Điều trị rối loạn nhịp tim bằng máy tạo nhịp hay máy khử rung tim?

Máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim là 2 thiết bị điều trị rối loạn nhịp tim, được sử dụng để giải quyết các tình trạng tim đập quá nhanh, quá chậm gây triệu chứng trên lâm sàng. Mặc dù cả hai đều có tác dụng điều hoà nhịp tim nhưng hai thiết bị này không hoàn toàn giống nhau, mỗi loại sẽ phù hợp với những trường hợp bệnh nhân khác nhau.

1. Máy tạo nhịp tim là gì?

Đó là một thiết bị nhỏ được đặt dưới da ở phần ngực trên của bệnh nhân. Máy tạo nhịp tim có khả năng kiểm soát nhịp đập của tim bằng cách tạo ra những xung điện nhỏ được truyền theo dây dẫn vào buồng tim giúp nhịp tim ổn định.

Máy tạo nhịp tim là một thiết bị hỗ trợ điều trị rối loạn nhịp tim
Máy tạo nhịp tim là một thiết bị hỗ trợ điều trị rối loạn nhịp tim

2. Máy khử rung tim là gì?

Giống như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim cấy ghép (ICD) là một thiết bị được đặt dưới da của bệnh nhân. Thiết bị này cũng có khả năng theo dõi và phát hiện bất thường nhịp tim của bệnh nhân đặc biệt là các rối loạn nhịp nhanh

Khác với máy tạo nhịp tim, khi phát hiện các rối loạn nhịp nhanh máy ICD sẽ kích thích tim để cắt cơn tim nhanh nếu không được sau đó sẽ tạo ra một cú sốc điện để nhịp tim trở lại bình thường.

3. Điều trị rối loạn nhịp tim bằng máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim

3.1 Sử dụng máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim để điều trị rối loạn nhịp tim trong những trường hợp nào?

Trường hợp nên sử dụng máy tạo nhịp tim

Những trường hợp bệnh nhân sau có thể sẽ được bác sĩ chỉ định cấy máy tạo nhịp tim:

● Tim đập quá chậm do bệnh lý đường dẫn truyền (suy nút xoang, block nhĩ thất, block nhiều phân nhánh) do bất kỳ nguyên nhân gì (thoái hóa, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, phẫu thuật, thủ thuật)gây triệu chứng. Trong trường hợp là các nguyên nhân cấp tính (nhối máu cơ tim, viêm cơ tim, phẫu thuật, thủ thuật) bệnh nhân sẽ được đánh giá và chỉ định cấy máy tạo nhịp tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy từng trường hợp

● Bệnh nhân có các rối loạn nhịp tim cần dùng thuốc kiểm soát rối loạn nhịp mà không có các biện pháp thay thế sẽ phải kết hợp dùng thuốc cùng cấy máy để giảm nguy cơ nhịp quá chậm khi dùng thuốc.

Trường hợp nên sử dụng máy khử rung tim

Máy khử rung tim được cấy để điều trị các rối loạn nhịp tim nhanh gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân thường là các rối loạn nhịp nhanh thất như:

- Suy tim phân suất tống máu giảm

- Các bệnh lý cơ tim (bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim loạn sản thất phải) hay bệnh lý kênh ion (hội chứng brugada, hội chứng QT dài) có gây các rối loạn nhịp thất nguy hiểm

3.2 Những rủi ro khi phẫu thuật cấy ghép

Trường hợp sử dụng máy tạo nhịp tim

Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng có thể có nguy cơ biến chứng. Với phẫu thuật đặt máy điều trị rối loạn nhịp tim, Các vấn đề khác có thể xảy ra bao gồm:

● Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh

● Chảy máu

Nhiễm trùng

● Tràn khí, tràn máu màng phổi

Trường hợp sử dụng máy khử rung tim

Khi phẫu thuật cấy ghép máy khử rung tim để điều trị rối loạn nhịp tim, bệnh nhân có thể có các vấn đề khác có thể xảy ra bao gồm:

● Chảy máu

● Tổn thương mạch máu, dây thần kinh hoặc tim.

● Nhiễm trùng

● Tràn khí tràn máu màng phổi

● Một số trường hợp, máy khử rung tim tạo ra những cú sốc điện khi không cần thiết. Tình huống này rất thấp ở các mạch khử rung ICD thế hệ mới. Nếu xảy ra tình trạng này, bác sĩ có thể lập trình lại thiết bị.

Trong một số trường hợp, máy khử rung tim có thể tạo ra những cú sốc điện không cần thiết
Trong một số trường hợp, máy khử rung tim có thể tạo ra những cú sốc điện không cần thiết

4. Những lưu ý khi sử dụng máy tạo nhịp tim và máy khử rung tim

4.1 Lưu ý khi sử dụng máy tạo nhịp tim

Bệnh nhân cần nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ để kiểm tra máy tạo nhịp tim sáu tháng một lần hoặc khi có bất thường Trong quá trình kiểm tra, họ sẽ đảm bảo:

● Pin hoạt động.

● Dây điện vẫn còn nguyên.

● Máy điều hòa nhịp tim đang giữ nhịp tim của bệnh nhân ổn định.

● Pin cần được thay thế sau khoảng thời gian từ 5 đến 15 năm và bệnh nhân cần phải thực hiện một cuộc phẫu thuật nhỏ.

Bệnh nhân cấy ghép máy tạo nhịp tim để điều trị rối loạn nhịp tim cần cẩn thận khi ở gần các thiết bị có từ trường mạnh. Chúng có thể làm rối loạn tín hiệu của máy tạo nhịp tim. Một số thiết bị bệnh nhân cần chú ý:

● Điện thoại di động và máy nghe nhạc MP3.

● Máy phát điện.

● Dây điện cao thế.

● Máy dò kim loại.

Một số thủ tục y tế cũng có thể gây ảnh hưởng đến máy tạo nhịp tim. Nếu bệnh nhân được chỉ định chụp MRI hoặc điều trị sỏi thận bằng sóng xung kích, hãy thông báo với bác sĩ bản thân đang cấy ghép máy tạo nhịp tim.

4.2 Lưu ý khi sử dụng máy khử rung tim

Bệnh nhân cần tránh lao động nặng và tập luyện các môn thể thao có thể tác động mạnh đến vùng cơ thể đang cấy ghép máy khử rung tim.

Bệnh nhân cấy ghép máy khử rung tim cần tránh tập luyện quá sức
Bệnh nhân cấy ghép máy khử rung tim cần tránh tập luyện quá sức

Bác sĩ sẽ kiểm tra máy khử rung tim 3 tháng một lần để đảm bảo thiết bị vẫn hoạt động tốt. Bệnh nhân cần giữ khoảng cách với từ trường có thể gây nhiễu cho thiết bị, bao gồm:

● Nhà máy điện

● Điện thoại di động (không đưa lên tai gần với thiết bị)

● Thiết bị kiểm soát tại cổng an ninh sân bay

Hãy tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ và thăm khám định kỳ để đảm bảo rằng bạn đang sử dụng đúng cách các thiết bị giúp điều trị rối loạn nhịp tim hiệu quả.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan