Siêu âm tim qua thực quản (TEE): Quy trình và rủi ro cần biết

Siêu âm tim qua thực quản (TEE) là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của tim. Siêu âm tim qua thực quản có thể chẩn đoán nhiều vấn đề như cục máu đông và nhiễm trùng trong tim.

1. Siêu âm tim qua thực quản là gì?

Siêu âm tim qua thực quản (TEE) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh của tim. TEE khác với siêu âm tim qua thành ngực - sử dụng sóng âm được truyền qua thành ngực. Thay vào đó, bệnh nhân sẽ được làm tê cục bộ ở vùng hầu họng, sau đó, luồn một ống thông có đầu dò siêu âm tim nhỏ vào trong thực quản để thu nhận hình ảnh của tim.

Đầu dò sẽ được di chuyển xung quanh trong thực quản để có được hình ảnh chi tiết hơn về tim và các cấu trúc bên trong tim.

Thực quản là một ống cơ rỗng, có chức năng chuyển thức ăn từ họng xuống dạ dày của bạn. Cơ quan này nằm rất gần với tim, chỉ cách khoảng 2-3cm. Điều này làm cho nó trở thành một vị trí lý tưởng để thực hiện thủ thuật TEE.

Thực quản nằm rất gần với tim, chỉ cách khoảng 2-3cm. Điều này làm cho nó trở thành một vị trí lý tưởng để thực hiện siêu âm tim qua thực quản (TEE)
Thực quản nằm rất gần với tim, chỉ cách khoảng 2-3cm. Điều này làm cho nó trở thành một vị trí lý tưởng để thực hiện siêu âm tim qua thực quản (TEE)

Thủ thuật TEE không chỉ cho ra hình ảnh chi tiết của các buồng và van tim mà phương pháp này còn cho thấy rõ các mạch máu nối với tim và lớp màng ngoài của tim (màng ngoài tim).

2. Tại sao nên sử dụng kỹ thuật TEE

TEE là kỹ thuật quan trọng được sử dụng để chẩn đoán nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau, bao gồm cả những tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng:

Bạn cũng có thể thực hiện TEE để kiểm tra tim hoạt động như thế nào, trước hoặc sau khi thực hiện các phẫu thuật như bắc cầu, thay van hoặc sửa van. Bác sĩ cũng thường sử dụng phương pháp này để kiểm tra cục máu đông trước khi điều trị rung nhĩ.

3. Một vài rủi ro sau khi thực hiện quá trình TEE

Siêu âm tim qua thực quản là một thủ thuật an toàn và hiệu quả, tuy nhiên một vài bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ:

  • Buồn nôn và nôn.
  • Đau họng.
  • Khó thở.
  • Chảy máu.
  • Nhiễm trùng.
Khó thở là một trong những tác dụng phụ của siêu âm tim qua thực quản
Khó thở là một trong những tác dụng phụ của siêu âm tim qua thực quản

Bên cạnh đó một số biểu hiện bất thường khác đối với những người có các vấn đề sức khỏe sau:

  • Bệnh lý thực quản.
  • Bệnh phổi.

4. Bạn cần làm gì trước khi siêu âm tim qua thực quản

Trước khi xét nghiệm, hãy cho bác sĩ biết về tình trạng sức khoẻ của bạn, bao gồm:

  • Đang mang thai hoặc nghĩ rằng bạn đang mang thai.
  • Đang sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc loại thực phẩm chức năng nào vì bất kỳ lý do gì.
  • Đang dùng aspirin, thuốc làm loãng máu hoặc bất cứ thuốc nào có thể cản trở quá trình đông máu bình thường, vì bệnh nhân sẽ buộc phải ngừng thuốc trước khi thực hiện TEE.
  • Bạn bị dị ứng với latex hoặc thuốc gây mê.
  • Bị tiểu đường hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc nào để kiểm soát lượng đường trong máu.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi TEE sẽ giúp quá trình thực hiện xét nghiệm diễn ra suôn sẻ và hiệu quả
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi TEE sẽ giúp quá trình thực hiện xét nghiệm diễn ra suôn sẻ và hiệu quả

Người bệnh cũng nên nghe theo hướng dẫn của bác sĩ về vấn đề sinh hoạt trước khi TEE. Theo đó, bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhịn ăn và uống ít nhất 6 tiếng trước siêu âm. Ngoài ra, người bệnh cũng được yêu cầu không uống bất kỳ đồ uống có cồn nào trong vài ngày trước khi xét nghiệm.

Nếu buộc phải dùng bất kỳ loại thuốc trong vòng 4 tiếng kể từ khi thực hiện TEE, uống thuốc với một lượng nước vừa đủ, chứ không phải một ly đầy. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ thuốc trào ngược lên thực quản.

5. Quá trình thực hiện siêu âm tim qua thực quản

Vào ngày hẹn siêu âm, hãy mặc quần áo thoải mái, dễ dàng thay. Người bệnh sẽ có thể sẽ dùng thuốc an thần, do đó cần phải có người thân đi kèm.

Bệnh nhân sẽ được đặt trên giường bệnh ở tư thế thoải mái, tránh căng thẳng, hồi hộp. Sau đó, bác sĩ sẽ đặt các miếng dán điện cực lên ngực bệnh nhân để theo dõi nhịp tim, cũng như đeo vòng đo huyết áp quanh cánh tay và kẹp ngón tay của bạn để đo nồng độ oxy trong máu.

Để tránh làm đau bệnh nhân, bác sĩ sẽ dùng dung dịch dạng xịt để gây tê vùng hầu họng. Nếu bệnh nhân cần sử dụng thuốc an thần, bác sĩ sẽ tiêm thuốc an thần vào tĩnh mạch.

Tiếp đó, bác sĩ sẽ bôi trơn ống nội soi bằng một chất bôi trơn đặc biệt để giúp ống dễ dàng đi qua thực quản. Khi ống nội soi đã đi qua thực quản, bác sĩ sẽ điều chỉnh vị trí của ống để đầu dò siêu âm nằm gần tim để thu nhận một số hình ảnh về tim của bạn từ các góc độ khác nhau. Quá trình TEE thường kéo dài khoảng 60 đến 90 phút. Trong quá trình siêu âm, bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu ở cổ họng hoặc buồn nôn.

6. Những điều cần làm sau khi siêu âm tim qua thực quản

Sau khi quá trình siêu âm kết thúc, người bệnh sẽ được nghỉ ngơi trong phòng hồi sức. Bên cạnh đó, đội ngũ y tế cũng sẽ theo dõi nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy của bệnh nhân. Khi dấu hiệu sinh tồn trên ổn định và bệnh nhân có thể nuốt bình thường cũng như cảm thấy tỉnh táo, các y tá sẽ tháo điện cực trên ngực, vòng đo huyết áp và kẹp bão hòa oxy máu ở ngón tay, đồng thời tháo ống IV/ Sau đó, người bệnh có thể xuất viện.

Bệnh nhân sẽ được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn trước khi xuất viện
Bệnh nhân sẽ được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn trước khi xuất viện

Một số bệnh nhân sẽ có tình trạng choáng váng sau khi quá trình siêu âm, hãy thư giãn và nghỉ ngơi. Người bệnh có thể uống một cốc nước hoặc trà. Nếu choáng váng kéo dài hoặc nghiêm trọng, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.

Về chế độ ăn, bệnh nhân nên tránh ăn những thực phẩm khó tiêu hoặc gây kích thích niêm mạc thực quản, chẳng hạn như đồ ăn cay, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn có nhiều axit.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

1 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan