Người mắc bệnh cơ tim giãn sống được bao lâu?

Bệnh cơ tim giãn là 1 bệnh lý tim mạch khá thường gặp trên lâm sàng và là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh suy tim. Vậy bệnh cơ tim giãn có nguy hiểm không và việc chẩn đoán, điều trị bệnh lý này như thế nào để hạn chế những biến chứng và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân?

1. Bệnh cơ tim giãn là gì?

1.1 Định nghĩa

Bệnh cơ tim giãn (Dilated Cardiomyopathy - DCM) là 1 bệnh cơ tim đặc trưng bởi sự mở rộng và giãn nở của 1 hoặc cả 2 tâm thất với độ dày thành thất trái bình thường, cùng với sự suy giảm khả năng co bóp được định nghĩa là phân suất tống máu thất trái (LVEF) dưới 40%.

Theo định nghĩa, bệnh nhân bị rối loạn chức năng tâm thu và có thể có hoặc không có các triệu chứng rõ ràng của suy tim. Bệnh lý này có thể được phân loại là bệnh cơ tim giãn nguyên phát hoặc thứ phát. Bệnh cơ tim giãn nguyên phát được coi là vô căn và chẩn đoán chỉ có thể được thực hiện sau khi loại trừ các nguyên nhân thứ phát.

1.2. Dịch tễ học

  • Ước tính vào khoảng 1 trên 2.500 dân.
  • Sự di truyền gen phát sinh ở 35% bệnh nhân.
  • Bệnh cơ tim giãn thường xảy ra ở người lớn từ 20-60 tuổi, nhưng trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng.
  • Thường gặp ở nam hơn nữ.
  • Một số kiểu gen xảy ra ở người Mỹ gốc Phi thường xuyên hơn ở người da trắng.

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh cơ tim giãn

  • Tiền sử gia đình có bệnh cơ tim giãn, suy tim hoặc ngừng tim đột ngột.
  • Viêm cơ tim do rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ hệ thống và viêm khớp dạng thấp...
  • Bệnh lý rối loạn thần kinh cơ, ví dụ như chứng loạn dưỡng cơ.
  • Một số bệnh nhiễm trùng
  • Các biến chứng của ba tháng cuối thai kỳ.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Bệnh huyết sắc tố.
  • Các vấn đề về nhịp tim như loạn nhịp tim.
  • Tăng huyết áp.
  • Béo phì.
  • Bệnh van tim, chẳng hạn như hở van hai lá hoặc hở van động mạch chủ.
  • Lạm dụng rượu bia.
  • Tiếp xúc với các chất độc, chẳng hạn như chì, thủy ngân và coban.
  • Sử dụng một số thuốc điều trị ung thư.
  • Sử dụng ma túy bất hợp pháp như Amphetamine hoặc Cocaine.

3. Chẩn đoán

3.1. Triệu chứng lâm sàng

  • Mệt mỏi.
  • Khó thở, hụt hơi khi hoạt động hoặc có khi nằm nghỉ ngơi.
  • Giảm khả năng sinh hoạt.
  • Sưng phù ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng, tăng cân, tăng vòng bụng.
  • Tĩnh mạch cổ nổi.
  • Chóng mặt, ngất xỉu.
  • Đau hoặc khó chịu ở ngực.
  • Nhịp tim nhanh và đánh trống ngực.

2.2. Cận lâm sàng

  • X - quang phổi: Bóng tim to, phù phổi.
  • Điện tâm đồ: Có thể chỉ cho thấy nhịp nhanh xoang hoặc chậm, block nhánh trái, hoặc thay đổi sóng ST và T.
  • Siêu âm tim: Sự giãn nở rõ rệt của khoang thất trái và giảm chức năng tâm thu và tâm trương. Cũng có thể có biểu hiện trào ngược van hai lá, trào ngược van ba lá.
  • Peptide lợi niệu loại B (BNP): Có thể được sử dụng trên lâm sàng trong chẩn đoán, quản lý và tiên lượng bệnh nhân, đặc biệt là những người bị suy tim.
  • Chụp động mạch vành: Thường cho thấy mạch bình thường.
  • Sinh thiết nội tâm mạc: Sinh thiết khiến bệnh nhân gặp phải những rủi ro không cần thiết và chỉ nên được thực hiện để loại trừ các rối loạn cơ tim cụ thể, ví dụ viêm cơ tim, Amyloidosis, Sarcoidosis hoặc Haemochromatosis.

4. Bệnh cơ tim giãn có chữa được không?

Hiện nay, bệnh cơ tim giãn có thể được điều trị bằng việc phối hợp nhiều phương pháp khác nhau và mang lại nhiều kết quả khả quan. Điều trị bệnh cơ tim giãn chủ yếu là nhằm cải thiện chức năng tim, điều trị các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng. Do đó, việc điều trị cũng giống như điều trị suy tim.

  • Thuốc lợi tiểu quai và thuốc lợi tiểu thiazide: Cho tất cả các bệnh nhân có triệu chứng quá tải dịch.
  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE): Dùng cho bệnh nhân giảm phân suất tống máu thất trái. Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II có thể được sử dụng thay thế. Thuốc ức chế men chuyển và thuốc chẹn beta cải thiện chức năng ngay cả khi bệnh nhân không có triệu chứng.
  • Digoxin: Dùng cho bệnh nhân không đáp ứng đủ với thuốc ức chế men chuyển và thuốc lợi tiểu, hoặc có thể cho bệnh nhân bị rung nhĩ và nhịp nhanh thất.
  • Thuốc chẹn Beta: Được chỉ định cho tất cả bệnh nhân vì chúng đã được chứng minh là giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.
  • Spironolactone: Cũng được chứng minh là giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.
  • Nitrat: Dùng cho bệnh nhân rối loạn chức năng tâm trương và tắc nghẽn phổi.
  • Chống đông máu: Cho bệnh nhân rung nhĩ, van tim giả hoặc huyết khối vách ngăn.
  • Máy khử rung tim cấy ghép: Giảm nguy cơ đột tử ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
  • Phẫu thuật thắt van hai lá hoặc thay van có thể cải thiện các triệu chứng ở bệnh nhân trào ngược máu do hở van hai lá nặng.
  • Ở những bệnh nhân có nhịp nhanh thất tái phát, cắt đốt qua ống thông có thể có lợi.
  • Các liệu pháp điều trị nội khoa có thể không đáp ứng ở một số bệnh nhân, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, vì thế có thể phải cấy ghép tim hoặc các thiết bị hỗ trợ tâm thất trái.
  • Liệu pháp tế bào gốc cải thiện phân suất tống máu thất trái và giảm thể tích thất trái cuối tâm thu và kích thước buồng cuối tâm trương thất trái ở bệnh nhân bệnh cơ tim giãn. Cần nghiên cứu thêm về tác dụng của liệu pháp tế bào gốc ở nhóm bệnh nhân này.

5. Bệnh cơ tim giãn có nguy hiểm không?

5.1. Biến chứng bệnh cơ tim giãn

  • Suy tim: Là hậu quả cuối cùng và là biến chứng nguy hiểm của bệnh cơ tim giãn. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, bệnh suy tim có thể đe dọa tính mạng.
  • Rò rỉ van tim (van tim trào ngược): Bệnh cơ tim giãn có thể khiến van tim khó đóng hơn. Máu có thể rò rỉ ngược qua van tim, tình trạng này sẽ nặng hơn nếu bản thân bệnh nhân đã mắc bệnh hở van hai lá trước đó.
  • Nhịp tim không đều (loạn nhịp tim): Những thay đổi về kích thước và hình dạng của tim có thể cản trở nhịp tim.
  • Ngừng tim đột ngột: Bệnh cơ tim giãn nở có thể khiến tim ngừng đập đột ngột.
  • Tăng áp động mạch phổi, rối loạn chức năng tâm trương.
  • Hình thành cục máu đông: Tụ máu trong buồng tim trái (thất trái) có thể dẫn đến cục máu đông. Nếu cục máu đông xâm nhập vào máu, chúng có thể chặn dòng máu đến các cơ quan khác, bao gồm cả tim và não. Cục máu đông có thể gây đột quỵ, đau tim hoặc tổn thương các cơ quan khác. Rối loạn nhịp tim như rung nhĩ cũng có thể gây ra cục máu đông.

5.2. Bệnh cơ tim giãn sống được bao lâu?

  • Tiên lượng bệnh có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của các biểu hiện ban đầu. Ngoài ra, các yếu tố như hạn chế dịch và muối, tuân thủ thuốc và tập thể dục cũng có thể ảnh hưởng đến tiên lượng.
  • Tỷ lệ sống sót đối với bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn sau năm đầu tiên là 80%, tỷ lệ này giảm 10% sau mỗi năm. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn là khoảng 50%. Trào ngược van hai lá hoặc rối loạn chức năng tâm trương có liên quan đến tiên lượng xấu hơn.
  • Khoảng 40 - 50% số bệnh nhân bị đột tử do rối loạn nhịp ác tính hoặc biến cố tắc mạch do huyết khối.
  • Bệnh cơ tim bẩm sinh có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao.
  • Bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn nên được giáo dục về dự phòng và điều trị phục hồi chức năng tim vì điều này đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân 20-30% trong vòng 5 năm, bao gồm cả việc cải thiện các triệu chứng.
  • Một nghiên cứu về bệnh nhân mắc bệnh cơ tim giãn được được điều trị bằng phương pháp cấy ghép tim có tỷ lệ sống sót là 91% sau 1 năm, 80% sau 5 năm, và 50% sau 20 năm.

Tóm lại, cơ tim giãn là 1 bệnh lý tim mạch với những biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh nhân và người nhà nên được kiểm tra sức khỏe thường xuyên và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị sớm. Điều này góp phần hạn chế được các biến chứng của bệnh, đồng thời giúp kéo dài được thời gian sống cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan