Thay van động mạch chủ qua da: Những điều cần biết

Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) là một phương pháp tiên tiến được áp dụng cho những bệnh nhân có vấn đề về van động mạch chủ. Những nội dung sau đây sẽ cung cấp thông tin về quá trình thủ thuật thay van động mạch chủ diễn ra như thế nào.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ Nguyễn Văn Dương, chuyên ngành Tim mạch, tại Bệnh viện Vinmec Central Park.

1. Thay van động mạch chủ qua da là gì?

Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) hay thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) là một phương pháp thay thế van động mạch chủ bị hẹp hoặc hở nặng. Van động mạch chủ nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, giúp đưa máu đi nuôi toàn bộ cơ thể. Hẹp van động mạch chủ gây ra tình trạng giảm lưu lượng máu từ tim bơm đi khắp cơ thể, đồng thời tắc nghẽn gây suy tim trái.

TAVI là phương pháp sử dụng vết mổ nhỏ hơn rất nhiều so với phẫu thuật thay van tim thông thường. Đây là lựa chọn thích hợp cho những người không thể chịu phẫu thuật tim truyền thống để thay van động mạch chủ. Thủ thuật này có thể giảm đau ngực, khó thở và các triệu chứng khác của hẹp van động mạch chủ.

2. Tại sao cần thay van động mạch chủ qua da?

Sau khi kiểm tra tình trạng bệnh nhân, đội ngũ chuyên gia sẽ làm việc cùng nhau để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất cho tình trạng sức khỏe của người bệnh. Đề nghị thực hiện TAVI có thể được đưa ra khi:

Các chỉ định thay van động mạch chủ (phẫu thuật hoặc qua ống thông) như sau:

  • Hẹp van động mạch chủ có chênh áp nghiêm trọng có triệu chứng (khuyến cáo loại I, bằng chứng cấp độ B)
  • Bệnh nhân không có triệu chứng với hẹp van động mạch chủ nặng và LVEF < 50 (khuyến cáo loại I, bằng chứng cấp độ B)
  • Hẹp van động mạch chủ nặng khi trải qua phẫu thuật tim khác (khuyến cáo loại I, bằng chứng cấp độ B)
  • Hẹp van động mạch chủ nặng không có triệu chứng và nguy cơ phẫu thuật thấp (khuyến cáo loại IIa, bằng chứng cấp độ B)
  • Có triệu chứng với hẹp van động mạch chủ nặng dòng chảy thấp/chênh áp thấp (khuyến cáo loại IIa, bằng chứng cấp độ B)
  • Hẹp van động mạch chủ trung bình và có phẫu thuật tim khác (khuyến cáo loại IIa, bằng chứng cấp độ C)

TAVI được phê duyệt cho những chỉ định sau:

  • Bệnh nhân có nguy cơ phẫu thuật thấp đến cao ở bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng
  • Van sinh học đã phẫu thuật bị thoái hóa gây hẹp nặng
Sau khi kiểm tra tình trạng bệnh nhân, các chuyên gia sẽ xác định phương pháp điều trị với người bệnh
Sau khi kiểm tra tình trạng bệnh nhân, các chuyên gia sẽ xác định phương pháp điều trị với người bệnh

3. Những rủi ro trong quá trình thực hiện

TAVI tuy hạn chế được nhiều biến chứng trong quá trình thực hiện nhưng vẫn có khả năng xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn. Những rủi ro ấy bao gồm:

  • Chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
  • Các vấn đề về hệ thống mạch máu, bao gồm chảy máu, tắc mạch
  • Các vấn đề với van tim nhân tạo: van trượt khỏi vị trí dự kiến,hở van .
  • Nhịp tim mất ổn định, cần có sự can thiệp của máy tạo nhịp tim.
  • Rủi ro nhiễm trùng sau khi phẫu thuật.
  • Ảnh hưởng hậu thủ thuật : nhồi máu cơ tim, suy thận
  • Đột quỵ.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ đột quỵ, tử vong giữa những người thực hiện TAVI và những người trải qua phẫu thuật thay van động mạch chủ truyền thống là như nhau. Để giảm thiểu tỷ lệ xảy ra rủi ro ngoài ý muốn, các công đoạn chuẩn bị trước khi phẫu thuật cần được thực hiện kỹ lưỡng.

Phương pháp này có thể gây đột quỵ
Phương pháp này có thể gây đột quỵ

4. Những điều cần chuẩn bị trước khi thực hiện phẫu thuật

Trước khi thực hiện phẫu thuật, đội ngũ bác sĩ sẽ đưa ra các hướng dẫn cho bệnh nhân và người thân. Dưới đây là những hướng dẫn quan trọng và thông tin cần đặc biệt lưu ý.

4.1 Cung cấp thông tin về thuốc

Cung cấp thông tin chi tiết về tất cả các loại thuốc người bệnh đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thực phẩm chức năng. Thông báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân có bất kỳ dị ứng nào đối với thuốc. Trước khi phẫu thuật diễn ra, đội ngũ bác sĩ sẽ cung cấp thông tin về các loại thuốc cần sử dụng, liều lượng và thời gian dùng thuốc để hỗ trợ quá trình phẫu thuật.

Cung cấp thông tin về thuốc sử dụng là bước cần thiết để hỗ trợ phẫu thuật thành công
Cung cấp thông tin về thuốc sử dụng là bước cần thiết để hỗ trợ phẫu thuật thành công

4.2 Nhịn ăn trước khi phẫu thuật.

Ít nhất 6 giờ trước khi thực hiện thủ thuật, người bệnh sẽ được hướng dẫn để không ăn hoặc uống. Điều này là quan trọng để đảm bảo rằng dạ dày của bệnh nhân trống rỗng, không còn thức ăn hoặc nước trong dạ dày, hạn chế rủi ro nôn mửa khi đang tiến hành thay van động mạch chủ. Đối với trường hợp bệnh nhân cần sử dụng thuốc, nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn chính xác nhất.

4.3 Quần áo và đồ dùng cá nhân

  • Xác định những đồ vật cá nhân cần mang theo như kính mắt, máy trợ thính, hoặc răng giả.
  • Chuẩn bị các vật dụng chăm sóc cá nhân như bàn chải, lược, bàn chải đánh răng và thiết bị cạo râu.
  • Chọn quần áo thoải mái và rộng rãi để mang theo.
  • Mang theo những vật dụng giải trí như máy nghe nhạc hoặc sách để giúp bạn thư giãn.
  • Không đeo kính áp tròng, răng giả, kính mắt, trang sức, và làm móng trong suốt quá trình thực hiện thay van động mạch chủ qua da.

5. Quá trình thay van động mạch chủ qua da

Trong quá trình thực hiện thủ thuật thay van động mạch chủ qua da, bác sĩ sẽ thay thế van động mạch chủ bị hỏng bằng một van làm từ mô tim bò hoặc lợn - hay còn được gọi là van mô sinh học. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể đặt một van mô sinh học mới vào một van mô đã có nhưng không còn hoạt động.

Quá trình TAVI sử dụng các vết cắt nhỏ ở đùi và ống thông linh hoạt để đến tim, khác với phẫu thuật thay van động mạch chủ thông thường đòi hỏi mở ngực. Bác sĩ sẽ đưa một ống thông vào mạch máu ở đùi. Bằng cách sử dụng tia X hoặc các công cụ hình ảnh khác, bác sĩ sẽ điều khiển để đưa ống thông đến vị trí van động mạch chủ trong tim.

Trong quá trình thực hiện, bác sĩ thay thế van động mạch chủ bị hỏng bằng van làm từ mô tim bò hoặc lợn (Ảnh minh hoạ)
Trong quá trình thực hiện, bác sĩ thay thế van động mạch chủ bị hỏng bằng van làm từ mô tim bò hoặc lợn (Ảnh minh hoạ)

Một khi ống thông đã đến vị trí, bác sĩ đưa van mô sinh học qua ống và đặt nó vào khu vực van động mạch chủ. Một bóng nong ở đầu ống thông được sử dụng để mở rộng van động mạch chủ mới và đặt nó chính xác vào vị trí. Một số loại van thay thế có khả năng mở rộng mà không cần sử dụng bóng.

Bác sĩ sẽ rút ống thông khi van mới đã được đặt đúng vị trí. Trong suốt quá trình thực hiện, đội ngũ chăm sóc sức khỏe sẽ liên tục theo dõi các chỉ số như huyết áp, nhịp tim và nhịp thở để đảm bảo rằng bệnh nhân luôn ở trạng thái ổn định.

6. Sau khi phẫu thuật thì phải làm gì?

Sau khi phẫu thuật thành công, bệnh nhân sẽ được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt để theo dõi. Nếu không có dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được xuất viện với các đơn thuốc bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc chống đông máu.

Người bệnh cần uống thuốc đều đặn và duy trì lịch kiểm tra sức khỏe định kỳ với bác sĩ. Cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu phát hiện cơ thể có các triệu chứng:

  • Chóng mặt, choáng váng.
  • Sưng mắt cá chân.
  • Mệt mỏi.
  • Tăng cân đột ngột.
  • Đau tức ngực.
  • Khó thở.
  • Sưng đỏ, nhiễm trùng ở vết mổ.
Bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở sau khi thực hiện phẫu thuật
Bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở sau khi thực hiện phẫu thuật

Những nội dung trên là các thông tin quan trọng cần biết về thay van động mạch chủ qua da. Để được tư vấn rõ hơn hoặc đặt lịch khám tại viện, quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE của Vinmec hoặc đặt lịch khám qua ứng dụng MyVinmec.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan