Công dụng thuốc Exsanron

Exsanron có chứa thành phần Sắt fumarat 162mg, Acid folic 0.75mg, Vitamin B12 7.5mcg. Exsanron điều trị thiếu máu do thiếu sắt, thiếu acid folic ở phụ nữ có thai, người bệnh chảy máu đường ruột, người bệnh đang phải điều trị thẩm tách máu, sau phẫu thuật,...

1. Exsanron là thuốc gì?

Exsanron thuộc nhóm vitamin và khoáng chất có chứa thành phần bao gồm:

  • Sắt fumarat 162mg là một dạng sắt hữu cơ, đây là nguyên tố thiết yếu để tạo ra huyết sắc tố - một phần của các tế bào máu. Sắt fumarat được dùng để điều trị và phòng ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
  • Acid folic 0.75mg hay còn gọi là vitamin B9, là một yếu tố không thể thiếu trong việc giúp cơ thể sản sinh ra hồng cầu và tham gia và quá trình phát triển, phân chia tế bào cũng như sự hình thành của tế bào máu. Acid folic có vai trò ngăn ngừa dị tật ống thần kinh khi uống bổ sung trước lúc có thai hoặc tuần đầu tiên của thai kỳ. Trong một số nghiên cứu chỉ ra acid folic cũng có thể ngăn ngừa dị tật tim và các dị tật bẩm sinh về miệng là hở môi và vòm miệng ở trẻ em.
  • Vitamin B12 7.5 mcg, là loại vitamin đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể bạn sản xuất các tế bào hồng cầu. Nồng độ vitamin B12 thấp làm rối loạn quá trình hình thành hồng cầu. Các tế bào hồng cầu khỏe mạnh có hình dạng nhỏ và tròn, nhưng khi thiếu vitamin B12, hồng cầu trở nên to và có hình dạng bầu dục.Do hình dạng to, hồng cầu không thể di chuyển từ tủy xương vào máu với tốc độ phù hợp, gây thiếu máu hồng cầu to.

2. Chỉ định của thuốc Exsanron

Exsanron được chỉ định sử dụng trong điều trị các bệnh lý như:

  • Thiếu máu do thiếu sắt.
  • Thiếu máu do thiếu acid folic.
  • Chảy máu đường tiêu hóa.
  • Người bệnh đang phải điều trị thẩm tách máu.
  • Người bệnh sau phẫu thuật dạ dày.
  • Dùng với mục đích dự phòng tình trạng thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic ở phụ nữ có thai và cho con bú khi chế độ ăn uống không cung cấp đủ.
  • Người bệnh kém hấp thu sắt như: Cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm ruột mãn tính.
  • Phụ nữ rong kinh, băng huyết.

3. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Exsanron

3.1. Liều dùng của thuốc Exsanron

Điều trị thiếu máu do thiếu sắt:

  • Thiếu niên ( > 12 tuổi), người lớn: Uống 1 viên x 2 lần/ ngày. Dùng trong thời gian 3 tháng.
  • Phụ nữ mang thai: uống 1 viên x 2 lần/ ngày. Dùng trong thời gian 3 tháng. Sau 3 tháng, phụ nữ mang thai nên tiếp tục theo chế độ bổ sung sắt để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt.

Trường hợp bổ sung sắt, acid folic và vitamin B12 do chế độ ăn uống không cung cấp đủ:

  • Thiếu niên ( > 12 tuổi), người lớn: 1 viên x 1 lần/ ngày uống liên tục trong 3 tháng.
  • Phụ nữ mang thai: 1 viên x 1 lần/ ngày, uống liên tục trong 6 tháng thai kỳ và tiếp tục 3 - 6 tháng sau sinh.

3.2. Cách dùng thuốc Exsanron

Exsanron được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, dùng đường uống. Người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trên tờ hướng dẫn sử dụng. Uống thuốc với 1 ly nước đầy. Nên uống thuốc xa bữa ăn (2 giờ trước hoặc 1 giờ sau khi ăn).

Nếu người bệnh quên 1 liều thuốc, uống liều thuốc đã quên ngay sau khi nhớ ra, sau đó sử dụng thuốc như bình thường. Trong trường hợp liều này quá sát với liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và uống luôn liều tiếp theo đã được chỉ định. Không uống gấp đôi liều vào một thời điểm.

4. Chống chỉ định của thuốc Exsanron

Chống chỉ định dùng thuốc Exsanron trong những trường hợp dưới đây:

  • Bệnh nhân quá mẫn cảm hoặc dị ứng với Sắt, Acid folic, Vitamin B12 hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Bệnh nhân mắc bệnh huyết sắc tố.
  • Bệnh nhân loét dạ dày ruột, viêm loét ruột kết.
  • Sử dụng đồng thời với một thuốc chứa sắt khác mà dùng đường dùng khác (đường tiêm).
  • Bệnh nhân cần truyền máu nhiều lần.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Exsanron

Người bệnh sử dụng thuốc Exsanron có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như: Buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy và các rối loạn tiêu hóa khác, răng đen. Các tác dụng không mong muốn này có thể được giảm thiểu bằng cách uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Exsanron

  • Exsanron được sử dụng để điều trị thiếu máu do thiếu sắt hoặc bổ sung sắt, acid folic và vitamin B12. Liều lượng của acid folic và vitamin B12 trong Exsanron không đủ cho việc điều trị thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ. Nếu sử dụng thuốc không hợp lý có thể làm giảm các biểu hiện huyết học, trong khi các hội chứng thần kinh vẫn không được phát hiện.
  • Thận trọng khi sử dụng Exsanron cho bệnh nhân bị hội chứng erythropoietic protoporphyria (EPP).
  • Exsanron có chứa sắt nên có thể làm cho phân có màu đen.
  • Quá liều sắt ở trẻ em có thể gây tử vong, do đó cần để thuốc Exsanron xa tầm với của trẻ.
  • Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe, vận hành máy móc: Thuốc không gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.
  • Sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai: Exsanron có thể sử dụng ở phụ nữ mang thai. Việc bổ sung sắt, acid folic và vitamin B12 cho phụ nữ mang thai là cần thiết nhằm ngăn ngừa thiếu máu ở người mẹ, nhiễm khuẩn sản, trẻ sơ sinh nhẹ cân và sinh non.
  • Bổ sung acid folic nên được bắt đầu càng sớm càng tốt (lý tưởng nhất là trước khi thụ thai và trong 3 tháng đầu thai kỳ) nhằm ngăn ngừa các khiếm khuyết ống thần kinh. Nên bổ sung Exsanron cho người mang thai vì những lợi ích trên.
  • Vitamin B12 đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thống thần kinh, não bộ và cho sự phát triển thể chất nói chung của thai nhi. Do đó việc bổ sung vitamin B12 cho phụ nữ mang thai là cần thiết.
  • Sử dụng thuốc cho phụ nữ cho con bú: Sắt, acid folic và vitamin B12 đều tiết vào sữa mẹ. Phụ nữ cho con bú có thể sử dụng được Exsanron.

7. Tương tác của thuốc Exsanron

Khi sử dụng Exsanron, người bệnh có thể gặp tương tác thuốc như sau:

  • Exsanron tạo phức khi uống đồng thời với tetracyclin, dẫn tới giảm hấp thu cả hai thuốc. Do đó cần uống cách xa nhau 2 - 3 giờ. Exsanron cũng tạo phức với acid acetohydroxamic.
  • Hấp thu Exsanron có thể giảm khi có sự hiện diện của thuốc kháng acid và thuốc ức chế bơm proton làm giảm acid dạ dày.
  • Hấp thu của Exsanron bị giảm bởi thức ăn (như trà, cà phê, trứng, sữa, các loại ngũ cốc), neomycin và cholestyramin. Các thuốc bicarbonat, carbonat, oxalat hay phosphat có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thu của Exsanron bằng cách hình thành các phức hợp không hấp thu. Hấp thu Exsanron tăng lên khi uống cùng acid citric hay vitamin C.
  • Hấp thu Exsanron bị giảm bởi calci, muối magnesi dùng đường uống và các chế phẩm bổ sung khoáng chất khác, kẽm và trientin. Nếu bắt buộc phải sử dụng cả Exsanron và trientin, nên uống 2 thuốc cách xa nhau.
  • Đáp ứng với Exsanron có thể bị chậm lại ở những bệnh nhân sử dụng chloramphenicol tác dụng toàn thân. Chloramphenicol làm chậm quá trình giải phóng Exsanron và sự kết hợp của Exsanron với tế bào hồng cầu bằng cách can thiệp vào sự tạo hồng cầu.
  • Tác dụng hạ huyết áp của methyldopa bị giảm bởi Exsanron.
  • Nên tránh sử dụng đồng thời Exsanron và dimercaprol vì có thể tạo thành phức hợp có độc tính.
  • Exsanron làm giảm hấp thu của fluoroquinolon, levodopa, carbidopa, entacapon, bisphosphonat, penicillamin, hormon thyroid như levothyroxin (uống cách xa ít nhất 2 giờ), mycophenolat, cefdinir và kẽm.
  • Exsanron làm giảm hấp thu của eltrombopag (uống cách xa ít nhất 4 giờ).
  • Nồng độ trong huyết thanh của các thuốc chống co giật như phenobarbital, phenytoin và primidone có thể giảm khi uống đồng thời với thuốc chứa folat như Exsanron
  • Nên tránh sử dụng đồng thời Exsanron với raltitrexed.
  • Hấp thu của Exsanron có thể giảm bởi sulfasalazin.
  • Hấp thu Exsanron từ đường tiêu hóa có thể bị giảm khi dùng cùng neomycin, acid aminosalicylic, các thuốc kháng thụ thể histamin H2 và colchicin. Nồng độ trong huyết thanh có thể bị giảm khi dùng đồng thời với thuốc tránh thai đường uống.
  • Cloramphenicol dùng ngoài đường tiêu hóa có thể làm giảm tác dụng của Exsanron trong bệnh thiếu máu.
  • Omeprazol làm giảm acid dịch vị, nên làm giảm hấp thu Exsanron.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan