Rối loạn nồng độ phosphat trong máu

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Phospho là một trong những nguyên tố nhiều nhất trong cơ thể thường tồn tại dưới dạng hợp chất là phosphat. Phosphat đóng vai trò quan trọng trong việc cấu tạo nên một số hợp chất hữu cơ axit nucleic, phospholipid màng tế bào, tham gia vào chuyển hóa năng lượng hiếu khí và yếm khí, cung cấp oxy cho mô. Chính vì vậy khi có các rối loạn nồng độ phốt phát trong máu có thể tạo ra những phản ứng gây hại hay bệnh lý cho cơ thể người.

1. Hạ phosphat máu

Hạ phosphat máu xảy ra khi nồng độ phosphat huyết thanh dưới 2,5 mg/dL. Có nhiều nguyên nhân gây hạ phosphat máu cấp tính như:

  • Toan ceton đái tháo đường;
  • Nghiện rượu cấp tính;
  • Bỏng nặng;
  • Bệnh nhân nuôi dưỡng tĩnh mạch;
  • Hội chứng gặp ở bệnh nhân suy dinh dưỡng kéo dài được nuôi ăn lại;
  • Kiềm hô hấp nặng.

Hạ phosphat máu có thể ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Đối với hạ phosphat máu cấp tính, phosphat huyết thanh sẽ giảm xuống dưới 1 mg/dL và thường chồng lấp với hạ phosphat mạn tính. Hạ phosphat máu mạn tính thường là kết quả của giảm tái hấp thu phosphat ở thận đến từ các nguyên nhân như:

  • Tăng nồng độ hormon cận giáp trong cường tuyến cận giáp;
  • Hội chứng Cushing;
  • Suy giáp;
  • Thiếu hụt vitamin D;
  • Rối loạn điện giải hạ magie, kali máu;
  • Nhiễm độc Theophylin;
  • Sử dụng lợi tiểu kéo dài;
  • Ngoài ra hạ phosphat máu mạn tính nặng thường do chán ăn mạn tính, kém hấp thu, nghiện rượu, đặc biệt là kết hợp với nôn hoặc tiêu chảy;
  • Bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính tiến triển (phải lọc máu) thường sử dụng các chất gắn phosphat với các bữa ăn để giảm hấp thu phosphat nếu dùng kéo dài có thể gây hạ phosphat máu.
Ung thư tuyến giáp
Giảm tái hấp thu phosphat ở thận có thể do tình trạng suy giáp gây ra

2. Điều trị hạ phosphat máu như thế nào?

Mặc dù hạ phosphat máu thường không có triệu chứng nhưng chán ăn, yếu cơ hay loãng xương có thể xảy ra khi thiếu hụt mãn tính yếu tố này. Thậm chí rối loạn thần kinh cơ nghiêm trọng có thể xảy ra như động kinh, hôn mê gây tử vong cho bệnh nhân. Điều trị hạ phosphat máu theo các nguyên tắc như sau:

  • Điều trị rối loạn cơ bản;
  • Bổ sung phosphat đường uống: phù hợp với bệnh nhân không có triệu chứng;
  • Phosphat đường tĩnh mạch khi phosphat huyết thanh dưới 1 mg/dL hoặc triệu chứng nặng như tan máu, tiêu cơ vân, bổ sung đường uống là không khả thi do các rối loạn cơ bản hoặc triệu chứng thần kinh trung ương.

3. Tăng phosphat máu

Tăng phosphat máu được chẩn đoán khi nồng độ phosphat huyết thanh trên 4,5 mg/dL. Các nguyên nhân gây tăng phosphat máu thường gặp gồm có:

  • Giảm bài tiết phosphate do suy thận nặng, suy tuyến cận giáp, ức chế tuyến cận giáp do tăng canxi máu thừa vitamin A hoặc D hay bệnh u hạt;
  • Đái tháo đường toan ceton;
  • Chấn thương đè ép;
  • Tiêu cơ vân không do chấn thương;
  • Nhiễm trùng toàn thân;
  • Hội chứng ly giải u;
  • Sử dụng phosphat quá mức qua đường ăn uống;
  • Tăng phosphat máu giả trong trường hợp tăng protein máu (đa u tủy xương), tăng lipid máu, tan máu hoặc tăng bilirubin máu.

Hầu hết các bệnh nhân tăng phosphat máu đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, các canxi hóa mô mềm phổ biến ở bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính thường có biểu hiện rõ ràng như nốt dưới da cứng, vết trầy xước ngoài, chẩn đoán hình ảnh cho thấy sự vón cục canxi lớp áo trong động mạch lớn.

chế độ ăn Raw Vegan
Sử dụng phosphat quá mức qua đường ăn uống có thể gây tăng phosphat máu

4. Điều trị tăng phosphat máu như thế nào?

Nguyên tắc điều trị chủ yếu của bệnh nhân mắc thận mãn tính gây tăng phosphat máu là giảm lượng phosphat ăn vào, sử dụng các thuốc gắn phosphat với bữa ăn. Các loại thuốc gắn kết phosphat thường sử dụng gồm canxi cacbonat và canxi acetate, lanthanum cacbonat hoặc sucroferric oxyhydroxide.

Ngoài ra, thuốc lợi tiểu muối có thể được sử dụng để cải thiện việc loại bỏ phosphat trong trường hợp tăng phosphat máu cấp với chức năng thận còn nguyên vẹn. Lọc máu có thể làm giảm mức phosphat trong trường hợp tăng phosphat máu cấp tính nặng.

Khi có các triệu chứng tăng phosphat máu, bạn nên đến ngay Vinmec để được các bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị sớm, tránh để bệnh diễn biến nặng cần phải lọc máu. Đội ngũ y bác sĩ tại Vinmec đều được đào tạo chuyên sâu, trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm giúp chẩn đoán bệnh sớm, chính xác và áp dụng các phác đồ điều trị mới nhất, hiệu quả nhất, giảm thiểu tối đa biến chứng.

Nếu có nhu cầu khám và điều trị rối loạn nồng độ phosphat trong máu, bạn hãy đăng ký khám trực tiếp tại website hoặc liên hệ đến hệ thống hotline để được tư vấn chi tiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

245 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec