Công dụng thuốc Coryzal

Thuốc Coryzal là sự phối hợp của hoạt chất Paracetamol và Pseudoephedrine hydrochloride. Thuốc được sử dụng trong điều trị hiệu quả các triệu chứng cảm lạnh thông thường, viêm mũi vận mạch, viêm màng nhầy xuất tiết do cúm, viêm xoang và các rối loạn khác ở đường hô hấp trên.

1. Thuốc Coryzal là gì?

Thuốc Coryzal chứa hai hoạt chất chính là Paracetamol và Pseudoephedrine hydrochloride. Paracetamol là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt phổ biến hiện nay. Tuy vậy, không giống với aspirin, Paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. Paracetamol làm giảm thân nhiệt ở bệnh nhân đang sốt nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường. Thuốc sẽ tác động lên vùng dưới đồi gây hạ nhiệt, làm giãn mạch và tăng lưu lượng máu ngoại biên từ đó giúp tỏa nhiệt.

Pseudoephedrin là một đồng phân lập thể của ephedrin, có tác dụng tương tự như ephedrin nhưng ít gây tăng nhịp tim, tăng huyết áp và kích thích thần kinh trung ương hơn. Pseudoephedrin có tác động trực tiếp lên các thụ thể alpha-adrenergic, một phần lên thụ thể beta và cũng có tác dụng gián tiếp thông qua việc giải phóng norepinephrin từ nơi dự trữ. Pseudoephedrin kích thích trực tiếp trên thụ thể alpha ở đường hô hấp gây co mạch, giảm các triệu chứng sung huyết, phù nề niêm mạc mũi, làm thông thoáng đường thở và tăng dẫn lưu dịch mũi xoang. Pseudoephedrin được dùng dưới dạng muối hydroclorid để làm giảm bớt các triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi do dị ứng hoặc không do dị ứng. Khác với các thuốc chống ngạt mũi tại chỗ, Pseudoephedrin không hoặc ít gây ra hiện tượng ngạt mũi nặng trở lại khi ngừng thuốc.

2. Công dụng của thuốc Coryzal

Thuốc Coryzal được sử dụng trong điều trị hiệu quả các triệu chứng cảm lạnh thông thường, viêm mũi vận mạch, viêm màng nhầy xuất tiết do cúm, viêm xoang và các rối loạn khác ở đường hô hấp trên.

3. Liều dùng và cách dùng Coryzal

Liều dùng thuốc Coryzal sẽ khác nhau tùy vào từng bệnh nhân. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế để biết liều dùng thích hợp nhất. Dưới đây là liều thuốc Coryzal tham khảo ở bệnh nhân người lớn và trẻ em:

  • Người lớn: Liều khuyến cáo là 1 - 2 viên.
  • Trẻ em từ 2 - 6 tuổi: Khuyến cáo uống 1/2 viên.
  • Trẻ em từ 7 - 12 tuổi: Khuyến cáo uống 1/2 - 1 viên.

4. Chống chỉ định với Coryzal

Thuốc Coryzal chống chỉ định cho những bệnh nhân tăng huyết áp nặng hoặc bị bệnh động mạch vành, bệnh nhân đang sử dụng các thuốc ức chế monoamine oxidase. Không sử dụng thuốc Coryzal cho những bệnh nhân quá mẫn cảm với tác động của các thuốc cường giao cảm khác hoặc với bất cứ thành phần nào trong công thức.

5. Tác dụng phụ của Coryzal là gì?

Thuốc Coryzal có thể gây kích thích thần kinh trung ương nhẹ, đặc biệt ở những bệnh nhân quá mẫn với các tác động của thuốc cường giao cảm. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải các tác dụng phụ sau đây:

  • Thường gặp: Nổi ban đỏ hoặc mày đay, tăng nhịp tim, lo lắng, hồi hộp, bồn chồn, mất ngủ
  • Ít gặp: Buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, rối loạn tạo máu (giảm bạch cầu trung tính, giảm toàn thể huyết cầu, giảm bạch cầu), thiếu máu, độc tính gan và thận khi lạm dụng dài ngày hoặc dùng liều quá cao.
  • Hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn, glaucoma góc đóng, bí tiểu.

6. Những lưu ý khi dùng Coryzal

  • Giống như các thuốc cường giao cảm khác, thuốc Coryzal nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân cường giáp, đái tháo đường, mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc phì đại tuyến tiền liệt.
  • Khi dùng các chế phẩm chứa Paracetamol, đôi khi bệnh nhân có thể có những phản ứng da gồm ban dát, ngứa và mày đay. Những phản ứng mẫn cảm khác như phù thanh quản, phù mạch và phản ứng kiểu phản vệ hiếm khi xảy ra. Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu và giảm toàn thể huyết cầu đã xảy ra khi sử dụng những dẫn chất p-aminophenol, đặc biệt khi dùng liều cao kéo dài.
  • Phản ứng da nghiêm trọng bao gồm hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân, hoại tử biểu bì nhiễm độc tuy hiếm nhưng đã xảy ra ở một số bệnh nhân dùng chế phẩm chứa Paracetamol.
  • Uống nhiều rượu trong khi dùng thuốc có thể gây tăng độc tính của Paracetamol trên gan. Do vậy nên tránh hoặc hạn chế uống rượu khi sử dụng thuốc Coryzal.
  • Trừ khi được nhân viên y tế hướng dẫn, tất cả những người bệnh tự ý dùng Pseudoephedrin được khuyên ngừng thuốc nếu xuất hiện các triệu chứng như thường xuyên cáu gắt, căng thẳng, mất ngủ, chóng mặt hoặc khi triệu chứng sung huyết mũi vẫn tồn tại quá 7 ngày hay bệnh nhân có kèm sốt.
  • Thận trọng khi dùng ở người bệnh có thiếu máu từ trước, vì Paracetamol trong công thức có thể gây ra chứng xanh tím. Hội chứng này có thể không biểu lộ rõ mặc dù có nồng độ cao nguy hiểm của methemoglobin trong máu.
  • Bệnh nhân thận trọng khi phối hợp với các loại thuốc khác có chứa Paracetamol do có thể dẫn tới quá liều và gây độc cho gan, hoại tử tế bào gan thậm chí là tử vong.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Coryzal cho trẻ em dưới 2 tuổi và người già trên 60 tuổi vì nguy cơ độc tính cao của Pseudoephedrin.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Coryzal cho người bệnh suy thận vừa hoặc nặng.

Trên đây là thông tin tổng quan về thuốc Coryzal. Nếu có thắc mắc hoặc cần thêm thông tin về thuốc, bệnh nhân nên liên hệ bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

521 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan