Bệnh viêm tuyến giáp có chữa khỏi không và có nguy hiểm không?

Tuyến giáp là cơ quan đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động chuyển hóa của hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng viêm giáp hiếm gặp ở Việt Nam nhưng không vì thế mà chủ quan với căn bệnh này. Vậy viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?

1. Viêm tuyến giáp là gì?

Trước khi đi tìm câu trả lời cho thắc mắc bệnh viêm tuyến giáp có nguy hiểm không, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm của bệnh lý này. Viêm tuyến giáp (hay gọi tắt là viêm giáp) là bệnh lý xảy ra với sự thấm nhuận của các tế bào viêm hoặc mô xơ tại vị trí tuyến giáp, có thể xảy ra trên một tuyến giáp hoàn toàn bình thường hoặc đã có bướu giáp trước đó. Viêm tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết của các hormon giáp, có thể là quá nhiều hoặc quá ít. Tuy nhiên, dù như thế nào thì đều tác động tiêu cực đến sức khỏe của bệnh nhân.

Theo diễn tiến thông thường, tình trạng viêm tại tuyến giáp sẽ trải qua 3 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn nhiễm độc giáp (hay cường giáp): Tuyến giáp bị viêm, dẫn đến tăng tiết hormon giáp và biểu hiện các triệu chứng của cường giáp;
  • Giai đoạn suy giáp: Sau một thời gian tăng tiết hormon, tuyến giáp bị viêm sẽ không còn đủ lượng hormone cần thiết để giải phóng vào máu. Hậu quả là tình trạng suy giáp hay thiếu hụt hormon tuyến giáp;
  • Giai đoạn bình giáp (hồi phục): Sau giai đoạn nhiễm độc, tuyến giáp có thể ổn định tạm thời trước khi chuyển đến giai đoạn suy giáp, hoặc cơ quan này có thể bình thường hoàn toàn trở lại sau tình trạng viêm (không trải qua giai đoạn suy giáp).

2. Phân loại viêm tuyến giáp

Theo các chuyên gia, dựa vào nguyên nhân, triệu chứng và thời gian kéo dài của bệnh mà viêm tuyến giáp sẽ được phân chia thành các thể như sau:

  • Viêm tuyến giáp cấp tính: Tình trạng viêm cấp tính tại tuyến giáp thường do các loại vi khuẩn sinh mủ gây ra. Viêm giáp cấp tính tương đối hiếm gặp, ngoài nguyên nhân do vi khuẩn còn có thể do các loại vi sinh vật truyền nhiễm gây ra;
  • Viêm tuyến giáp bán cấp: Bao gồm 2 thể bệnh là viêm giáp u hạt bán cấp và viêm giáp Lympho bào bán cấp:
    • Viêm tuyến giáp u hạt bán cấp tính: Thể viêm tuyến bán cấp này còn được gọi là viêm giáp de Quervain. Thể bệnh này thường gây đau, nguyên nhân cao là do virus và thường thứ phát sau khi quai bị, sởi hoặc cúm;
    • Viêm giáp Lympho bào bán cấp: Thể viêm giáp bán cấp này không gây đau, do đó còn được gọi là viêm tuyến giáp yên lặng. Thể bệnh này có thể xảy ra ở cả 2 giới nhưng phổ biến hơn ở nữ. Đặc biệt, khi tuyến giáp viêm mà không gây đau ở phụ nữ sau sinh thì được gọi là viêm giáp sau sinh;
    • Với thể viêm giáp bán cấp, chức năng giáp của bệnh nhân thường có xu hướng ổn định trở lại sau 12-18 tháng kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, các báo cáo vẫn ghi nhận một vài trường hợp bệnh diễn tiến sang suy giáp và khiến bệnh nhân phải điều trị kéo dài;
  • Viêm giáp mạn tính: Bao gồm 2 thể là bệnh viêm giáp Hashimoto và viêm giáp Riedel:
  • Viêm giáp Hashimoto là bệnh lý tự miễn, liên quan đến tình trạng rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Với thể bệnh viêm giáp này, hệ miễn dịch của bệnh nhân sản sinh ra các kháng thể và tự tấn công vào các tế bào tuyến giáp của bản thân. Lưu ý quá trình phá hủy tế bào giáp do bệnh Hashimoto thường diễn ra trong âm thầm, do đó đa số trường hợp không phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Viêm giáp mạn tính Hashimoto là thể phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao 7-8 lần so với nam giới và độ tuổi thường gặp là 30-50;
  • Viêm tuyến giáp Riedel: Thể viêm mạn tính này còn được gọi là viêm giáp mạn xơ hóa xâm lấn. Đây là thể viêm giáp cực kỳ hiếm gặp, đa phần xảy ra ở nữ giới tuổi trung niên hoặc cao tuổi. Viêm giáp Riedel khiến các tổ chức xơ phát triển dày đặc, từ đó gây xơ cứng và mất dần chức năng tuyến giáp. Viêm giáp mạn xơ hóa xâm lấn có thể đi kèm tình trạng xơ hóa ở các cơ quan/khu vực khác trong cơ thể như xơ hóa trung thất, xơ hóa sau màng bụng hoặc xơ hóa sau nhãn cầu.

3. Bệnh viêm tuyến giáp có nguy hiểm không?

Để giải đáp thắc mắc viêm tuyến giáp có nguy hiểm không hay viêm tuyến giáp mạn tính có nguy hiểm không, người bệnh cần biết được các biến chứng của bệnh lý này. Như đã cập ở trên, viêm giáp được phân thành nhiều thể với các nguyên nhân, triệu chứng và phác đồ điều trị khác nhau. Trong đó, viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto là thể bệnh được quan tâm nghiên cứu hơn cả do căn bệnh này là nguyên nhân chính dẫn đến suy giáp.

Bệnh nhân phát hiện trễ và chủ quan không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Bướu giáp: Khi tuyến giáp chịu kích thích kéo dài sẽ dẫn đến phì đại và hình thành bướu giáp. Bướu giáp to có thể gây gây khó nuốt, khó thở và ảnh hưởng đến thẩm mỹ;
  • Bệnh lý tim mạch: Tình trạng suy giáp kéo dài sau viêm tuyến giáp là yếu tố gây rối loạn mỡ máu, từ đó dẫn đến xơ vữa động mạch và tạo nguy cơ tiềm ẩn của một số bệnh lý nghiêm trọng như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Tình trạng suy giáp nặng cũng có thể khiến bóng tim to hơn, tràn dịch màng tim và thậm chí là suy tim;
  • Bệnh tâm lý-thần kinh: Trầm cảm sau viêm giáp có thể xuất hiện từ rất sớm và tiến triển nặng dần. Ngoài ra, viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto còn ảnh hưởng đến khả năng tình dục ở cả nam và nữ. Viêm giáp có thể ảnh hưởng đến suy giảm trí nhớ, giảm sự tập trung, mất ngủ...;
  • Rối loạn nội tiết: Ở phụ nữ, viêm giáp kéo dài không được chẩn đoán và điều trị phù hợp có thể dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt, thường là rong kinh hoặc tăng nguy cơ gây vô sinh;
  • Dị tật bẩm sinh: Những bà mẹ mang thai bị viêm tuyến giáp mãn tính nếu không bổ sung đầy đủ hormon giáp sẽ có nguy cơ rất cao mắc các dị tật bẩm sinh trên não, tim, thận... ngoài ra, trẻ sinh ra có thể chậm phát triển về cả trí tuệ lẫn thể chất. Nếu phát hiện và điều trị kịp thời ngay từ những tuần đầu mang thai thì nguy cơ dị tật trẻ sơ sinh do viêm tuyến giáp ở bà bầu vẫn tương đương với người bình thường.

4. Chẩn đoán viêm tuyến giáp bằng cách nào?

Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không là thắc mắc của rất nhiều người bệnh. Để tiến hành điều trị, bệnh nhân cần được bác sĩ chỉ định các cần xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán. Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng của người bệnh, xem xét tiền sử bệnh và các loại thuốc đang sử dụng.

Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân tiến hành một số xét nghiệm máu, khi có kết quả quay lại gặp Bác sĩ:

  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Việc kiểm tra nồng độ hormon giáp, bao gồm cả hormon kích thích tuyến giáp (TSH) và 2 loại hormon tuyến giáp tự do trong máu là FT3 và FT4. Kết quả xét nghiệm hỗ trợ bác sĩ xác định bệnh nhân đang mắc thể viêm giáp nào để có hướng điều trị phù hợp;
  • Xét nghiệm kháng thể tuyến giáp: Việc xác định nồng độ các kháng thể, bao gồm kháng thể kháng giáp (TPO) hoặc kháng thể kích thích thụ thể tuyến giáp (TRAb), là vô cùng cần thiết;
  • Tốc độ máu lắng (ESR): Hỗ trợ chẩn đoán tình trạng viêm. Với thể viêm giáp bán cấp, kết quả xét nghiệm nồng độ ESR là khá cao;
  • Siêu âm: Siêu âm tuyến giáp thường được bác sĩ sử dụng để đánh giá giải phẫu của tuyến giáp. Ngoài ra, phương pháp siêu âm còn giúp bác sĩ phát hiện tình trạng tăng trưởng bất thường của tuyến giáp, sự thay đổi lưu lượng máu cũng như kết cấu hoặc mật độ tuyến giáp.

5. Viêm tuyến giáp có chữa khỏi không?

Viêm tuyến giáp là bệnh lý có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm ở giai đoạn bệnh còn nhẹ. Tùy thuộc loại viêm, triệu chứng của bệnh nhân và giai đoạn của viêm giáp mà bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp.

Đối với viêm giáp cấp tính, quá trình điều trị thường bao gồm thuốc kháng sinh, khi có ổ áp xe thì tiến hành rạch và dẫn lưu mủ.

Đối với các thể viêm giáp khác, phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn cường giáp, bệnh nhân viêm tuyến giáp thường được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc chủ yếu để giảm các triệu chứng:

  • Đau tuyến giáp: Cơn đau có thể kiểm soát được bằng thuốc chống viêm không steroid như Aspirin hoặc Ibuprofen. Trường hợp cơn đau có tính chất nghiêm trọng, liệu pháp steroid có thể được sử dụng;
  • Các triệu chứng toàn thân như đánh trống ngực, lo lắng, run tay chân, tăng tiết mồ hôi...;
  • Giai đoạn suy giáp: Những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp để điều trị cho bệnh nhân;
  • Viêm tuyến giáp có thể cần phải phẫu thuật với điều kiện bướu giáp to, không có khả năng thu nhỏ về như bình thường, gây chèn ép vùng cổ kèm khó thở, khó nuốt. Hậu quả cuối cùng là ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của bệnh nhân.

Hi vọng thông tin trong bài viết trên đã giúp giúp độc giả hiểu rõ hơn về viêm tuyến giáp có chữa khỏi không hay viêm tuyến giáp có nguy hiểm không? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với bác sĩ Vinmec để được thăm khám và điều trị hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan