Khi nào bạn cần thực hiện sàng lọc ung thư dạ dày?

Bài viết được viết bởi ThS.BS Bùi Chí Nam - Bác sĩ chuyên khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018, ung thư dạ dày (UTDD) là ung thư hay gặp, chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi về tần suất, chiếm 10% trong các loại ung thư.

Tại Việt Nam mỗi năm có đến 17.500 ca ung thư dạ dày mắc mới và tử vong 15.000 ca (86%), nguyên nhân tử vong chủ yếu do phát hiện muộn. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời tỷ lệ sống sau 5 năm đến 90%.

Hiện nay, tỷ lệ sống trung bình sau 5 năm sau phát hiện ung thư dạ dày tại các nước rất khác biệt: Mỹ 29%, Việt Nam 14%, Nhật Bản 80%. Nhật Bản đã làm như thế nào mà tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư dạ dày cao như thế? Câu trả lời là cần có một chương trình dự phòng với mục tiêu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Theo Hiệp hội ung thư Nhật Bản, chương trình sàng lọc ung thư dạ dày bao gồm

  1. Dự phòng: Bao gồm thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt, tránh tiếp xúc với chất gây ung thư, dùng thuốc vv... mục đích giảm thiểu yếu tố gây ung thư và tăng cường yếu tố miễn dịch chống lại bệnh ung thư.
  2. Sàng lọc: Mục tiêu phát hiện các tổn thương tiền ung thư như Adenoma, loạn sản, dị sản ruột và ung thư sớm, có biện pháp điều trị kịp thời.

1. Dự phòng ung thư dạ dày như thế nào?

Theo Hiệp hội ung thư Nhật Bản, dự phòng ung thư dạ dày gồm các điểm chính sau:

Vận động thể chất hợp lý, tăng cường sức khỏe, tránh béo phì

Giữ gìn sức khỏe tinh thần, tránh stress căng thẳng

Tăng cường chất chống oxy hóa: Ăn nhiều rau xanh, quả tươi, cung cấp đủ vitamin C, vitamin E...

Không hút thuốc lá, tránh lạm dụng bia rượu, thịt hun khói, chiên rán, ăn nhiều thịt đỏ

Không ăn mặn: Theo WHO, một người trưởng thành không nên ăn quá 5 gram muối/ ngày (2 thìa café). Giảm ăn muối bằng các cách sau:

  • Thường xuyên ăn món luộc.
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.
  • Giảm món kho, rim, không ăn mì chính.
  • Đọc hàm lượng muối trên sản phẩm trước khi mua.
  • Không nên rưới nước mắm, nước thịt, cá kho vào cơm.
  • Không nên uống cố bát nước phở, bún, nước canh.

Tiệt trừ vi khuẩn HP: Theo khuyến cáo của WHO, vi khuẩn HP xếp vào tác nhân nhóm số I gây ung thư dạ dày.

Tránh tiếp xúc trực tiếp, ăn phải các hóa chất có hại: Thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, thực phẩm biến đổi gen...kim loại nặng, chất phóng xạ.

Dự phòng bằng thuốc: Hiện nay trên nghiên cứu có một số thuốc chống oxy hóa, thuốc chống viêm (như NSAIDs tác dụng trên Cox2) có tác dụng dự phòng ung thư dạ dày nhưng chưa được đồng thuận sử dụng rộng rãi, chỉ sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt và bác sĩ chỉ định.

Muối ăn
Nên hạn chế lượng muối ăn trong ngày

2. Cần sàng lọc ung thư dạ dày khi gặp các triệu chứng sau

  • Cảm giác khó chịu bụng nhẹ như buồn nôn và mất cảm giác ngon miệng.
  • Khó nuốt do khối u liên quan đến phần trên của dạ dày, gần thực quản
  • Cảm giác đầy bụng sau khi chỉ dùng một lượng nhỏ thức ăn

Các triệu chứng sau đây có thể cho thấy bệnh tiến triển:

  • Mệt mỏi
  • Giảm cân
  • Thiếu máu thiếu sắt
  • Mất máu - Nôn ra máu hoặc chất giống bã cafe hoặc đại tiện phân đen
  • Buồn nôn và nôn - Triệu chứng muộn do sự tắc nghẽn lưu thông dạ dày do ung thư tiến triển

3. Những ai cần sàng lọc ung thư dạ dày?

  • Nam/Nữ, > 18 tuổi nên khám định kỳ để sàng lọc bệnh lý về ung thư dạ dày
  • Chế độ ăn uống thiếu trái cây tươi và rau củ, thói quen ăn đồ muối chua mặn, thịt muối hoặc hun khói và những thực phẩm được bảo quản kém chất lượng
  • Hút thuốc lá thường xuyên
  • Những người đã được điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hoặc loét tá tràng bằng cắt đoạn dạ dày có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư phát triển ở phần dạ dày còn lại, đặc biệt là ít nhất 15 năm sau khi phẫu thuật
  • Tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày
  • Những người có nhóm máu A cũng có nguy cơ gia tăng.

4. Sàng lọc ung thư dạ dày như thế nào?

Bước 1: Xác định yếu tố nguy cơ.

Xét nghiệm máu tỷ lệ Pepsinogen I/II<3 và có hiện diện vi khuẩn HP: HP Ab (+), Xét nhiệm phân HP Ag (+) hoặc test thở UBT (+).

  • Chụp X-quang dạ dày đối quang phát hiện tổn thương tại dạ dày: Loét, polyp, viêm...
  • Gia đình có người cùng huyết thống mắc ung thư, có gen đột biến gây ung thư.
  • Bản thân bị ung thư nơi khác: Ung thư vú, tử cung, gan...

Bước 2: Tiến hành nội soi dạ dày cho những người có ít nhất 1 nguy cơ trên.

Bước 3: Tiến hành sinh thiết làm mô bệnh học cho những người có tổn thương nghi ngờ ung thư hoặc tiền ung thư: Polyp, dị sản ruột, viêm teo ... để chẩn đoán xác định.

Bước 4: Theo dõi tiếp theo như thế nào? Khi nào là lần nội soi tiếp theo?

  • Xét nghiệm HP Ag, HP Ab, Chụp dạ dày đối quang 1 năm/ lần.
  • Những người nội soi dạ dày bình thường, không có các yếu tố nguy cơ thì nội soi dạ dày định kỳ 5 năm/ lần.
  • Có người trong gia đình bị ung thư mà nội soi dạ dày bình thường thì nội soi dạ dày định kỳ 3 năm/ lần.
  • Người có dị sản ruột, viêm teo nặng nội soi định kỳ 1 năm/ lần.
  • Người có loạn sản độ thấp nội soi định kỳ 6 tháng đến 1 năm / lần.
  • Người có loạn sản độ cao, cần loại bỏ tổn thương cắt qua nội soi (Endoscopic resection), nội soi kiểm tra lại sau 3 tháng.
  • Ung thư sớm chỉ khu trú tại lớp niêm mạc có chỉ định cắt hớt niêm mạc (Endoscopic – Submucosal – Dissection - ESD) qua nội soi.
  • Ung thư giai đoạn muộn: Tùy giai đoạn sẽ áp dụng các phương pháp như: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.... Việc này do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.
Những việc cần làm khi khám giãn tĩnh mạch thừng tinh
Người trên 40 tuổi nên đi sàng lọc ung thư dạ dày định kỳ để đảm bảo sức khỏe

5. Điều trị ung thư dạ dày sớm như thế nào?

Theo hướng dẫn của Hiệp hội nội soi Nhật Bản, mấu chốt của vấn đề phải phát hiện sớm và điều trị tối thiểu.

Như thế nào là phát hiện sớm? Là phát hiện các tổn thương tiền ung thư và tổn thương ung thư nhưng chỉ khu trú tại lớp niêm mạc dạ dày, chưa xâm lấn xuống lớp hạ niêm mạc.

Điều trị tối thiểu là như thế nào? Là điều trị loại bỏ hoàn toàn tổn thương ung thư qua nội soi mà vẫn bảo tồn được dạ dày (không phải phẫu thuật). Hiện nay hay áp dụng phương pháp EMR (Endoscopic Mucosal Resection) và ESD (Endoscopic Submucosal Dissection) nghĩa là cắt phần niêm mạc có tổn thương ung thư ra khỏi cơ thể.

Sau ESD hoặc EMR sẽ nội soi định kỳ kiểm tra tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ có lời khuyên cụ thể nhưng thông thường là từ 3-6 tháng/ năm đầu tiên. Nếu điều trị triệt để thì bệnh nhân sẽ không cần phẫu thuật, không hóa trị, không xạ trị.

6. Nên sàng lọc ung thư dạ dày ở đâu?

Khám sàng lọc được thực hiện cho những bệnh nhân không có triệu chứng lâm sàng. Ở một số nước phát triển như Nhật Bản, nơi mà ung thư dạ dày là một bệnh thường gặp thì việc sàng lọc trên diện rộng có thể giúp phát hiện sớm bệnh lý ung thư dạ dày. Bác sĩ sẽ cho bạn làm một số xét nghiệm để kiểm tra như: Nội soi dạ dày, sinh thiết tổn thương nghi ngờ, xét nghiệm về chất chỉ điểm khối u...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan