Trẻ em có nên ăn chay

Bài viết được viết bởi TS.BS Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Ăn chay có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật như bệnh tim mạch, chuyển hóa, tiêu hoá, ung thư, ... Với nhiều lợi ích sức khỏe, hiện nay khuynh hướng ăn chay đang ngày càng phổ biến cho mọi độ tuổi từ già đến trẻ, nhiều gia đình chuyển hẳn sang chế độ ăn chay trường và thậm chí cho trẻ em ăn từ bé. Câu hỏi đặt ra là liệu trẻ em ăn chay sớm có phù hợp không, có đủ chất cho sự tăng trưởng và phát triển toàn diện?

1. Lợi ích của ăn chay

Nhiều bằng chứng cho thấy ăn chay đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chế độ ăn chay chủ yếu sử dụng thực phẩm nguồn gốc thực vật, có ít cholesterol, ít chất béo bão hòa, nhiều chất béo không bão hòa, nhiều vitamin, giàu chất xơ,... có tác dụng chống oxy hóa, giảm hàm lượng cholesterol trong máu từ đó giúp ngăn ngừa được nhiều bệnh như: bệnh tim mạch (tăng huyết áp, đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, ...), các bệnh về chuyển hóa (béo phì, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, ...) các bệnh đường tiêu hoá (táo bón, sỏi mật,...), bệnh ung thư (vú, đại tràng,...).

Khẩu phần ăn chay cần phối hợp đa dạng và cân đối thành phần các nhóm thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt (tinh bột), các loại đậu hạt (đạm thực vật), rau củ quả (chất xơ và vitamin), sữa và chế phẩm từ sữa... được chế biến phù hợp để cung cấp đầy đủ năng lượng, chất đạm và dưỡng chất.

Dựa vào tháp dinh dưỡng cân đối cho trẻ mầm non để cung cấp cho trẻ những bữa ăn dinh dưỡng và ngon miệng
Ăn chay đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe

2. Hạn chế của ăn chay

Chế độ ăn chay bị giới hạn về nguyên liệu thực phẩm, kém đa dạng, phong phú hơn so với chế độ ăn thông thường. Đa số các loại thực phẩm nguồn gốc thực vật cung cấp chất đạm có giá trị sinh học không cao, hàm lượng sắt, kẽm cũng thấp hơn thực phẩm nguồn gốc động vật.

Thức ăn thực vật giàu đạm thường thiếu một số acid amin thiết yếu như lysine (gạo, bắp, lúa mì), threonine (gạo), tryptophan (bắp) và methionine (các loại đậu).

Để tăng hương vị - cảm quan món chay, việc sử dụng nhiều tinh bột hoặc nhiều dầu trong chế biến cũng gây mất cân đối khẩu phần, gia tăng chất béo bão hòa và chuyển hóa có hại, dư thừa năng lượng gây thừa cân- béo phì, rối loạn chuyển hóa đường, béo.

Để “tạo hình” và nhái hương vị của các món chay “giả mặn” từ họ đậu giả làm thịt, tôm cá, gia cầm... quá trình chế biến thường bổ sung các chất phụ gia thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chưa được kiểm định chặt chẽ thường nguy hại cho sức khỏe.

Do đó nếu không biết cách, ăn chay với thành phần nguyên liệu đơn điệu, thực đơn nghèo nàn, thiên lệch các nhóm thực phẩm giàu đạm- đường bột - béo hoặc cách chế biến không phù hợp sẽ không thụ hưởng các lợi ích nêu trên mà còn làm tăng các nguy cơ sức khỏe do thiếu dưỡng chất như thiếu đạm, thiếu sắt, kẽm, vitamin B12... hoặc gây rối loạn chuyển hóa đường, béo, thừa cân/ béo phì.

ăn chay
Thực phẩm nấu món chay kém đa dạng hơn so với chế độ ăn thông thường

3. Cách khắc phục hạn chế của ăn chay

Nếu mục đích ăn chay đơn thuần là để giữ gìn sức khỏe thì nên lựa chọn chế độ ăn có thành phần trứng, sữa, chỉ tránh thịt, cá và các loại hải sản. Trứng (đặc biệt trứng gà) và sữa giàu dưỡng chất, là nguồn cung cấp chất đạm có giá trị sinh học cao, chứa nhiều acid amin thiết yếu và đầy đủ vitamin, khoáng chất cần thiết cho hệ miễn dịch.

Thường xuyên thay đổi thực đơn, chọn lựa, phối hợp thực phẩm và bổ sung các vitamin, chất khoáng một cách hợp lý để không bị thiếu các acid amin thiết yếu, vitamin B12, năng lượng, kẽm, sắt. Cần thiết phải phối hợp các loại đạm thực vật đa dạng: rau đậu và các loại hạt, ngũ cốc và họ rau đậu để bổ sung bù đắp các khiếm khuyết của từng loại.

Tăng cường hấp thu sắt bằng cách ăn nhiều rau quả giàu vitamin C như cam, bưởi, sơ-ri, ổi, ớt chuông, cà chua, bông cải xanh...; hạn chế tác dụng ức chế hấp thu sắt của phytate ở trong gạo, các loại ngũ cốc và đậu đỗ, tanin trong một số loại rau, trà và cà phê.

>>> Vì sao nên uống sắt với nước cam? Không nên uống sắt với gì?

Kiểm tra sức khỏe định kỳ, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sàng lọc thiếu máu, thiếu vi chất dinh dưỡng để can thiệp, điều trị kịp thời: bổ sung sắt, kẽm, canxi, vitamin D,...

Cách khuyến khích trẻ ăn rau
Cha mẹ nên thường xuyên thay đổi thực đơn để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ

4. Ăn chay ở trẻ em

Các chuyên gia khẳng định chế độ ăn chay hoàn toàn không phù hợp với trẻ em.

Đạm có giá trị sinh học cao với đầy đủ thành phần acid amin thiết yếu và acid béo thiết yếu là những chất cần thiết cho não bộ phát triển nhưng thường bị thiếu trong chế độ ăn chay. Bên cạnh đó, trẻ đối mặt với nguy cơ thiếu các dưỡng chất cần thiết cho phát triển thể chất và miễn dịch như sắt, kẽm, vitamin D, vitamin B12, canxi, các vi lượng và chất dinh dưỡng khác.

Nếu áp dụng chế độ ăn loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, hải sản và ngay cả trứng, sữa, ở trẻ em về lâu dài sẽ tạo ra một sự thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng cho cơ thể, dẫn đến suy dinh dưỡng, thiếu máu, chậm phát triển trí não - thể chất - vận động và các chức năng của cơ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan