Xử trí cơn nhịp nhanh thất tránh nguy hiểm

Cơn nhịp nhanh thất là dạng rối loạn nhịp tim khá nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vậy cơn nhịp nhanh thất là gì và điều trị cơn nhịp nhanh thất như thế nào?

1. Cơn nhịp nhanh thất là gì?

Cơn nhịp nhanh thất là một rối loạn nhịp tim nguy hiểm, xảy ra bởi sự bất thường trong quá trình dẫn truyền tín hiệu điện tại 2 tâm thất.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề cơn nhịp nhanh thất là gì, chúng ta nên có cái nhìn tổng quan về hoạt động điện của tim. Về mặt giải phẫu, tim được tạo thành từ 4 buồng là 2 tâm nhĩ nằm ở trên và 2 tâm thất nằm phía dưới.

Nhịp tim được kiểm soát bởi nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải. Nút xoang sẽ gửi tín hiệu điện để bắt đầu cho mỗi nhịp đập của tim. Những tín hiệu điện này sẽ di chuyển qua tâm nhĩ, khiến chúng co bóp và tống máu vào tâm thất. Tiếp sau đó, tín hiệu điện tiếp tục truyền đến nút nhĩ thất (nút AV) và tốc độ sẽ chậm lại. Chính sự chậm trễ này đã cho phép tâm thất được đổ đầy máu. Khi tín hiệu điện truyền đến tâm thất, 2 buồng tim này sẽ co bóp để bơm máu đến phổi (tâm thất phải) hoặc đến các cơ quan còn lại của cơ thể (tâm thất trái).

Ở điều kiện bình thường, quá trình phát và dẫn truyền tín hiệu điện tại tim sẽ diễn ra suôn sẻ, dẫn đến nhịp tim lúc nghỉ ngơi chỉ giao động từ 60 đến 100 chu kỳ trong một phút. Trong cơn nhịp nhanh thất, quá trình dẫn truyền tín hiệu điện tại 2 tâm thất có vấn đề và khiến nhịp tim tăng lên hơn 100 chu kỳ mỗi phút.

Cơn nhịp nhanh thất khiến các buồng tim không được đổ đầy máu, kết quả là thiếu máu nuôi cho toàn bộ cơ thể. Vì vậy cơn nhịp nhanh thất có thể làm người bệnh cảm thấy khó thở hoặc choáng váng, hoặc đôi khi ngất xỉu.

Cơn nhịp nhanh thất có thể chỉ kéo dài vài giây mà không gây bất lợi cho bệnh nhân. Nhưng khi cơn nhịp nhanh thất kéo dài hơn vài giây thì hoàn toàn có khả năng đe dọa tính mạng, thậm chí gây ngừng tim đột ngột.

Điều trị cơn nhịp nhanh thất có thể bao gồm các phương pháp như sử dụng thuốc, sốc điện, đặt catheter hoặc phẫu thuật để làm chậm và thiết lập lại nhịp tim bình thường.

2. Triệu chứng cơn nhịp nhanh thất

Khi tim đập quá nhanh có thể khiến tim không bơm đủ máu đến các phần còn lại của cơ thể. Vì vậy, các cơ quan sẽ không nhận đủ oxy và dẫn đến các triệu chứng như sau;

  • Đau thắt ngực;
  • Chóng mặt;
  • Tim đập thình thịch, đánh trống ngực;
  • Cảm giác muốn ngất xỉu;
  • Khó thở.

Cơn nhịp nhanh thất có thể tự biến mất trong vòng 30 giây (gọi là nhanh thất không liên tục) hoặc kéo dài hơn 30 giây (gọi là nhanh thất không liên tục). Cơn nhịp nhanh thất ngắn có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, nhưng khi nó kéo dài quá lâu có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm:

  • Ngất xỉu;
  • Mất ý thức;
  • Ngừng tim (đột tử).

Nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây cơn nhịp nhanh thất. Điều quan trọng là bệnh nhân phải được chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và có chế độ chăm sóc, điều trị thích hợp. Trong một số trường hợp, việc điều trị cấp cứu và chăm sóc khẩn cấp là rất cần thiết. Bệnh nhân cần liên hệ cấp cứu y tế ngay khi có các triệu chứng sau:

  • Đau ngực kéo dài hơn vài phút;
  • Khó thở;
  • Ngất xỉu.

3. Nguyên nhân cơn nhịp nhanh thất

Nhiều vấn đề và yếu tố có thể thúc đẩy hoặc góp phần gây ra các vấn đề bất thường dẫn truyền tín hiệu tim tại tim, từ đó dẫn đến cơn nhịp nhanh thất, bao gồm:

  • Nhồi máu cơ tim trước đó hoặc bệnh lý tim khác làm hình thành sẹo trên cơ tim (còn gọi là bệnh tim cấu trúc);
  • Thiếu máu cơ tim do bệnh lý mạch vành;
  • Tim bẩm sinh, bao gồm hội chứng QT dài;
  • Rối loạn các chất điện giải trong máu, như Kali, Natri, Canxi và Magiê;
  • Tác dụng phụ của thuốc;
  • Sử dụng các chất kích thích như Cocaine hoặc Methamphetamine;
  • Đôi khi, nguyên nhân dẫn đến cơn nhịp nhanh thất không thể xác định chính xác và được gọi là cơn nhịp nhanh thất tự phát).

Bất kỳ tình trạng nào gây căng thẳng cho tim hoặc làm tổn thương cơ tim đều có thể làm tăng nguy cơ khởi phát cơn nhịp nhanh thất. Thay đổi lối sống hoặc điều trị y tế thích hợp cho những tình trạng sau có thể làm giảm nguy cơ khởi phát bệnh:

  • Tiền sử bệnh tim mạch;
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc;
  • Mất cân bằng nghiêm trong các chất điện giải;
  • Sử dụng thuốc kích thích như Cocaine hoặc Methamphetamine;
  • Đặc biệt, những người có tiền sử gia đình rối loạn nhịp tim nhanh hoặc các rối loạn nhịp tim khác sẽ có nguy cơ cao hơn phát triển cơn nhịp nhanh thất.

4. Biến chứng của cơn nhịp nhanh thất là gì?

Các biến chứng của cơn nhịp nhanh thất phụ thuộc vào một số yếu tố như sau:

  • Mức độ nhanh chậm của nhịp tim;
  • Cơn nhịp nhanh thất kéo dài bao lâu;
  • Có kèm theo các vấn đề tim mạch khác không?

Các biến chứng có thể xảy ra của cơn nhịp nhanh thất bao gồm:

  • Thường xuyên ngất xỉu hoặc bất tỉnh;
  • Suy tim;
  • Đột tử do ngừng tim;
  • Rung thất

Một tình trạng nguy hiểm liên quan đến cơn nhịp nhanh thất là rung thất (V-fib). Rung thất là tình trạng tâm thất co bóp rất nhanh và không đồng bộ. Rung thất thường này xảy ra ở những bệnh nhân mắc bệnh tim hoặc bị nhồi máu cơ tim trước đó. Ngoài ra rung thất cũng có thể xảy ra ở người bị mất cân bằng các chất điện giải (chẳng hạn như tăng hoặc hạ kali máu). Lưu ý: Rung thất có thể gây ngừng tim đột ngột và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức.

5. Điều trị cơn nhịp nhanh thất

5.1. Điều trị cơn nhịp nhanh thất có rối loạn huyết động nặng

Cơn tim nhanh thất gây rối loạn huyết động nặng, bao gồm ngừng tuần hoàn, phù phổi cấp nặng, hạ huyết áp với huyết áp tâm thu dưới 90mmHg hoặc đau ngực dữ dội, cần được xử trí như sau:

  • Mắc Monitor theo dõi nhịp tim;
  • Chuẩn bị thiết bị sốc điện ngoài lồng ngực cành nhanh càng tốt. Lưu ý: Có thể phải gây mê toàn thân bằng thuốc tác dụng ngắn nếu bệnh nhân tỉnh;
  • Sốc điện ngoài lồng ngực: Lần 1 200J, nếu thất bại sốc lần 2 300J. Nếu vẫn không thành công có thể sốc lần 3 360J. Nếu vẫn không thành công kèm theo bệnh nhân vẫn chưa tỉnh thì tiếp tục bóp bóng có oxy qua mặt nạ và ép tim ngoài lồng ngực cho đến khi bệnh nhân tỉnh, tự thở được;
  • Nhập viện theo dõi.

5.2. Điều trị cơn tim nhanh thất huyết động tương đối ổn định

Những bệnh nhân có cơn nhịp nhanh thất nhưng huyết động vẫn ổn cần nhập viện và điều trị tại phòng cấp cứu của khoa Tim Mạch. Bệnh nhân cần được theo dõi sát nhịp tim, huyết động, kết hợp đặt đường truyền ngoại biên và thở oxy qua sonde mũi.

Những trường hợp này cần khai thác thêm các yếu tố liên quan đến bệnh lý tim mạch như tuổi, giới tính, yếu tố nguy cơ, tiền sử bệnh tim (như tăng huyết áp, suy mạch vành, suy tim). Đồng thời chỉ định cho bệnh nhân chụp X quang tim phổi và siêu âm tim tại giường:

  • Với bệnh nhân trên 40 tuổi cần khai thác tiền sử bệnh tim thiếu máu cục bộ (bao gồm cả nhồi máu cơ tim cấp hoặc di chứng mạch máu não cũ), bệnh cơ tim giãn hay phì đại, bệnh van tim tiến triển...;
  • Tuổi dưới 40: Bệnh cơ tim, bệnh van tim do thấp, tim bẩm sinh, hội chứng Brugada, sa van hai lá...;
  • Một số yếu tố khởi phát hoặc tạo điều kiện thuận lợi dẫn đến cơn nhịp nhanh thất còn bao gồm rối loạn nước-điện giải, ngừng điều trị thuốc đột ngột hoặc ngộ độc thuốc...

5.3. Phân biệt 2 tình trạng bệnh của cơn nhịp nhanh thất

Với những bệnh nhân có điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp nên tránh việc sử dụng tiếp tục một thuốc chống loạn nhịp khác (vì có thể gây ngừng tim). Trường hợp này có chỉ định đặt máy tạo nhịp (vượt tần số hoặc tạo nhịp chờ để thuốc chống loạn nhịp có tác dụng) hoặc sốc điện ngoài lồng ngực (gây mê ngắn nếu bệnh nhân tỉnh).

Với bệnh nhân không chấp nhận điều trị bằng thuốc chống loạn nhịp trước đó vào xem xét với lãnh đạo.

  • Lựa chọn đầu tay là Lidocaine;
  • Liều nạp 1mg/kg tiêm mạch trong 1 phút;
  • Liều bổ sung 0,5 mg/kg/1 phút cứ mỗi 5 phút, tổng liều không vượt quá 3 mg/kg;
  • Liều duy trì là 1-3mg/1 phút dịch truyền trong 48 giờ;
  • Lựa chọn thứ hai là Amiodarone (ống 150mg) với liều nạp: 5 mg/kg/30 phút (sau đó truyền TM bằng bơm tiêm điện). Duy trì đường huyết từ 600,-1200mg truyền trong 24 giờ;
  • Đặt máy tạo nhịp trong buồng tim (loại vượt tần số) hoặc sốc điện ngoài lồng ngực đối với tất cả những bệnh nhân chuyển nhịp không thành công bằng các thuốc nói trên. Sau khi sốc điện hoặc tạo nhịp vượt tần số thành công, tiếp tục điều trị củng cố bằng Lidocain truyền TM.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

586 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan