Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị bệnh lý tuyến giáp?

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị My - Giám đốc Trung tâm bệnh lý tuyến giáp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bệnh lý tuyến giáp rất đa dạng, ảnh hưởng từ 1% đến 2% ở phụ nữ mang thai. Khi người phụ nữ mang thai bị bệnh tuyến giáp sẽ có nhiều tác động nghiêm trọng đến người mẹ và thai nhi. Vì vậy, việc phát hiện và xử lý kịp thời bệnh tuyến giáp khi có thai sẽ giảm được các biến chứng nguy hiểm. Điều trị bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai còn phức tạp, cần có sự tham gia của bác sĩ chuyên khoa nội tiết và chuyên khoa sản.

1. Các bệnh lý tuyến giáp có thể gặp trong thai kỳ

Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, có hình cánh bướm nằm ở phía trước - dưới của cổ. Hormon giáp có vai trò quan trọng trong điều tiết chuyển hóa, điều chỉnh quá trình giải phóng năng lượng của cơ thể. Hormon giáp cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, hô hấp, tim và các chức năng hệ thống thần kinh, sinh nhiệt độ cơ thể, sức mạnh cơ bắp, da, chu kỳ kinh nguyệt,....

Bệnh lý tuyến giáp rất đa dạng, đặc biệt phụ nữ thời kỳ mang thai đã làm thay đổi hoạt động sinh lý của tuyến giáp và có thể làm thay đổi quá trình diễn tiến bệnh tuyến giáp, ảnh hưởng đến 1% đến 2% phụ nữ mang thai. Những bệnh lý tuyến giáp liên quan đến đến thai kỳ bao gồm:

  • Suy giáp: Là tình trạng do tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone giáp. Suy năng tuyến giáp có thể bắt nguồn từ tuyến giáp, tuyến yên hay vùng hạ đồi.
  • Cường giáp: Là tình trạng sản sinh ra quá nhiều hormone giáp, hội chứng này ít gặp hơn suy năng tuyến giáp
  • Bướu giáp (bướu cổ đơn thuần): Đây không phải là một bệnh lý cụ thể. Bướu giáp có thể liên quan đến hội chứng suy năng tuyến giáp, cường năng tuyến giáp hoặc thậm chí chức năng tuyến giáp bất thường.
  • Nhân giáp: Là những u hoặc khối bất thường nằm bên trong tuyến giáp. Nhân giáp có thể do nang giáp, bướu giáp lành tính hoặc ung thư tuyến giáp.
  • Ung thư tuyến giáp: Thường gặp ở những phụ nữ trưởng thành hơn là nam giới hoặc người trẻ. Có nhiều loại ung thư tuyến giáp khác nhau, tùy thuộc vào loại tế bào đặc hiệu bên trong tuyến giáp. Đa số những trường hợp ung thư tuyến giáp đều có tiên lượng tốt và tỷ lệ sống sót cao, đặc biệt là những bệnh nhân khi được chẩn đoán sớm ở giai đoạn đầu.
Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị bệnh lý tuyến giáp
Bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng từ 1 % đến 2 % phụ nữ mang thai

2. Nguyên nhân gây bệnh lý tuyến giáp trong thời kỳ mang thai

Trong thời kỳ mang thai, hoạt động sinh lý và chức năng tuyến giáp của người mẹ có nhiều thay đổi chính vì vậy có thể dẫn tới các bệnh lý hoặc rối loạn chức năng tuyến giáp trong thời kì mang thai, cụ thể:

Thay đổi về hormon

  • Khi mang thai cơ thể người mẹ sẽ sản sinh ra 2 hormone chính: βhCG (human chorionic gonadotropin) và estrogen. Việc tăng βhCG trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm giảm nhẹ hormone TSH (hormon kích thích giáp trạng), lúc này gọi là cường giáp cận lâm sàng. TSH sẽ tăng trở lại ở giai đoạn sau của thai kỳ. Estrogen (hormone sinh dục nữ) sẽ làm tăng hormone tuyến giáp gắn protein trong huyết thanh, tuy nhiên hormone tuyến giáp tự do (FT3, FT4) không tăng, do đó không ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp.
  • Gia tăng sự chuyển hóa ở ngoại biên của hormone giáp.

Thay đổi về miễn dịch

Hiện tượng tự miễn xuất hiện hoặc gia tăng vào quý đầu của thai kỳ, cải thiện vào quý 2 đến cuối thai kỳ. Các kháng thể kháng TPO và thyroglobulin hiện diện ở 6 - 20% thai phụ. Sự hiện diện của các kháng thể này có thể liên hệ đến tình trạng: Tăng khả năng sảy thai, suy giáp cận lâm sàng trong thai kỳ, trầm cảm và viêm giáp sau sinh.

Nồng độ các kháng thể kháng tuyến giáp giảm trong quý đầu của thai kỳ, có mức thấp nhất vào quý 3, sau đó tăng trở lại vào thời kỳ hậu sản. Các kháng thể này có thể qua nhau gây rối loạn chức năng tuyến giáp ở thai nhi và trẻ sơ sinh.

Thay đổi về kích thước

Tuyến giáp có thể thay đổi về kích thước trong quá trình mang thai: Kích thước lớn hơn khoảng 10 - 15%, gọi là bướu giáp. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ sống ở vùng núi, nơi thiếu hụt iode.

Thay đổi về nhu cầu iode trong thai kỳ

Khi mang thai, nhu cầu iode tăng 50% do chuyển hóa của cơ thể tăng, độ thanh thải iod qua thận tăng, iode cho nhu cầu của thai nhi. Vì vậy, tuyến giáp mẹ tăng hoạt động bắt giữ iode và tổng hợp hormone giáp. Thể tích tuyến giáp có thể tăng 10% ở nơi đủ iode, 20 - 40% ở nơi thiếu iode. Có thể nói, trong giai đoạn này, nếu cung cấp iode không đủ sẽ dẫn đến những rối loạn chức năng tuyến giáp có thể sẽ xuất hiện.

3. Ảnh hưởng của bệnh lý tuyến giáp đến sản phụ và thai nhi

Trong khoảng 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi chưa có tuyến giáp nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào lượng hormone tuyến giáp của người mẹ cung cấp qua rau thai. Giai đoạn này là thời kỳ hình thành và phân chia các cơ quan của thai nhi nên nếu bị thiếu hormone trong thời gian này thì biến chứng rất nặng nề.

Rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai chủ yếu là suy năng tuyến giáp. Hậu quả của suy năng tuyến giáp ở người mẹ là tăng huyết áp, đẻ non, rau bong non, thậm chí là sảy thai, thai chết lưu. Đối với thai nhi khi đẻ ra trẻ bị chậm phát triển trí tuệ.

Cường chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai ít gặp hơn, có khoảng 1,7% phụ nữ có thai bị bệnh này. Hậu quả của cường năng tuyến giáp gây ra các biến chứng như: Thai nhẹ cân, sảy thai, tiền sản giật, đẻ non... Thậm chí cơn cường giáp cấp lúc chuyển dạ gây tử vong cho cả mẹ và con với tỷ lệ lên đến 100%.

Việc tầm soát nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngoài việc ngăn ngừa các biến chứng, làm giảm tỷ lệ tử vong ở cả mẹ và con thì nó đảm bảo những đứa trẻ sinh ra là hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất và có trí tuệ tốt... Điều trị càng sớm thì nguy cơ bị biến chứng ở cả mẹ và con sẽ càng thấp.

Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị bệnh lý tuyến giáp
Suy năng tuyến giáp ở người mẹ có thể dẫn đến tình trạng rau bong non

4. Những ai cần được sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong thời kỳ mang thai?

Các thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh tuyến giáp cần phải khám sàng lọc bệnh lý tuyến giáp trong thời kì mang thai bao gồm:

  • Những thai phụ đã được chẩn đoán bệnh tuyến giáp từ trước và/hoặc đang điều trị bệnh lý tuyến giáp như Basedow, suy giáp, bướu cổ đơn thuần, bướu nhân tuyến giáp;
  • Tiền sử xạ trị vùng đầu mặt cổ;
  • Có tiền sử trong gia đình có người thân (bố, mẹ, chị em...) bị bệnh lý tuyến giáp;
  • Thai phụ đã bị bệnh tuyến giáp ở những lần có thai trước;
  • Có tiền sử sản khoa xấu như sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đẻ con bị dị tật bẩm sinh;
  • Người bệnh đái tháo đường type 1;
  • Có mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus...

Bệnh lý tuyến giáp đặc biệt là rối loạn chức năng tuyến giáp ở phụ nữ mang thai nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì bệnh có thể để lại những biến chứng nguy hiểm. Do đó, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có nguy cơ cao cần đi sàng lọc lâm sàng, làm xét nghiệm máu các hormon FT4 và TSH. Đối với những trường hợp nghi ngờ có thể bác sĩ sẽ cho làm thêm siêu âm tuyến giáp và một số xét nghiệm máu đặc biệt. Những sản phụ được chẩn đoán rõ có rối loạn chức năng tuyến giáp sẽ được can thiệp và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thành lập TRUNG TÂM BỆNH LÝ TUYẾN GIÁP, tại đây bạn sẽ được:

  • Thăm khám – tư vấn bởi đội ngũ bác sĩ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, được tu nghiệp tại các quốc gia phát triển thế giới trong quản lý quản và điều trị chuyên sâu về bệnh lý tuyến giáp.
  • Bạn sẽ được khám, kiểm tra, đánh giá và xét nghiệm với hệ thống máy móc và trang thiết bị hiện đại đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế (máy siêu âm GE Logiq S8 tích hợp công nghệ siêu âm đàn hồi mô – một kĩ thuật siêu âm mới nhất trong chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp, máy chụp cộng hưởng từ 3 Tesla....)
  • Mô hình điều trị đa chuyên khoa theo hướng cá thể hóa sẽ khiến là điều kiện tốt để bạn được thăm khám và điều trị với phác đồ tối ưu nhất - phù hợp nhất với mình và hoàn toàn yên tâm trong suốt quá trình thai sản.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan