Tác dụng của thuốc Ruconest

Thuốc Ruconest được bào chế dưới dạng bột pha dung dịch tiêm. Thuốc được sử dụng trong điều trị tình trạng phù mạch nói chung.

1. Công dụng của thuốc Ruconest

Thuốc Ruconest là 1 dạng protein ức chế C1 esterase nhân tạo, xuất hiện tự nhiên trong máu, giúp kiểm soát được tình trạng sưng tấy trong cơ thể. Những bệnh nhân mắc bệnh phù mạch di truyền thường sẽ không có đủ loại protein này. Bệnh phù mạch di truyền dễ gây ra các đợt sưng tấy, các triệu chứng khó chịu ở dạ dày hoặc gây khó thở.

Chỉ định sử dụng thuốc Ruconest:

Điều trị các cơn phù mạch cấp tính ở người trưởng thành và thanh thiếu niên (từ 13 tuổi trở lên) bị phù mạch di truyền.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Ruconest:

  • Người dưới 13 tuổi;
  • Người bị mẫn cảm, dị ứng với thành phần của thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Ruconest

2.1 Cách dùng

Thuốc Ruconest được tiêm vào tĩnh mạch. Người bệnh có thể được hướng dẫn tiêm thuốc tại nhà. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tự tiêm thuốc nếu chưa được hướng dẫn bởi bác sĩ.

Thuốc Ruconest là thuốc bột, cần phải pha với dung dịch trước khi tiêm. Nếu sử dụng thuốc tại nhà, người bệnh cần được hướng dẫn chi tiết về cách pha và bảo quản thuốc đúng cách. Đồng thời, bệnh nhân nên rửa tay sạch trước khi pha và tiêm thuốc

Sau khi pha thuốc Ruconest, nên bảo quản thuốc trong tủ lạnh, sử dụng trong vòng 8 giờ. Nếu để ở nhiệt độ phòng, nên sử dụng thuốc ngay.

Mỗi lọ thuốc chỉ sử dụng cho 1 lần sử dụng. Sau liều đó, nên vứt bỏ ngay lọ thuốc. Thuốc cần được tiêm chậm, quá trình truyền IV thường mất khoảng 5 phút.

2.2 Liều dùng

Liều dùng thuốc Ruconest được bác sĩ chỉ định dựa trên cân nặng. 1 liều thuốc Ruconest duy nhất thường đủ để điều trị cơn phù mạch. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau 1 liều, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng liều thứ 2.

Quên liều: Vì thuốc Ruconest chỉ sử dụng khi cần thiết nên không có lịch dùng thuốc hằng ngày. Người bệnh nên gọi cho bác sĩ nếu triệu chứng không cải thiện sau khi dùng thuốc.

Quá liều: Nếu dùng thuốc Ruconest quá liều, bệnh nhân nên liên hệ cấp cứu ngay.

3. Tác dụng phụ của thuốc Ruconest

Khi sử dụng thuốc Ruconest, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Đau đầu, tiêu chảy, buồn nôn;
  • Gọi cấp cứu ngay nếu bệnh nhân có phản ứng dị ứng với thuốc: Phát ban, nổi mề đay, tức ngực, khó thở, thở khò khè, môi hoặc nướu có màu xanh, tim đập nhanh, cảm giác như có thể bị bất tỉnh, sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng,...
  • Gọi ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có các triệu chứng sau:
    • Tê hoặc yếu đột ngột, đặc biệt nếu bị ở 1 bên cơ thể;
    • Đau đầu dữ dội đột ngột, nói lắp, gặp các vấn đề về thị lực hay thăng bằng;
    • Đau, sưng, nóng, đỏ ở 1 hoặc cả 2 chân.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Ruconest

Trước và trong khi sử dụng thuốc Ruconest, người bệnh cần lưu ý:

  • Không dùng thuốc nếu bệnh nhân bị dị ứng với thỏ hoặc các sản phẩm từ thỏ nhưng lông, da, thịt;
  • Không sử dụng thuốc Ruconest nếu người bệnh có tiền sử xảy ra phản ứng quá mẫn, bao gồm sốc phản vệ với loại thuốc này hoặc bất kỳ loại thuốc ức chế C1 esterase nào khác như Berinert hoặc Cinryze;
  • Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ nếu mắc bệnh động mạch vành (xơ cứng động mạch), tiền sử đột quỵ hoặc cục máu đông;
  • Thuốc Ruconest được cho là không gây hại cho thai nhi. Dù vậy, bà mẹ đang mang thai vẫn nên báo cho bác sĩ về tình trạng của mình để được tư vấn thích hợp. Nếu dự định có thai, bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ;
  • Hiện chưa rõ chất ức chế C1 esterase có đi vào sữa mẹ hoặc có gây hại cho trẻ bú mẹ hay không. Bà mẹ đang cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

5. Tương tác thuốc Ruconest

Các loại thuốc khác có thể tương tác với chất ức chế C1 esterase, bao gồm thuốc kê đơn.không kê đơn, vitamin, thuốc có thành phần là thảo dược,... Người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng để có sự điều chỉnh phù hợp.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Ruconest, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Việc này đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh phù mạch và hạn chế được những tác dụng phụ bất lợi có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

38 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan