Dinh dưỡng cho người cao tuổi sau khi mắc COVID-19

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Sau khi mắc Covid-19 cơ thể chúng ta cần phải được bổ sung đủ dinh dưỡng cần thiết để phục hồi những tổn thương mà virus đã gây ra. Đặc biệt, với người cao tuổi có nguy cơ gặp phải tình trạng bệnh nặng hơn và cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, để nâng cao sức khoẻ, phục hồi cơ thể tốt nhất.

1. Vì sao cần bổ sung dinh dưỡng cho người cao tuổi nhiễm Covid

Người cao tuổi sau nhiễm COVID-19 cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ. Bởi khi mắc COVID-19, cơ thể đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng, nếu bệnh kéo dài có thể gây suy mòn khối cơ, stress chuyển hóa và oxy hóa, nên sau khi nhiễm bệnh thường xuyên mệt mỏi, sức đề kháng suy giảm và nguy cơ bội nhiễm các loại vi sinh vật khác cao hơn.

Một chế độ dinh dưỡng tốt và hợp lý giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh diễn biến nặng hơn, hồi phục sức khỏe nhanh hơn, giảm các bệnh nhiễm trùng và tái nhiễm Covid. Do đó, dinh dưỡng cho người sau điều trị COVID-19 rất quan trọng, nhất là với người cao tuổi.

Với người cao tuổi không chỉ cần một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất như đạm, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất, mà còn cần phù hợp với tình trạng bệnh lý nền của họ như huyết áp, tiểu đường...bởi người cao tuổi cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

2. Cách cung cấp dinh dưỡng cho người cao tuổi nhiễm Covid

2.1 Nguyên tắc cung cấp dinh dưỡng cho người cao tuổi sau nhiễm Covid

Người cao tuổi sau nhiễm covid cần được cung cấp năng lượng đầy đủ trong khẩu phần ăn. Chủ yếu nguồn cung cấp này đến từ 3 nhóm chính bao gồm: Nhóm các thực phẩm giàu chất bột đường (gạo, ngũ cốc, ngô, khoai) chiếm khoảng 55-65% tổng nhu cầu năng lượng; Nhóm các thực phẩm giàu đạm ( thịt động vật, thịt gia cầm, cá và thủy sản, đậu các loại) chiếm 15-20% tổng nhu cầu năng lượng và nhóm thực phẩm giàu chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu) chiếm từ 20 đến 25% nhu cầu năng lượng. Ví dụ nếu nhu cầu năng lượng ăn vào là 1800 kcal/ngày với tỷ lệ năng lượng từ chất đạm: chất béo: chất đường bột là 15:25:60 (% tổng năng lượng) thì sẽ cần được cung cấp 270 kcal từ 67.5g chất đạm, 450 kcal từ 50g chất béo và 1080 kcal từ 270g chất bột đường.

Người cao tuổi cần được cung cấp đủ những thực phẩm đa dạng và dễ dàng tiêu hóa- hấp thu để phòng tránh nguy cơ suy dinh dưỡng, sụt cân.

Đối với những người cao tuổi mắc bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hay suy thận, suy tim vẫn cần thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh này như bác sĩ đã hướng dẫn trước đó. Hạn chế cung cấp chất béo no và natri trong khẩu phần ăn.

2.2 Những nhóm thực phẩm cần thiết cho người cao tuổi sau mắc Covid

  • Nhóm cung cấp carbohydrate: gạo tẻ, gạo nếp, ngô, khoai, bún, miến, phở... Các loại thực phẩm khác như gạo lứt, gạo lật nảy mầm, yến mạch cũng có nhiều chất đường bột mà còn cung cấp nhiều các vitamin và chất khoáng hơn các loại gạo thông thường. Nên ăn mỗi ngày khoảng 250-300g thực phẩm có chứa chất bột, đường.
  • Thực phẩm chứa protein: Các loại thực phẩm này như thịt, cá, hải sản, tôm, trứng... Người mới khỏi bệnh nên chọn những loại protein có giá trị sinh học cao và cung cấp các acid amin thiết yếu như thịt động vật, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ...Các acid amin thiết yếu có vai trò duy trì các hoạt động chức năng của cơ thể, tham gia vào quá trình miễn dịch, các hàng rào bảo vệ và hấp thu các chất dinh dưỡng. Người cao tuổi nên cung cấp mỗi ngày khoảng 150-200g thịt/ cá hoặc các thực phẩm tương đương, và 500ml sữa/ chế phẩm từ sữa. Nên có ít nhất 3 bữa cá trong tuần.
  • Thực phẩm giàu chất béo: là nguồn cung cấp năng lượng và chất béo giúp tang hấp thu các vitamin tan trong chất béo (A,D,E,K). Tăng cường chất béo không bão hòa một nối đôi và nhiều nối đôi (omega 3, EPA,.. ) có trong các loại cá biển như cá thu, cá hồi, cá mòi, cá trích, dầu gan cá tuyết, đậu hạt và một số loại dầu thực vật. Nên sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật nhiều hơn các chất béo có nguồn gốc từ các loại gia cầm (gà, vịt...) và các loại động vật có vú (lợn, bò...). Không nên ăn các thực phẩm có chứa nhiều cholesterol như nội tạng động vật, óc động vật...
  • Cung cấp các loại vitamin và khoáng chất từ rau và trái cây: Mỗi ngày nên cung cấp 200-300g rau và 200-300g quả chín. Các dưỡng chất có lợi sau điều trị covid cho người cao tuổi là vitamin A, C, D, E, phytosterols có vai trò trong chống viêm, chống oxy hóa, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Thực phẩm giàu vitamin A, C, E gồm các loại rau có màu xanh sẫm và hoa quả có màu đỏ hoặc vàng. Thực phẩm giàu chất xơ, phytosterols như rau củ quả, đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt,... còn giúp cho tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol, hạn chế táo bón – vấn đề thường gặp ở người cao tuổi.
  • Uống đủ nước: Ngoài nhưng chất dinh dưỡng kể trên, thì nước là một phần không thể thiếu. Nước tham gia vào mọi quá trình sống của cơ thể, việc uống nước đủ và đúng cách góp phần hạn chế nguy cơ bệnh tăng nặng và hạn chế biến chứng do COVID-19 gây ra. Nhu cầu nước của người > 55 tuổi là 30ml/ kg/ ngày. Ví dụ người 60 kg thì nhu cầu nước là 1800ml/ ngày, được cung cấp từ nước uống, sữa, súp, món nước, canh, nước trái cây,... Nhiều người già thường không cảm thấy khát nước. Do đó người chăm sóc cần chú ý việc cho người cao tuổi uống đủ nước, uống nước sạch, nước ấm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ để tránh tiểu đêm và không uống các loại nước ngọt thay nước lọc.

3. Những lưu ý khi bổ sung dinh dưỡng cho người cao tuổi nhiễm Covid

Một số lưu ý với chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi sau mắc Covid bao gồm:

  • Nên chọn những thực phẩm đa dạng, phối hợp từ 15 đến 20 loại thực phẩm với nhau và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày để tránh hiện tượng chán ăn, ăn không ngon miệng. Ví dụ: 2-3 loại thực phẩm giàu tinh bột (bánh mì, bún, mì nui, phở, hủ tíu, cơm, khoai củ,...), 2-3 loại thực phẩm giàu đạm (thịt/ cá/ trứng/ đậu/ hạt/...), 4-5 loại rau củ, 2-3 loại trái cây, 1-2 loại thực phẩm nhóm sữa (sữa/ sữa tươi/ sữa chua/sữa hạt/...).
  • Người sau điều trị COVID-19 thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thay đổi vị giác...vì vậy nên ăn nhiều bữa trong ngày, khoảng 5-6 bữa mỗi ngày, tránh ăn quá no có thể gây ra đầy bụng khó tiêu, khó thở. Có thể dùng các loại rau gia vị để kích thích vị giác, tăng cảm giác ngon miệng. Các thực phẩm nên thái nhỏ, nấu mềm, chế biến theo cách luộc, kho, hấp giúp dễ tiêu hóa và hấp thu hơn, chế biến phù hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt để đảm bảo ăn đủ số lượng, tránh giảm cân, suy dinh dưỡng.

Hạn chế:

  • Món ăn chiên, rán, nướng, thức ăn công nghiệp vì nhiều thành phần béo no, khó tiêu hóa.
  • Muối (sodium) trong khẩu phần: không quá 2g muối mỗi ngày: bằng cách nêm nhạt, không chấm thêm nước mắm, nước tương hoặc muối khi ăn.
  • Thực phẩm chế biến sẵn (thức ăn đóng hộp, thịt cá xông khói, lạp xưởng, xúc xích, giò chả, tương, các loại sốt,...), các loại hải sản khô (cá khô, tôm khô, mực khô...), thực phẩm muối chua (cà muối, dưa muối,...).
  • Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol (mỡ động vật, thịt đỏ, óc, tim, gan, cật, trứng, tôm cua,...), thức ăn nhanh, thức ăn chiên, xào, rán, đồ ngọt, bơ, sữa toàn phần.
  • Các chất kích thích như cà phê, rượu, bia và nước uống có ga.
  • Uống nước trước và trong các bữa ăn

Trong và sau khi điều trị Covid cho người cao tuổi thì chế độ dinh dưỡng rất quan trọng, giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển nặng và nguy cơ phải nhập viện điều trị với nhóm đối tượng này. Vì thế, hãy thiết lập một chế độ dinh dưỡng hoàn chỉnh cho người cao tuổi để sức khỏe được đảm bảo tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan