Công dụng thuốc Valproat Natri

Thuốc Valproat Natri là thuốc hướng thần, với thành phần chính là Valproat Natri. Thuốc này thường được chỉ định trong điều trị động kinh, tuy nhiên trong quá trình sử dụng thuốc Valproat Natri, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, thay đổi vị giác, giảm chức năng gan, ...

1. Valproat Natri là thuốc gì?

Thuốc Valproat Natri được xếp vào nhóm thuốc hướng thần, có tên quốc tế là Sodium valproate, thành phần hoạt chất chính là Valproat Natri. Các dạng biệt dược của Valproat Natri gồm có: Sodium Valproate Aguettant, Dalekine Siro, Braiporin syrup, Dalekine 500, Dalekine, Milepsy 200.

Dạng bào chế và quy cách đóng gói:

  • Viên nang tan trong ruột với các hàm lượng 150mg, 20mg, 300mg, 500mg
  • Dạng siro 250mg/5ml (lọ 50ml)
  • Dung dịch tiêm tĩnh mạch: 100mg/ml, ống 5ml.

2. Valproat Natri có tác dụng gì?

Dược lực học: sau khi uống, Valproat Natri bị phân ly thành ion valproate ở đường tiêu hóa. Valproat Natri có tác dụng chống động kinh thông qua chất acid gamma-aminobutyric (GABA – một chất ức chế dẫn truyền thần kinh). Nó có thể làm tăng nồng độ của GABA bằng hai cơ chế là ức chế chuyển hóa GABA hoặc làm tăng hoạt tính của GABA. Vì vậy, Valproat Natri được chỉ định trong điều trị nhiều loại động kinh khác nhau.

Dược động học:

  • Hấp thu: Valproat Natri được hấp thu nhanh sau khi uống. Nồng độ trong huyết tương đạt đỉnh khoảng 1 – 4 giờ sau khi uống hoặc 1 giờ sau khi truyền tĩnh mạch. Hiệu quả điều trị thể hiện rõ từ sau vài ngày đến một tuần dùng thuốc. Sinh khả dụng của thuốc Valproat Natri tương đương nhau ở dạng viên giải phóng kéo dài và viên nang bình thường.
  • Phân bố: khoảng 90% Valproat Natri liên kết với protein huyết tương.
  • Chuyển hóa: gan là nơi chuyển hóa chủ yếu của Valproat Natri, tại đây nó được chuyển hóa thành các chất chính là chất liên hợp glucuronide, acid 2-propyl-3-ceto-pentanoic, acid 2-propyl- hydroxypentanoic.
  • Thải trừ: Valproat Natri được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

3. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Valproat Natri

Thuốc Valproat Natri được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Động kinh toàn thể: cơn co giật, cơn co cứng, cơn giật cơ, cơn vắng ý thức, cơn co cứng co giật, cơn mất trương lực.
  • Động kinh cục bộ.
  • Hội chứng Lennox- Gastaut, hội chứng West.
  • Dự phòng và điều trị cơn hưng cảm.
  • Sốt cao co giật ở trẻ.

Chống chỉ định: tuyệt đối không sử dụng thuốc Valproat Natri trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng với valproat
  • Viêm gan cấp và mạn hoặc có tiền sử bản thân, gia đình bị viêm gan
  • Suy gan nặng
  • Rối loạn chu trình ure
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Hội chứng Alpers-Huttenlocher (đột biến gen mã hóa enzym γ-polymerase làm rối loạn ty thể)

4. Liều lượng và cách dùng Valproat Natri

Bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về liều thuốc và cách dùng. Không được tự ý thay đổi liều lượng, các dùng thuốc cũng như đưa thuốc Valproat Natri cho người khác uống ngay cả khi họ có những triệu chứng giống bạn.

Liều lượng:

Người lớn

Dạng uống:

  • Động kinh (co giật): 250mg/ngày chia làm nhiều lần.
  • Động kinh cục bộ: 10 - 15 mg/kg/ngày. Tăng thêm 5 - 10 mg/kg/ngày sau mỗi tuần để đạt tới liều điều trị thích hợp, tối đa là 60 mg/kg/ngày.
  • Cơn vắng ý thức: 15 mg/kg/ngày. Tăng thêm 5 - 10 mg/kg/ngày sau mỗi tuần cho đến khi kiểm soát được cơn co giật, tối đa là 60 mg/kg/ngày. Khi liều lượng vượt quá 200mg/ngày cần chia làm 2 hoặc nhiều lần uống.
  • Cơn hưng cảm: uống 750mg/ngày chia 2 – 3 lần, tăng dần liều đến mức thấp nhất có hiệu quả, tối đa 60mg/kg/ngày.
  • Dự phòng đau nửa đầu: uống 250mg/ngày chia 2 lần, tối đa 1000mg/ngày.

Dạng tiêm tĩnh mạch: truyền tĩnh mạch chậm 20mg/phút trong 60 phút. Nên chuyển sang dạng uống khi có thể.

Trẻ em:

Dạng uống:

  • Động kinh (co giật) ở trẻ > 10 tuổi: 10 – 15mg/kg/ngày. Tăng thêm 5 - 10 mg/kg/ngày sau mỗi tuần để đạt tới liều điều trị thích hợp, tối đa 60mg/kg/ngày.
  • Dự phòng đau nửa đầu: trẻ từ 12 tuổi uống natri divalproex 250mg/ngày chia 2 lần, tối đa 1g/ngày. Trẻ trên 16 tuổi uống 250mg/ngày chia 2 lần, tối đa 1000mg/ngày.

Dạng tiêm tĩnh mạch: chống co giật (1 – 12 tuổi): 15 – 45mg/kg/ngày. Tăng thêm 5 - 10 mg/kg/ngày sau mỗi tuần để đạt tới liều điều trị thích hợp.

Cách dùng:

  • Dạng uống: Người bệnh cần uống cả viên với nước, không nhai hoặc nghiền nát để tránh kích ứng tại miệng, họng. Người bệnh có thể uống thuốc trong bữa ăn.
  • Dạng tiêm tĩnh mạch: pha với dung dịch tiêm tương hợp, ví dụ Ringer lactat, natri clorid 0,9%, dextrose 5%.

Cần làm gì khi quên một liều Valproat Natri?

  • Hãy dùng liều khác càng sớm càng tốt khi bạn nhớ ra. Nếu thời điểm đó gần với thời điểm dùng liều tiếp theo thì hãy bỏ qua và dùng liều tiếp theo như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều quy định vào lần tiếp theo để bù liều đã quên.

Cần làm gì khi quá liều Valproat Natri?

  • Các triệu chứng quá liều có thể xuất hiện là ngủ gà, block tim mạch, hôn mê sâu, thậm chí là tử vong. Khi quá liều, bạn cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí. Việc súc rửa dạ dày hoặc gây nôn phụ thuộc vào thời gian uống thuốc. Biện pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ và duy trì lượng nước tiểu.

5. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Valproat Natri

Trong quá trình sử dụng thuốc Valproat Natri, bạn có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như:

  • Rất hay gặp: chóng mặt, mất ngủ, đau đầu, căng thẳng thần kinh, rụng tóc, rối loạn tiêu hóa, giảm tiểu cầu, giảm thị lực, run cơ, nhiễm khuẩn, hội chứng giả cúm.
  • Thường gặp: đau ngực, đánh trống ngực, loạn nhịp tim, phù ngoại vi, thay đổi huyết áp, mất điều phối vận động, dáng đi không bình thường, đau cơ, tăng phản xạ, trầm cảm, tư duy bất thường, rối loạn nhân cách, thay đổi kinh nguyệt, khô da, phát ban, viêm tụy, viêm miệng, thay đổi vị giác, tăng men gan, giảm protein máu, ...
  • Ít gặp: giảm bạch cầu, dị ứng, rối loạn hành vi, đái dầm, mất trí, huyết khối, xuất huyết, thiếu máu, độc tính trên gan, tăng bilirubin, ...

Những triệu chứng được liệt kê trên là chưa đầy đủ. Bạn có thể gặp phải các triệu chứng bất thường khác trong quá trình dùng Valproat Natri. Hãy thông báo ngay với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn.

6. Tương tác thuốc

Hiện tượng tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hấp thu cũng như tác dụng, tác dụng phụ của thuốc. Vì vậy, bạn hãy liệt kê tất cả các thuốc đang sử dụng, kể cả thuốc kê đơn và không kê đơn, thực phẩm chức năng, vitamin, ... và thông báo với bác sĩ. Các thuốc có thể tương tác với thuốc Valproat Natri như:

  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng, barbiturate, risperidone, ethosuximid, rufinamid, vorinostat, zidovudine, primidon.
  • Chlorpromazin, topiramat, felbamat, salicylate.
  • Aminocamptothecin, oxcarbazepine, phenytoin, carbamazepine.

7. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Valproat Natri

Phụ nữ có thai: thuốc Valproat Natri gây độc tính lên hệ sinh sản (dị tật, quái thai, bất thường về đông máu, suy gan dẫn đến tử vong). Vì vậy, tránh dùng thuốc này trong thai kỳ.

Phụ nữ cho con bú: Valproat Natri có đi qua sữa mẹ, vì vậy nên ngừng cho bú nếu mẹ đang dùng thuốc này.

Một số lưu ý khác:

  • Thuốc Valproat Natri gây ức chế hệ thần kinh, vì vậy không nên lái xe, điều khiển máy móc hay làm việc trên cao khi dùng thuốc này.
  • Cần chú ý thận trọng khi dùng Valproat Natri ở bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh gan, dùng nhiều thuốc chống co giật, trẻ em có rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, động kinh nặng kèm theo chậm phát triển trí tuệ.
  • Ngưng thuốc nếu có viêm tụy.
  • Khi phát hiện tình trạng tăng ure máu và rối loạn chu trình chuyển hóa ure, cần ngưng thuốc.

Để thuốc Valproat Natri trong bao bì kín, nơi khô ráo, nhiệt độ tốt nhất là từ 15 – 25 độ C, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp. Để thuốc xa tầm tay trẻ em cũng như thú nuôi trong nhà.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan