Vi khuẩn HP dạ dày có tái phát không?

Bị nhiễm vi khuẩn HP là tình trạng rất phổ biến hiện nay. Sau khi điều trị, nhiều người vẫn băn khoăn với câu hỏi vi khuẩn HP có tái phát không? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp cho câu hỏi này.

1. Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) được phát hiện lần đầu vào năm 1982. Đây là loại vi khuẩn hình xoắn ốc, thường được tìm thấy trong dạ dày của người nhiễm bệnh. Phần lớn người có vi khuẩn HP trong dạ dày đều không có triệu chứng và không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, vi khuẩn HP cũng có khả năng gây một số bệnh đường tiêu hóa (bao gồm viêm loét dạ dày, hiếm gặp là ung thư dạ dày).

Khi bị nhiễm HP, hầu hết bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, khi nhiễm trùng gây loét dạ dày hoặc tá tràng thì bệnh nhân có thể gặp phải một số triệu chứng như: Đau hoặc khó chịu vùng bụng trên, phình hoặc chướng bụng, cảm thấy no dù chỉ ăn ít thức ăn, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn ói, phân sẫm màu hoặc có màu hắc ín, có vết loét chảy máu gây thiếu máu và mệt mỏi,...

Về việc điều trị, nếu bị nhiễm vi khuẩn HP nhưng không có bất kỳ vấn đề gì và người nhiễm không thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày thì có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, ở bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày - tá tràng, loét dạ dày tiến triển hoặc loét tá tràng liên quan tới nhiễm HP thì việc điều trị là cần thiết. Điều trị HP thành công giúp vết loét mau lành, ngăn ngừa vết loét tái phát và giảm nguy cơ biến chứng như chảy máu. Bên cạnh đó, những bệnh nhân đang sử dụng thuốc chống viêm kéo dài như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen hay các thuốc tương tự điều trị viêm khớp thì nên được xét nghiệm HP, nếu bị nhiễm phải điều trị tiêu diệt HP.

2. Vi khuẩn HP có tái phát không?

Theo các bác sĩ, vi khuẩn HP rất dễ tái phát. Có một thực tế đáng lo ngại chính là dù người bệnh đã được chẩn đoán bị nhiễm vi khuẩn HP và trải qua quá trình loại bỏ vi khuẩn thành công nhưng bệnh nhân đó vẫn có nguy cơ tái nhiễm.

Theo thống kê, ở Việt Nam, trung bình 11 tháng sau khi diệt HP hoàn toàn, vi khuẩn HP tái xuất hiện trong dạ dày với tỷ lệ 23,5%. Trong đó, tỷ lệ tái nhiễm (đã điều trị khỏi hoàn toàn nhưng sau đó lại nhiễm mới) là 9,7%, tỷ lệ tái phát là 13,8%. Ngược lại với nước ta, tỷ lệ tái nhiễm HP trong dạ dày ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Phần Lan là rất thấp, chỉ khoảng 0,2 - 2%.

Mới đây, một nghiên cứu cũng chứng minh: Kể cả điều trị HP hết hoàn toàn thì trung bình sau khoảng 1 năm, tỷ lệ tái nhiễm vẫn chiếm khoảng 10%.

Tình trạng tái nhiễm HP có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh dạ dày lên gấp 4 lần, đồng thời tăng khoảng 15 - 20% các biến chứng loét dạ dày - tá tràng. Do đó, bệnh nhân nên tìm ra biện pháp thích hợp nhằm điều trị HP một cách triệt để.

3. Nguyên nhân tái phát vi khuẩn HP

Sau khi bị nhiễm vi khuẩn HP và điều trị, người bệnh vẫn có thể tái phát nhiễm khuẩn HP nếu không tuân thủ phác đồ điều trị, có chế độ ăn uống sinh hoạt không phù hợp, tiếp xúc với dụng cụ y tế không được vệ sinh,... Trong đó, có 2 nguyên nhân chính gây tái phát vi khuẩn HP dạ dày gồm:

3.1 HP là loại vi khuẩn có khả năng lây nhiễm, tái nhiễm cao

Chủng vi khuẩn HP có thể lây nhiễm, tái nhiễm qua nhiều con đường như:

  • Miệng - Miệng: Là con đường lây nhiễm HP phổ biến nhất. Vì vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, khoang miệng, răng,... của bệnh nhân nên khi chúng ta hôn, dùng chung chén đũa,... thì vi khuẩn này có thể lây lan dễ dàng;
  • Dạ dày - miệng: Vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày, khiến người bệnh bị trào ngược dạ dày, ợ chua,... Khi bệnh nhân hắt hơi hoặc thở mạnh, vi khuẩn HP có thể lây lan tới những người tiếp xúc gần với bệnh nhân;
  • Phân - miệng: Trong phân mà người bệnh thải ra có chứa một lượng lớn vi khuẩn HP. Sau khi đi vệ sinh, nếu người bệnh không vệ sinh sạch sẽ thì có thể khiến vi khuẩn HP bị phát tán khi họ cầm thức ăn bằng tay, đụng chạm trên các vật dụng, bề mặt khác,... Ngoài ra, các loài vật trung gian như muỗi, ruồi, gián, chuột,... cũng góp phần khiến vi khuẩn HP lây lan qua con đường này.

Chính vì vậy, sau khi đã điều trị thành công vi khuẩn HP, nếu bệnh nhân vẫn tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm của loại vi khuẩn này thì hoàn toàn có nguy cơ bị tái nhiễm trở lại.

3.2 Vi khuẩn HP có thể vẫn còn tồn tại từ lần điều trị trước

Khi dùng thuốc diệt HP, vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn mà chỉ giảm về mặt số lượng, không còn phát hiện được HP tại dạ dày bằng các phương pháp xét nghiệm. Tuy nhiên, sau đó loại vi khuẩn này lại nhân lên và tái phát. Nguyên nhân là vì nhiều trường hợp bệnh nhân bị kháng thuốc nên vi khuẩn HP không thể bị tiêu diệt bằng cách thông thường.

Vi khuẩn HP trước đây rất nhạy cảm với kháng sinh nên dễ bị tiêu diệt. Vào những năm 1990 - 2000, tỷ lệ tiêu diệt HP thành công rất cao. Chỉ với 2 trong 2 kháng sinh như Amoxicillin, Clarithromycin và Metronidazol đã cho hiệu quả tiêu diệt tới trên 95% chỉ với 7 ngày điều trị.

Tuy nhiên, đến nay, tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trung bình là: Amoxicillin 24,9%, Levofloxacin 27,9%, Clarithromycin 34,1% (có nghiên cứu là 85,5%), Metronidazole 69,4% (có nghiên cứu là 95,5%), Tetracycline 17,9% và đồng thời kháng nhiều loại kháng sinh trung bình là 47,4%. Như vậy, việc điều trị HP trở nên khó khăn hơn, cần có chỉ định đúng, chỉ tiêu diệt khi thực sự cần thiết.

4. Biện pháp phòng ngừa tái phát vi khuẩn HP dạ dày

Để tránh nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn HP dạ dày hoặc tái phát, bệnh nhân cần lưu ý:

  • Đi khám bệnh và tuân thủ đúng phác đồ điều trị được bác sĩ chỉ định. Hiện nay, các phác đồ tiêu diệt vi khuẩn HP thường kết hợp nhiều loại kháng sinh để sử dụng trong khoảng 4 - 6 tuần. Người bệnh nên thực hiện điều trị nghiêm túc để loại bỏ hoàn toàn chủng vi khuẩn cứng đầu này, giảm nguy cơ tái phát về sau;
  • Sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng loại thuốc kháng sinh mà bác sĩ kê đơn, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về dùng;
  • Nên thường xuyên kiểm tra tình trạng bệnh để có hướng điều trị phù hợp;
  • Xây dựng thói quen rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn ngừa vi khuẩn lây lan;
  • Không sử dụng những thực phẩm chưa được nấu chín kỹ hoặc có dấu hiệu mốc, nhiễm khuẩn, ôi thiu;
  • Uống nước sạch, sử dụng nước sạch trong suốt quá trình chế biến thức ăn;
  • Hạn chế ăn uống tại các cửa hàng không đảm bảo yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm;
  • Ăn chín, uống sôi, tránh dùng chung các dụng cụ ăn uống như chén, bát, đũa, muỗng,...;
  • Hạn chế tiếp xúc bằng tay ở những vị trí vi khuẩn HP thường trú ngục như cầu thang, bàn ăn,... Không nên dùng nước bọt để lật giấy, đếm tiền,...;
  • Xây dựng một thực đơn ăn uống khoa học, lành mạnh;
  • Nếu trong gia đình có người mắc bệnh lý tá dạ dày, tá tràng do nhiễm HP thì song song với việc điều trị HP cho người bệnh, cần kiểm tra nhiễm HP cho mọi thành viên trong gia đình để có biện pháp ngăn ngừa tái nhiễm.

Khi nghi ngờ bị nhiễm vi khuẩn HP, người bệnh cần đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn hướng can thiệp thích hợp. Với mọi chỉ định của bác sĩ, người bệnh đều cần phối hợp 100% để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh tốt, tránh nguy cơ tái nhiễm HP hoặc các bệnh nguy hiểm ở dạ dày.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan