LAD là gì trong tim mạch?

Bệnh mạch vành ngày càng trở nên phổ biến, làm tăng thêm tỷ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch gây ra. Người có nguy cơ mắc căn bệnh này sẽ được chỉ định chụp và có ký hiệu LAD trong tờ kết quả. Vậy LAD là gì và có vai trò như thế nào?

1. LAD là gì trong tim mạch ?

Động mạch vành là động mạch thực hiện chức năng cung cấp dưỡng chất và oxy nuôi dưỡng cho tim, bao gồm động mạch vành trái và động mạch vành phải. Chúng chạy dọc trên bề mặt tim và cấp máu đến các tế bào bằng cách chia thành nhiều nhánh nhỏ để vào cơ tim.

Động mạch vành phải (RCA) bắt đầu ở xoang Valsava phải đi dọc ra phía trước và sang bên phải theo rãnh nhĩ thất, sau đó phân ra các nhánh lớn để cung cấp máu cho phần tim bên phải và bộ phận phát nhịp cho tim là nút xoang.

Trong khi đó, động mạch vành trái bắt đầu từ thân chung chia thành hai nhánh chính gồm nhánh liên thất trước (LAD) lớn hơn và nhánh mũ (LCX) nhỏ hơn. Vậy LAD là động mạch liên thất trước, hay nhánh liên thất trước của động mạch vành trái, một trong hai động mạch cấp máu nuôi tim.

Nhánh động mạch liên thất trước hay động mạch vành xuống trước trái (LAD) chạy trong rãnh liên thất trước, có thể chạy dài đến và bao quanh mỏm tim. Sau khi chạy bao quanh mõm, phần phía sau tim của động mạch liên thất trước sẽ đi trong rãnh liên thất sau và nối thông với động mạch liên thất sau, các nhánh của động mạch vành phải. Động mạch liên thất trước cấp máu cho 2/3 trước và phần trong mỏm của vách liên thất thông qua các nhánh xuyên vách.

Bên cạnh các nhánh vách, LAD cũng có các nhánh lớn hướng đi chéo ra ngoài dọc theo thành tự do của thất trái được gọi là các nhánh chéo. Thông thường sẽ có 2 nhánh chéo chính, bên cạnh nhiều mạch máu chéo nhỏ hơn cũng được ghi nhận. LAD có cũng các nhánh nhỏ khác đóng vai trò hình thành mạng thông nối với các nhánh tương tự xuất phát từ động mạch vành phải (RCA). Nhánh liên thất trước thường tận cùng ở vùng mỏm tim.

2. Bệnh động mạch vành là gì ?

Bệnh động mạch vành hay còn gọi là bệnh mạch vành với là những tổn thương hẹp hoặc tắc lòng mạch chủ yếu do xơ vữa động mạch vành. Đây là căn bệnh phổ biến trên toàn thế giới và ngày càng thường gặp hơn ở nước ta. Tình trạng xơ vữa động mạch vành có thể bắt đầu ngay từ khi còn trẻ và duy trì tình trạng không triệu chứng hàng chục năm. Và huyết khối xơ vữa động mạch vành là yếu tố làm sự chuyển dịch từ không sang có triệu chứng tắc nghẽn gây thiếu máu cơ tim cục bộ. Hậu quả của tình trạng tắc hẹp này làm mất cân bằng giữa khả năng cung cấp oxy của hệ thống mạch vành và nhu cầu của cơ tim.

Trong thực hành lâm sàng, khi có cả triệu chứng của người bệnh và kết quả cận lâm sàng điển hình thì việc chẩn đoán sẽ dễ dàng. Để chẩn đoán bệnh mạch vành hiện nay tiêu chuẩn vàng là sử dụng phương pháp chụp động mạch vành. Trong trường hợp triệu chứng lâm sàng không rõ ràng và hình ảnh tổn thương trên chụp mạch vành không được bộc lộ rõ thì việc chẩn đoán tổn thương hẹp có ý nghĩa hay không hoặc có nguy cơ biến chứng cao hay không sẽ cần phải sử dụng thêm những công cụ hỗ trợ thích hợp khác.

3. Ảnh hưởng của bệnh mạch vành đối với cơ thể

Động mạch vành có vai trò vô cùng quan trọng, vì cung cấp oxy và dinh dưỡng cho cơ tim tồn tại và hoạt động. Nếu tổn thương xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên hai động mạch này đều sẽ gây ra ảnh hưởng cơ tim. Khi cơ tim bị suy giảm nguồn cấp máu sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim. Diễn tiến tiếp theo là các cơ quan khác trong cơ thể vì tim là cơ quan chịu trách nhiệm bơm máu đi nuôi tất cả các cơ quan khác.

Ngoài ra, bệnh lý động mạch vành xuất phát từ nguyên nhân chính là xơ vữa mạch máu. Các mảng xơ vữa này tồn tại trong thành mạch nếu bị nứt vỡ ra sẽ hình thành huyết khối hay các cục máu đông và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác như tắc mạch chi, tai biến mạch máu não, huyết khối tĩnh mạch,....

4. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành và triệu chứng của bệnh

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch gây ra bệnh động mạch vành bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Rối loạn lipid máu
  • Tăng đường huyết
  • Lối sống thụ động
  • Thừa cân, béo phì
  • Tăng huyết áp
  • Chế độ ăn thiếu lành mạnh: quá mặn, quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ
  • Tiền sử gia đình hoặc người thân bị bệnh động mạch vành

Triệu chứng của bệnh động mạch vành sẽ phụ thuộc vào mức độ hẹp hoặc tắc hoàn toàn lòng mạch. Triệu chứng quan trọng nhất là cơn đau thắt ngực từ nhẹ đến dữ dội và kèm các triệu chứng khác.

Hẹp hoặc tắc động mạch vành hẹp có thể biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau gồm cơn đau thắt ngực ổn định, nhồi máu cơ tim có khoảng ST không chênh lên hoặc nhồi máu cơ tim có khoảng ST chênh lên. Nếu nguồn máu nuôi này bị tắc hoàn toàn, cơ tim sẽ tổn thương không hồi phục nếu không được cấp cứu tái thông kịp thời.

Bệnh nhân bệnh động mạch vành có thể gặp các triệu chứng bao gồm:

  • Cơn đau thắt ngực với tính chất đè nén, bóp nghẹt, nặng giữa ngực. Đau có thể lan lên cổ, vai, cánh tay và đến tận các ngón 4,5
  • Tùy vào mức độ tắc hẹp mà cơn đau có thể nhẹ và thoáng qua hoặc rất dữ dội và không đỡ cho đến khi được tái thông
  • Cơn đau kèm theo triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đuối sức

5. Làm sao để chẩn đoán bệnh động mạch vành?

Để chẩn đoán bệnh động mạch vành, trước hết bác sĩ sẽ cần phải hỏi các triệu chứng bất thường và thực hiện việc khám xét kỹ lưỡng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cần thiết nếu nghi ngờ đến bệnh động mạch vành bao gồm:

  • Điện tâm đồ: Các đầu cảm nhận hoạt động điện sẽ giúp phát hiện các bất thường về nhịp tim hoặc các tổn thương cơ tim nếu có.
  • Điện tâm đồ gắng sức: Người bệnh sẽ được đo điện tim trong khi thực hiện một hành động gắng sức như chạy bộ trên máy hoặc sử dụng một loại thuốc đặc biệt có khả năng làm gắng sức cơ tim trong khi người bệnh đang nghỉ. Các nghiệm pháp gắng sức này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh động mạch vành và tìm ra ngưỡng gắng sức an toàn của người bệnh.
  • Siêu âm tim: có vai trò đánh giá tình trạng vận động của các thành tim, phân suất tống máu của tim – những yếu tố sẽ bị ảnh hưởng nếu cơ tim bị tổn thương
  • Chụp mạch vành: Đây là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh động mạch vành. Bác sĩ sẽ sử dụng một sợi dây luồn vào động mạch ngoại biên để đi đến động mạch vành và bơm thuốc cản quang để ghi lại hình ảnh và quá trình lưu thông máu qua hệ động mạch vành. Kết quả sẽ giúp chỉ ra các vị trí hẹp, tắc hoặc những bất thường khác của động mạch vành.
  • Xạ hình tim: Phương pháp truyền thuốc gắn đồng vị phóng xạ vào người sau đó sử dụng một máy chụp đặc biệt để ghi lại mức độ bắt thuốc những đồng vị này của cơ tim.

6. Điều trị bệnh động mạch vành

Điều trị bệnh động mạch vành không chỉ là sử dụng thuốc hay các can thiệp y tế và còn bao gồm cả việc hạn chế các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được dẫn đến bệnh động mạch vành.

6.1 Thay đổi lối sống

Các việc cần làm để hạn chế xơ vữa, giảm nguy cơ bệnh mạch vành là:

  • Bỏ thuốc lá
  • Giảm cân
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
  • Sống năng động, tập thể dục đều đặn
  • Giảm hàm lượng mỡ máu
  • Giảm tiêu thụ muối
  • Kiểm soát huyết áp và chỉ số đường huyết cơ thể ...

6.2 Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa bệnh nhân bệnh mạch vành phụ thuộc vào triệu chứng, tình trạng hoạt động của tim và các rối loạn khác, bao gồm:

  • Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu: ngăn ngừa sự hình thành huyết khối
  • Statin: điều chỉnh rối loạn lipid máu, giảm nồng độ cholesterol- LDL
  • Thuốc chẹn beta: giảm các triệu chứng đau ngực
  • Nitrate: làm giãn động mạch vành, làm giảm hoạt động của tim và giảm đau thắt ngực nhanh chóng. Tuy nhiên, nitrate lại không giúp làm giảm tỷ lệ tử vong.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: phối hợp với thuốc chẹn beta để kiểm soát huyết áp và cơn đau thắt ngực.

Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu và statin mang lại cải thiện kết quả điều trị ngắn hạn và kết cục dài hạn, giúp ổn định mảng xơ vữa và chức năng nội mô.

Thuốc chẹn beta làm giảm nhịp tim và giảm nhu cầu oxy của cơ tim nên giúp giảm nhẹ các triệu chứng đau thắt ngực. Sử dụng thuốc chẹn beta cũng giúp cải thiện tỷ lệ tử vong sau nhồi máu.

6.3 Can thiệp tim mạch

  • Can thiệp động mạch vành qua da (PCI): đây là thủ thuật can thiệp phổ biến và chụp mạch vành qua da có vai trò chẩn đoán trong bệnh động mạch vành. Một số phương pháp thường được sử dụng để điều trị vị trí hẹp, tắc, tái lưu thông động mạch vành là:
  • Nong bóng: Sau khi chụp mạch vành, bác sĩ sẽ bơm một loại bóng nhỏ đặc biệt tại chỗ hẹp hoặc tắc trong lòng mạch vành để mở thông vị trí này. Ưu điểm của phương pháp này là nhanh chóng tái lưu thông mạch, tiết kiệm hơn đặt stent nhưng nhược điểm là tỷ lệ tái hẹp cao hơn.
  • Đặt stent động mạch vành: cũng là phương pháp tái thông đoạn hẹp, tắc được thực hiện trong quá trình chụp mạch vành. Một cuộn kim loại nhỏ gọi là stent sẽ được đưa đến chỗ hẹp mạch vành và bung ra để làm rộng lòng mạch. Stent làm bằng kim loại sẽ được lưu lại trong lòng mạch vành nên sẽ không bị tình trạng tái hẹp. Stent được đặt vào có 2 loại là phủ thuốc hoặc không phủ thuốc. Stent phủ thuốc sẽ giải phóng một loại chất chống tăng sinh trong vài tuần đầu sau đặt và giúp giảm tỷ lệ tái hẹp.
  • Khoan cắt: mảng xơ vữa tồn tại trong lòng mạch vành sẽ được cắt bỏ để giảm nguy cơ tắc hẹp động mạch vành.
  • Phẫu thuật bắt cầu động mạch vành (CABG): Đây là một phẫu thuật phức tạp và chỉ dùng trong các trường hợp đoạn tắc nặng và nhiều vị trí mà không thể thực hiện nong bóng hay đặt stent được. Một đoạn mạch thường được lấy từ tĩnh mạch hiển ở chi dưới sẽ được sử dụng để nối mạch máu, thay thế cho đoạn động mạch vành bị tắc cung cấp máu cho cơ tim.

Như vậy, LAD là viết tắc của động mạch liên thất trước hay nhánh liên thất trước của động mạch vành trái, một trong hai động mạch cấp máu nuôi tim. Tổn thương ở bất kỳ vị trí nào trên động mạch liên thất trước hoặc động mạch vành đều sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cấp máu cho cơ tim. Khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở tim mạch, bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan