Điều trị rối loạn nhịp tim nhanh ở trẻ em

Rối loạn tim nhanh là một bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên việc chẩn đoán và nhận diện trẻ bị rối loạn nhịp tim lại không dễ dàng, thậm chí dễ bị nhầm với các bệnh lý khác.

1. Tình trạng rối loạn nhịp tim nhanh ở trẻ em

Rối loạn nhịp tim nhanh là tình trạng trái tim đập quá 100 nhịp/ phút do nhiều yếu tố. Đôi khi là rối loạn nhịp tim sinh lý xảy ra khi tập thể dục, trải qua các tình huống đẩy cảm xúc lên cao như: lo lắng, căng thẳng, sợ hãi hoặc phấn khích.

Bên cạnh đó cũng có những dạng rối loạn nhịp tim do bệnh lý, chủ yếu do các trục trặc trong hệ thống điện tim. Thông thường các tín hiệu điện tim sẽ chạy từ các buồng tim trên (tâm nhĩ) xuống các buồng tim dưới (tâm thất) và kích hoạt nhịp tim hoạt động đều đặn, nhịp nhàng. Tuy nhiên nếu đoạn tín hiệu điện tim bị lỗi tại tâm nhĩ, trẻ sẽ được xếp vào dạng mắc rối loạn nhịp tim nhanh trên thất. Trong một số trường hợp dạng tim nhanh này có thể gây nguy hiểm nên việc xác định chính xác dạng rối loạn nhịp tim ở trẻ em sẽ giúp tìm ra hướng điều trị phù hợp, giảm thiểu nguy cơ rủi ro.

2. Chẩn đoán rối loạn nhịp tim nhanh?

Trẻ bị rối loạn nhịp tim thường có một hoặc vài triệu chứng như: đánh trống ngực, tim đập nhanh, khó thở, tức ngực, hoa mắt chóng mặt hoặc thậm chí ngất xỉu. Với trẻ nhỏ hay trẻ đang bú mẹ thì khó phát hiện hơn, chỉ có thể nhận diện thông qua biểu hiện trẻ bỏ bú, bú kém, hay quấy khóc, vã mồ hôi, thở nhanh, tim đập nhanh da tái và lạnh. Khi hết cơn, trẻ sẽ khôi phục trở lại trạng thái bình thường.

Để chẩn đoán trẻ bị rối loạn nhịp tim, các bác sĩ sẽ phải đánh giá kỹ lưỡng mới khẳng định được loại rối loạn và mức độ nguy hiểm. Theo đó, bác sĩ có thể yêu cầu gia đình chia sẻ lịch sử y tế, chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm, đánh giá như:

  • Đánh giá sức khỏe tim mạch tổng thể: Những trẻ có hệ thống tim mạch hoạt động ổn định, khỏe mạnh sẽ ít có nguy cơ gặp phải dạng rối loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm.
  • Đo điện tim (điện tâm đồ) trong lúc trẻ lên cơn tim nhanh lẫn khi tim đập bình thường. Chỉ số điện tâm đồ ghi được trong lúc tim nhanh có thể chẩn đoán chính xác được hầu hết các loại rối loạn tim nhanh.
  • Quan sát các triệu chứng như: đánh trống ngực, mệt mỏi, khó thở, chóng mặt... bởi chúng thường cảnh báo các dạng rối loạn nhịp tim nhanh nguy hiểm. Nếu con gái bạn chỉ bị nhịp tim nhanh nhưng không đi kèm với các triệu chứng trên thì cũng không cần quá lo lắng.
Trẻ bị rối loạn nhịp tim có thể được chẩn đoán bằng điện tâm đồ
Trẻ bị rối loạn nhịp tim có thể được chẩn đoán bằng điện tâm đồ

3. Các hướng điều trị rối loạn nhịp tim ở trẻ em

Cách thức điều trị rối loạn nhịp tim ở trẻ em còn tùy thuộc vào mức độ khó chịu mà các triệu chứng gây ra. Nếu các cơn rối loạn không khiến trẻ bị khó chịu (ví dụ như số lần tái phát chỉ vài lần/năm, mỗi lần chỉ kéo dài khoảng 1,2 phút...) thì việc điều trị là chưa cần thiết.

Tuy nhiên nếu trẻ bị rối loạn nhịp tim kéo dài, gây lo lắng, mệt mỏi thì việc điều trị có thể được cân nhắc. Bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ dùng các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn tạm thời và dự phòng tái phát. Tuy nhiên việc dùng thuốc này cũng có nhiều hạn chế như:

  • Không điều trị được bệnh triệt để;
  • Phải dùng thuốc hàng ngày và kéo dài;
  • Tác dụng còn hạn chế (hiện tượng kháng thuốc);
  • Tác dụng phụ của thuốc;
  • Chi phí đi lại, lưu trú và thăm khám nhiều lần.

Một số gia đình có bệnh nhi đã lớn có thể sẽ cân nhắc đến hướng điều trị chuyên sâu hơn, đó là đốt điện sóng cao tần. Phương pháp này được áp dụng cho hầu hết các loại rối loạn nhịp tim nhanh và có những ưu điểm sau:

  • Điều trị triệt để và chống tái phát cơn;
  • Tỷ lệ thành công cao (95-98%);
  • An toàn, ít tai biến và biến chứng do kỹ thuật;
  • Tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị hơn so với dùng thuốc.

Đây cũng là phương pháp thay thế cho hình thức phẫu thuật để điều trị loạn nhịp trước đây. Bên cạnh những ưu điểm, điều trị rối loạn nhịp tim bằng cách đốt triệt với sóng radio cao tần cũng là một kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao vì trẻ em có kích thước giải phẫu hệ tim mạch nhỏ. Rối loạn nhịp lại thường xảy ra ở những trẻ bị dị tật tim bẩm sinh, có cấu trúc tim sai lệch nên cần độ chính xác tuyệt đối để tránh gây ra những biến chứng nghiêm trọng như tắc mạch, chảy máu, tràn khí màng phổi, tràn máu màng tim...

Điều trị rối loạn nhịp tim ở trẻ em bằng cách đốt triệt với sóng radio cao tần
Điều trị rối loạn nhịp tim ở trẻ em bằng cách đốt triệt với sóng radio cao tần

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan