Công dụng thuốc Betalestin

Betalestin là thuốc kê đơn, chỉ định trong các trường hợp viêm mũi dị ứng giai đoạn mãn tính, viêm kết mạc dị ứng... Để đảm bảo hiệu quả sử dụng Betalestin, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, đồng thời tham khảo thêm nội dung thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Thuốc Betalestin có tác dụng gì?

1.1. Betalestin là thuốc gì?

Betalestin thuộc nhóm thuốc chống dị ứng, có số đăng ký VD-13554-10, do Công ty cổ phần hoá dược phẩm Mekophar sản xuất.

Thuốc Betalestin bao gồm các thành phần:

  • Hoạt chất chính: Betamethasone hàm lượng 0,25mg và Chlorpheniramine maleate hàm lượng 2mg.
  • Tá dược: Lactose, tinh bột bắp, Pregelatinized starch, Povidone, Magnesium stearate và màu Erythrosine.

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén vỉ 15 viên, hộp 2 vỉ hay hộp 500 viên rời.

Thuốc Betalestin khuyến cáo sử dụng cho trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên và người trưởng thành.

1.2. Thuốc Betalestin có tác dụng gì?

Hoạt chất Betamethasone là 1 chất thuộc nhóm glucocorticoid, với tác dụng chống viêm mạnh, chống dị ứng và chữa viêm khớp hiệu quả. Betamethasone thích hợp điều trị với các trường hợp dị ứng nặng hay mạn tính hoặc sử dụng các thuốc chống dị ứng thông thường nhưng thất bại.

Hoạt chất Chlorpheniramine thuộc nhóm kháng histamin. Với tác dụng ngăn cản không cho histamin của cơ thể gắn được vào các thụ thể và làm giảm các triệu chứng của dị ứng như sổ mũi, hắt hơi hoặc nổi mề đay,...

Thuốc Betalestin được chỉ định điều trị trong các trường hợp:

  • Bệnh viêm mũi dị ứng: Làm giảm triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi và sổ mũi...
  • Bệnh viêm kết mạc dị ứng, viêm da do côn trùng đốt, eczema (viêm da dị ứng), dị ứng phấn hoa và dị ứng thực phẩm.

Chống chỉ định dùng thuốc trong trường hợp:

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính Clorpheniramin và Betamethasone hay bất cứ tá dược nào của thuốc.
  • Người bệnh đã hoặc đang dùng các thuốc ức chế IMAO trong vòng 2 tuần trước khi có chỉ định uống thuốc Betalestin.
  • Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, nhiễm virus, nhiễm nấm toàn thân.
  • Chứng loét dạ dày và hành tá tràng, tắc môn vị - tá tràng.
  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi và đặc biệt là trẻ sinh thiếu tháng.
  • Cơn hen cấp.
  • Bệnh nhân bị tiểu đường, tâm thần hoặc Glaucom góc hẹp.
  • Bệnh nhân bị tắc cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt.

2. Cách sử dụng của thuốc Betalestin

2.1. Cách dùng thuốc Betalestin

  • Thuốc Betalestin dùng đường uống. Tốt nhất là nên uống thuốc sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
  • Khi bệnh nhân đã cải thiện tình trạng trên lâm sàng hoặc sau khi dùng thuốc Betalestin kéo dài mà muốn ngừng sử dụng thì cần giảm dần liều đang dùng về liều tối thiểu có hiệu lực trên lâm sàng rồi dần dần ngừng thuốc hẳn. Tuyệt đối không dừng sử dụng thuốc Betalestin đột ngột khi thấy bệnh đã thuyên giảm.

2.2. Liều dùng của thuốc Betalestin

Liều dùng Betalestin cho mỗi bệnh nhân là khác nhau, có thể được điều chỉnh theo mức độ nặng, diễn biến của bệnh và sự đáp ứng của bệnh nhân với liều chỉ định. Việc làm này cần được thực hiện bởi bác sĩ:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: 1 đến 2 viên 1 lần.
  • Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: 1 viên/ lần.
  • Trẻ từ 2 đến 6 tuổi: 1⁄2 viên/ lần.
  • Mỗi ngày dùng 4 đến tối đa 6 lần.
  • Xử lý khi quên liều:
  • Nếu lỡ quên liều, uống ngay Betalestin khi nhớ ra. Nếu quá xa giờ phải uống và gần đến giờ uống liều tiếp thì bỏ qua liều chưa uống và uống tiếp theo lịch trình.
  • Không uống gấp đôi để bù lại liều đã quên.
  • Xử trí khi quá liều:

Triệu chứng khi dùng kéo dài Betalestin cùng giống như các Corticosteroid khác bao gồm:

  • Giữ muối, giữ nước, tăng chứng thèm ăn.
  • Chứng loãng xương, tăng đường huyết và mất Nitơ.
  • Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và suy tuyến thượng thận.
  • Chứng rối loạn tâm thần và yếu cơ.
  • Hội chứng giảm tái tạo mô.

Nếu gặp phải những triệu chứng quá liều trên trong thời gian sử dụng Betalestin thì người bệnh cần báo cho bác sĩ điều trị và đến ngay bệnh viện để kiểm tra.

3. Lưu ý khi dùng thuốc Betalestin

  • Một nguyên tắc quan trọng cần ghi nhớ khi sử dụng Betalestin là bắt đầu dùng thuốc, chỉ nên dùng liều tối thiểu có hiệu lực điều trị rồi mới tăng dần liều. Khi chuẩn bị dừng sử dụng thuốc, cần giảm liều từ từ rồi mới dừng hẳn.
  • Thận trọng với người cao tuổi (> 60 tuổi), bệnh nhân phì đại tuyến tiền liệt, nhược cơ, đang dùng thuốc an thần, uống rượu, người có bệnh lao phổi tiến triển, bệnh tim mạch, suy gan, suy thận hoặc loãng xương
  • Tránh dùng Betalestin cho người lái xe hoặc vận hành máy móc vì thuốc gây mất tập trung, buồn ngủ và ngủ gà.
  • Thời kỳ mang thai - cho con bú: Sử dụng betalestin cho phụ nữ mang thai, người đang trong thời kỳ cho con bú hoặc phụ nữ trong độ tuổi dễ mang thai cần phải cân nhắc giữa lợi ích điều trị và nguy cơ của thuốc đối với bản thân mẹ, cho thai nhi hay trẻ sơ sinh.
  • Người bệnh phải tuyệt đối tuân theo chỉ định dùng thuốc của bác sĩ, không tự ý thêm bớt liều lượng và thời gian dùng thuốc.
  • Không dùng thuốc Betalestin khi đã hết hạn sử dụng, viên thuốc đổi màu, nấm mốc, bở hay có mùi lạ.

4. Tác dụng phụ của thuốc Betalestin

Ở liều điều trị, thuốc Betalestin được dung nạp tốt. Tuy nhiên, quá trình sử dụng Betalestin, người bệnh vẫn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:

Hay gặp nhất:

Cảm giác lâng lâng, ngây ngất, buồn nôn và chóng mặt.

Ít gặp:

  • Bứt rứt, suy yếu, khô miệng, biếng ăn, nhức đầu, lo âu, ợ chua, song thị, vã mồ hôi, đa niệu, tiểu khó và viêm da;
  • Rối loạn mất cân bằng nước và điện giải: Kiềm máu giảm kali, mất kali, giữ nước, cao huyết áp, suy tim sung huyết, trên những bệnh nhân nhạy cảm.
  • Rối loạn nội tiết và chuyển hóa: Phát triển hội chứng dạng Cushing, ngừng bài tiết ACTH, giảm dung nạp glucose có hồi phục, teo vỏ thượng thận, đái tháo đường, ức chế sự tăng trưởng của thai trong tử cung và của trẻ nhỏ, kinh nguyệt không đều, tăng nhu cầu insulin hoặc thuốc hạ đường huyết ở người đái tháo đường.

Nếu gặp phải các triệu chứng này, người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc Betalestin và thông báo cho bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.

5. Tương tác thuốc Betalestin

Không nên dùng chung hay phối hợp Betalestin với các loại thuốc sau:

  • Thuốc ức chế Monoamin oxydase: Gây tăng tác dụng và kéo dài thời gian phát huy tác dụng của Chlorpheniramine, có thể dẫn đến tình trạng hạ huyết áp trầm trọng.
  • Phenytoin, Phenobarbital, Rifampicin, Ephedrine: Làm tăng chuyển hóa của thuốc thuộc nhóm Corticosteroid, dẫn đến giảm tác dụng điều trị của thuốc.
  • Thuốc chống đông máu: Betalestin gây ức chế tác dụng chống đông máu của các thuốc thuộc nhóm này.
  • Glycosid digitalis: Thuốc thuộc nhóm Corticosteroid làm tăng nguy cơ loạn nhịp, hạ Kali huyết và ngộ độc Digitalis.
  • Thuốc kháng viêm không steroid: Làm tăng nguy cơ và mức độ trầm trọng của tình trạng loét tiêu hóa.
  • Rượu: Làm tăng tác dụng an thần của hoạt chất Chlorpheniramine và gia tăng nguy cơ loét tiêu hóa.
  • Thuốc Betalestin có thể gây tăng đường huyết. Do vậy có thể cần điều chỉnh liều của các thuốc chống đái tháo đường khi phối hợp.

Thông báo cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc bạn đang dùng, có kê đơn hay không kê đơn, thực phẩm chức năng, hay thuốc bắc để hạn chế được tương tác thuốc có thể xảy ra.

6. Cách bảo quản thuốc Betalestin

  • Thời gian bảo quản thuốc Betalestin là 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
  • Bảo quản sản phẩm thuốc ở nhiệt độ lý tưởng dưới 25 độ C, không để thuốc tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, các chỗ có nhiệt độ cao như trên nóc tủ lạnh hay nóc tivi
  • Tránh để thuốc ở những nơi ẩm ướt như trong nhà tắm, nơi có độ ẩm cao trên 70%. Để thuốc ngoài tầm tay của trẻ nhỏ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Betalestin, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Betalestin là thuốc kê đơn, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua và điều trị tại nhà vì có thể gặp các tác dụng phụ, tương tác thuốc nguy hiểm.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan