SUY TIM: thế nào là suy tim? Các giai đoạn của suy tim?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy – Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Khi nghe đến thuật ngữ “Suy tim” thường sẽ gây cho bệnh nhân cảm giác lo sợ. Suy tim không có nghĩa là tim “ngừng hoạt động”, mà có nghĩa là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể như bình thường. Người bị suy tim nặng sẽ đứng trước nguy cơ tử vong cao do các rối loạn nhịp và các đợt suy tim mất bù.
1. Suy tim là gì?
Suy tim là một bệnh lý mạn tính, tiến triển trong đó cơ tim không đủ khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu cung cấp máu và oxy của cơ thể. Về cơ bản, suy tim làm cho hoạt động bơm máu của tim trở nên khó khăn hơn khiến người bệnh thường cảm thấy khó thở, mệt mỏi.
Trong suy tim giai đoạn đầu, trái tim sẽ hoạt động bù trừ bằng cách:
- Dãn buồng tim: Cơ tim căng ra để co bóp mạnh hơn và để duy trì nhu cầu bơm máu nhiều hơn. Theo thời gian, các buồng tim trở nên dãn
- Phát triển khối lượng cơ nhiều hơn: sự gia tăng khối lượng cơ xảy ra do các tế bào co bóp của tim trở nên lớn hơn. Điều này làm cho tim co bóp mạnh hơn vào giai đoạn đầu của suy tim
- Tim co bóp nhanh hơn (nhịp tim nhanh): giúp tăng lưu lượng tim
Cơ thể cũng cố gắng bù trừ bằng cách:
- Các mạch máu co lại để giữ cho huyết áp tăng và duy trì, bù đắp cho hoạt động quá sức của trái tim
- Cơ thể thay đổi cung cấp máu chuyển từ các mô và cơ quan ít quan trọng hơn (như thận) cho tim và não.
Các hoạt động bù trừ tạm thời này che dấu các dấu hiệu suy tim nhưng nó không giải quyết nguyên nhân của suy tim. Suy tim vẫn tiếp tục và trở nên nặng hơn cho đến khi các hoạt động bù trừ này không còn hiệu quả. Đến giai đoạn này, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện mệt mỏi, khó thở và các bất thường khác nên họ phải đến gặp bác sĩ.
Cơ chế bù trừ của cơ thể giúp giải thích lý do tại sao một số bệnh nhân có thể không nhận biết được tình trạng của bản thân cho đến khi chức năng tim bắt đầu suy giảm sau nhiều năm (đó cũng là lý do chính đáng để mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ)
2. Các triệu chứng và dấu hiệu của suy tim?
- Khó thở hoặc có vấn đề hô hấp: triệu chứng xuất hiện khi gắng sức, khi nghỉ ngơi hoặc khi nằm đầu ngang. Nếu bạn có triệu chứng đột ngột khó thở phải ngồi dậy vào ban đêm và phải lấy hơi thở
- Cảm giác mệt mỏi và chân yếu khi hoạt động
- Phù mắt cá chân, chân và bụng, tăng cân.
- Đi tiểu về ban đêm
- Chóng mặt, lú lẩn, khó tập trung, ngất
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều (hồi hộp)
- Ho khan
- Đầy bụng, chán ăn hoặc khó chịu tại dạ dày
3. Các nguyên nhân của suy tim?
Suy tim có thể gây ra bởi nhiều bệnh lý làm tổn thương cơ tim. Cụ thể:
- Bệnh lý mạch vành: bệnh lý về mạch máu cung cấp máu và oxy cho tim của bạn. Nếu xảy ra bệnh lý có nghĩa là máu cung cấp đến cơ tim ít hơn. Khi các mạch máu bị hẹp lại hoặc bị tắc nghẽn, tim của bạn sẽ thiếu oxy và dinh dưỡng, sẽ ảnh hưởng đến cơ tim co bóp
- Nhồi máu cơ tim: xảy ra khi mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, làm gián đoạn dòng máu nuôi đến cơ tim
- Bệnh lý cơ tim: gây tổn thương đến cơ tim. Nguyên nhân có thể là bệnh lý động mạch (cao huyết áp), dòng máu chảy, nhiễm trùng, rượu hoặc chất gây nghiện (thuốc lá, ma túy). Cũng có thể do các bệnh khác hoặc do vấn đề di truyền
- Bệnh tim bẩm sinh
- Đái tháo đường
- Rối loạn nhịp (rung nhĩ)
- Bệnh lý thận
- Béo phì
- Thuốc: một số thuốc trong điều trị ung thư (hóa trị) có thể gây ra suy tim.
4. Các giai đoạn của suy tim (phân độ của suy tim):
Phân độ suy tim theo chức năng của Hội Tim mạch New York (NYHA) được sử dụng dựa vào triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, Webmd