Đau đầu sau thủng màng cứng: Chẩn đoán và biện pháp điều trị

Đau đầu sau thủng màng cứng hoặc sau thủng màng cứng tự phát xảy ra do rò dịch não tủy dẫn đến giảm áp lực nội sọ, từ đó gây co kéo các cấu trúc màng não và giãn mạch não.

Bài viết bởi Bác sĩ Philippe Rene Bertrand Macaire - Giám đốc Chuyên ngành Gây mê giảm đau - Hệ thống Y Tế Vinmec

1. Chẩn đoán

1.1 Chẩn đoán lâm sàng

Đối với bệnh nhân xuất hiện đau đầu sau gây tê trục thần kinh với các biểu hiện đau đầu đặc trưng như: mức độ đau đầu thường dữ dội, chủ yếu xuất hiện ở vùng chẩm, trán, sau đó có thể lan ra cổ, gáy và vai. Đặc tính đau đầu liên quan tư thế là mấu chốt cho chẩn đoán. Đau đầu khởi phát hoặc tăng lên khi ngồi dậy và giảm bớt hoặc hết đau khi nằm xuống khoảng 15 phút. Cơn đau thường xuất hiện trong vòng 5 ngày sau thủng màng cứng.

Các triệu chứng đi kèm:

  • Cứng cổ
  • Ù tai, nghe kém
  • Nhìn đôi, sợ ánh sáng
  • Nôn và buồn nôn

Bất kì cơn đau đầu nào không điển hình, đặc biệt là thiếu đặc điểm liên quan đến tư thế đều cần phải kiểm tra xác định nguyên nhân, ví dụ như tụ máu dưới màng cứng, huyết khối tĩnh mạch não. Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não chỉ hữu ích trong chẩn đoán cho các trường hợp đau đầu không điển hình.

Với trường hợp đau đầu sau thủng màng cứng điển hình, chẩn đoán lâm sàng là đã đủ bằng chứng để tiến hành điều trị cho bệnh nhân.

đau cột sống

1.2 Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cộng hưởng từ (MRI) ko phải là chỉ định thường quy để khẳng định chẩn đoán đau đầu sau gây tê trục thần kinh, mà chỉ sử dụng trong các trường hợp triệu chứng lâm sàng không điển hình. Phim MRI sẽ thể hiện hình ảnh dày – tăng tín hiệu màng cứng, đè đẩy tổ chức não, tụt hạnh nhân tiểu não, một số trường hợp có thể thấy mức tủy sống bị rò dịch não tủy.

(Nguồn: Loures V, Savoldelli G, Kern K, Haller G. Atypical headache following dural puncture in obstetrics. Int J Obstet Anesth. 2014 Aug;23(3):246-52. )
(Nguồn: Loures V, Savoldelli G, Kern K, Haller G. Atypical headache following dural puncture in obstetrics. Int J Obstet Anesth. 2014 Aug;23(3):246-52. )

1.3 Chẩn đoán phân biệt

  • Đau nửa đầu
  • Đau đầu không đặc hiệu
  • Tiền sản giật, tăng huyết áp
  • Chảy máu màng não, tụ máu dưới màng cứng
  • Huyết khối tĩnh mạch não
  • U não
  • Viêm màng não
  • Viêm xoang
  • Do thuốc
  • U
  • Đột quỵ
  • Khí trong sọ

2. Biện pháp làm giảm triệu chứng

Nằm nghỉ ngơi tại chỗ có thể làm giảm đau đầu nhưng đây không phải cách để điều trị nguyên nhân. Các thuốc như Paracetamol, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, morphin và thuốc chống nôn chỉ có tác dụng điều trị tạm thời các triệu chứng. Nhiều nhất thì chúng chỉ có thể giúp giảm đau đầu trong thời gian bệnh nhân đang tự hồi phục.

Bệnh nhân có thể sử dụng caffeine với liều từ 300 – 500mg, đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch 2 lần/ngày. Caffeine có cải thiện các triệu chứng, nhưng chỉ có tác dụng thoáng qua, khi ngưng thuốc thì cơn đau đầu sẽ xuất hiện trở lại.

Phương pháp điều trị tốt nhất được biết đến cho đau đầu sau gây tê trục thần kinh là vá máu tự thân, bằng cách sử dụng từ 10 - 20mL máu của bệnh nhân và bơm vào khoang ngoài màng cứng.

Với các trường hợp điển hình (sau gây tê trục thần kinh, đau đầu liên quan đến tư thế, có kết quả khám thần kinh bình thường), không bắt buộc phải có các thăm dò cận lâm sàng để ra chỉ định vá máu. Với các cơn đau đầu điển hình, không nên đợi quá 48h trước khi tiến hành vá máu.

3. Điều trị bằng thủ thuật vá máu tự thân

Thủ thuật vá máu tự thân cần được thực hiện bởi bác sỹ đã được đào tạo và tuân thủ vô khuẩn nghiêm ngặt. Hiệu quả của vá máu tự thân đôi khi phụ thuộc vào thể tích máu bơm vào khoang ngoài màng cứng. Lượng máu được khuyến cáo là không quá 20mL.

Dừng bơm máu nếu: trong khi bơm vào khoang ngoài màng cứng, bệnh nhân thấy đau hoặc cảm giác căng tức vùng thắt lưng ngay cả khi chưa bơm hết 20mL. Vá máu tự thân được tiến hành ở ngang mức hoặc dưới mức khoang đốt sống đã gây tê trục thần kinh trước đó. Trường hợp không biết rõ vị trí đã gây tê trục thần kinh thì tiến hành vá máu tự thân ở khoang đốt sống thấp nhất có thể. Máu bơm vào khoang ngoài màng cứng sẽ lan lên trên từ 3-5 khoang đốt sống.

Vá máu điều trị đau đầu không phải là chống chỉ định cho gây tê giảm đau ngoài màng cứng sau đó. Với các trường hợp thủng màng cứng khi gây tê ngoài màng cứng có luồn catheter, việc bơm máu tự thân qua catheter để dự phòng đau đầu trong sản khoa không được khuyến cáo.

Sau thủ thuật, bệnh nhân cần nằm ngửa, nghỉ ngơi tại giường ít nhất 02 tiếng trước khi đứng dậy.

Trường hợp thất bại, không hết đau đầu hoàn toàn hoặc sau đó đau đầu tái phát lại thì có thể tiến hành vá máu tự thân lần hai, nâng tỷ lệ thành công lên gần 100%.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec