Các vấn đề sức khỏe bé thường gặp trong 3-4 năm đầu đời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Khi trẻ bước sang độ tuổi từ 3-4, cơ thể trẻ đã trải qua những thay đổi vô cùng nhanh chóng. Trẻ đã phát triển mạnh mẽ hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn trẻ dễ mắc phải các vấn đề về sức khỏe nhất, chẳng hạn như tiêu chảy, suy dinh dưỡng hoặc sâu răng.

1.Sự phát triển của trẻ trong 3-4 năm đầu đời

Ở độ tuổi này, trẻ đã có thể được gửi vào lớp mẫu giáo cùng những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Lúc này, mặt cảm xúc của trẻ đã phát triển một cách mạnh mẽ và có xu hướng ổn định, dễ đoán hơn. Trẻ đã biết mình thích hay không thích điều gì, thậm chí đưa ra chính kiến riêng của mình trước một vấn đề nào đó.

Bên cạnh đó, trẻ có thể thấp hơn hoặc cao hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi. Tuy nhiên, mỗi bé sẽ có kiểu phát triển riêng. Nếu bạn lo lắng hay bận tâm về vấn đề phát triển chiều cao của trẻ, hãy tham khảo sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa để biết được nguyên nhân và kiểu phát triển của con.

Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cũng bắt đầu thích kết bạn với những đứa trẻ khác. Theo thời gian, chúng sẽ:

  • Trở nên thành thạo và phối hợp nhịp nhàng hơn trong các hoạt động thể chất
  • Thích bắt chước, hát và đọc thuộc các vần
  • Có trí tưởng tượng phong phú, tuy nhiên đôi khi không phân biệt được điều gì là thực và điều gì chỉ là giả tưởng

Trong giai đoạn này, con sẽ bắt đầu muốn tự lập kế hoạch và thực hiện theo suy nghĩ hoặc ý tưởng của mình. Trẻ sẽ cảm thấy hài lòng với bản thân khi chúng có thể tự mình làm mọi thứ. Khi bạn cho trẻ đi học mẫu giáo sẽ tạo ra nhiều cơ hội giúp con phát triển về mọi kỹ năng và khám phá ra khả năng tiềm ẩn của trẻ.

Hơn nữa, bộ não của trẻ từ 3-4 tuổi cũng đang phát triển nhanh chóng. Trên thực tế, não của trẻ 3 tuổi hoạt động mạnh gấp đôi não của người lớn. Các kết nối tế bào não ngày càng mạnh mẽ hơn, trong khi đó những kết nối không thường xuyên được sử dụng sẽ bị não bộ cắt bỏ để nhường chỗ cho các lĩnh vực khác hoạt động hiệu quả hơn. Bộ não của trẻ đang hình thành các lộ trình não bộ, giúp con phát triển đầy đủ các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Bộ kỹ năng này bao gồm tự điều chỉnh, suy nghĩ, lập luận, ghi nhớ, chia sẻ và sự tập trung. Tất cả những kỹ năng này sẽ giúp cho trẻ sẵn sàng cho một cuộc hành trình học tập nâng cao hơn khi chúng đến trường.

Đặc điểm phát triển vận động trẻ 4 tuổi
Bộ não của trẻ trong 3-4 năm đầu đời đang phát triển nhanh chóng

2.Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ 3-4 tuổi

2.1.Trẻ bị suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng là một trong những vấn đề có thể gặp ở trẻ giai đoạn 3-4 tuổi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể bắt nguồn từ những tác nhân sau:

  • Thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu: trẻ thường xuyên chán ăn, hoặc chế độ dinh dưỡng không cung cấp đầy đủ các nguồn dưỡng chất quan trọng cho cơ thể có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
  • Bệnh tật: một số căn bệnh có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, chẳng hạn như sốt kéo dài, tiêu chảy, nhiễm ký sinh trùng gây ra các vấn đề về đường ruột (ví dụ như sán, giun, hoặc amip).

Hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng ở trẻ đều có mặt cả hai nhóm nguyên nhân trên. Ngoài ra, các mức suy dinh dưỡng của trẻ thường được chia thành 3 cấp độ, bao gồm:

*Cấp độ I: trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ có cân nặng chỉ khoảng 80% nếu so sánh với số cân nặng chuẩn của một đứa trẻ phát triển bình thường. Tuy nhiên, ở cấp độ này trẻ vẫn có biểu hiện thèm ăn và không gặp phải các vấn đề về tiêu hóa.

*Cấp độ II: cân nặng của trẻ bị suy dinh dưỡng chỉ khoảng 60% so với cân nặng tiêu chuẩn của một đứa trẻ phát triển bình thường. Lúc này, cơ thể trẻ có dấu hiệu gầy gò hơn, không còn lớp mỡ ở dưới các vùng như tay, chân, mông và bụng. Ngoài ra, các vấn đề về tiêu hóa cũng bắt đầu xảy ra theo từng đợt, kèm theo chứng biếng ăn.

*Cấp độ III: đây là cấp độ suy dinh dưỡng nặng nhất ở trẻ nhỏ. Khi đó, các biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ sẽ có các hình thái khác nhau. Thậm chí, ngay cả những đứa trẻ mặc dù bên ngoài trông có vẻ bụ bẫm nhưng cũng có thể mắc phải tình trạng suy dinh dưỡng ở thể phù. Đối với trẻ ở thể teo đét (da bọc xương) thường do thiếu hụt chất dinh dưỡng nghiêm trọng. Một thể nguy hiểm khác của suy dinh dưỡng là thể phối hợp, tức là kết hợp giữa thể teo đét và thể phù. Khi đó, cơ thể trẻ bị phù ở mu bàn chân nhưng lại gầy đét, má tóp và da bọc xương.

Khi con bị suy dinh dưỡng, bạn nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày bằng cách chia nhỏ khẩu phần ăn để đảm bảo lượng thức ăn cần thiết cho trẻ. Ngoài ra, bạn cũng nên chú trọng vào việc tăng cường các nhóm chất dinh dưỡng trong chế độ ăn của trẻ, bao gồm tinh bột, vitamin, muối khoáng, protein và dầu mỡ. Tốt nhất, hãy tham khảo sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng để giúp trẻ tăng cân, ăn ngon miệng hơn và phát triển toàn diện được về mặt thể chất.

Dấu hiệu của suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng là một trong những vấn đề có thể gặp khi trẻ ở giai đoạn 3-4 tuổi

2.2.Trẻ bị tiêu chảy

Trẻ bị tiêu chảy thường có các biểu hiện như phân có mùi tanh hôi và lỏng như nước, kèm theo triệu chứng quấy khóc, đau bụng, buồn nôn, khó ngủ và mệt mỏi. Bên cạnh đó, tần suất đi đại tiện của trẻ cũng tăng gấp đôi so với bình thường.

Hầu hết, tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhỏ có thể kéo dài từ 7-14 ngày, và nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng đường ruột. Các loại vi khuẩn hay ký sinh trùng từ môi trường ô nhiễm bên ngoài khi xâm nhập vào đường ruột có thể gây ra các triệu chứng tiêu chảy ở trẻ. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng góp phần gây nên bệnh, chẳng hạn như bệnh Crohn, chứng kích thích đường ruột, dị ứng thức ăn, bệnh Celiac, chế độ ăn uống không phù hợp hoặc việc sử dụng kháng sinh trong một khoảng thời gian dài.

Nếu tình trạng tiêu chảy ở trẻ không được điều trị kịp thời có thể làm cho cơ thể bị mất nước nhanh chóng và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Ngoài ra, các rối loạn về tiêu hóa làm cho trẻ cảm thấy chán ăn, lười ăn và mất ngủ, tạo tiền để phát triển bệnh suy dinh dưỡng. Trong trường hợp bệnh tiêu chảy của trẻ ở mức độ nhẹ, bạn có thể tự điều trị cho bé ngay tại nhà kèm theo sự theo dõi chặt chẽ. Khi đó, bạn có thể thực hiện theo một số cách sau:

  • Cho trẻ uống nhiều nước: giúp bổ sung nước cho cơ thể và giúp trẻ nhanh chóng hồi lại sức, từ đó giảm thiểu đáng kể được các triệu chứng khó chịu của tiêu chảy.
  • Đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho trẻ: lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp cho bé, đồng thời đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu, chẳng hạn như vitamin và kẽm.

Nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài trên 2 ngày hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như sốt hay nôn ói, đau bụng thì trẻ cần được đến bệnh viện khám và điều trị.

Trẻ đau bụng, tiêu chảy là dấu hiệu của dị ứng thực phẩm
Cần theo dõi và đưa trẻ đến bệnh viện nếu thấy tình trạng tiêu chảy kéo dài

2.3.Trẻ bị sâu răng

Có khá nhiều trẻ ở độ tuổi từ 3-4 mắc phải tình trạng sâu răng, đặc biệt là răng hàm. Nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ bị sâu răng là do trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt và chế độ chăm sóc, vệ sinh răng miệng kém. Chính thói quen vệ sinh răng miệng không sạch sẽ đã tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây sâu răng tấn công.

Nếu trẻ 3-4 tuổi bị sâu răng hàm sẽ có nguy cơ cao phải nhổ răng. Một khi răng hàm sữa bị nhổ sẽ khiến cho lợi bị khô và khả năng mọc răng hàm trở lại sẽ rất khó khăn. Nếu răng hàm mới mọc lên cũng có thể ảnh hưởng đến các răng khác, thậm chí mọc chèn lên cả răng phía trước.

Để ngăn ngừa tình trạng sâu răng cho trẻ 3-4 tuổi, các bậc phụ huynh nên tránh cho con ăn đồ ngọt, chẳng hạn như kẹo, bánh hoặc nước ngọt. Ngoài ra, bạn cũng nên tạo cho con thói quen chăm sóc răng miệng thường xuyên ngay từ nhỏ bằng việc dạy trẻ đánh răng 2 lần mỗi ngày và súc miệng sau khi ăn để loại bỏ cặn thức ăn còn sót lại trong kẽ răng.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: healthyparentshealthychildren.ca

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan