Đau ngực khi chơi thể thao ở người trẻ: Khi nào bạn nên quan tâm?

Vấn đề đau ngực khi chơi thể thao đang ngày càng phổ biến ở cả nhóm người trẻ lẫn cao tuổi. Đây là một triệu chứng phổ biến khi bạn tham gia vào hoạt động thể thao. Tuy nhiên, đây không phải lúc nào cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Thường thì đau ngực khi vận động có thể do những nguyên nhân không đáng lo ngại như cơ bị căng, thiếu nước hoặc hít thở không đúng cách. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khi đau ngực là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

1. Đau ngực là triệu chứng dễ dàng xảy ra ở mọi lứa tuổi

Bạn còn trẻ và có thể đang là một vận động viên, vậy tại sao bạn lại gặp tình trạng đau ngực? Chúng ta thường nghĩ rằng vấn đề về tim chỉ ảnh hưởng đến những người lớn tuổi và ít vận động, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy.

Vấn đề đau ngực khi chơi thể thao đang ngày càng phổ biến ở cả nhóm người trẻ lẫn cao tuổi
Vấn đề đau ngực khi chơi thể thao đang ngày càng phổ biến ở cả nhóm người trẻ lẫn cao tuổi

Mặc dù phần lớn trường hợp này là đúng, tuy nhiên, không ai có thể tránh khỏi vấn đề về tim, và nếu bỏ qua các triệu chứng, chúng có thể gây nhiều ảnh hưởng và trở nên nguy hiểm cho sức khỏe.

Đặc biệt, đau ngực thực sự phổ biến hơn ở các vận động viên so với những người ít vận động. May mắn thay, ở các vận động viên trẻ, đau ngực thường không phải là dấu hiệu của bệnh tim. Điều quan trọng là đánh giá y tế có thể giúp xác định nguyên nhân của đau ngực và loại bỏ mọi nghi ngờ.

2. Nguyên nhân phổ biến gây đau ngực khi chơi thể thao là gì?

Nếu các vấn đề về tim được loại trừ, việc xác định chính xác nguyên nhân gây đau ngực khi chơi thể thao có thể trở nên đơn giản hơn. Hãy cùng xem xét những nguyên nhân phổ biến gây đau ngực ở vận động viên trẻ và tìm hiểu về các biện pháp cần thực hiện khi cơn đau xảy ra.

2.1 Đau ngực có thể do chấn thương và viêm

Hoạt động thể thao có thể gây mệt mỏi và đôi khi tạo cảm giác đau ở ngực. Những vận động viên như võ sĩ quyền anh, cầu thủ bóng đá và vận động viên bóng vợt thường xuyên phải đối mặt với các cú đánh mạnh vào ngực, dẫn đến chấn thương như bầm tím hoặc gãy xương sườn, gây ra những cơn đau dữ dội.

Chấn thương ở khu vực ngực cũng có thể xuất hiện từ các động tác lặp lại và liên tục trong quá trình tập luyện cường độ cao, dẫn đến viêm sụn sườn - một tình trạng ảnh hưởng đến sụn nối giữa xương sườn và xương ức. Đây là một vấn đề phổ biến trong các môn thể thao như chèo thuyền, cử tạ, quần vợt và nhiều loại hình thể thao khác.

Ngoài ra, các vận động viên trẻ và trưởng thành đều có thể phải đối mặt với hội chứng Tietze, một dạng rối loạn viêm nhiễm ảnh hưởng đến sụn trong khu vực ngực. Còn với hiện tượng "đau sốc hông (xóc hông)", thường xuất hiện khi vận động viên bắt đầu một chương trình tập luyện mới, là do tình trạng co thắt cơ và không gây ra vấn đề nghiêm trọng.

Việc luyện tập cường độ cao cũng có thể gây ra các tình trạng đau ngực nhưng không phải từ bệnh tim mạch
Việc luyện tập cường độ cao cũng có thể gây ra các tình trạng đau ngực nhưng không phải từ bệnh tim mạch

Hội chứng bóp nghẹt trước tim là một hiện tượng không nguy hiểm, gây ra đau cục bộ khi thở sâu, thường thấy ở những người trẻ tuổi, mặc dù nguyên nhân vẫn chưa được hiểu rõ.

2.2 Dấu hiệu tăng nhịp tim, huyết áp và nhịp thở

Không ít các vận động viên trẻ trải qua tình trạng lo lắng, thậm chí là rối loạn hoảng sợ và trầm cảm. Những tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề như nhịp tim không đều hoặc huyết áp tăng đột ngột, cũng như tình trạng tăng thông khí, tất cả đều có thể góp phần gây đau ngực khi chơi thể thao.

Ngoài ra, các chất kích thích như caffeine, có mặt trong nhiều đồ uống tăng lực, cũng có thể khiến tim đập nhanh, tăng huyết áp và góp phần gây ra các vấn đề về tim.

2.3 Dấu hiệu nghi vấn có liên quan đến đau ngực khi chơi thể thao

Ở các vận động viên từ 35 tuổi trở lên, nguyên nhân gây đau ngực phổ biến nhất là do vấn đề về tim, đặc biệt là đau thắt ngực. Đau thắt ngực thường bắt nguồn từ việc giảm lưu lượng máu đến cơ tim do bệnh lý động mạch vành. Tình trạng này xuất hiện khi hoạt động thể thao đang diễn ra và giảm đi khi ngừng tập luyện.

Trong khi đó, ở các vận động viên trẻ, đau ngực liên quan chủ yếu đến các dị tật tim bẩm sinh. Điều này có thể bao gồm các vấn đề như:

  • Bệnh cơ tim phì đại, tình trạng cơ tim trở nên dày và phồng lên quá mức — một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra đột tử do tim ở các vận động viên trẻ.
  • Vị trí bất thường của động mạch vành.
  • Các vấn đề liên quan đến van tim bẩm sinh.

Tuy nhiên, không phải tất cả vấn đề về tim dẫn đến đau ngực đều xuất hiện ngay từ khi mới sinh. Một số tình trạng như viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim thường do virus gây ra và có thể trở nặng hơn khi tập luyện thể thao

3. Phải làm gì khi cơn đau ngực ập đến?

Nếu bạn trải qua cơn đau ngực khi chơi thể thao, hãy ngừng tập ngay lập tức và thông báo cho huấn luyện viên hoặc bác sĩ về tình trạng của bạn. Hãy nhận biết các dấu hiệu sau đây:

  • Dấu hiệu cần đến ngay phòng cấp cứu: Nếu cơn đau không có nguyên nhân rõ ràng và không giảm đi nhanh chóng kèm theo các triệu chứng như ngất xỉu, choáng váng, nhịp tim không đều hoặc nếu bạn có tiền sử gia đình mắc bệnh tim hay đột tử do tim, hãy xem xét đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
  • Dấu hiệu cần thăm khám với bác sĩ: Ngay cả khi cơn đau thuyên giảm, bạn nên hẹn gặp bác sĩ tim mạch thể thao để tiến hành đánh giá chi tiết.
Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng đau ngực khi chơi thể thao, hãy kiểm tra và hỏi ý kiến từ bác sĩ để chẩn đoán bệnh sớm nhất
Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng đau ngực khi chơi thể thao, hãy kiểm tra và hỏi ý kiến từ bác sĩ để chẩn đoán bệnh sớm nhất

Mặc dù vấn đề về tim chỉ chiếm khoảng 5% các trường hợp đau ngực ở vận động viên trẻ, nhưng đây là những triệu chứng quan trọng không nên bỏ qua. Dù bạn là vận động viên hay không, đau ngực luôn là điều đáng quan ngại và yêu cầu sự chăm sóc y tế kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan