Đường huyết cao nhưng hba1c thấp có nghĩa là gì?

Xét nghiệm đường huyết HbA1c là một trong bốn xét nghiệm đường máu thường được sử dụng để theo dõi chỉ số đường huyết, chẩn đoán bệnh đái tháo đường và theo dõi đáp ứng điều trị của người bệnh. Vậy bệnh nhân khi có xét nghiệm nồng độ đường huyết cao nhưng HbA1c thấp có ý nghĩa là gì, cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

1. Chỉ số đường huyết HbA1c là gì? Ý nghĩa của chỉ số này là gì?

Hồng cầu chứa thành phần chính là Hb hay Hemoglobin, đây là một dạng protein có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong cơ thể. Hb đã được phát hiện hơn 1000 biến thể, tuy nhiên ở người có 3 loại phổ biến nhất là HbA1, HbA2 và HbF. Trong 3 loại này, HbA1 chiếm tỉ lệ cao nhất với hơn 97% số lượng hồng cầu, tiếp theo đó là HbA2 chưa đến 3% và hồng cầu HbF chỉ tồn tại ở bào thai.

Trong nhóm HbA1 lại gồm 3 nhóm nhỏ là HbA1a, HbA1b và HbA1c. Trong đó, HbA1c chiếm phần lớn với 80% trong tổng số hồng cầu, đây là một loại hemoglobin đặc biệt với sự kết hợp của hemoglobin và đường glucose.

Chỉ số HbA1c chỉ ra lượng đường gắn với hemoglobin ở trong máu của hồng cầu. Đời sống trung bình của hồng cầu từ 90 - 120 ngày, vì vậy chỉ số HbA1c phản ánh nồng độ trung bình của glucose máu mỗi ngày của một người trong 2 - 3 tháng trước đó.

Nếu như đường huyết là giá trị thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm đo là trước ăn hay sau ăn, chế độ ăn uống sinh hoạt, luyện tập, tình trạng sức khỏe và nhiều yếu tố khác, thì HbA1c lại mang tính ổn định hơn. Chỉ số này sẽ cho biết mức độ kiểm soát đường huyết của người bệnh trong thời gian gần đây có tốt hay không cũng như giúp bác sĩ đánh giá đáp ứng của bệnh nhân đái tháo đường với các phương pháp điều trị đang áp dụng.

HbA1c cao cho thấy tình trạng kiểm soát đường huyết không có hiệu quả của người bệnh trong 3 tháng trước đó và cần sớm có sự điều chỉnh trong liệu pháp điều trị. Đồng thời, HbA1c cao còn là chỉ báo nguy cơ xuất hiện biến chứng ở bệnh nhân tiểu đường, theo các chuyên gia, giảm thiểu được 1% HbA1c sẽ giúp làm giảm rủi ro biến chứng xuất hiện, ngược lại, HbA1c cao dự báo nguy cơ xảy ra biến chứng cao hơn.

Khi thực hiện xét nghiệm HbA1c, người bệnh sẽ được lấy một mẫu máu nhỏ vào bất kỳ thời gian nào trong ngày và không cần phải nhịn ăn. Mẫu máu này sẽ được đưa vào phòng xét nghiệm để tính toán tỉ lệ phần trăm HbA1c của máu:

  • HbA1c > 6.5% cho thấy mức độ kiểm soát glucose máu kém hiệu quả.
  • HbA1c < 6.5% cho thấy mức độ kiểm soát glucose máu đạt hiệu quả.

2. Đường huyết cao nhưng HbA1c thấp có ý nghĩa là gì ?

HbA1c là xét nghiệm có vai trò rất quan trọng trong quá trình chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị ở bệnh nhân bị đái tháo đường. Cụ thể như sau:

  • Kiểm tra lượng đường trung bình trong máu của người bệnh: Hb và glucose gắn kết với nhau thông qua phản ứng glycosyl hóa không thuận nghịch. Điều này có nghĩa là một khi glucose đã gắn vào Hemoglobin thì sẽ không tách ra lại được mà sẽ tồn tại cùng đời sống hồng cầu. Glucose gắn càng nhiều sẽ tạo ra một lớp đường bao phủ Hb và khi lượng đường trong máu càng tăng cao thì lớp vỏ này càng dày. Xét nghiệm HbA1c có thể cho biết độ dày của lớp vỏ đường bên ngoài Hb và từ đó phản ánh lượng đường trong máu của người bệnh.
  • HbA1c là xét nghiệm chẩn đoán người bệnh mắc đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường chính xác nhất. Trong khi với những chỉ số khác, kết quả đo được có thể bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, nồng độ insulin trong máu hoặc chế độ hoạt động của người bệnh trước lúc thực hiện xét nghiệm.

Vậy đường huyết cao nhưng HbA1c thấp có ý nghĩa là gì? Chỉ số HbA1c thấp là một thông tin đáng mừng đối với bệnh nhân đang điều trị đái tháo đường. HbA1c phản ánh lượng đường huyết trung bình của người bệnh mỗi ngày trong 3 tháng gần nhất, bao gồm cả đường huyết sau ăn cũng như trước và sau khi đi ngủ,... Chỉ số này nằm trong khoảng bình thường cho thấy khả năng kiểm soát đường huyết của người bệnh đã đạt được hiệu quả. Khi chỉ số này thấp cũng sẽ giúp người bệnh hạn chế các biến chứng do đái tháo đường gây ra. Người bệnh cần tiếp tục thực hiện chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học và phương pháp điều trị hiệu quả để duy trì chỉ số HbA1c thấp.

Tuy nhiên, xét nghiệm đường huyết là chỉ số phản ánh lượng đường trong máu của bạn hiện tại, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời điểm lấy máu trước hay sau ăn, chế độ sinh hoạt, vận động hoặc tình trạng của bạn. Chỉ số đường huyết cao có thể do kiểm tra đường sau vào lúc sáng sớm sau một đêm mất ngủ, tình trạng căng thẳng, lo lắng nhiều dạo gần đây, chế độ ăn thay đổi, ăn nhiều hơn hoặc ăn thực phẩm chứa nhiều đường trước khi xét nghiệm. Bên cạnh đó, đường huyết tăng cũng có thể do cơ thể bạn đang bị ốm, nhiễm trùng, viêm sốt,..

Vì xét nghiệm này chỉ trả kết quả tại thời điểm đo nên chỉ dựa vào một xét nghiệm này thì không có nhiều ý nghĩa. Bạn cần theo dõi và kiểm tra lại đường huyết trong 3 ngày tiếp theo. Nếu sau đó, chỉ số vẫn tăng cao bất thường, bạn cần trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách xử trí. Tuy nhiên, nếu bạn đang điều trị đái tháo đường mà kết quả xét nghiệm đường huyết tăng cao cũng là yếu tố cảnh báo bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt để điều chỉnh lại đường huyết vì chỉ số đường huyết tăng cao kéo dài sẽ làm chỉ số HbA1c của bạn tăng theo.

3. Theo dõi chỉ số HbA1c

Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 đều nên thực hiện xét nghiệm HbA1c khoảng 2 đến 5 lần mỗi năm hoặc tốt nhất là 3 tháng/ 1 lần để theo dõi sự kiểm soát đường huyết của cơ thể và sự đáp ứng với liệu pháp điều trị hiện tại. Tuy nhiên, thời gian xét nghiệm cũng có thể được điều chỉnh tùy theo tình trạng của người bệnh.

Kết quả của chỉ số HbA1c sẽ giúp các bác sĩ thiết lập và điều chỉnh phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, nâng cao hiệu quả điều trị, từ đó giúp hạn chế nguy cơ biến chứng đái đường, nhất là biến chứng về thận, mạch máu, thần kinh và mắt.

Kết quả HbA1c > 7% là một chỉ số đáng báo động, cho thấy khả năng kiểm soát tốt lượng đường trong máu cơ thể bạn đang không tốt. Ngược lại, một kết quả HbA1c dưới mức 6.5% là một con số ở mức an toàn.

Không chỉ những bệnh nhân mắc đái tháo đường, bất cứ ai mới xuất hiện những triệu chứng nghi ngờ cũng sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm chỉ số HbA1c bao gồm:

  • Cơ thể hay mệt mỏi, sụt cân nhanh không có lí do.
  • Thường xuyên khát nước, thèm đồ ngọt, cảm thấy thèm ăn, ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân.
  • Mờ mắt, nhìn nhòe hình ảnh.
  • Đi tiểu nhiều hơn.

4. Làm gì để kiểm soát chỉ số HbA1c?

Người bệnh cần áp dụng những cách dưới đây để kiểm soát HbA1c hiệu quả, an toàn, hạn chế tăng đường huyết.

  • Áp dụng chế độ ăn lành mạnh: Bạn nên ăn nhiều rau củ, chất xơ, trái cây tươi ít ngọt ngũ cốc nguyên vỏ, thịt nạc, cá nạc và các chất béo tốt có nguồn gốc từ thực vật. Hạn chế các sản phẩm chứa nhiều đường, thức ăn làm sẵn, đồ đóng hộp, dầu mỡ,...
  • Có lối sống tích cực: Tập luyện thể lực thường xuyên, đều đặn giúp làm giảm kháng insulin, từ đó tăng khả năng kiểm soát đường huyết cũng như tăng cường sức đề kháng. Người bệnh cũng cần giảm lo lắng, căng thẳng. Stress dài ngày có thể là nguyên nhân làm bạn tăng đường huyết. Tham gia các hoạt động như yoga, thiền, massage,... sẽ giúp bạn thư giãn, giảm căng thẳng và ngủ ngon hơn.
  • Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn: Uống thuốc hoặc tiêm thuốc đúng liều, đúng loại, đúng thời gian theo đơn là nhân tố quyết định đến hiệu quả điều trị của bạn. Nếu gặp phải các triệu chứng bất thường hoặc tác dụng phụ của thuốc, bạn nên thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn biện pháp khắc phục kịp thời.

Như vậy, chỉ số HbA1c là một xét nghiệm đánh giá chỉ số đường huyết trung bình hàng ngày của bạn trong 3 tháng gần nhất. Đây không chỉ là xét nghiệm quan trọng trong quá trình theo dõi điều trị ở người bệnh đái tháo đường mà còn là một chỉ số hữu ích, cung cấp thông tin cảnh báo về khả năng kiểm soát đường huyết và nguy cơ xảy ra biến chứng ở người bệnh tốt hơn so xét nghiệm đường huyết tại một thời điểm. Người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, khoa học và tuân thủ liệu pháp điều trị để kiểm soát tốt chỉ số đường huyết cũng như chỉ số HbA1c.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan