Bệnh u tuyến giáp và bướu cổ có khác nhau không?

U tuyến giáp (nhân giáp) là bệnh lý tuyến giáp thường gặp trên lâm sàng, khi u tuyến giáp tăng kích thước có thể gây ra khối gồ lên ở vùng cổ. Vậy u tuyến giáp và bướu cổ có khác nhau không? Bài viết này có thể giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc trên.

1. U tuyến giáp và bướu cổ có khác nhau không?

2.1. Bướu cổ là gì?

Bệnh bướu cổ hay còn gọi là bướu giáp, sự gia tăng thể tích tuyến giáp có tính chất lan tỏa hoặc khu trú bất kể do nguyên nhân gì. Bướu cổ có thể phì đại lan tỏa, đôi khi một thùy lớn hơn rõ rệt.

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh bướu cổ trên toàn thế giới là do thiếu iod, gây phì đại tuyến giáp lan toả. Một vài trường hợp bướu cổ có thể do u tuyến giáp gây nên, một nhân (bướu giáp đơn nhân) hoặc nhiều nhân (bướu giáp đa nhân).

Chức năng tuyến giáp trong bướu cổ có thể bình thường, tăng hoặc giảm chức năng giáp tuỳ thuộc theo từng nguyên nhân gây bệnh.

1.2. U tuyến giáp (nhân giáp) là gì?

U tuyến giáp hay còn gọi là nhân giáp, hiện tượng phát sinh tế bào hoặc khối mô tập trung riêng biệt trong tuyến giáp, có hình ảnh khác biệt với nhu mô tuyến giáp xung quanh, làm thay đổi cấu trúc và chức năng của tuyến giáp.

U tuyến giáp có thể là đơn nhân hoặc đa nhân, lành tính hoặc ác tính. Trong hầu hết các trường hợp nhân giáp là lành tính, phát triển tại chỗ, không xâm lấn các mô lân cận và không di căn đến các cơ quan khác. U tuyến giáp ác tính chiếm tỷ lệ nhỏ (khoảng 5%), tuy nhiên chúng có khả năng xâm lấn và hủy hoại các mô và bộ phận lân cận. Chiếm khoảng 90% các loại ung thư tuyến giáp là ung thư biểu mô thể nhú và nang (gọi chung là ung thư biểu mô tuyến giáp biệt hóa).

2. Tổng quan về bệnh u tuyến giáp

2.1. Nguyên nhân gây ra u tuyến giáp

Nhân giáp là sự thích nghi của tế bào nang giáp với bất cứ nguyên nhân nào gây rối loạn tổng hợp hormon giáp. Một số yếu tố được cho là liên quan đến sự hình thành nhân giáp bao gồm gen và môi trường (như nhiễm trùng, thuốc lá, sử dụng thuốc và yếu tố ức chế tổng hợp hormone). U tuyến giáp cũng xuất hiện có tính chất gia đình.

2.2. Lâm sàng của u tuyến giáp

Đa số bệnh nhân bị bướu giáp nhân không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ bởi người thân hay khi đi khám các bệnh khác. Một tỷ lệ nhỏ u tuyến giáp có kích thước lớn, biểu hiện khối gồ lên ở vùng cổ (bướu cổ) và chèn ép cơ quan lân cận. Trong một số trường hợp các nhân giáp tăng sản xuất hormone giáp, gây ra triệu chứng cường giáp trên lâm sàng: Nhịp tim nhanh, sụt cân, tăng tiết mồ hôi, run tay...

Tuy ung thư giáp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, trường hợp phát hiện nhân giáp cần đánh giá và loại trừ tình trạng này ở bệnh nhân. Hầu hết ung thư tuyến giáp phát triển chậm và có kích thước nhỏ khi được phát hiện. Hiếm gặp ung thư tuyến giáp tiến triển với các u tuyến giáp lớn, chắc, không di động và chèn ép xung quanh.

Một số tình trạng u tuyến giáp trên lâm sàng:

  • U nang tuyến giáp: Đây là các nang chứa đầy dịch ở tuyến giáp, thường là kết quả sự thoái hoá của các u tuyến tuyến giáp (Adenoma). Thông thường, u nang tuyến giáp chứa thành phần hỗn hợp gồm phần đặc và dịch bên trong. Các u nang đa số là lành tính, tuy nhiên một số trường hợp chúng có thể chứa phần đặc ác tính.
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto: Có thể gây viêm tuyến giáp mãn tính và dẫn đến hình thành các các nhân lớn trong tuyến giáp. Bệnh lý này thường tiến triển đến suy giảm chức năng giáp.
  • Bệnh bướu cổ đa nhân: Tuyến giáp chứa nhiều nhân gây nên tình trạng bướu cổ, có thể chèn ép lên các cơ quan lân cận. Một số nhân giáp có thể làm tăng sản xuất hormone giáp quá mức gây nên cường giáp.
  • Ung thư tuyến giáp: Nhân giáp ác tính chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Một số đặc điểm lâm sàng gợi ý nguy cơ ung thư là tuổi <14 hoặc >70 tuổi, nam giới, tiền sử xạ trị vùng đầu cổ, tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp, nhân giáp phát triển nhanh hoặc chắc cứng và đau, có biểu hiện chèn ép như nói khó, nuốt khó hoặc khó thở thường xuyên.
  • Thiết iod trong chế độ ăn uống đôi khi có thể làm hình thành các nhân giáp.

2.3. Chẩn đoán u tuyến giáp

Khi đánh giá u tuyến giáp, một trong những mục tiêu chính của bác sĩ là loại trừ khả năng mắc ung thư tuyến giáp. Một số cận lâm sàng có thể được áp dụng, bao gồm:

Kiểm tra chức năng tuyến giáp: Các xét nghiệm đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu và hormone giáp giúp đánh giá bạn có bị cường giáp hay suy giáp hay không. Tuỳ từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm TgAb, định lượng TPOAb và TRAb.

Siêu âm tuyến giáp: Cung cấp thông tin tốt nhất về hình dạng và cấu trúc của u tuyến giáp, giúp phát hiện u tuyến giáp nhạy hơn so với lâm sàng. Siêu âm cũng có thể sử dụng để hướng dẫn trong việc thực hiện sinh thiết, chọc hút bằng kim nhỏ.

Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA): Được chỉ định khi nhân giáp có nguy cơ ung thư cao trên siêu âm.

Xạ hình tuyến giáp: Giúp đánh giá các nhân tuyến giáp là nhân nóng, nhân lạnh hay nhân ấm. Hầu hết nhân nóng là lành tính và không có chỉ định làm FNA. Nguy cơ ung thư ở nhân lạnh khoảng 5%.

2.4. Điều trị u tuyến giáp

Lựa chọn điều trị u tuyến giáp tuỳ thuộc vào nguy cơ ung thư, triệu chứng chèn ép cơ quan lân cận và nhân giáp có tăng hoạt hay không.

Hầu hết nhân giáp là lành tính và không cần điều trị đặc hiệu và theo dõi định kỳ bằng siêu âm từ 6 đến 18 tháng. Hiện chưa có quan điểm thống nhất về thời điểm và biện pháp điều trị thích hợp cho u tuyến giáp. Trường hợp nhân giáp ác tính hoặc nghi ngờ ác tính, có thể được phẫu thuật toàn hoặc bán phần, xạ trị, hoá trị.

Bệnh u tuyến giáp và bướu cổ là khác nhau. Do đó, nếu nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường hoặc nghi ngờ bị các bệnh lý tuyến giáp, người bệnh hãy đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán u tuyến giáp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan