Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là một trong những ung thư tiêu hóa thường gặp. Vậy dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày như thế nào là hợp lý? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư dạ dày

Thực đơn cho bệnh nhân ung thư dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thể trạng, góp phần điều trị thành công và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người ung thư dạ dày là cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng với các loại thức ăn dễ tiêu hóa và hấp thu. Dưới đây là một số thực phẩm mà bệnh nhân ung thư dạ dày nên bổ sung:

  • Protid: Bệnh nhân ung thư dạ dày cần bổ sung đầy đủ chất đạm từ các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, sữa hay đạm thực vật.
  • Lipid: Việc bổ sung chất béo không bão hòa (có nhiều trong cá, hạt cải, dầu oliu, trái bơ,...) hỗ trợ việc hấp thu các vitamin thiết yếu như vitamin E, chống oxy hóa và hỗ trợ bảo vệ tế bào của cơ thể.
  • Glucid: Các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo, lúa mì, hạt lúa mạch, ngô,... hay các loại củ như khoai tây, khoai lang,... giúp bổ sung glucid cho cơ thể, phù hợp với bệnh nhân ung thư dạ dày.
  • Rau, củ, quả tươi: Các loại rau xanh và trái cây cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại nấm (như nấm hương, nấm rơm, nấm kim châm,...) chứa nhiều polysaccharide có tác dụng kích hoạt miễn dịch và ức chế tế bào ung thư.
  • Nước: Bệnh nhân ung thư dạ dày cần uống nhiều nước để đảm bảo các hoạt động chuyển hóa của cơ thể và việc tiêu hóa thức ăn được thuận lợi hơn. Bệnh nhân cần đảm bảo ăn chín uống sôi.

Bên cạnh các loại thực phẩm cần bổ sung, bệnh nhân ung thư dạ dày cần tránh một số thực phẩm sau đây:

  • Thực phẩm lên men, muối chua như dưa muối, cải muối,...
  • Thức ăn chua, cay như xoài, bưởi, ớt,...
  • Thực phẩm chứa nhiều chất xơ sợi, cứng, khó tiêu như măng, quả hồng giòn,...
  • Thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ, thực phẩm không rõ nguồn gốc.
  • Rượu, bia, cà phê, thuốc lá,...

2. Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư dạ dày sau phẫu thuật cắt dạ dày

Phẫu thuật là phương pháp chính điều trị bệnh lý ung thư dạ dày. Tùy từng giai đoạn bệnh cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định cắt bán phần hoặc toàn bộ dạ dày. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt dạ dày khiến cho sức chứa của dạ dày bị giảm hoặc mất hoàn toàn, quá trình co bóp cũng bị giảm, việc tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng trở nên khó khăn hơn. Thức ăn từ miệng qua thực quản sẽ nhanh chóng đến ruột, gây ra tình trạng trào ngược thực quản, co thắt dạ dày ruột, đại tiện phân sống,...

Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sau cắt dạ dày có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nếu dinh dưỡng không được đảm bảo, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng thiếu chất dinh dưỡng, lâu dần cơ thể sẽ bị suy kiệt và không đảm bảo thể trạng để tiến hành các phương pháp điều trị bổ trợ sau phẫu thuật (như hóa chất, xạ trị,...). Dưới đây là một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư dạ dày ở các thời điểm sau phẫu thuật:

  • Ngay sau khi cắt dạ dày, dinh dưỡng cho bệnh nhân thường được thực hiện qua đường truyền tĩnh mạch để đảm bảo miệng nối dạ dày - ruột được ổn định. Khi lưu thông tiêu hóa trở lại, bác sĩ có thể cân nhắc cho bệnh nhân ăn uống bằng đường miệng với chế độ ăn lỏng, dễ tiêu.
  • Thời gian đầu sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể tham khảo thực đơn cho bệnh nhân ung thư dạ dày bao gồm: tinh bột phức, thịt nạc hay cá nạc, rau mềm, sữa chua ít béo, dầu thực vật (dầu oliu),... Chế biến thức ăn cho bệnh nhân ở thời kỳ này cần cắt nhỏ, nấu mềm, nhừ
  • Khi cơ thể bệnh nhân đã thích nghi với dạ dày bị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ, có thể đa dạng các loại thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày, cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu sắt và vitamin B12. Có thể đa dạng cách chế biến thức ăn cho bệnh nhân để kích thích ăn uống ngon miệng, ưu tiên hấp, luộc, hầm, xào; tránh nướng, chiên, rán. Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày để việc hấp thu thức ăn được tốt hơn, nhất là ở những bệnh nhân có chỉ định điều trị bổ trợ sau phẫu thuật bằng các phương pháp như hóa chất, xạ trị có thể gây ra các tác dụng phụ như chán ăn, buồn nôn, nôn ói.

3. Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư dạ dày quá chỉ định phẫu thuật

Ung thư dạ dày nếu phát hiện muộn có thể quá chỉ định phẫu thuật. Khối u dạ dày giai đoạn muộn thường có kích thước lớn, xâm lấn, chèn ép vào các cơ quan lân cận, hay di căn hạch ổ bụng, di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.

Một trong những biến chứng thường gặp của ung thư dạ dày là hẹp môn vị làm cản trở lưu thông tiêu hóa, khiến bệnh nhân không thể ăn uống trực tiếp bằng đường miệng. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể được mở thông hỗng tràng hoặc hồi tràng để đưa thức ăn vào ống tiêu hóa mà không qua miệng, thực quản và dạ dày. Các nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư dạ dày vẫn cần được đảm bảo, tuy nhiên thức ăn phải được xay nhuyễn và bơm qua sonde nuôi dưỡng. Cần đảm bảo vệ sinh, tránh nhiễm trùng trong quá trình bơm thức ăn qua sonde.

Đối với các trường hợp ung thư dạ dày giai đoạn cuối không thể dinh dưỡng qua đường tiêu hóa hoặc hấp thu tiêu hóa quá kém, dinh dưỡng của bệnh nhân sẽ được thực hiện qua đường tĩnh mạch với các loại dịch nuôi dưỡng thích hợp.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư dạ dày

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

141 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan