Cách chữa trẻ đi ngoài ra máu an toàn, hiệu quả

Trẻ đi ngoài ra máu là những dấu hiệu trẻ có thể đang mắc các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và cách chữa trẻ đi ngoài ra máu an toàn, hiệu quả như thế nào?

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị đi ngoài ra máu

Trẻ nhỏ được đánh giá là bị đi ngoài ra máu khi phân có màu bất thường như đỏ hoặc đen. Trong một số trường hợp phân còn có bọt, đàm nhớt hoặc có mùi hôi khó chịu. Thông thường, tình trạng này không xuất hiện đơn độc mà thường sẽ kèm theo các bệnh lý về đường tiêu hóa như sưng rát hậu môn, mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn và đau bụng.

Một số nguyên nhân trẻ bị đi ngoài ra máu có thể kể đến như:

Táo bón

Táo bón là nguyên nhân hàng đầu và phổ biến nhất khi trẻ bị đi ngoài ra máu. Bởi khi gặp phải tình trạng này thì hậu môn của trẻ sẽ bị nứt kẽ, trầy xước nên sẽ theo phân ra máu. Bên cạnh đó, tình trạng phân khô cứng khi đi vệ sinh cũng khiến trẻ phải rặn nhiều cũng gây ra nứt hậu môn và chảy máu. Nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón thường là do trẻ nhịn ăn, ăn ít thực phẩm nhiều chất xơ và uống ít nước.

Trẻ bị bệnh kiết lỵ

Không chỉ táo bón mà tình trạng tiêu chảy, kiết lỵ cũng là một nguyên nhân khiến trẻ bị đi ngoài ra máu. Nguyên nhân này xuất phát từ các loại vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng tấn công vào đường ruột của bé. Triệu chứng báo hiệu rõ nhất là trẻ đi phân lỏng, có màu và đi đại tiện nhiều hơn 4 lần/ngày. Đặc biệt trong phân của trẻ có thể xuất hiện dịch nhầy, bọt hơi, đau tức hậu môn nên trẻ rất khó chịu, quấy khóc.

Polyp đại trực tràng

Polyp đại trực tràng là căn bệnh phổ biến ở người lớn nhưng trẻ nhỏ vẫn có nguy cơ mắc phải, nguyên nhân gây bệnh thường là do trẻ bị béo phì, thừa chất béo, ít chất xơ.

Thông thường, trẻ mắc bệnh thường sẽ không có triệu chứng, trẻ có thể bị đại tiện có máu ra ngoài trực tràng nếu polyp tăng kích thước. Biến chứng này có thể gây tắc ruột nếu không được kiểm soát tốt. Chính vì thế, khi thấy con đi ngoài ra máu thì mẹ cũng không nên chủ quan mà cần đưa con đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Thiếu vitamin K

Vitamin K là một loại vitamin cần thiết của cơ thể, nếu bị thiếu hụt trẻ có thể bị chảy máu dẫn đến tình trạng đi ngoài phân có máu. Hầu hết trẻ dưới 6 tháng tuổi sẽ gặp phải tình trạng này do thời điểm mới sinh nguồn dinh dưỡng chính của trẻ là sữa mẹ. Do đó, nếu người mẹ ăn uống không đầy đủ chất dinh dưỡng thì trẻ có thể bị thiếu hụt vitamin K dẫn đến tình trạng bị đi ngoài ra máu.

Lồng ruột cấp tính

Lồng ruột cũng là một căn bệnh khá phổ biến thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi do một đoạn ruột bị lộn ngược, chui vào bên trong của đoạn ruột gần đó. Triệu chứng nhận biết bệnh lồng ruột chính là trẻ đau bụng dữ dội và quấy khóc, tiếp đến trẻ có thể bị nôn mửa, đi ngoài ra máu kèm nhầy dính. Nếu không được phát hiện kịp thời thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Ngoài các bệnh lý kể trên, nguyên nhân khiến trẻ bị đi ngoài ra máu còn có thể do mắc các bệnh lý như bệnh Crohn, bệnh thương hàn và các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Để biết cách chữa trẻ đi ngoài ra máu thì cha mẹ cần nắm được chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng thăm khám, chăm sóc dinh dưỡng giúp con mau chóng phục hồi sức khỏe.

2. Cách chữa trẻ đi ngoài ra máu như thế nào an toàn và hiệu quả?

Cách chữa đi ngoài ra máu cho trẻ hiệu quả và an toàn cần có sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, vì thế khi trẻ mắc phải tình trạng này cha mẹ thường sẽ được khuyên đưa con tới bệnh viện để thăm khám, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra nặng hơn. Tại đây, các bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ thực hiện các xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân và đưa ra cách chữa đi ngoài ra máu ở trẻ nhỏ phù hợp nhất.

Cách chữa trẻ đi ngoài ra máu có thể được áp dụng với một số phương pháp sau đây:

  • Nếu trẻ bị lồng ruột, polyp đại trực tràng gây đi ngoài ra máu thì bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật.
  • Nếu trẻ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và nhiễm virus thì có thể sử dụng kháng sinh.
  • Điều trị triệu chứng bằng các loại thuốc giảm đau - chống viêm - chống tiêu chảy. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thêm men vi sinh để tạo ra các loại vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
  • Chỉ định bổ sung nước, điện giải trong trường hợp trẻ bị đi ngoài ra máu kéo dài.

Có thể thấy, cách chữa trẻ đi ngoài ra máu sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

3. Cha mẹ cần làm gì nếu trẻ đi ngoài ra máu?

Nếu trẻ bị đi ngoài phân có máu thì cha mẹ cần chú ý đến chế độ chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng. Tốt nhất là làm theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài các cách chữa trẻ đi ngoài ra máu thì cha mẹ cũng cần chú ý một số điều sau đây:

  • Cho trẻ nhỏ uống đủ nước mỗi ngày: Ngoài nước lọc, nước đun sôi để nguội thì cha mẹ có thể thay thế bằng các loại nước ép trái cây, nước muối pha loãng, sữa, nước cơm. Việc bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể vừa bù lại lượng nước đã mất, vừa bù điện giải.
  • Tăng cường vitamin K để tránh rối loạn đông máu ở trẻ: Thiếu vitamin K có thể gây ra nhiều bệnh lý. Vì vậy trong chế độ dinh dưỡng của trẻ mẹ nên bổ sung những thực phẩm giàu loại vita in này như: cần tây, rau bina, củ cải, cải bắp.
  • Bổ sung thực phẩm tốt cho máu: Một cách chữa trẻ đi ngoài ra máu chính là bổ sung những thực phẩm tốt cho máu để bù lại lượng máu đã mất trong cơ thể. Mẹ có thể bổ sung thêm cho con các thực phẩm giàu đạm, củ dền, củ cải đỏ,...

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý phải luôn cho trẻ ăn chín, uống sôi, nấu thức ăn mềm ở dạng lỏng như cháo, soup để cho trẻ dễ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng. Mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để tránh cho hệ tiêu hóa của trẻ phải làm việc liên tục.

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng cần chú ý nên cho trẻ nghỉ ngơi, nếu trẻ bị đi ngoài ra máu do các bệnh lý như bệnh Crohn thì phải hạn chế lượng sữa và những thực phẩm giàu chất xơ chất béo để tránh tình trạng đi ngoài nặng hơn. Đặc biệt, mẹ cần kiêng cho trẻ ăn đồ cay nóng tuyệt đối, các chất kích thích như cafe, trà,....

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

84 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan