Tìm hiểu thông tin về định lượng canxi máu

Xét nghiệm định lượng canxi máu nhằm mục đích đánh giá chức năng tuyến cận giáp và sự chuyển hoá canxi huyết. Định lượng Calci ion hoá còn giúp chẩn đoán bệnh suy thận, ghép thận, cường cận giáp và các bệnh ác tính khác.

1. Tổng quan về nồng độ canxi huyết

1.1. Hình thức canxi trong máu

Gần một nửa lượng canxi trong máu tồn tại dưới hai hình thức sau:

  • Canxi tự do (dạng ion Ca2+): Không bị ảnh hưởng bởi lượng albumin huyết thanh.
  • Canxi liên kết protein (chủ yếu là với albumin): Khi giảm 1g sẽ kéo theo tổng nồng độ canxi huyết thanh giảm khoảng 0,8 mg, và ngược lại.

Lượng canxi huyết thanh là tổng của hai dạng trên, nhưng thông thường bác sĩ sẽ đo albumin huyết thanhcanxi huyết thanh với nhau.

1.2. Tăng canxi huyết thanh

Khi các kết quả xét nghiệm đều cho thấy lượng canxi huyết thanh tăng, bệnh nhân được chẩn đoán tăng canxi máu (hypercalcemia). Có hai nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này là: bệnh cường cận giáp và các bệnh ác tính.Đối với bệnh cường cận giáp, hormon tuyến cận giáp làm tăng lượng canxi bằng cách:

  • Tăng sự hấp thụ canxi trong tiêu hóa;
  • Giảm bài tiết canxi qua nước tiểu;
  • Tăng tái hấp thu canxi từ xương;

Mặt khác, các bệnh ác tính có thể làm tăng nồng độ canxi bằng hai cách sau:

  • Khối u tủy, ung thư phổi, vú, hoặc tế bào thận di căn đến xương và phá hủy xương, gây ra sự tái hấp thu, đồng thời đẩy canxi vào máu.
  • Các bệnh ung thư phổi, vú, hoặc tế bào thận có thể sản xuất một loại hormone tương tự như hormon tuyến cận giáp, khiến canxi huyết thanh.
dinh-luong-calci-ion-hoa-1
Ung thư phổi có thể làm tăng nồng độ canxi

Ngoài ra, thừa vitamin D đường uống cũng làm tăng hấp thụ canxi ở thận và đường tiêu hóa, khiến canxi huyết thanh tăng theo. Các bệnh nhiễm trùng tạo u hạt (sarcoidosis và bệnh lao) được cho là có liên quan với tình trạng tăng canxi huyết.

1.3. Giảm canxi máu

Hạ canxi máu xảy ra ở những bệnh nhân bị giảm albumin với các nguyên nhân phổ biến như sau:

  • Suy dinh dưỡng: Đặc biệt là ở những người nghiện rượu.
  • Truyền tĩnh mạch lượng lớn: Truyền máu nhiều khiến các chất chống đông máu (muối citrate) gắn kết với canxi tự do trong máu của người nhận.
  • Một số nguyên nhân khác: Kém hấp thu đường ruột, suy thận, ly giải cơ vân, nhiễm kiềm, và viêm tụy cấp tính.

Giảm canxi máu lâu dài gây dẫn đến tình trạng hạ magie máu.

2. Xét nghiệm đo canxi máu

2.1. Định nghĩa

Định lượng canxi máu là một loại xét nghiệm máu, còn có các tên kỹ thuật y tế khác là: xét nghiệm canxi tổng, canxi ion, hoặc canxi huyết thanh. Ngoài ra, định lượng Calci ion hoá cũng có thể được chỉ định xét nghiệm với mẫu nước tiểu, còn gọi là xét nghiệm canxi niệu. Tăng bài tiết canxi nước tiểu đồng nghĩa với tăng canxi huyết, và ngược lại.

Đo nồng độ canxi trong máu và nước tiểu giúp xác định lượng canxi có trong cơ thể nhưng ngoại trừ trong xương. Để biết được nồng độ canxi có ở xương, cần làm xét nghiệm đo mật độ xương, tương tự như chụp X-quang. Mặt khác, xét nghiệm canxi niệu thường được dùng trong chẩn đoán nguyên nhân làm tái phát sỏi thận.

2.2. Chỉ định

Thông qua đo trực tiếp tổng lượng canxi trong máu hoặc định lượng Calci ion hoá, mục đích tiến hành xét nghiệm canxi là để:

  • Đánh giá chức năng tuyến cận giáp và sự chuyển hoá canxi máu.
  • Xác định lượng canxi huyết thanh giúp theo dõi một số căn bệnh.
  • Theo dõi nồng độ canxi trong và sau khi truyền máu khối lượng lớn.
  • Bệnh nhân bị hạ canxi máu với các triệu chứng như: vọp bẻ, cứng hoặc giật cơ ở các ngón tay hay ở miệng.
  • Bệnh nhân bị tăng canxi huyết với các triệu chứng như: mệt mỏi, thiếu năng lượng, chán ăn, buồn nôn và ói mửa, táo bón, tiểu nhiều, đau bụng hoặc đau xương.
  • Định lượng ion canxi ở trẻ sơ sinh và nhẹ cân.

Ngoài ra, xét nghiệm canxi máu cũng có thể được tiến hành như một phần của các xét nghiệm máu thông thường.

dinh-luong-calci-ion-hoa-2
Xét nghiệm canxi máu cũng có thể được tiến hành như một phần của các xét nghiệm máu thông thường

2.3. Các yếu tố ảnh hưởng

Kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng do tăng/giảm giá trị canxi bất thường khi bệnh nhân:

  • Bị ngộ độc vitamin D;
  • Uống quá nhiều sữa chứa canxi;
  • Thay đổi nồng độ pH huyết thanh;
  • Giảm albumin liên quan với hạ canxi tổng;
  • Chịu tác động của một số loại thuốc.

Thông thường, lượng canxi trong máu cũng có những biến đổi nhỏ tùy vào từng thời điểm trong ngày, cụ thể mức canxi sẽ tăng cao nhất vào khoảng 21 giờ đến 23 giờ tối.

2.4. Quy trình thực hiện

Không cần phải nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm định lượng canxi, tuy nhiên nếu có thực hiện thêm một số xét nghiệm khác đi kèm, bệnh nhân nên tuân thủ theo lời dặn dò của bác sĩ.

Đồng thời, việc lắng nghe bác sĩ giải thích mục đích xét nghiệm và hướng dẫn quy trình thực hiện cũng rất cần thiết. Nhân viên y tế sẽ lấy máu lấy máu bệnh nhân theo trình tự các bước tương tự như xét nghiệm máu thông thường. Mẫu máu được thu thập từ tĩnh mạch sau đó được cho vào ống nghiệm và mang đi phân tích.

3. Hướng dẫn đọc kết quả

Bảng 3.1. Giá trị canxi tổng trung bình.

Đối tượng / Đơn vị mg/dl mmol/l
Trẻ dưới 10 ngày tuổi 7.6 - 10.4 1.9 - 2.6
Máu dây rốn 9.0 - 11.5 2.25 - 2.28
Trẻ 10 ngày – 2 năm tuổi 9.0 - 10.6 2.3 - 2.65
Trẻ em lớn hơn 2 tuổi 8.8 - 10.8 2.2 - 2.7
Người lớn 9.0 - 10.5 2.25 - 2.62

Tuy nhiên, để đánh giá tình trạng bệnh lý của cơ thể một cách chính xác hơn, các bác sĩ thường ưu tiên sử dụng chỉ số định lượng Calci ion hoá hơn là dùng canxi toàn phần. Nguyên nhân là bởi vì canxi ion hóa có tác dụng sinh học và được điều hòa bởi các hormone của cơ thể, với mức bình thường như sau:

Bảng 3.2. Giá trị Định lượng Calci ion hoá trung bình.

Đối tượng / Đơn vị mg/dl mmol/l
Trẻ mới sinh 4.20 - 5.58 1.05 - 1.37
Trẻ 2 tháng – 18 tuổi 4.80 - 5.52 1.20 - 1.38
Người lớn 4.5 - 5.6 1.05 - 1.3

Các giá trị canxi dạng ion hóa ở người già có xu hướng giảm so với những đối tượng còn lại, trong khi đó các chỉ số ở trẻ nhỏ lại cao do đang vào giai đoạn phát triển xương mạnh mẽ.

3.1. Tăng canxi máu (hypercalcemia)

Giá trị cảnh báo tăng canxi máu khi canxi toàn phần > 13 mg/dL và canxi ion hóa > 7 mg/dL. Đây có thể là hậu quả của:

  • Chứng cường cận giáp;
  • Ung thư (xương, vú, phế quản...);
  • Bệnh lao;
  • Nằm bất động lâu ngày;
  • Viêm xương biến dạng, đa u tuỷ xương, ...
  • Dùng nhiều Vitamin D và một số căn bệnh khác.

3.2. Giảm canxi máu (hypercalcemia)

Giá trị cảnh báo canxi trong máu giảm khi canxi tổng < 6 mg/dL và canxi ion hóa < 2.2 mg/dL. Đây có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh như:

  • Suy nhược cận giáp;
  • Thiếu Vitamin D, còi xương hoặc suy dinh dưỡng;
  • Các bệnh lý liên quan đến thận;
  • Khác: Viêm tuỵ, loãng xương, kém hấp thu, ...

Xét nghiệm canxi máu là một bước cần thiết trong quá trình khám tổng quát nhằm phát hiện các bệnh liên quan đến xương và thận, một số loại ung thư hoặc những triệu chứng khác. Định lượng Calci ion hoá còn giúp theo dõi và điều trị những trường hợp trẻ sinh non và nhẹ cân, hoặc dùng để đánh giá tác dụng phụ không mong muốn của thuốc. Khoảng giá trị trung bình của kiểm tra này có thể không thống nhất giữa các cơ sở thực hiện xét nghiệm, do đó nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có thắc mắc về kết quả xét nghiệm cũng như những chẩn đoán liên quan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

113K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan