Tại sao cần sốc điện chuyển nhịp? Quy trình thực hiện và rủi ro

Tại sao cần sốc điện chuyển nhịp? Sốc điện chuyển nhịp được sử dụng để điều chỉnh hoặc điều trị các loại nhịp tim không đều hoặc quá nhanh. Qua bài viết này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về quy trình thực hiện cũng như những rủi ro mà nó mang lại.

1. Sốc điện chuyển nhịp là gì?

Sốc điện chuyển nhịp là một thủ thuật y tế sử dụng các cú sốc mang năng lượng thấp và nhanh giúp phục hồi lại nhịp tim đều đặn. Thủ thuật này thường được áp dụng để điều trị một số dạng nhịp tim không đều trong đó có rung nhĩ (AF).

Phương pháp chuyển nhịp tim bằng sốc điện giúp điều trị tình trạng nhịp tim không đều ở bệnh nhân
Phương pháp chuyển nhịp tim bằng sốc điện giúp điều trị tình trạng nhịp tim không đều ở bệnh nhân

Thông thường, chuyển nhịp tim bằng sốc điện được lên lịch trước, nhưng cũng có trường hợp được thực hiện ngay lập tức khi cần thiết. Thủ tục này thường giúp phục hồi lại nhịp tim bình thường một cách nhanh chóng.

Trong khi đó, khử rung tim là thủ thuật cấp cứu khác với chuyển nhịp tim bằng sốc điện, được thực hiện khi tim ngừng đập hoặc rung (rung thất). Khử rung tim sử dụng cú sốc mang năng lượng lớn hơn để điều chỉnh lại nhịp tim bình thường.

2. Tại sao cần sốc điện chuyển nhịp và khi nào nên thực hiện?

Sốc điện chuyển nhịp là quá trình được thực hiện để điều chỉnh nhịp tim quá nhanh (nhịp tim nhanh) hoặc không đều (rung).

Bác sĩ có thể đề xuất chuyển nhịp nếu bạn đang có một số rối loạn nhịp tim như rung nhĩ hoặc cuồng nhĩ. Những tình trạng này xảy ra khi các tín hiệu điện, thường làm cho tim đập đều đặn, không được dẫn truyền đúng cách qua các buồng của tim.

Tùy theo tình trạng bệnh lý, người bệnh sẽ được bác sĩ khuyến cáo và giải thích tại sao cần sốc điện chuyển nhịp
Tùy theo tình trạng bệnh lý, người bệnh sẽ được bác sĩ khuyến cáo và giải thích tại sao cần sốc điện chuyển nhịp

Sốc điện chuyển nhịp, hay còn gọi chuyển nhịp bằng điện, sử dụng máy phát và cảm biến (điện cực) để phát các cú sốc nhanh mang năng lượng thấp xuyên qua ngực. Phương pháp này cho phép bác sĩ kiểm tra được ngay lập tức liệu thủ thuật này đã giúp khôi phục lại nhịp tim bình thường hay chưa.

3. Rủi ro khi thực hiện thủ thuật

Các biến chứng của biện pháp chuyển nhịp tim bằng sốc điện ít xảy ra. Bác sĩ thường áp dụng các biện pháp để giảm thiểu rủi ro cho bệnh nhân. Một số rủi ro tiềm ẩn của sốc điện bao gồm:

  • Cục máu đông di chuyển: Một số người mắc các loại nhịp tim không đều như rung nhĩ có thể hình thành cục máu đông trong tim. Việc sử dụng sốc điện có thể khiến cục máu đông này di chuyển đến các bộ phận khác trong cơ thể, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ hoặc cục máu đông di chuyển đến phổi.

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra cục máu đông trước khi thực hiện chuyển nhịp tim. Một số người có thể được kê đơn thuốc làm loãng máu trước khi thực hiện thủ thuật này.

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra cục máu đông trước khi thực hiện sốc điện chuyển nhịp tim
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra cục máu đông trước khi thực hiện sốc điện chuyển nhịp tim

  • Nhịp tim không đều (hiếm): Một số người có thể bị các rối loạn nhịp tim khác trong hoặc sau khi chuyển nhịp. Thông thường, những biến đổi này chỉ kéo dài vài phút sau thủ thuật. Thuốc hoặc sốc điện bổ sung có thể được sử dụng để điều chỉnh lại nhịp tim.
  • Bỏng da (hiếm): Một số người có thể gặp phải những vấn đề nhẹ với da do cảm biến (điện cực) khi sử dụng.

Chuyển nhịp tim có thể được thực hiện trong thời kỳ mang thai, nhưng cần theo dõi sát sao nhịp tim của thai nhi trong quá trình điều trị.

4. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện thủ thuật?

Thường thì, việc chuyển nhịp tim bằng sốc điện sẽ được lên kế hoạch để thực hiện bởi bác sĩ tim mạch. Trong trường hợp nhịp tim không đều gây ra triệu chứng nghiêm trọng, quá trình chuyển nhịp có thể thực hiện ngay lập tức.

Trước khi tiến hành chuyển nhịp, có thể bạn sẽ trải qua một xét nghiệm hình ảnh gọi là siêu âm tim qua thực quản để kiểm tra cục máu đông trong tim. Chuyển nhịp tim có thể khiến cục máu đông di chuyển, gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng. Bác sĩ của bạn sẽ quyết định liệu bạn cần phải thực hiện xét nghiệm này trước khi tiến hành chuyển nhịp hay không.

Trong trường hợp bạn có một hoặc nhiều cục máu đông trong tim, thường thì quá trình chuyển nhịp sẽ bị trì hoãn khoảng 3 đến 4 tuần. Trong thời gian này, bạn thường sẽ được tiến hành điều trị bằng thuốc làm loãng máu để giảm nguy cơ biến chứng.

5. Cần làm gì trước, trong và sau khi thực hiện chuyển nhịp bằng sốc điện ?

5.1. Trước khi chuyển nhịp tim bằng sốc điện

Bạn thường không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong khoảng 8 giờ trước khi thực hiện thủ thuật. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ cho biết tại sao cần sốc điện chuyển nhịp, nên hoặc không nên dùng loại thuốc nào trước khi làm thủ thuật.

5.2. Trong quá trình chuyển nhịp tim bằng sốc điện

Chuyển nhịp tim thường được thực hiện tại bệnh viện. Bác sĩ sẽ cho đặt một đường truyền tĩnh mạch và cho dùng thuốc an thần để giúp bệnh nhân ngủ trong suốt quá trình thực hiện.

Bác sĩ sẽ đặt một số miếng dán lớn (được gọi là cảm biến hoặc điện cực) trên ngực và đôi khi là lưng. Dây nối các cảm biến với máy chuyển nhịp tim giúp ghi lại nhịp tim. Và những cú sốc nhanh mang năng lượng thấp đến tim để khôi phục nhịp tim đều đặn. Chuyển nhịp bằng điện thường chỉ mất vài phút để hoàn thành.

5.3. Sau quá trình chuyển nhịp tim bằng sốc điện

Bệnh nhân sẽ phải mất khoảng một giờ trong phòng hồi sức để được theo dõi chặt chẽ các biến chứng tiềm ẩn.

Nếu sốc điện chuyển nhịp được đã được lên lịch, bệnh nhân thường có thể về nhà ngay trong ngày.

Thuốc làm loãng máu thường được dùng trong vài tuần sau khi chuyển nhịp để ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Bạn sẽ cần sử dụng thuốc làm loãng máu ngay cả khi không tìm thấy cục máu đông trong tim.

6. Cách ngăn ngừa rối loạn nhịp tim tái phát

Đối với hầu hết mọi người, sốc điện chuyển nhịp nhanh chóng khôi phục lại nhịp tim bình thường. Một số người cần được tư vấn 1 số thông tin cần thiết giúp giữ cho nhịp tim luôn đều đặn.

Bác sĩ có thể đề xuất thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe tim mạch của bạn và ngăn ngừa hoặc điều trị các tình trạng - chẳng hạn như huyết áp cao - có thể gây ra nhịp tim không đều (loạn nhịp tim).

Sau khi điều trị sốc điện chuyển nhịp, người bệnh nên tăng cường các hoạt động thể lực giúp ngăn ngừa sự tái phát của các chứng rối loạn nhịp tim
Sau khi điều trị sốc điện chuyển nhịp, người bệnh nên tăng cường các hoạt động thể lực giúp ngăn ngừa sự tái phát của các chứng rối loạn nhịp tim

Hãy thử những thay đổi lối sống lành mạnh cho tim sau đây:

  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu.
  • Sử dụng ít muối hơn, có thể giúp giảm huyết áp.
  • Chọn ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, sữa ít béo, trái cây và rau quả.
  • Hạn chế đường và chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
  • Tăng cường hoạt động thể chất.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Từ bỏ hút thuốc.
  • Cố gắng hạn chế hoặc kiểm soát căng thẳng và tức giận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

1 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec