Cách trị da vảy cá ở chân

Cách chữa da vảy cá ở chân là vấn đề được mọi người quan tâm, vì không ít người phải chịu đau đớn, mất thẩm mỹ từ căn bệnh này. Dưới đây là một số cách trị vảy cá ở chân hiệu quả.

1. Bệnh da vảy cá là gì?

Da vảy cá hay còn được gọi là da khô vảy cá, là một bệnh da liễu di truyền gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.

Da vảy cá hình thành do các tế bào chết tích tụ thành những mảnh da khô, ở trên bề mặt da. Những mảng da khô này không bong tróc mà giống như vảy cá cho nên được gọi là da vảy cá.

Căn bệnh này thường xuất hiện từ giai đoạn sơ sinh, biểu hiện dễ nhầm với viêm da cơ địa. Khi đứa trẻ lớn dần, các lớp da chết khô đi và hình thành vết nứt giống vảy cá, lúc này mới chẩn đoán chính xác được bệnh.

Cần phân biệt da vảy cá thông thường với da vảy cá harlequin là một thể hiếm gặp, xuất hiện từ lúc mới sinh. Trẻ sơ sinh mắc harlequin bị nứt và bong da thành từng mảng dày, khiến trẻ gặp khó khăn khi bú, thở và nhiễm trùng. Trước đây, tiên lượng sống của trẻ sơ sinh mắc bệnh da vảy cá harlequin chỉ vài ngày. Tuy nhiên, hiện nay đã có các phương pháp điều trị để kéo dài cuộc sống.

2. Bệnh da vảy cá ở chân có nguy hiểm không ?

Các cách trị da vảy cá ở chân nhằm mục đích giảm đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Da vảy cá ở chân thường gây nhiều phiền toái như:

  • Ảnh hưởng sinh hoạt hàng ngày: Da vảy cá ở chân khiến người bệnh tự ti trong giao tiếp và thể hiện phong cách thời trang. Ngoài ra, những người xung quanh khi thấy chân bị vảy cá cũng e ngại khi tiếp xúc bởi sợ lây cho mình. Chính vì vậy, người bị da vảy cá ở chân thường gặp nhiều trở ngại trong công việc, giao tiếp và sinh hoạt.
  • Gây đau đớn, khó chịu: Khi da đóng vảy dày thì lớp da bị bệnh trở nên cứng và mất cảm giác khiến người bệnh gặp khó khăn với các hoạt động. Nếu tình trạng này nặng lên có thể tạo thành các vết nứt sâu và gây đau đớn. Nếu không có cách trị da chân bị vảy cá kịp thời thì vết nứt có thể lan rộng rộng, nhiễm trùng, gây nguy hiểm và khó chữa trị hiệu quả.

3. Cách trị da vảy cá ở chân

Hiện nay, chưa có cách trị da chân bị vảy cá khỏi hoàn toàn. Các phương pháp điều trị chỉ làm giảm khô da, tróc vảy, giảm bong và nứt da, giảm độ dày da.

3.1. Cách trị da chân bị vảy cá tại nhà

  • Tắm rửa thường xuyên: Là một việc làm cần thiết để làm mềm phần da vảy cá vì nước giúp hydrat hóa làn da. Tuy nhiên, nếu người bệnh có vết loét, nứt thì nên bôi sáp dầu hoặc các sản phẩm tương tự trước lên vết loét trước khi tắm. Điều này sẽ làm giảm sự kích ứng của nước lên vùng da bị tổn thương.
  • Tắm nước muối: Để giảm bớt sự châm chích khó chịu trên da, giảm ngứa; người bệnh có thể cho thêm ít muối biển vào nước tắm.
  • Tẩy tế bào chết cho da: Sử dụng một viên đá ký, bàn chải hoặc miếng bọt biển để tẩy tế bào chết khi tắm có thể giúp loại bỏ phần da thừa. Đồng thời, người bệnh có thể kết hợp với các sản phẩm có chứa axit salicylic, axit lactic, axit glycolic để làm giảm kích thước vùng da khô, đóng vảy.
  • Bôi kem dưỡng ẩm: Bôi kem dưỡng ẩm khi da còn đang ẩm sau khi tắm sẽ giúp duy trì độ ẩm cho da tốt hơn. Nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần lanolin, axit alpha hydroxy, axit salicylic, ure, axit lactic, propylene glycol.
  • Bôi sáp dầu: Là một trong những cách trị da chân bị vảy cá tại nhà hiệu quả và dễ thực hiện. Với những vết nứt trên da, bôi sáp dầu sẽ giúp loại bỏ chúng.
  • Dùng máy tạo độ ẩm: Giúp giữ độ ẩm không khí và giúp làn da không bị khô.

3.2. Cách trị da vảy cá ở chân theo đơn của bác sĩ

Những trường hợp da vảy cá ở chân mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp tự điều trị tại nhà. Nếu da vảy cá tiến triển nặng hơn, người bệnh nên đi khám chuyên khoa da liễu để được tư vấn và hướng dẫn về cách trị da vảy cá ở chân với các loại thuốc, kem bôi da để loại bỏ da chế, kiểm soát viêm da, ngứa da hiệu quả. Các thuốc trị vảy cá ở chân thường có các thành phần sau:

  • Axit lactic hoặc axit alpha hydroxy khác: Các hợp chất này cũng có trong mỹ phẩm, có công dụng giữ ẩm, chống lão hóa da.
  • Retinoids: Retinoids có nguồn gốc từ vitamin A, thường được sử để làm chậm quá trình sản xuất tế bào da mới. Tuy nhiên, sử dụng Retinoids có thể gây ra một số tác dụng phụ nữ sưng môi, rụng tóc, phụ nữ có thai sử dụng có thể khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
  • Nếu tình trạng da vảy cá ở chân đóng vảy nghiêm trọng, gây nhiều đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt cho người bệnh; bác sĩ có thể kê đơn thuốc trị vảy cá ở chân đường uống như Isotretinoin, Acitretin, ... Tuy nhiên các thuốc này có thể gây ra tác dụng không mong muốn như làm xương yếu, khô miệng, đau dạ dày.
  • Khi có nhiễm trùng, người bệnh cần được điều trị theo phác đồ bằng thuốc uống hoặc bôi da. Nếu tình trạng nhiễm trùng tái diễn nhiều lần, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh cho thêm chất tẩy vào nước tắm.

Người bị da vảy cá đều có tuổi thọ bình thường, bệnh có thể ít nghiêm trọng hơn theo tuổi tác. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý chăm sóc da vào mùa đông vì thời điểm này dễ làm bệnh trở nặng hơn. Nên uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau củ để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời, khám da liễu định kỳ để xác định bệnh và có liệu trình điều trị phù hợp khi cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan