Cách điều trị kinh nguyệt kéo dài

Kinh nguyệt kéo dài là biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe chị em phụ nữ. Kinh nguyệt kéo dài còn được gọi là rong kinh. Vậy cách điều trị kinh nguyệt kéo dài là gì?

1. Kinh nguyệt kéo dài bắt nguồn từ những nguyên nhân nào?

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra theo chu kỳ ở độ tuổi sinh sản của nữ giới. Thời gian hành kinh trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt mỗi người sẽ khác nhau, tuy nhiên số ngày hành kinh thường kéo dài trong khoảng từ 2 – 7 ngày. Nếu chu kỳ hành kinh kéo dài quá 7 ngày, lượng máu mất đi vượt trên 150ml có thể là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang có vấn đề. Một số nguyên nhân cơ năng và nguyên nhân thực thể có thể dẫn đến hiện tượng hành kinh kéo dài là:

  • Rối loạn hormone trong cơ thể;
  • Triệu chứng hành kinh kéo dài báo hiệu cơ thể đang mắc phải một số bệnh phụ khoa như: bệnh u xơ tử cung, chứng viêm nội mạc tử cung, bệnh nhân có polyp cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, bệnh ung thư âm đạo, ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung...;
  • Bệnh lý ở tuyến yên hoặc bệnh ở buồng trứng;
  • Bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai, các thuốc co tử cung, thuốc nội tiết tố sinh dục nữ... cũng có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt ra nhiều;
  • Chế độ dinh dưỡng hàng ngày không khoa học;
  • Tâm lý của nữ giới không thoải mái, thường xuyên bị căng thẳng stress...;
  • Biến chứng thai kỳ;
  • Rối loạn chảy máu do di truyền;
  • Sử dụng thuốc có thể dẫn đến tác dụng phụ gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt;
  • Dụng cụ tử cung...

2. Những ảnh hưởng có thể xảy ra khi kinh nguyệt kéo dài

Nếu tình trạng nêu trên vẫn diễn ra mà không tìm cách điều trị kinh nguyệt kéo dài, bệnh nhân có thể bị thiếu máu, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, ngoài ra rong kinh còn tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập làm viêm nhiễm sinh dục. Rong kinh có thể là triệu chứng của nhiều bệnh phụ khoa cần xử trí kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

  • Thiếu máu: Rong kinh gây thiếu máu, mất máu thông qua việc làm giảm số lượng hồng cầu lưu thông được đo bằng huyết sắc tố. Phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài có thể làm giảm nồng độ sắt đủ để tăng nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt với các dấu hiệu bao gồm da niêm nhợt nhạt, yếu ớt và mệt mỏi;
  • Đau bụng dữ dội: bên cạnh chảy máu kinh nguyệt, bệnh nhân có thể bị đau bụng kinh, đôi khi bị chuột rút nghiêm trọng liên quan đến rong kinh và cần đến bệnh viện;
  • Về tâm lý, khi kinh nguyệt kéo dài sẽ khiến chị em khó chịu và sợ hãi;
  • Nguy cơ vô sinh – hiếm muộn: Rong kinh với máu có màu đen do bị ứ đọng lâu trong tử cung sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn gây hại xâm nhập. Vi khuẩn có thể đi theo hướng từ âm đạo lên vòi trứng, buồng tử cung và gây ra những ảnh hưởng trên khả năng sinh sản của phụ nữ. Bên cạnh đó đây còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý, nếu lơ là không thăm khám và điều trị sớm, rong kinh có thể gây vô sinh – hiếm muộn.

3. Dấu hiệu cho biết bạn đang có kinh nguyệt kéo dài

Kinh nguyệt kéo dài sẽ bao gồm các dấu hiệu sau đây:

  • Ra máu nhiều và liên tục trong thời kỳ kinh nguyệt, kéo dài trên 7 ngày và phải thay nhiều băng vệ sinh trong vài giờ liên tiếp;
  • Đôi khi phải sử dụng 2 hoặc nhiều băng vệ sinh cùng lúc;
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên trong đêm do lượng máu kinh nguyệt ra nhiều;
  • Xuất hiện các cục máu đông trong máu kinh nguyệt;
  • Mệt mỏi và khó thở;
  • Đau bụng dưới.

4. Cách điều trị kinh nguyệt kéo dài

4.1. Điều chỉnh lối sống khoa học

Chế độ sinh hoạt là một trong những cách cải thiện rong kinh và cách điều trị này có thể mang lại kết quả khả quan, theo đó chị em cần:

  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh các hoạt động thể lực nặng và vận động mạnh;
  • Giữ cho tinh thần luôn vui vẻ, tránh căng thẳng, stress;
  • Ngủ nghỉ đúng giờ, đủ giấc;
  • Giữ vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ;
  • Thường xuyên thay băng vệ sinh mới đều đặn.

4.2. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý

Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp chị em phụ nữ cải thiện tình trạng mệt mỏi, bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để tránh tình trạng thiếu máu xảy ra. Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp chị em nạp thêm năng lượng, giúp cơ thể khỏe khoắn hơn:

  • Thêm các loại trái cây và rau củ xanh vào thực đơn hàng ngày giúp chị em ổn định đường huyết trong máu, cân bằng nội tiết tố, hạn chế tình trạng nhiễm trùng;
  • Bổ sung các loại cá biển hoặc cá giàu chất béo giúp giảm đau, giảm viêm;
  • Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu chất sắt và vitamin B6 để cải thiện tình trạng thiếu máu nếu có;
  • Thêm ngũ cốc vào chế độ ăn, bởi chúng chứa ít glycemic giúp cân bằng nội tiết tố;
  • Không sử dụng chất kích thích như rượu, bia, cà phê;
  • Không ăn món cay, nóng như các món ăn nhiều ớt, tiêu.

4.3. Thăm khám bác sĩ phụ khoa để chẩn đoán nguyên nhân gây rong kinh

Khám phụ khoa là việc làm cần thiết và quan trọng khi phát hiện bản thân đang bị rong kinh. Thông qua thăm khám các bác sĩ sản phụ khoa sẽ tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn hướng xử trí hiệu quả nhất, giúp chị em giải quyết triệt để tình trạng này và tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau.

Để chẩn đoán chính xác bệnh và nguyên nhân gây kinh nguyệt kéo dài, bác sĩ cần khai thác thông tin liên quan đến tiền sử bệnh lý (bản thân và gia đình), thăm khám thực thể và thực hiện xét nghiệm máu trong trường hợp nghi ngờ chị em mắc chứng thiếu máu.

Tiếp theo bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung cần thiết để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả như:

  • Siêu âm: quan sát hình ảnh tử cung, buồng trứng và xương chậu;
  • Xét nghiệm PAP: mẫu nhỏ tế bào ở bề mặt cổ tử cung được lấy để tiến hành kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, xem xét có hay không tế bào ung thư hoặc mầm mống của ung thư;
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: mẫu mô ở nội mạc tử cung được lấy ra để kiểm tra sự hiện diện của ung thư.
  • Soi tử cung: sử dụng ống soi có gắn camera ghi hình bên trong tử cung.
  • Chụp cản quang tử cung vòi trứng: tiêm chất cản quang vào tử cung và ống dẫn trứng sau đó tiến hành quan sát trên phim X-quang.

4.4. Cách điều trị rong kinh kéo dài

Cách điều trị rong kinh sẽ phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: nguyên nhân và nguyện vọng sinh con của chị em phụ nữ. Bác sĩ sẽ chỉ định chị em sử dụng các loại thuốc để cải thiện tình trạng rong kinh có thể kể đến là thuốc tránh thai, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bổ sung hormone Progesterone hoặc bổ sung sắt. Nếu việc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, một số trường hợp cần chỉ định thực hiện phẫu thuật để điều trị triệt để nguyên nhân gây kinh nguyệt kéo dài.

Một số thủ thuật can thiệp điều trị là nong nạo tử cung, cắt đốt nội mạc tử cung, cắt bỏ tử cung... Tuy nhiên, những thủ thuật này là có thể gây vô sinh, do đó chỉ được chỉ định trong trường hợp phụ nữ lớn tuổi hoặc phụ nữ không còn nhu cầu sinh con.

Mỗi phụ nữ là khác nhau, do đó nguyên nhân gây bệnh cũng khác nhau. Khi nghi ngờ bị bệnh, chị em nên đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả.

Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp độc giả hiểu hơn về cách điều trị kinh nguyệt kéo dài. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, tuy nhiên để thăm khám đúng bệnh, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, người bệnh cũng nên lựa chọn các cơ sở thăm khám phụ khoa uy tín.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan