Uống thuốc với nước cam có được không?

Nước cam là loại thức uống bổ dưỡng, giàu vitamin và chất chống oxy hóa. Do đó nhiều người nghĩ rằng đây là loại nước uống tốt cho sức khỏe và có thể uống chung với thuốc. Tuy nhiên, thực tế uống nước cam với một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả điều trị của thuốc.

1. Uống thuốc với nước cam có được không?

Nhiều bệnh nhân thắc mắc có nên uống thuốc với nước cam không? Thực tế, cam là loại trái cây giàu vitamin C tuyệt vời và các chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Ngoài ra, trong cam còn một hợp chất gọi là limonene, có đặc tính ức chế ung thư. Bởi vậy, nước cam là loại thức uống bổ dưỡng và thường có trong thực đơn của người bệnh. Tuy nhiên không phải lúc nào uống thuốc chung với nước cam cũng tốt.

Có một số loại thuốc khi uống chung với nước cam sẽ làm thay đổi hoạt tính của thuốc hoặc thậm chí là mất tác dụng. Bên cạnh đó, vì nước cam có nhiều acid nên sẽ không thích hợp với những người đang mắc bệnh lý ở đường tiêu hóa như đau dạ dày hoặc chứng ợ chua. Ngoài ra một số bệnh nhân thắc mắc uống thuốc hạ sốt với nước cam được không. Nhìn chung, nếu ăn cam, quýt hoặc uống nước cam cùng với thuốc kháng viêm không steroid ibuprofen - một loại thuốc cũng có tác dụng hạ sốt có thể làm tăng nguy cơ đau dạ dày do tăng lượng axit trong dạ dày.

2. Một số loại thuốc không nên uống chung với nước cam

2.1 Thuốc kháng sinh

Nước cam không phải là một lựa chọn tốt để uống cùng một số loại thuốc kháng sinh. Trong nước cam chứa nhiều axit nên có thể ảnh hưởng tới cấu trúc hoá học của các thuốc. Khi cấu trúc hoá học của thuốc bị tác động thì hiệu quả của thuốc cũng sẽ giảm dần hoặc mất đi và bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn kéo dài.

Kháng sinh beta lactam được dùng khá phổ biến trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hoá, tiết niệu, da - mô mềm, cơ, xương, sinh dục...Loại kháng sinh này có thể bị phân hủy khi uống chung với nước cam. Kháng sinh ciprofloxacin thường dùng điều trị nhiễm trùng tiêu hoá và tiết niệu sinh dục hoặc kháng sinh erythromycin cũng không nên uống cùng nước cam.

2.2 Thuốc hạ huyết áp chẹn beta

Khi thuốc hạ huyết áp chẹn beta dùng chung hoặc gần với thời điểm uống nước cam có thể làm thay đổi nồng độ thuốc trong máu, khiến thuốc không đạt được nồng độ hiệu dụng.

2.3 Thuốc ho Dextromethorphan

Sử dụng nước cam với Dextromethorphan có thể làm tăng nguy cơ bị phản ứng phụ, khiến bệnh nhân bị ảo giác và buồn ngủ. Ảnh hưởng của các loại trái cây họ cam quýt với thuốc dextromethorphan có thể kéo dài trong một ngày hoặc lâu hơn, vì vậy tốt nhất bệnh nhân không ăn chúng khi đang sử dụng dextromethorphan.

2.4 Thuốc chống dị ứng

Uống thuốc với nước cam không phù hợp với một số loại thuốc chống dị ứng. Một số thử nghiệm đã phát hiện tác động tiêu cực của nước cam với thuốc chống dị ứng như fexofenadin – loại thuốc giúp giảm các triệu chứng ngứa, nổi ban, viêm mũi dị ứng. Kết quả định lượng nồng độ thuốc trong máu trên một nhóm người uống thuốc chống dị ứng có sử dụng nước cam và một nhóm không cho thấy, nhóm uống thuốc với nước cam có nồng độ thuốc bị giảm từ 23-28%.

2.5 Thuốc trị viêm loét dạ dày

Đôi khi nước cam ảnh hưởng tới tác dụng của các thuốc điều trị viêm loét dạ dày. Thuốc trị viêm loét dạ dày là những thuốc có khả năng ức chế sự bài tiết acid giúp giảm nồng độ axit trong dạ dày, nâng độ pH lên, nhờ vậy giúp giảm các triệu chứng bệnh. Trong khi đó, nước cam lại chứa nhiều vitamin C, nhiều axit citric và góp phần làm tăng nồng độ axit trong dạ dày. Do đó dùng nước cam đã vô tình ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc trị viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, thuốc trị ung thư như etoposide, thuốc chống thải ghép cyclosporine cũng có nguy cơ bị giảm tác dụng khi dùng chung với nước cam.

Tóm lại, không phải tất cả các loại thuốc đều có thể uống với nước cam. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến nhân viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan