Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không?

Suy tim ở người cao tuổi là một biến chứng cuối cùng của nhiều bệnh lý khác nhau ở đối tượng này. Giai đoạn sớm các triệu chứng không rõ ràng, cho nên thường phát hiện ở giai đoạn muộn, nhiều biến chứng nguy hiểm hơn.

1. Tổng quan về suy tim ở người già

Suy tim là tình trạng mà tim hoạt động không đảm bảo được nhu cầu để cung cấp lượng tuần hoàn. Do tình trạng của từng bệnh lý khác nhau mà tim có thể suy tim phải hoặc suy tim trái trước rồi dẫn đến suy tim toàn bộ hoặc suy tim toàn bộ ngay từ đầu.

Suy tim ở người cao tuổi là một biến chứng cuối cùng của tất cả các bệnh về tăng huyết áp và các bệnh lý toàn thân khác. Theo thống kê, suy tim ở người trên 65 tuổi chiếm ít nhất 20% số bệnh nhân nhập viện. Khoảng 85% tử vong vì suy tim xảy ra ở bệnh nhân trên 65 tuổi và tỷ lệ suy tim gia tăng theo tuổi.

Nguyên nhân gây ra suy tim ở người già:

  • Huyết áp cao không điều trị ổn định.
  • Bệnh lý cơ tim thiếu máu;
  • Nhồi máu cơ tim;
  • Bệnh van tim (hẹp, hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ);
  • Bệnh tim bẩm sinh không được điều trị bằng phẫu thuật (hẹp van động mạch phổi, còn ống động mạch...);
  • Viêm cơ tim; loạn nhịp tim kéo dài...
  • Cường giáp trạng không điều trị.
  • Suy thận mạn tính.
  • Ngoài ra còn một số yếu tố khá cũng gây suy tim ở người già như các bệnh của động mạch.

Khi người cao tuổi mắc bệnh suy tim có thể gây ra các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ bệnh:

  • Khó thở: Ban đầu sẽ là khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Có thể bị khó thở nhiều hơn ban đêm phải ngồi dậy để thở.
  • Mệt mỏi: Khi bị suy tim người bệnh thường dễ mệt khi làm việc.
  • Phù chân: Dấu hiệu này do ứ trệ tuần hoàn, thường nặng về buổi chiều và giảm nhẹ vào buổi sáng.
  • Ho khan không có đờm, ho kéo dài, ho nhiều khi nằm.
  • Tiểu đêm, tiểu ít...

2. Bệnh suy tim ở người già có nguy hiểm không?

Suy tim có nhiều mức độ khác nhau, mức độ càng cao thì càng nguy hiểm. Bởi vì, tim không đảm bảo được chức năng nuôi dưỡng cơ thể, thì các cơ quan trong cơ thể đều hoạt động không hiệu quả. Suy tim ở người cao tuổi thường nguy hiểm hơn nữa vì tuổi cao, sức khoẻ yếu và khả năng mắc các bệnh lý phối hợp cao. Những biến chứng khi mắc bệnh suy tim ở người già bao gồm:

  • Nguy cơ đột tử do suy tim: Đối với những người mắc bệnh suy tim mạn tính, thường sẽ có đợt suy tim nặng hơn khiến người bệnh khó thở có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không nhập viện điều trị kịp thời. Người bệnh suy tim dễ có những cơn rối loạn nhịp tim đột ngột có thể gây đột tử.
  • Phù phổi cấp: Khi suy tim trái ở một mức độ nào đó, sẽ khiến cho máu ứ lại tuần hoàn phổi. Gây ra phù phổi cấp tính, hay gặp về đêm và người bệnh thường cần ngồi dậy để thở, nếu không được điều trị có nguy cơ tử vong cao.
  • Rối loạn nhịp tim: Suy tim có thể gây ra những bất thường trong dẫn truyền xung động ở tim. Từ đó, dẫn tới rối loạn nhịp mà nguy hiểm nhất là nhịp nhanh thất, rung nhĩ.
  • Đột quỵ não: Đột quỵ não thứ phát do nguyên nhân từ tim mạch cũng có thể xảy ra do rối loạn nhịp, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Những cục máu đông này nếu vào tuần hoàn và có thể tắc ở vị trí nào đó. Nếu ở mạch não sẽ gây đột quỵ.
  • Suy giảm chất lượng cuộc sống: Suy tim gây ra nhiều triệu chứng làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi bị suy tim người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi thường xuyên, hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực do thiếu oxy, phù chi do ứ trệ tuần hoàn, phù... Các biểu hiện này khiến cho rất nhiều hoạt động sinh hoạt của người bệnh bị hạn chế.

3. Điều trị suy tim ở người cao tuổi

Nguyên tắc điều trị suy tim ở người già là làm giảm triệu chứng, ổn định huyết động và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, việc điều trị còn giúp phòng ngừa đột tử do suy tim, từ đó người bệnh kéo dài tuổi thọ. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định thuốc cho phù hợp. Một số biện pháp điều trị suy tim bao gồm:

Điều trị nội khoa:

  • Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị suy tim như Digoxin; Thuốc ức chế men chuyển hay chẹn thủ thể AT1 của Angiotensin II; chẹn beta giao cảm; lợi niệu... Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp các loại thuốc phù hợp.
  • Nếu người bệnh có bệnh kết hợp cần kết hợp với việc dùng các thuốc điều trị như điều trị mỡ máu, đái tháo đường, huyết áp...

Biện pháp không dùng thuốc:

Để bạn có thể sống chung khỏe mạnh với bệnh suy tim và hạn chế bệnh nặng hơn, người bệnh cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lí, như:

  • Không hút thuốc lá, thuốc lào.
  • Nên giảm cân nặng ở người thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, không được kiêng khem quá mức, vì người suy tim nặng nếu ăn uống quá ít dễ bị suy kiệt do suy tim.
  • Kiểm tra cân nặng thường xuyên: Việc kiểm tra cân nặng giúp bạn kiểm soát tốt cân nặng. Ngoài ra, cũng giúp cho bạn phát hiện sớm tình trạng giữ nước quá mức, khi cân nặng tăng quá nhanh.
  • Chế độ ăn giảm muối: Suy tim cần có chế độ ăn muối rất hạn chế, hầu như không nên thêm muối trong tất cả các món ăn.
  • Hạn chế mỡ và cholesterol: Nên thay mỡ động vật bằng các loại mỡ tốt như mỡ từ cá, dầu olive...
  • Hạn chế rượu, bia: Người bệnh không nên uống rượu, bia nếu bị suy tim. Rượu, bia có thể tương tác với thuốc điều trị suy tim, tăng nguy cơ gây rối loạn nhịp tim.
  • Hoạt động ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, giữ cân nặng lý tưởng, giảm nhu cầu của cơ tim. Trước khi bắt đầu tập luyện, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ tập luyện phù hợp với chức năng tim mạch.
  • Hạn chế căng thẳng và nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

4. Những điều cần lưu ý khi điều trị suy tim ở người già

Khi điều trị suy tim ở người già cần lưu ý những điều sau:

  • Nên thăm khám định kỳ để được theo dõi và điều trị tại một cơ sở chuyên khoa đáng tin cậy để tránh suy tim tiến triển nặng thêm.
  • Người bệnh thực hiện đúng theo chỉ định của các bác sĩ, tất cả các loại thuốc điều trị suy tim đều phải dùng đúng chỉ định, dùng đúng liều và cần theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
  • Hạn chế việc quên thuốc, nếu người cao tuổi không tự nhớ được nên có người thân giúp đỡ để nhớ được việc dùng thuốc.
  • Tuyệt đối không nên tự ý dùng các loại thuốc khi chưa được chỉ định, nhất là đối với bệnh nhân có phù vì có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm.
  • Dù cần hoạt động thể dục thể thao nhưng cũng cần phải hạn chế tùy theo tình trạng bệnh. Trong những trường hợp suy tim nặng cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường.

Suy tim không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên việc chữa trị kịp thời và có chế độ chăm sóc phù hợp sẽ ngăn ngừa bệnh tiến triển. Do đó, để hạn chế tình trạng bệnh khi phát hiện đã nặng thì cần thăm khám định kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan