Tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu của bạn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Sơn - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa đường do thiếu hụt insulin hoặc đề kháng insulin. Một trong những cách giúp các bệnh nhân kiểm soát đường huyết tốt là luyện tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên giúp giảm lượng đường trong máu và tăng nhạy cảm insulin, giúp giảm được những biến chứng tăng đường huyết cho bệnh nhân.

1. Tầm quan trọng của việc tập thể dục đối với bệnh nhân đái tháo đường

Ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường, việc có một chế độ vận động khoa học và thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp giảm lượng đường trong máu và cải thiện khả năng sử dụng glucose của cơ thể. Bên cạnh đó, tập thể dục giúp tăng tác dụng của insulin – đây là một hormone quan trọng trong chuyển hóa đường của cơ thể. Lượng đường được kiểm soát tốt sẽ giúp giảm được nhu cầu sử dụng insulin và giảm biến chứng của thuốc cũng như đái tháo đường.

Ngoài ra, tập thể dục còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch nhờ loại bỏ các cholesterol xấu (LDL), và tăng cholesterol tốt (HDL), kiểm soát được huyết áp ổn định. Hiệu quả hoạt động của tim, phổi, và hệ thống tuần hoàn được nâng cao, tăng khả năng vận chuyển oxy làm tăng độ dẻo dai và sức bền của cơ thể.
Vận động thể lực còn giúp cân đối trọng lượng cơ thể, tăng tiêu thụ năng lượng dư thừa (dự trữ ở tế bào mỡ), từ đó giúp giảm cân hoặc duy trì trọng lượng của cơ thể. Tập thể dục giúp bệnh nhân giảm căng thẳng (stress), thư giãn hơn và sẽ cảm thấy ít mệt hơn. Stress cũng là một trong những yếu tố góp phần làm tăng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường

2. Tập thể dục làm giảm lượng đường trong máu như thế nào?

Tập thể dục là hoạt động thể lực, chính vì vậy các tế bào cơ của cơ thể cần năng lượng để hoạt động. Khi tập thể dục, tế bào cơ tăng tiêu thụ đường để tạo ra năng lượng và lượng đường trong máu dễ dàng đi qua màng tế bào mà không cần insulin để giúp tăng chuyển hóa glucose. Kết quả có thể giúp giảm lượng đường trong máu.

Thể dục
Tập luyện thể dục là hoạt động thể lực có thể giúp giảm lượng đường trong máu

Bên cạnh đó, việc tập luyện thể dục thường xuyên còn giúp làm tăng sự nhạy cảm insulin, vì thế mà tế bào cơ có thể sử dụng hiệu quả được lượng đường trong máu trong lúc tập và sau tập thể dục.

Hiệu quả của việc tập thể dục tác động lên đường huyết phụ thuộc vào thời gian hoạt động và nhiều yếu tố khác. Hoạt động thể lực có thể làm giảm đường huyết trong 24 giờ hoặc dài hơn sau khi bệnh nhân luyện tập.

3. Hạ đường huyết và tập thể dục

Nồng độ glucose máu không quá thấp, dưới ngưỡng 70 mg/dL hoặc 3.9 mmol/L trong lúc luyện tập hoặc sau khi tập. Tùy thuộc vào cường độ luyện tập mà sau khi tập lượng đường huyết có thể dao động cao hay thấp. Để cung cấp đủ năng lượng trong lúc tập luyện, gan là cơ quan dự trữ năng lượng của cơ thể sẽ phóng thích đường vào trong máu. Cơ thể cần có insulin để chuyển lượng đường này vào trong các tế bào để sử dụng. Vì vậy, khi hoạt động quá mức hoặc nồng độ insulin quá cao sẽ dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết.

Bệnh nhân mắc đái tháo đường điều trị insulin có nguy cơ bị hạ đường huyết nếu liều insulin hoặc lượng carbohydrate sử dụng không phù hợp với các hoạt động thể lực. Bệnh nhân nên kiểm tra đường huyết trước khi tập luyện vì giúp phòng tránh được biến chứng hạ đường huyết.

Biến chứng mạch máu nhỏ do đái tháo đường gây ra
Người bệnh cần kiếm tra đường huyết trước khi tập luyện tránh tình trạng hạ đường huyết

4. Những lưu ý khi luyện tập thể dục ở bệnh nhân mắc đái tháo đường

Thời gian tập luyện thể dục tốt nhất ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường là từ một đến ba giờ sau khi ăn vì lúc này nồng độ đường huyết sẽ có xu hướng tăng cao.

Nếu bệnh nhân đang sử dụng insulin, cần kiểm tra đường huyết trước khi tập thể dục. Nếu nồng độ đường huyết dưới 100 mg/dL, bệnh nhân có thể ăn một phần thức ăn nhẹ cung cấp khoảng 15 -20g carbohydrate để tăng nồng độ đường huyết. Một bữa ăn phụ chứa 15g carbohydrate như: 4 viên đường đã được đóng sẵn (4g trong mỗi viên); hoặc 1⁄2 cốc nước trái cây hoặc soda; hoặc một muỗng lớn mật ong hoặc đường.

Kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút và bổ sung carbohydrate cho đến khi nồng độ đường huyết đạt ít nhất 100mg/dL.

Nên kiểm tra đường huyết sau khi thực hiện bất kỳ các hoạt động thể lực gắng sức. Nếu bệnh nhân đang sử dụng insulin thì thời điểm có nguy cơ hạ đường huyết cao nhất là 6 đến 12 giờ sau hoạt động thể lực.

Những bệnh nhân có đường huyết quá cao trên 250 mg/dL thì không được các bác sĩ khuyến cáo tập thể dục vì sau khi tập lượng đường trong máu có nguy cơ tăng cao hơn nữa và dẫn đến các biến chứng nặng của tăng đường huyết.

Tập thể dục là một trong những biện pháp hiệu quả giúp kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường. Việc lựa chọn hình thức tập thể dục tùy thuộc vào từng đối tượng, tuổi, các biến chứng hiện có, các bệnh lý đi kèm và nồng độ glucose hiện tại.

Các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân có đái tháo đường nên đi bộ 30 phút mỗi ngày và từ 3 đến 4 ngày mỗi tuần là chế độ phù hợp ở hầu hết các bệnh nhân. Bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ và được tư vấn trước khi lên kế hoạch luyện tập thể dục phù hợp cho bản thân một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Thể dục
Bệnh nhân có đái tháo đường nên tập đi bộ với chế độ phù hợp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan