Các biểu hiện nặng của bệnh viêm phổi ở trẻ em

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Biểu hiện ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ em rất giống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, trẻ bị viêm phổi nặng có thể dẫn đến những biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.

1. Trẻ bị viêm phổi nặng có biểu hiện ra sao?

Hầu hết bệnh viêm phổi ở trẻ lớn thường khởi đầu bằng cơn sốt, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp). Viêm phổi nặng hơn có thể kèm theo khó thở, vã nhiều mồ hôi, rét run, kiệt sức và bú kém. Biểu hiện viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể kèm theo sốt hoặc không, thậm chí hạ thân nhiệt, trẻ bỏ bú và thường nhanh chóng tiến triển thành suy hô hấp.

Trẻ bị viêm phổi nặng thường có những biểu hiện bao gồm:

  • Trẻ khó thở, nhịp thở nhanh, dao động theo độ tuổi: Dưới 2 tháng: ≥ 60 nhịp/phút, từ 2 đến 12 tháng: ≥ 50 nhịp/phút, từ 1 đến 5 tuổi: ≥ 40 nhịp/phút và trên 5 tuổi: ≥ 30 nhịp/phút.
  • Đặc biệt, khi bé có những biểu hiện nghiêm trọng như: Tím tái, không uống được nước, li bì, khó đánh thức, suy kiệt, co giật, suy dinh dưỡng nặng, phập phồng cánh mũi, biểu hiện co kéo cơ liên sườn, rút lõm lồng ngực khi hít vào (thay vì phình ra như thường lệ). Lúc này, trẻ có nguy cơ rơi vào tình trạng suy hô hấp cấp tính và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt trẻ dưới 2 tháng tuổi, là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc viêm phổi nặng và tử vong do viêm phổi cao nhất.

Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi nặng
Trẻ bị viêm phổi nặng có nguy cơ tử vong cao

2. Biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị viêm phổi nặng

Bệnh viêm phổi ở trẻ em diễn tiến từ nhẹ đến nặng, tuy nhiên biểu hiện ban đầu của bệnh thường rất giống với các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác. Nếu không được điều trị kịp thời, trẻ bị viêm phổi nặng có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như:

  • Nhiễm trùng huyết: Là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn gây bệnh viêm phổi xâm nhập vào hệ tuần hoàn, gây ra nhiễm trùng máu và sốc do biến chứng nhiễm trùng. Trường hợp này rất khó điều trị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và nguy cơ dẫn đến tử vong.
  • Tràn mủ màng phổi: Sự tích tụ mủ trong khoang màng phổi gây khó khăn trong hô hấp.
  • Viêm màng não: Do virus lây lan, gây nhiễm tại các lớp mô quanh não bộ và tủy sống, dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, rối loạn thần kinh, đe dọa tính mạng của bé.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp: Viêm phổi nặng gây áp xe phổi, viêm phổi mạn tính, suy giảm hệ miễn dịch của trẻ.
  • Tràn dịch màng tim, trụy tim: Nếu không được xử trí kịp thời, bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tuần hoàn, dẫn đến tràn dịch màng tim, bóng tim to, thậm chí trụy tim.
  • Các biến chứng khác, bao gồm: Viêm nội tâm mạc, viêm phúc mạc, viêm khớp,...
Hệ miễn dịch suy giảm khiến trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp
Viêm phổi nặng gây áp xe phổi, viêm phổi mạn tính, suy giảm hệ miễn dịch của trẻ.

3. Viêm phổi ở trẻ sơ sinh khi nào cần nhập viện?

Hầu hết viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường có tiên lượng không cao và có thể gây tử vong, do đó nếu bố mẹ nghi ngờ con đang có nguy cơ bị viêm phổi, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức. Hãy gọi cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời nếu nhận thấy bé có một trong những triệu chứng sau: Ngưng thở, da xanh tái, nhợt nhạt, thở rất gấp, thở rên, kiệt sức, trẻ phải rất gắng sức mới thở được.

Đối với những trẻ bị viêm phổi nặng hoặc tuổi nhỏ thì cần nhập viện điều trị. Những trường hợp cần nhập viện bao gồm:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi có biểu hiện viêm phổi.
  • Trẻ trên 3 tháng viêm phổi, có dấu hiệu sốt cao trên 38,5 độ C.
  • Trẻ bị suy hô hấp mức độ trung bình đến nặng, nhịp thở trung bình đạt trên 70 lần đối với trẻ dưới 1 tuổi, trên 50 lần với trẻ lớn, kèm theo biểu hiện co lõm lồng ngực, khó thở nặng, thở rên, cánh mũi phập phồng, ngưng thở, da tím tái, li bì, bỏ bú, có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng.

Để ngăn ngừa viêm phổi ở trẻ sơ sinh, ngoài việc tiêm phòng cho trẻ, bố mẹ cần áp dụng thêm các biện pháp để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn và virus đường hô hấp nói chung, chẳng hạn như rửa tay trước và sau khi ăn, tránh cho trẻ tiếp xúc gần với những bệnh nhi khác, không dùng chung dụng cụ ăn uống với trẻ ốm.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan