trạng tim mạch của người bệnh.

Những việc cần làm để chăm sóc sức khỏe tinh thần bao gồm:

  • Ăn mặc đẹp mỗi ngày.
  • Thực hiện và tập luyện các biện pháp giúp kiểm soát sự căng thẳng và thư giãn.
  • Đi bộ thể dục hàng ngày.
  • Tiếp tục duy trì các sở thích hoặc các hoạt động xã hội mà bạn yêu thích.
  • Tích cực chia sẻ cảm xúc với gia đình, bạn bè hoặc những người mà bạn tin tưởng.
  • Tham gia hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia hoặc các nhóm cộng đồng.
Việc luyện tập thể dục thường xuyên có thể giúp bệnh nhân giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn
Việc luyện tập thể dục thường xuyên có thể giúp bệnh nhân giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan hơn

Nếu người bệnh cảm thấy có những biểu hiện của bệnh trầm cảm và ngày một nặng hơn, ví dụ như:

  • Khó khăn trong việc lấy lại tinh thân để tham gia vào các hoạt động phục hồi sức khỏe.
  • Gặp khó khăn trong việc duy trì các thói quen hằng ngày, các hoạt động xã hội và công việc của bạn.
  • Tự cô lập bản thân với xã hội.
  • Có ý nghĩ hoặc cảm giác muốn tự tử.

Lúc này bệnh nhân cần gặp bác sĩ tư vấn để được hỗ trợ các loại thuốc chống trầm cảm phù hợp, các liệu pháp tâm lý (tư vấn hỗ trợ hoặc liệu pháp trò chuyện) hoặc kết hợp cả hai.

Sức khỏe tinh thần đóng vai trò quan trọng và không thể phủ nhận trong cuộc sống hàng ngày. Việc giữ tinh thần luôn vui tươi, lạc quan từ người thân cho người bệnh thông qua các hoạt động thường ngày sẽ góp phần không nhỏ đến quá trình hồi phục sau điều trị.

Bệnh nhân nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ nếu có dấu hiệu bệnh tái phát hoặc các vấn đề về tâm lý nếu cần thiết
Bệnh nhân nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ nếu có dấu hiệu bệnh tái phát hoặc các vấn đề về tâm lý nếu cần thiết

Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh trầm cảm của bệnh nhân tim mạch là rất quan trọng. Điều này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, cũng như ngăn ngừa các cơn đau tim và biến chứng nguy hiểm của các bệnh tim mạch trong tương lai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan