Thuốc Cycloset: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Thuốc Cycloset được chỉ định để giúp kiểm soát tình trạng đường huyết cao ở những người mắc tiểu đường tuýp 2. Việc kiểm soát đường huyết giúp giảm nguy cơ tổn thương thận, mù lòa, mất tứ chi, các vấn đề về thần kinh và suy giảm khả năng sinh lý.

1. Cycloset có tác dụng gì?

Thuốc Cycloset (Bromocriptine) thường được dùng kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh và chương trình tập luyện phù hợp để giúp kiểm soát chỉ số đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. Kiểm soát đường huyết tốt có thể mang lại những lợi ích như: giảm nguy cơ tổn thương thận, các vấn đề thần kinh, mù lòa, mất tứ chi, suy giảm khả năng sinh dục, giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch (đau tim, đột quỵ...).

XEM THÊM: Đái tháo đường type 2 và nguy cơ mắc bệnh tim mạch

2. Cách sử dụng thuốc Cycloset

Dùng thuốc Cycloset bằng đường uống, kết hợp với thức ăn theo hướng dẫn của bác sĩ, thường là 1 lần một ngày. Nên uống thuốc trong vòng 2 giờ kể từ khi thức dậy vào buổi sáng. Để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ, bạn có thể được hướng dẫn dùng liều thấp trước sau đó mới tăng dần liều lượng.

Thuốc Cycloset thường gây chóng mặt, đặc biệt là sau liều đầu tiên hoặc bất cứ khi nào tăng liều. Để giảm nguy cơ chấn thương do ngã, hãy ngồi hoặc nằm xuống ngay sau khi uống liều đầu tiên hoặc bất cứ khi nào tăng liều.

Không chuyển đổi giữa các nhãn hiệu Bromocriptine khác nhau trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Các nhãn hiệu khác có thể không có tác dụng tương tự trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe của người bệnh và khả năng đáp ứng với điều trị.

Nên uống thuốc thường xuyên để đạt được hiệu quả điều trị tối đa. Nếu chỉ số đường huyết không cải thiện hoặc có xu hướng xấu đi (lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp), hãy báo cho bác sĩ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Cycloset

Một số tác dụng phụ của thuốc Cycloset có thể gặp là:

  • Buồn nôn và nôn.
  • Chán ăn.
  • Táo bón.
  • Chóng mặt.
  • Buồn ngủ.
  • Nhức đầu.
  • Ợ chua.
  • Sổ mũi.
  • Suy nhược.
Thuốc Cycloset có thể gây sổ mũi
Thuốc Cycloset có thể gây sổ mũi ở một số người bệnh

Thuốc Cycloset có thể khiến lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết), nhất là khi người bệnh không ăn đủ lượng calo cần thiết, hoặc tập thể dục quá sức. Các dấu hiệu thể hiện lượng đường trong máu thấp bao gồm: đổ mồ hôi đột ngột, run rẩy, tim đập nhanh, đói lả, mờ mắt, chóng mặt hoặc ngứa ran bàn tay, bàn chân. Lời khuyên là hãy mang theo gel hoặc viên glucose để xử lý tạm thời. Nếu không có sẵn những dạng glucose đáng tin cậy này, hãy nhanh chóng tăng lượng đường trong máu bằng cách ăn đồ ngọt như mật ong, kẹo, nước trái cây... Ngoài ra, để ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết đột ngột, hãy ăn các bữa theo đúng lịch trình và không bỏ bữa.

Các dấu hiệu của lượng đường trong máu cao bao gồm: khát nước, đi tiểu nhiều, lú lẫn, buồn ngủ, thở nhanh và hơi thở có mùi trái cây. Nếu các triệu chứng này xảy ra, hãy nói với bác sĩ để tăng liều dùng Cycloset lên.

Trong một số trường hợp, người dùng Cycloset có thể đột ngột buồn ngủ trong khi đang thực hiện những hoạt động thường ngày (như nói chuyện điện thoại, lái xe). Do đó, bác sĩ khuyến cáo không nên lái xe hoặc tham gia các hoạt động có thể nguy hiểm khác cho đến khi bạn chắc chắn về phản ứng của thuốc.

Một số có thể bị tụt huyết áp đột ngột gây chóng mặt, buồn nôn và ngất xỉu. Giảm huyết áp có nhiều khả năng xảy ra ở người mới bắt đầu dùng thuốc, khi tăng liều hoặc khi thức dậy đột ngột. Để giảm nguy cơ này, hãy đứng dậy từ từ từ tư thế ngồi hoặc nằm. Hãy cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu thấy có những phản ứng nào nghiêm trọng như:

  • Các vấn đề về thị lực (như nhìn mờ, song thị).
  • Thay đổi tâm trạng (như trầm cảm, ảo giác, lú lẫn, bồn chồn).

4. Cách phòng ngừa tác dụng phụ của thuốc Cycloset

Trước khi dùng thuốc Cycloset, người bệnh hãy báo cho bác sĩ nếu bị dị ứng với thành phần của thuốc, các thuốc Ergot khác (như Ergonovine, Pergolide) hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác. Thông báo cho bác sĩ về bệnh sử của bản thân, nhất là các vấn đề như: đau nửa đầu gây ngất xỉu, rối loạn cảm xúc (như trầm cảm, tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ), huyết áp cao, tình trạng mang thai (nếu có).

Trong thời gian mang thai, chỉ nên dùng Cycloset khi thật sự cần thiết, vì thuốc có thể gây tăng huyết áp nguy hiểm tới thai kỳ. Nếu bạn có thai hoặc nghi ngờ mang thai, hãy nói với bác sĩ ngay lập tức. Thuốc này không nên dùng cho phụ nữ mới sinh do nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng. Thuốc Cycloset có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa mẹ. Vì vậy không khuyến khích cho con bú trong thời gian dùng thuốc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú.

Cycloset kê đơn
Người bệnh sử dụng Cycloset gặp tác dụng phụ nên báo với bác sĩ kê đơn

5. Tương tác thuốc Cycloset

Một số thuốc bạn đang dùng (nếu có) cũng có thể gây đào thải Cycloset và ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc này, bao gồm: Cimetidine, Cobicistat, Telithromycin, thuốc kháng nấm nhóm Azole (như Ketoconazole), kháng sinh Macrolid (như Erythromycin), chất ức chế protease HIV (như Ritonavir), Rifamycins (như Rifabutin).

Nên báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng các sản phẩm khác cũng gây buồn ngủ như: rượu, cần sa, thuốc kháng Histamin (như Cetirizine, Diphenhydramine), thuốc ngủ hoặc điều trị lo âu (như Alprazolam, Diazepam, Zolpidem), thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau Opioid (như Codeine), thuốc điều trị tâm thần (như Chlorpromazine, Risperidone, Amitriptyline, Trazodone).

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, khiến người bệnh càng khó kiểm soát hơn. Trước khi bắt đầu, ngừng hoặc thay đổi bất kỳ loại thuốc nào, hãy nói chuyện với bác sĩ về các tác dụng của thuốc lên chỉ số đường huyết. Đồng thời kiểm tra đường huyết thường xuyên và chia sẻ kết quả với bác sĩ. Nếu thấy các dấu hiệu đường huyết quá cao hoặc quá thấp, hãy báo cho bác sĩ để được hỗ trợ điều chỉnh lại đơn thuốc tiểu đường, kế hoạch tập luyện hoặc chế độ ăn uống.

6. Xử trí khi quá liều và cách bảo quản

Nếu bỏ lỡ thời gian uống thuốc, nhưng vẫn trong vòng 2 giờ sau khi thức dậy, bạn vẫn có thể dùng đúng liều như cũ. Nếu không, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo vào giờ bình thường vào sáng hôm sau. Không uống gấp đôi liều để bắt kịp. Bảo quản thuốc trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp và hơi ẩm. Không bảo quản thuốc trong phòng tắm và giữ thuốc tránh xa trẻ em và vật nuôi.

Người bệnh nên dùng thuốc Cycloset theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát chỉ số đường huyết hiệu quả. Ngoài ra, việc thay đổi lối sống có thể ngăn ngừa hoặc giảm tình trạng tăng/ hạ đường huyết như: ăn uống đúng giờ, đủ bữa, tập luyện thể thao phù hợp, kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên.

Hiện bệnh tiểu đường không có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn, do đó việc dùng thuốc đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp kiểm soát bệnh được tốt hơn. Bên cạnh đó, trong thời gian dùng thuốc, bệnh nhân cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để qua đó có thể theo dõi tình trạng bệnh nhằm có hướng điều chỉnh phù hợp.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Nội tiết giàu chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm. Khách hàng trong quá trình dùng thuốc hoặc có bất thường sức khỏe, có thể liên hệ tới bệnh viện để được tư vấn và có những chỉ định đúng với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

364 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan