Bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối

Alzheimer là căn bệnh hay gặp ở người cao tuổi với diễn tiến nghiêm trọng dần theo thời gian. Bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối không thể thực hiện hầu hết các sinh hoạt hằng ngày và cần đến sự hỗ trợ của người thân. Vậy việc chăm sóc bệnh nhân suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối cần lưu ý những gì?

1. Bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn cuối là gì?

Bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer phổ biến ở người già và có xu hướng trầm trọng hơn theo thời gian. Các chuyên gia sử dụng thuật ngữ "giai đoạn" để mô tả mức độ diễn tiến về năng lực của bệnh nhân Alzheimer so với người bình thường. Cách phân chia bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer thành 7 giai đoạn được phát triển bởi Tiến sĩ Y khoa Barry Reisberg, giám đốc lâm sàng của New York University School of Medicine's Silberstein Aging and Dementia Research Center, cụ thể như sau:

  • Giai đoạn 1: Bệnh nhân không có biểu hiện suy yếu;
  • Giai đoạn 2: Bệnh nhân suy giảm nhận thức mức độ rất nhẹ;
  • Giai đoạn 3: Mức độ suy giảm nhận thức nhẹ;
  • Giai đoạn 4: Sự suy giảm nhận thức của bệnh nhân tiến triển nhưng ở mức vừa phải;
  • Giai đoạn 5: Bệnh nhân suy giảm nhận thức tương đối nghiêm trọng;
  • Giai đoạn 6: Sự suy giảm nhận thức của bệnh nhân ở mức nghiêm trọng;
  • Giai đoạn 7: Sự suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối ở mức rất nghiêm trọng.

Theo diễn tiến bình thường, các triệu chứng của bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn đầu khá mờ nhạt và dẫn đến nhầm lầm với tình trạng trí nhớ giảm sút ở người cao tuổi bình thường, cho đến khi bước vào giai đoạn cuối thì các biểu hiện của bệnh Alzheimer sẽ trở nên rõ rệt hơn.

1.1. Chức năng ngôn ngữ suy giảm

Ở bệnh nhân suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ mất dần khả năng ngôn ngữ với lượng từ vựng giảm đi đáng kể. Bệnh nhân đôi khi chỉ còn nhớ các cụm từ đơn giản hoặc các từ đơn lẻ, và cuối cùng là mất hoàn toàn tiếng nói với những âm thanh “ú ú, ớ ớ” vô nghĩa cả ngày.

Lưu ý, mặc dù mất khả năng ngôn ngữ bằng lời nói nhưng người bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn cuối vẫn hiểu và đáp lại các tín hiệu cảm xúc của mọi người xung quanh.

1.2. Mất kiểm soát hành vi

Ở bệnh nhân suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối, các biểu hiện mất kiểm soát hành vi ngày càng được biểu hiện rõ rệt với việc họ không tự chủ được các hành động của bản thân. Ở giai đoạn này, các dấu hiệu hung hăng, khó chịu, bùng nổ hoặc phản kháng lại sự chăm sóc của người thân vẫn tiếp diễn, trong khi một số bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối khác lại tỏ ra thờ ơ, kiệt sức hoàn toàn và chán nản.

1.3. Mất khả năng vận động

Đa số bệnh nhân suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người thân. Những sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, vệ sinh cá nhân, đánh răng hay ăn uống... người bệnh đều không thể tự thực hiện nếu không có sự giúp đỡ từ người khác.

1.4. Nằm liệt giường

Bước vào giai đoạn cuối của bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer, các khối cơ của bệnh nhân đã thoái hóa, dẫn đến việc cử động rất khó khăn và hầu hết thời gian phải nằm liệt giường.

1.5. Nguy cơ tử vong do bệnh cơ hội

Các nghiên cứu chứng minh, lý do khiến người bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer tử vong thường liên quan đến các tác nhân bên ngoài như nhiễm trùng vết loét tỳ đè hay viêm phổi... Mặt khác, rất nhiều trường hợp bệnh nhân Alzheimer tử vong do rối loạn chức năng nuốt, dẫn đến suy giảm khả năng ăn uống hoặc tăng nguy cơ hít sặc và dẫn đến tử vong. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến người bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối từ vong là té ngã gây chấn thương đầu.

2. Chăm sóc bệnh nhân suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối

Bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn cuối vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp điều trị hiện nay bao gồm sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ, kết hợp các liệu pháp can thiệp tâm lý xã hội và chăm sóc phù hợp với mục đích cải thiện triệu chứng để hỗ trợ người bệnh sống chung với Alzheimer một cách nhẹ nhàng hơn.

Trong đó các biện pháp chăm sóc bệnh nhân suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối vô cùng cần thiết và đóng vai trò rất quan trọng. Bệnh nhân Alzheimer giai đoạn này hầu như đã mất hoàn toàn khả năng tự chăm sóc bản thân, dù đó là việc cực kỳ đơn giản. Các biện pháp chăm sóc người bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer cần thực hiện cẩn trọng trong suốt quá trình phát triển của bệnh.

2.1. Hỗ trợ bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối di chuyển

Người bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối hầu như mất hoàn toàn khả năng di chuyển, do đó cần người thân hỗ trợ trong vấn đề đi lại. Lúc này việc quan trọng là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ về cách di chuyển người bệnh an toàn, đồng thời hạn chế việc tự gây thương tích cho bản thân.

Cách di chuyển người bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn cuối:

  • Yêu cầu phải thay đổi vị trí bệnh nhân ít nhất 2 giờ một lần;
  • Người chăm sóc đứng về phía cơ thể yếu hơn của người bệnh để hỗ trợ họ di chuyển dễ dàng hơn;
  • Khi di chuyển người bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối, người thân có thể đưa cho họ thứ gì đó để cầm nắm (như chăn hay gối nhỏ) với mục đích giúp người bệnh ít bám vào người chăm sóc hay đồ đạc xung quanh, từ đó quá trình di chuyển sẽ dễ dàng hơn.

Trong quá trình di chuyển bệnh nhân suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối, người hỗ trợ cần lưu ý tránh tự gây thương tích cho bản thân bằng một số biện pháp sau:

  • Để bệnh nhân tựa càng sát vào người chăm sóc càng tốt;
  • Không di chuyển bệnh nhân nếu thấy không đủ sức;
  • Khi di chuyển nên bước từng bước nhỏ thay vì quay người đột ngột;
  • Giữ tư thế chân trước chân sau hoặc tách 2 bàn chân xa nhau để đứng vững vàng hơn;
  • Người chăm sóc nên chú ý tư thế khi đỡ người bệnh. Nếu phải cúi xuống thấp để đỡ bệnh nhân, người hỗ trợ cần gập nhẹ gối và để người bệnh bám vào mình rồi đứng thẳng lên bằng cách đẩy cơ đùi trong khi lưng và thắt lưng phải giữ thẳng.

2.2. Dinh dưỡng cho người bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn cuối

Theo diễn tiến của bệnh Alzheimer, cành về giai đoạn sau thì bệnh nhân càng mất hứng thú với việc ăn uống, thậm chí trí nhớ giảm sút khiến họ không nhớ đến giờ ăn, một số bệnh nhân thì ăn quá mức hoặc ngược lại là ăn không đủ nhu cầu... Điều này khiến người bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối bị thiếu các vitamin và khoáng chất cần thiết để duy trì sức khỏe.

Người thân hoặc người chăm sóc có thể đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng các biện pháp sau:

  • Hạn chế tối đa cho bệnh nhân suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối ăn vặt;
  • Xây dựng thói quen ăn cùng một thời điểm mỗi ngày;
  • Tạo không gian yên tĩnh khi ăn (như tắt tivi);
  • Sử dụng chén đĩa nhiều màu sắc để món ăn trông bắt mắt hơn;
  • Cho người bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn cuối ăn từng món một thay vì ăn cùng lúc quá nhiều món;
  • Thông báo với bác sĩ điều trị nếu bệnh nhân sụt cân quá nhiều, quá nhanh;
  • Nếu bệnh nhân phải đeo răng giả, người thân hãy kiểm tra xem răng giả có vừa vặn không;
  • Nếu người bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối khó cầm muỗng đũa, người chăm nên ưu tiên chế biến món ăn có thể cầm ăn như gà luộc, Sandwich, rau luộc...;
  • Nếu ăn không đủ nhu cầu, người thân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thêm thực phẩm chức năng hay các viên vitamin tổng hợp.

Bên cạnh đó, người mắc bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn cuối thường gặp khó khăn trong việc nhai nuốt thức ăn, dẫn đến tăng nguy cơ sặc nghẹn. Tình trạng này tương đối nguy hiểm và người chăm sóc nên phòng ngừa bằng những lưu ý sau đây:

  • Không hối thúc bệnh nhân ăn nhanh mà hãy để họ nhai và nuốt từng miếng một;
  • Chế biến thức ăn thật mềm và cắt nhỏ để dễ nuốt, thậm chí có thể nghiền thức ăn thành dạng lỏng;
  • Hạn chế sử dụng ống hút vì nó có thể khiến bệnh nhân Alzheimer khó nuốt hơn;
  • Ưu tiên cho bệnh nhân sử dụng nước đun sôi để nguội thay vì nước nóng;
  • Hạn chế cho bệnh nhân ăn khi đang buồn ngủ hoặc nằm nghỉ. Tư thế ăn tốt nhất cho người bệnh Alzheimer giai đoạn cuối là ngồi thẳng trong suốt bữa ăn và duy trì tư thế ít nhất 20 phút sau ăn;
  • Người chăm sóc có thể hỗ trợ bằng cách vuốt nhẹ phần cổ người bệnh theo chiều từ trên xuống, đồng thời nhắc nhở họ nuốt thức ăn.

Để tránh sặc nghẹn khi uống thuốc, người thân hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc nghiền hoặc pha lỏng thuốc thay vì uống nguyên viên.

2.3. Chăm sóc da cho bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối

Người bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối nguy cơ loét tỳ đè cao do phải nằm một chỗ quá lâu. Do đó người chăm sóc cần có biện pháp phòng ngừa cũng như khắc phục như sau:

  • Sử dụng đệm hay tấm lót ghế có khả năng giảm nhẹ tình trạng loét tỳ đè;
  • Thường xuyên kiểm tra các vùng da gót chân, hông, mông, vai, lưng và khuỷu tay để phát hiện kịp thời các vết đỏ hoặc vết loét. Khi có dấu hiệu loét tỳ đè thì liên hệ với bác sĩ điều trị để có cách xử lý;
  • Nếu đã bị loét tỳ đè, người chăm sóc cần cố gắng duy trì tư thế người bệnh sao cho không đụng đến vết loét quá nhiều;
  • Cho người bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối ngâm chân nước ấm và kiểm tra chân thường xuyên để phát hiện dấu hiệu lở loét hay chai sạn;
  • Sử dụng kem dưỡng ẩm để hạn chế tình trạng da khô và nứt nẻ;
  • Thường xuyên cắt dũa móng tay, móng chân cho người bệnh suy giảm trí nhớ giai đoạn cuối.

2.4. Chú ý triệu chứng co giật của bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối

Người bệnh suy giảm trí nhớ Alzheimer giai đoạn cuối đôi khi bị co giật ở tay, chân hoặc toàn thân. Hiện tượng co giật này khá giống với bệnh động kinh nhưng khác biệt ở việc bệnh nhân thường không ngất xỉu. Nếu bệnh nhân Alzheimer bị co giật, người chăm sóc cần thông báo với bác sĩ ngay lập tức để có phương án can thiệp phù hợp.

2.5. Nhắc nhở bệnh nhân thuốc theo chỉ định bác sĩ

Khi bệnh Alzheimer bước sang giai đoạn cuối, các triệu chứng do trí nhớ giảm sút sẽ ngày càng nghiêm trọng. Do đó, đa số bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ mọi việc, kể cả việc uống thuốc đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.

Với vai trò là người chăm sóc, chúng ta cần lưu ý để nhắc nhở người bệnh sử dụng thuốc đúng liều lượng và đúng thời gian. Nếu thấy bệnh nhân Alzheimer giai đoạn cuối có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, người chăm sóc hãy nhanh chóng tham khảo ý kiến bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan