Nhịp nhanh xoang không thích hợp: Nguyên nhân và triệu chứng cần biết

Nhịp nhanh xoang không thích hợp là tình trạng nhịp tim tăng cao không rõ lý do. Nhịp tim có thể tăng vọt chỉ sau một chút hoạt động hoặc căng thẳng. Bài viết này giải thích các triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán cùng các phương pháp điều trị hiệu quả.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Tim mạch, tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng.

1. Nhịp nhanh xoang không thích hợp là gì?

Nhịp nhanh xoang không thích hợp (NNXKTH) là một hội chứng chỉ tình trạng cơ thể phát đi tín hiệu làm nhịp tim tăng nhanh không rõ nguyên do. NNXKTH có thể xảy ra trong nhiều trường hợp khác nhau: khi bệnh nhân trong tình trạng nghỉ ngơi, vận động nhẹ hoặc đang trong giai đoạn hồi sức.

NNXKTH thường diễn ra nhiều nhất ở phụ nữ độ tuổi 30. Các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm mà ban đầu bệnh nhân có thể không nhận ra.

Về định nghĩa y học, bệnh nhân được xác nhận gặp tình trạng NNXKTH khi:

  • Nhịp tim hơn 100 nhịp/phút ở trạng thái nghỉ, với nhịp trung bình trong 24 giờ lớn hơn 90 nhịp/phút.
  • Có các triệu chứng khó chịu như choáng váng, mệt mỏi và nhịp tim mạnh (cảm giác tim đập nhanh hoặc mạnh hơn bình thường).
  • Không giải thích được bằng nhu cầu sinh lý.
  • Xảy ra khi nghỉ hoặc vận động ít.
  • Không liên quan đến việc tập luyện hoặc phục hồi sau tập thể dục.
  • Đã loại trừ các nguyên nhân khác gây tăng nhịp tim.

2. Các triệu chứng nhịp nhanh xoang không thích hợp

Triệu chứng chính của NNXKTH là nhịp tim nghỉ tăng cao. Nhịp tim khi nghỉ thường dao động từ 60 đến 100 nhịp/phút. Trong trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng NNXKTH, nhịp tim có thể vượt quá 100 nhịp/phút khi nghỉ và trung bình trên 90 nhịp/phút khi theo dõi trong 24 giờ.

Chỉ số nhịp tim khi bệnh nhân mắc hội chứng nhịp nhanh xoang không thích hợp:

  • Trạng thái nghỉ ngơi: 100 nhịp/phút.
  • Trạng thái ngủ: 80 - 90 nhịp/phút.
  • Trạng thái vận động: 140 - 150 nhịp/ phút.

Tuy nhiên, nhịp tim tăng cao chỉ là một khía cạnh của hội chứng NNXKTH. Các triệu chứng có thể xuất hiện ở bệnh nhân sau đây là điểm phân biệt giữa NNXKTH và nhịp nhanh xoang thông thường:

  • Đau tức, khó chịu vùng ngực.
  • Chóng mặt, xây xẩm.
  • Cảm thấy khó thở, hụt hơi.
  • Suy giảm khả năng vận động.
  • Dễ ngất xỉu.
  • Mất sức, mệt mỏi.
  • Nhịp tim nhanh, tim đập mạnh.
  • Choáng váng, thiếu tỉnh táo.
  • Cơ thể suy nhược.
Mệt mỏi khó thở là những triệu chứng thường gặp đối với nhịp nhanh xoang không thích hợp
Mệt mỏi khó thở là những triệu chứng thường gặp đối với nhịp nhanh xoang không thích hợp

Những triệu chứng của NNXKTH có thể gây ra tình trạng lo lắng, căng thẳng, trực tiếp tàn phá sức khỏe và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Phần lớn, bệnh nhân mắc hội chứng này sẽ có tình trạng tim đập nhanh.

Lưu ý: Một số bệnh nhân có thể không xuất hiện các triệu chứng nêu trên một cách rõ ràng. Để đảm bảo sức khỏe, bệnh nhân nên khám tổng quát định kỳ và theo dõi kỹ các chỉ số của cơ thể.

3. Nguyên nhân dẫn đến NNXKTH

Nguyên nhân chính dẫn đến NNXKTH đến nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Sau đây là một vài nguyên nhân phổ biến nhất được đưa ra bởi các chuyên gia.

3.1 Bệnh nhân nhạy cảm với andrenaline

Các chuyên gia lý giải rằng những người mắc hội chứng có thể quá mức nhạy cảm với adrenaline - chỉ với một lượng nhỏ adrenaline cũng có thể gây ra sự gia tăng nhịp tim đột ngột. Điều này có thể xuất phát từ:

  • Sự mất cân bằng thần kinh nội tiết.
  • Dysautonomia, một rối loạn của hệ thống thần kinh tự động, quản lý các chức năng "vô thức" như tiêu hóa, hô hấp và nhịp tim.
  • Sự thay đổi cấu trúc trong nút xoang của tim.

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc NNXKTH nhưng hội chứng phổ biến gấp bốn lần ở phụ nữ. Ngoài ra, các bệnh nhân mắc NNXKTH thường là những người ở độ tuổi 30 - 40.

Nghiên cứu cho thấy NNXKTH thường xuất hiện lần đầu sau một sự kiện kích thích. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Lo lắng.
  • Trầm cảm.
  • Stress.
  • Bệnh nhiễm trùng.
  • Mang thai.
Stress, mệt mỏi là một trong các lý do chính dẫn đến NNXKTH
Stress, mệt mỏi là một trong các lý do chính dẫn đến NNXKTH

3.2 Nhiễm virus

Nhiễm virus có thể dẫn đến NNXKTH ở một số bệnh nhân. Trong các trường hợp này, các triệu chứng tăng nhịp tim, đau tức ngực, chóng mặt có thể diễn ra trong vài tháng hoặc vài năm sau đó sẽ đột ngột biến mất.

3.3 Các nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân chính trên, một vài tình trạng có thể dẫn đến nhịp nhanh xoang không thích hợp, gây ra triệu chứng nhịp tim tăng nhanh bất thường. Các nguyên nhân bao gồm:

  • Sốt, thân nhiệt tăng cao.
  • Trạng thái hoảng sợ.
  • Bệnh cường giáp.
  • Thiếu máu.
  • Huyết áp thấp.
  • Cơ thể bị đau.

4. Cách chẩn đoán nhịp nhanh xoang không thích hợp

Để chẩn đoán NNXKTH, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về tiền sử bệnh và tìm hiểu về các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải.

Để chẩn đoán NNXKTH, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về tiền sử bệnh và tìm hiểu về các triệu chứng
Để chẩn đoán NNXKTH, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về tiền sử bệnh và tìm hiểu về các triệu chứng

Một biểu hiện rõ ràng của NNXKTH là tăng nhịp tim. Tuy nhiên, có các yếu tố khác có thể làm gia tăng nhịp tim cũng sẽ được lưu ý, chẳng hạn như các bệnh về tim và tuyến giáp hoặc các vấn đề về tâm lý.

Sau đó, các xét nghiệm sau đây sẽ giúp bác sĩ xác định liệu bệnh nhân có đang mắc hội chứng nhịp nhanh xoang không thích hợp hay không:

  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra các nguyên nhân khác nhau có thể gây ra nhịp tim nhanh.
  • Điện tâm đồ (ECG): Phân tích các xung điện của tim để đánh giá nhịp tim và sự dao động của nó.
  • Máy đo điện tim Holter: Theo dõi hoạt động của tim trong khoảng thời gian dài, thường là 24 giờ, để phát hiện những biến động nhịp tim không bình thường.
  • Chụp X-Quang ngực: Tạo hình ảnh của trái tim để đánh giá cấu trúc và chức năng của nó.
  • Siêu âm tim: Kiểm tra kích thước, sự co bóp của các buồng tim và khả năng bơm máu của tim thông qua siêu âm.

Mọi thông tin từ các xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng của bệnh nhân và xác định xem NNXKTH có tồn tại không.

5. Phương pháp điều trị NNXKTH

Tùy theo tình trạng của bệnh nhân mà các phương pháp điều trị NNXKTH sau đây sẽ được áp dụng:

  • Điều trị bằng các loại thuốc chống suy tim hoặc ngăn tác động của adrenaline lên nút xoang.
  • Luyện tập tăng cường sức khỏe.
  • Điều trị tâm lý (đối với những bệnh nhân có nguyên nhân đến từ tâm lý).
  • Duy trì lượng nước và muối cần thiết cho cơ thể.
  • Hạn chế các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê,v.v...
  • Luyện tập thiền, yoga.
  • Phẫu thuật nút xoang.
  • Chờ đợi và để hội chứng tự mất đi theo thời gian.
Luyện tập thiền, yoga giúp cải thiện tình trạng bệnh
Luyện tập thiền, yoga giúp cải thiện tình trạng bệnh

Hiểu rõ về triệu chứng, nguyên nhân, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị nhịp nhanh xoang không thích hợp sẽ hỗ trợ bệnh nhân cải thiện bệnh lý hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

2 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan