Giai đoạn suy tim theo ACC/AHA

Giai đoạn suy tim theo ACC/AHA là một trong những hệ thống phân độ suy tim được các bác sĩ sử dụng nhiều nhất, theo đó suy tim có 4 giai đoạn: A, B, C, D. Mục tiêu của điều trị suy tim chính là ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình suy tim diễn tiến lên giai đoạn tiếp theo trong hệ thống phân độ này.

1. Suy tim là gì?

Suy tim là một tình trạng mạn tính, trong đó trái tim không thể bơm máu đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể trong thời gian dài. Trái tim vẫn hoạt động, nhưng nó không thể cung cấp đủ lượng máu cần thiết cho các cơ quan, và máu sẽ bị tích tụ ở các phần khác của cơ thể. Thường, máu tích tụ nhiều nhất ở phổi, chân và bàn chân. Suy tim thường phổ biến ở người cao tuổi nhưng vẫn có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi.

Các bệnh tim như bệnh động mạch vành, huyết áp cao, bệnh van tim, và bệnh tim bẩm sinh đều là những yếu tố làm suy giảm khả năng hoạt động của tim, từ từ làm cho tim trở nên yếu hơn hoặc kém giãn nở hơn. Điều này dẫn đến khả năng cung cấp máu đến các cơ quan trong cơ thể không được đảm bảo, đồng thời tăng nguy cơ đe dọa tính mạng của người bệnh.

2. Các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA

Theo Đại học Tim mạch Hoa Kỳ (American College of Cardiology)/ Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (American Heart Association) - ACC/AHA, có bốn giai đoạn suy tim (Giai đoạn A, B, C và D), được sắp xếp theo thứ tự từ có nguy cơ cao phát triển suy tim đến suy tim nặng.

Các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA bao gồm giai đoạn A, B, C, D
Các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA bao gồm giai đoạn A, B, C, D

Giai đoạn A

Giai đoạn suy tim theo acc/aha - giai đoạn A (trước khi xuất hiện suy tim) có nghĩa là bạn có nguy cơ cao phát triển suy tim do có tiền sử gia đình mắc bệnh suy tim hoặc bạn đang mắc phải một hoặc nhiều các tình trạng, bệnh lý sau:

  • Huyết áp cao.
  • Tiểu đường.
  • Bệnh động mạch vành.
  • Hội chứng chuyển hóa.
  • Lạm dụng rượu.
  • Tiền sử sốt thấp khớp.
  • Tiền sử gia đình có trường hợp mắc bệnh cơ tim.
  • Từng sử dụng thuốc có thể làm tổn thương cơ tim (như một số loại thuốc được dùng trong quá trình điều trị ung thư)

Giai đoạn B

Giai đoạn suy tim theo acc/aha - giai đoạn B (trước khi xuất hiện suy tim): thất trái của bạn không hoạt động hiệu quả và có cấu trúc bất thường hoặc một trong hai tình trạng trên, nhưng bạn chưa từng có triệu chứng của suy tim.

Giai đoạn C

Những người ở Giai đoạn C của suy tim đã được chẩn đoán là đang mắc bệnh suy tim, hiện đang có hoặc đã từng có các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh:

● Hụt hơi

Đau thắt ngực

● Mệt mỏi, kiệt sức

● Ho khan

● Khó thở

● Sưng bàn chân, cẳng chân, mắt cá chân,và bụng

Giai đoạn D và suy tim giảm phân suất tống máu

Giai đoạn D HFrEF (suy tim giảm phân suất tống máu) là giai đoạn cuối cùng của suy tim, có mức độ nặng nhất trong các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA. Trong đó bệnh nhân có tình trạng bệnh lý tim mạch nền nặng kèm theo triệu chứng suy tim không phản ứng tốt hoặc không phản ứng đáng kể với các phương pháp điều trị thông thường.

Để giải quyết tình trạng này, cần có sự can thiệp đặc biệt như sử dụng thuốc điều chỉnh nhịp tim, thuốc tăng cường co bóp cơ tim, thiết bị tái đồng bộ cơ tim, cũng như việc đặt các thiết bị hỗ trợ thất hoặc thực hiện ghép tim.

Giai đoạn D là giai đoạn nặng nhất theo phân độ giai đoạn suy tim ACC/AHA
Giai đoạn D là giai đoạn nặng nhất theo phân độ giai đoạn suy tim ACC/AHA

3. Các phương pháp chẩn đoán suy tim

Các xét nghiệm thông thường để xác định suy tim, giai đoạn suy tim và nguyên nhân của nó, bao gồm: Xét nghiệm máu, X-quang ngực, Siêu âm tim, MRI tim (hình ảnh từ trường hạt nhân), CT tim mạch, Điện tâm đồ và điện tâm đồ gắng sức...

4. Điều trị từng giai đoạn suy tim theo ACC/AHA

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ suy tim người bệnh đang mắc phải mắc phải và nguyên nhân gây ra bệnh suy tim.

Điều trị bằng thuốc và các thay đổi về lối sống cũng nằm trong kế hoạch điều trị suy tim. Bác sĩ sẽ thảo luận với bệnh nhân để đưa ra chỉ định điều trị tốt nhất.

Khi suy tim trở nên nặng hơn, cơ tim sẽ bơm máu đến các cơ quan ít hơn, và bệnh nhân tiến triển vào giai đoạn tiếp theo trong phân độ giai đoạn suy tim theo ACC/AHA.

Mục tiêu của điều trị là giữ cho bệnh nhân không tiến triển qua các giai đoạn tiếp theo hoặc làm chậm sự tiến triển của suy tim.

4.1 Điều trị giai đoạn A

Phương pháp điều trị thông thường cho những người ở giai đoạn A suy tim bao gồm:

● Thực hiện thường xuyên hoạt động thể dục, tăng cường vận động và thực hiện đi bộ hàng ngày.

● Ngừng hút thuốc lá.

● Điều trị huyết áp cao thông qua việc sử dụng thuốc, duy trì chế độ ăn ít mặn, và thực hiện lối sống tích cực.

● Điều trị cholesterol cao.

● Tránh sử dụng rượu và các loại thuốc kích thích.

● Sử dụng thuốc ức chế men chuyển (ACE-I) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) trong trường hợp người bệnh mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, các bệnh lý mạch vành hoặc các vấn đề tim mạch khác.

● Sử dụng thuốc chẹn beta nếu người bệnh mắc huyết áp cao hoặc nhịp tim nhanh.

4.2 Điều trị giai đoạn B

Người bệnh suy tim giai đoạn B sẽ được thực hiện các biện pháp điều trị sau:

● Áp dụng các biện pháp điều trị được liệt kê trong giai đoạn A.

● Sử dụng thuốc ức chế men chuyển (ACE-I) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) (nếu người bệnh chưa từng sử dụng trước đó).

● Sử dụng thuốc chẹn beta trong trường suy tim phân suất tống máu (EF) giảm <=40%, và người bệnh có tiền sử từng bị nhồi máu cơ tim.

● Sử dụng thuốc đối kháng Aldosterone nếu suy tim phân suất tống máu giảm <=40%.

● Cân nhắc phẫu thuật hoặc can thiệp động mạch vành để điều trị tắc nghẽn động mạch vành.

● Xem xét phẫu thuật sửa hoặc thay van tim nếu có bệnh van tim nặng.

● Xem xét mổ mở hoặc mổ nội soi hoặc can thiệp sửa chữa các tật tim bẩm sinh.

4.3 Điều trị giai đoạn C

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các phương pháp điều trị trong giai đoạn này, bao gồm:

● Áp dụng các phương pháp điều trị được liệt kê tại giai đoạn A và B.

● Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp (nếu người bệnh bị huyết áp cao).

● Ưu tiên sử dụng thuốc ARNI (Sacubitril + valsartan), nhóm ức chế thụ thể SGLT-2 (Empagliflozin và Dapagliflozin), ức chế men chuyển (ACE-I), kháng Aldosteron, chẹn beta,đây là các nhóm thuốc quan trọng trong điều trị suy tim.

● Trong trường hợp người bệnh gặp khó thở, bị sung huyết phổi hoặc có dư thể tích tuần hoàn, cần ưu tiên tăng liều thuốc lợi tiểu quai furosemide.

● Kết hợp sử dụng hydralazine và thuốc nitrat nếu các biện pháp điều trị khác không làm giảm được các triệu chứng.

● Hạn chế lượng muối trong bữa ăn hằng ngày.

● Thực hiện theo dõi cân nặng hàng ngày.

● Áp dụng liệu pháp tái đồng bộ tim (CRT).

● Xem xét cấy máy phá rung tự động (ICD).

Khi các triệu chứng giảm hoặc chấm dứt, người bệnh vẫn phải điều trị tiếp tục để làm chậm/ ngăn chặn quá trình tiến triển suy tim sang giai đoạn D.

4.4 Điều trị giai đoạn D

Đối với những người mắc suy tim giai đoạn D, phương pháp điều trị bao gồm những biện pháp được áp dụng trong các giai đoạn A, B và C. Ngoài ra, sẽ bao gồm các phương pháp điều trị tiên tiến hơn:

● Cấy ghép tim.

● Thiết bị hỗ trợ thất trái (ECMO, IABP, LVAD).

● Phẫu thuật tim.

● Truyền liên tục các loại thuốc tăng cường co bóp cơ tim và thuốc vận mạch.

4.5 Điều trị giai đoạn C và D, suy tim phân suất tống máu bảo tồn

Phương pháp điều trị cho những người mắc suy tim giai đoạn C, D và suy tim phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF) bao gồm:

● Các phương pháp điều trị được áp dụng trong các giai đoạn A và B.

● Sử dụng thuốc để điều trị các tình trạng có thể gây ra suy tim hoặc làm tăng nguy cơ, như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, bệnh động mạch vành, bệnh mãn tính về phổi, cholesterol cao và bệnh thận.

● Thuốc lợi tiểu để làm giảm các triệu chứng.

Kiểm soát các tình trạng sức khỏe khác của bệnh nhân, chẳng hạn như:

● Bệnh tiểu đường.

● Bệnh thận.

● Thiếu máu.

● Tăng huyết áp.

● Bệnh tuyến giáp.

● Hen suyễn.

● Bệnh phổi mãn tính.

Nếu xuất hiện các triệu chứng mới hoặc tình trạng trở nên trầm trọng hơn, hãy báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức.

4.6 Các biến chứng của quá trình điều trị suy tim

Quá trình điều trị suy tim có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm sau, cần đặc biệt lưu ý để nhờ đến sự can thiệp kịp thời của bác sĩ:

● Huyết áp thấp

● Suy thận

● Nhiễm trùng

5. Cách sống chung hiệu quả với các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA

Với sự điều trị và chăm sóc phù hợp, suy tim sẽ không ảnh hưởng đến việc bệnh nhân thực hiện những điều họ yêu thích. Tình trạng bệnh trong tương lai của bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào các yếu tố:

● Phân suất tống máu của tim của bạn.

● Các triệu chứng của bạn.

● Đáp ứng của cơ thể bạn đối với liệu pháp điều trị.

● Cách bạn tuân thủ kế hoạch điều trị của mình.

Suy tim sống được bao lâu cũng là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Một nghiên cứu cho biết rằng những người mắc suy tim có tuổi thọ ít hơn 10 năm so với những người không mắc bệnh này. Nghiên cứu khác chỉ ra rằng tỉ lệ sống sót của những người mắc suy tim mạn tính là:

● 80% đến 90% sau một năm.

● 50% đến 60% sau năm thứ năm.

● 30% sau 10 năm.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng tuổi thọ của người suy tim có thể kéo dài từ 3 đến 20 năm phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tuổi tác và giới tính và tình hình cụ thể của bệnh nhân tại thời điểm bắt đầu điều trị

Suy tim là một bệnh hầu như không thể điều trị khỏi và bệnh nhân cần phải điều trị suốt đời. Tuân thủ những điều sau để có thể sống chung với bệnh suy tim một cách hiệu quả:

● Tuân thủ đúng liều lượng thuốc của bạn.

● Hoạt động thể chất phù hợp.

● Tuân thủ chế độ ăn ít muối.

● Theo dõi và thông báo các triệu chứng mới hoặc các triệu chứng nặng hơn đến bác sĩ điều trị chẳng hạn như: khó thở khi nằm, phù chân hoặc chướng bụng, tăng cân đột ngột, mệt mỏi liên tục.

● Tuân thủ lịch tái khám định kỳ của bác sĩ.

● Điều trị cấp cứu khi tình trạng suy tim trở nặng bất ngờ (suy tim cấp tính) để được bác sĩ cung cấp thuốc và oxy nhằm cải thiện ngay lập tức tình trạng bệnh.

Tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ là cách để ngăn chặn suy tim tiến triển lên giai đoạn tiếp theo
Tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ là cách để ngăn chặn suy tim tiến triển lên giai đoạn tiếp theo

6. Phòng ngừa suy tim tiến triển

Mặc dù không thể kiểm soát một số yếu tố nguy cơ như tuổi tác, tiền sử gia đình hoặc chủng tộc nhưng mỗi cá nhân vẫn có thể điều chỉnh lối sống hằng ngày để phòng ngừa suy tim. Các biện pháp phòng ngừa suy tim tiến triển bao gồm:

● Giữ cân nặng ổn định.

● Áp dụng chế độ ăn lành mạnh cho sức khỏe tim mạch.

● Thực hiện thường xuyên hoạt động thể chất.

● Quản lý căng thẳng một cách hiệu quả.

● Ngừng sử dụng thuốc lá, rượu và các chất kích thích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

58 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan