Đột quỵ khác nhồi máu cơ tim như thế nào?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thanh An - Bác sĩ Can thiệp tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Đột quỵ và nhồi máu cơ tim (cơn đau tim) đều do nguyên nhân mạch máu gây ra, đôi khi người ta dễ bị nhầm lẫn hai bệnh này với nhau. Tuy nhiên, hai bệnh này hoàn toàn khác nhau, nó có sự khác biệt về vị trí tổn thương và những biểu hiện cũng có sự khác nhau.

Để phân biệt giữa hai bệnh lý này, chúng ta cùng tìm hiểu sự khác biệt thông qua định nghĩa, nguyên nhân, biểu hiện, chẩn đoán và cách điều trị cả hai bệnh.

1. Định nghĩa nhồi máu cơ tim và đột quỵ

Nhồi máu cơ tim (hay cơn đau tim) và đột quỵ đều là hai bệnh xảy ra với tính chất đột ngột, có thể gây ra những biểu hiện nguy hiểm đối với tính mạng.

  • Nhồi máu cơ tim là tình trạng động mạch cấp máu nuôi dưỡng cho cơ tim bị tắc nghẽn khiến cho tim không được nuôi dưỡng đầy đủ. Từ đó gây ra biểu hiện đau tức vùng ngực.
  • Đột quỵ được định nghĩa là một khiếm khuyết thần kinh khu trú, thường biểu hiệu yếu, liệt hoặc mất cảm giác của một bên tay chân, hoặc méo miệng, nói đớ, xảy ra một cách đột ngột do nguyên nhân mạch máu não. Có thể để lại di chứng lâu dài nặng nề hoặc có thể dẫn tới tử vong.

Như vậy, qua định nghĩa chúng ta biết được vị trí của hai bệnh này hoàn toàn khác nhau, một bệnh do nguyên nhân tại tim và một bệnh do nguyên nhân tại não.

2. Nguyên nhân và các yếu tố dẫn tới nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ

2.1 Nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim là do sự tắc nghẽn của động mạch cấp máu cho tim (động mạch vành), dẫn tới tim thiếu nguồn nuôi dưỡng. Các nguyên nhân dẫn tới sự tắc nghẽn này bao gồm:

  • Sự tắc nghẽn trong động mạch vành có thể xảy ra nếu như xuất hiện cục máu đông làm ngừng dòng máu.
  • Xơ vữa ở thành động mạch đến mức tuần hoàn chậm lại hoặc ngừng hoàn toàn.
Nguyên nhân gây ra đau tim
Xơ vữa ở thành động mạch là một trong các nguyên nhân gây ra đau tim

2.2 Nguyên nhân gây ra đột quỵ

Đột quỵ có thể do hai nguyên nhân gây ra đó là nhồi máu não (sự tắc nghẽn dòng máu nuôi tế bào não) và xuất huyết não (do mạch máu não bị vỡ ra khiến cho nhu mô não bị chèn ép).

Nguyên nhân chính gây ra nhồi máu não là do cục máu đông di chuyển lên não và do mảnh xơ vữa hình thành tại các mạch máu não.

Nguyên nhân chính gây ra xuất huyết não là do tăng huyết áp.

2.3 Các yếu tố nguy cơ gây bệnh

Cả hai bệnh đều do nguyên nhân mạch máu nên có những yếu tố nguy cơ tương tự bao gồm:

  • Người thường xuyên hút thuốc, sử dụng nhiều rượu bia.
  • Tình trạng cholesterol cao
  • Tăng huyết áp
  • Tuổi cao
  • Tiền sử gia đình
  • Mắc bệnh rung nhĩ
  • Rối loạn đông máu, tình trạng tăng đông.
  • Mắc bệnh tiểu đường.

3. Dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ

3.1 Dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp

Bạn thường xuất hiện tình trạng đau tức ngực trái, đau tức nặng như có vật đè nặng lên ngực của bạn. Đau có thể lan lên vai, ra sau lưng và lan tới ngón tay 4, 5 của bàn tay trái. Thời gian xuất hiện thường kéo dài trên 30 phút, cần phải điều trị cấp cứu.

3.2 Dấu hiệu đột quỵ

Đột quỵ có thể có các biểu hiện như đau đầu dữ dội, cảm giác tê yếu nửa người tăng dần hoặc đột ngột liệt nửa người, có thể kèm theo miệng méo, mắt nhắm không kín, nói ngọng, nuốt khó, quay mắt quay đầu về một bên... tình huống nặng có thể xảy ra rất đột ngột và dẫn tới hôn mê.

4. Làm thế nào để chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ?

4.1 Chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp

Khi bạn có các dấu hiệu nghi ngờ, thì có bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp để chẩn đoán như:

  • Điện tâm đồ: có thể thấy được khu vực bị thiếu máu cơ tim.
  • Xét nghiệm men như CKMB, troponin giúp chẩn đoán.

4.2 Chẩn đoán đột quỵ

Khi có các biểu hiện của đột quỵ, người bệnh sẽ được chỉ định chụp CT-scanner sọ não để giúp chẩn đoán xác định hoặc có thể kết hợp chụp MRI sọ não.

Ngoài ra, bệnh nhân thường được xét nghiệm thêm các chỉ số sinh hóa, đường huyết, điện tim... để kiểm soát nguyên nhân gây bệnh.

CT-scanner sọ não có thể giúp bác sĩ chẩn đoán đột quỵ
CT-scanner sọ não có thể giúp bác sĩ chẩn đoán đột quỵ

5. Nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ được điều trị như thế nào?

5.1 Điều trị nhồi máu cơ tim cấp

Các biện pháp điều trị nhồi máu cơ tim cấp gồm các biện pháp nội khoa và nội khoa can thiệp:

  • Người bệnh cần nghỉ ngơi, sử dụng thuốc để hạn chế giãn mạch máu tăng tưới máu cho cơ tim, thuốc giảm đau, thuốc trợ tim mạch giúp tim hoạt động hiệu quả... Nếu có khó thở bệnh nhân cần được thở oxy.
  • Dùng các biện pháp nội khoa can thiệp: Tùy từng mức độ và vị trí tổn thương mà người bệnh được chỉ định sử dụng biện pháp can thiệp nhằm tái thông chỗ tắc và tái tưới máu cho phần cơ tim bị thiếu máu.
  • Phẫu thuật bắc cầu: Bác sĩ sẽ lấy một đoạn mạch máu từ một phần khác của cơ thể bạn, hoặc có thể là một đoạn mạch máu nhân tạo và sẽ thực hiện nối từ chỗ động mạch bình thường tới chỗ xa của động mạch bị tắc/ hoặc hẹp, vượt qua chỗ bị tắc/ hẹp, giống như công việc bắc cầu trong thực tế. Điều này giúp tái lập cấp máu bình thường cho phần xa của động mạch vành bị tắc/ hẹp.
  • Nong mạch và đặt stent: Là biện pháp được thực hiện bằng cách sử dụng một ống thông bằng nhựa và một dụng cụ gọi là bóng. Bác sĩ sẽ luồn một ống thông vào trong lòng động mạch xuất phát từ cổ tay hoặc bẹn, tiếp cận đến lỗ động mạch vành và sau đó đưa bóng tới vị trí động mạch vành bị hẹp và bơm phồng bóng lên giúp làm rộng chỗ hẹp đó ra. Bóng ép các mảng xơ vữa áp sát vào thành động mạch để giúp cho máu lưu thông tốt hơn. Thông thường, tiếp sau đó, bác sĩ sẽ đặt một ống lưới kim loại nhỏ, được gọi là stent, tại vị trí động mạch vành hẹp để giúp giữ cho động mạch luôn luôn mở.
  • Sau khi điều trị ổn định, bạn sẽ được tư vấn và hướng dẫn phục hồi chức năng tim mạch và kiểm soát chế độ ăn hợp lý để tránh nguy cơ tái phát.

5.2 Điều trị đột quỵ

  • Đối với đột quỵ do nhồi máu não: thời gian 4.5 giờ đầu từ khi xuất hiện triệu chứng là rất quan trọng, người bệnh nên tới các cơ sở y tế ngay khi có các dấu hiệu ban đầu. Nếu đến sớm trong thời gian vàng (4.5 giờ đầu) bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết, từ đó giúp tan cục máu đông. Để tái lập cấp máu cho mô não khi nó vẫn còn hoạt động được. Nếu đến muộn hơn thì các tế bào não đã bị hoại tử do thiếu máu thời gian dài, nên không còn chỉ định dùng các thuốc này, người bệnh sẽ được dùng các thuốc chống đông thông thường, điều trị bệnh nền khác và kết hợp phục hồi chức năng.
  • Đối với xuất huyết não: Người bệnh được sử dụng dùng thuốc kiểm soát huyết áp để giữ huyết áp ở mức ổn định, hạn chế chảy máu thêm, ngoài ra người bệnh còn được dùng các thuốc điều trị và biện pháp khác tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.

Tiên lượng của hai tình trạng bệnh tùy thuộc vào mức độ nặng của tổn thương, thời gian được tiếp nhận y tế và ngoài ra các yếu tố kèm theo khác cũng là yếu tố quyết định mức độ nặng của bệnh.

6. Những biện pháp ngăn ngừa nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ

Nhiều biện pháp phòng bệnh tương tự có thể giúp ngăn ngừa đột quỵ cũng có thể giúp giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim. Bao gồm:

  • Đưa mức cholesterol và huyết áp của bạn vào ngưỡng bình thường.
  • Bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu bia.
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Kiểm soát lượng tốt đường trong máu.
  • Tập thể dục đều đặn, ít nhất 5 ngày trong tuần trong vòng 30 phút.
  • Chế độ ăn ăn ít chất béo bão hòa, đường và hạn chế natri.

Như vậy, thông qua bài viết này bạn đã có thể phân biệt sự khác nhau về nhiều yếu tố của nhồi máu cơ tim cấp và đột quỵ. Thực hành một lối sống lành mạnh có thể là phương pháp rất hiệu quả để phòng ngừa cả hai tình trạng bệnh lý trên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan