Đặc điểm của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối

Tiểu đường là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Bệnh tiểu đường gồm nhiều giai đoạn như tiền đái tháo đường, tiểu đường mới chẩn đoán hoặc tiểu đường giai đoạn cuối. Vậy triệu chứng của bệnh tiểu được giai đoạn cuối là gì?

1. Triệu chứng của bệnh tiểu đường giai đoạn cuối

Bệnh tiểu đường được chia thành 2 loại chính là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Trong đó, tiểu đường tuýp 2 là loại phổ biến nhất và chiếm khoảng 90%, trong khi đó tiểu đường tuýp 1 chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt, bệnh có nguy cơ tiến triển nặng hơn và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hiểm. Giai đoạn này có thể được xem như là giai đoạn cuối của bệnh tiểu đường. Ở bệnh nhân có bệnh tiểu đường giai đoạn cuối, các biến chứng không đơn thuần là diễn biến nặng hơn mà là sự xảy ra của nhiều biến chứng cùng lúc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Một số triệu chứng tiểu đường giai đoạn cuối thường gặp, dễ nhận biết bao gồm:

  • Biến chứng liên quan đến tim mạch: Huyết áp tăng cao: Đây là biểu hiện ở nhiều bệnh lý khác nhau nhưng cũng có thể biểu hiện ở những bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối. Một thống kê cho thấy có 50% bệnh nhân mắc tiểu đường kèm theo biến chứng tăng huyết áp. Đôi khi, tiểu đường kết hợp với nhiều bệnh lý tim mạch khác và có thể dẫn tới biến chứng suy tim. Bệnh nhân tiểu đường giai đoạn cuối có những dấu hiệu của suy tim gồm khó thở, mệt mỏi ngay cả khi nghỉ ngơi, phù chân tay, ho khan, đau tức ngực lan ra đầu và vai,... Nguyên nhân là do lượng đường trong máu tăng cao làm cho thành mạch máu bị tổn thương, tích lũy cholesterol dẫn đến xơ vữa mạch máu. Lúc này, việc vận chuyển máu từ tim đi nuôi cơ thể gặp nhiều khó khăn, khiến cho tim phải hoạt động nhiều hơn dẫn đến giảm khả năng hoạt động.
  • Biến chứng ở não: Đái tháo đường làm cho quá trình xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn. Có thể xuất hiện hiện tượng huyết khối trong lòng động mạch hay các mảng xơ vữa làm bít tắc lòng động mạch. Đây là lý do dẫn đến tắc mạch máu não, phình vỡ mạch máu não. Bệnh nhân tiểu đường tăng nguy cơ bị đột quỵ (tai biến mạch máu não) từ 150-400%. Nguy cơ sa sút trí tuệ liên quan với đột quỵ, tái phát và tử vong do đột quỵ ở người tiểu đường đều cao hơn người bình thường
  • Biến liên quan đến thận: Như đã đề cập ở trên, lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn tới biến chứng tăng huyết áp, suy tim. Tình trạng huyết áp cao kéo dài có thể làm tổn thương mạch máu ở thận. Không những vậy, lượng đường trong máu tăng cao cũng làm cho thận bị quá tải, khiến cho thận phải lọc máu quá nhiều, lâu dần chức năng thận sẽ bị suy giảm. Các triệu chứng rõ rệt có thể xuất hiện như đi tiểu nhiều lần, nước tiểu có mùi hôi, đục, chán ăn, buồn nôn,...
  • Biến chứng liên quan đến mắt: Tổn thương mạch máu võng mạc là biến chứng mạch máu nhỏ thường gặp của đái tháo đường. Lượng đường trong máu cao kéo dài có thể gây tổn thương dây thần kinh và mạch máu ở mắt, từ đó gây ra các bệnh về mắt. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời có thể bị mù vĩnh viễn. Biến chứng mắt do tiểu đường là nguyên nhân hàng đầu gây nên những trường hợp mù mới trong độ tuổi 20 -74 tại các nước phát triển
  • Biến chứng liên quan tới thần kinh: Khoảng 60-70% bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng thần kinh. Tuy nhiên, khoảng 50% bệnh nhân bị biến chứng thần kinh do đái tháo đường có thể không có triệu chứng. Một số bệnh nhân sẽ có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau, ví dụ như đau, tê như kiến bò, giảm cảm giác,...Các triệu chứng tổn thương thần kinh có thể khu trú hay lan tỏa.
  • Biến chứng viêm loét, hoại tử: Nguyên nhân là do lượng glucose trong máu tăng quá cao trong thời gian dài khiến các vết thương ở người bệnh tiểu đường lâu lành. Đường huyết cao chính là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, khiến cho việc điều trị nhiễm trùng vô cùng khó khăn. Người bình thường mất 1 hoặc 2 tuần để lành hoàn toàn vết thương, người mắc đái tháo đường thường mất 1 tháng. Ngoài ra, tình trạng giảm cảm giác do biến chứng thần kinh cũng dễ khiến bệnh nhân bị thương ở chi dưới nhưng lại không biết, do đó không điều trị kịp thời dẫn tới vết loét càng nặng hơn. Nếu vết thương quá to, không được chăm sóc điều trị cẩn thận có thể gây nhiễm trùng nặng và nguy hiểm hơn là hoại tử. Một số bệnh nhân tiểu đường đã phải cắt cụt chi dưới do tình trạng viêm loét, hoại tử nặng.

2. Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường giai đoạn cuối

Các giai đoạn của tiểu đường có thể ngắn dài khác nhau tùy vào hiệu quả điều trị của mỗi người bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể trì hoãn diễn tiến bệnh và phòng ngừa các biến chứng của tiểu đường giai đoạn cuối bằng cách kiểm soát đường huyết chặt chẽ. Để làm chậm diễn tiến bệnh cần lưu ý một số điểm sau đây:

  • Duy trì chế độ ăn hợp lý, lành mạnh: Người bệnh cần cắt giảm bớt lượng tinh bột từ các thực phẩm như cơm trắng, bún, miến, phở, kẹp, bánh mì,... Nhưng không nên loại bỏ hoàn toàn những món ăn này ra khỏi chế độ ăn hàng ngày vì chúng giúp cung cấp năng lượng để duy trì hoạt động của cơ thể. Thay vào đó, bệnh nhân nên ưu tiên bổ sung nguồn tinh bột lành mạnh từ yến mạch, gạo lứt, tăng cường bổ sung chất xơ và vitamin từ trái cây tươi và rau xanh.
  • Thường xuyên vận động: Các hướng dẫn điều trị đái tháo đường khuyến cáo nên luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, tối thiểu 5 ngày/ tuần. Bệnh nhân có thể tập luyện các môn thể thao như đạp xe, đi bộ, bơi lội. Ngoài ra nên kết hợp vận động trong đời sống hàng ngày như thay vì đi thang máy thì có thể leo cầu thang bộ, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn,...
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Đối với điều trị tiểu đường, quan trọng là phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị do bác sĩ đưa ra. Bệnh nhân nên tự theo dõi đường huyết tại nhà và lưu ý các triệu chứng của tăng hoặc hạ đường huyết. Vì tăng hay hạ đường huyết đều là các tình trạng nguy hiểm và cần phải xử trí kịp thời. Bên cạnh đó, bệnh nhân lưu ý phải tái khám định kỳ để đảm bảo rằng đường huyết luôn được kiểm soát tốt nhất.

Tóm lại, bệnh đái tháo đường giai đoạn cuối có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và thậm chí là gây nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân. Do vậy, người bệnh cần kết hợp điều trị bằng thuốc và duy trì lối sống lành mạnh để kiểm soát đường huyết tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

188 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan