Cho trẻ vỗ ợ hơi có ảnh hưởng cột sống không?

Nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được vỗ ợ hơi để giảm tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lo lắng và thắc mắc liệu vỗ ợ hơi có ảnh hưởng đến cột sống của trẻ không? Thực tế, chỉ cần cha mẹ biết vỗ ợ hơi đúng cách, đúng tư thế và áp dụng lực vừa phải thì sẽ an toàn và không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

1. Vì sao trẻ hay bị đầy hơi sau khi bú?

Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện. Do đó trẻ rất dễ gặp phải những vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa. Bình thường, dung tích dạ dày của trẻ sơ sinh chỉ khoảng 5-7ml. Đối với trẻ được 3 ngày tuổi, dạ dày của trẻ lúc này còn rất nhỏ và chỉ chứa được khoảng 22-27ml sữa. Từ ngày thứ 7 trở đi, dung tích dạ dày của trẻ là từ 45-60ml. Trẻ từ 1 tháng tuổi, dung tích dạ dày là khoảng 80-150ml. Trẻ từ 3- 6 tháng, dung tích dạ dày là 150-200ml. Đối với trẻ từ 1 tuổi trở đi, dung tích dạ dày của trẻ trong khoảng 200-250ml.

Vì dung tích dạ dày của trẻ rất nhỏ nên khi mẹ không cho bé bú đúng cách rất dễ dẫn đến tình trạng không khí tràn vào dạ dày của trẻ. Dạ dày của trẻ không thể tống hơi ra ngoài như người lớn, vì thế không khí sẽ đi đến dạ dày và tạo ra bọt khí, lấp đầy bụng của bé. Những bọt khí này có thể khiến trẻ đầy bụng, khó chịu và tạo cảm giác no ngay cả khi trẻ chưa bú xong. Trẻ cũng có thể quấy khóc, cáu kỉnh và khó ngủ. Do đó, cho trẻ ợ hơi sau khi bú để thải không khí ra ngoài là một việc làm cần thiết.

2. Cách vỗ ợ hơi cho trẻ thế nào?

“Vỗ ợ hơi có ảnh hưởng cột sống không?” là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh quan tâm. Thực tế, nếu cha mẹ biết vỗ ợ hơi đúng cách và áp dụng lực vừa phải sẽ không gây ảnh hưởng đến cột sống của trẻ. Khi cho trẻ bú, hãy đảm bảo trẻ ở tư thế thẳng đứng, điều này có thể giúp giảm lượng khí hít vào. Điều quan trọng là không chỉ đặt trẻ đúng tư thế để đầu của trẻ được nâng đỡ mà còn phải biết vị trí vỗ và cường độ vỗ vừa phải để khí thoát ra ngoài. Sau đây là một số cách vỗ ợ hơi cha mẹ có thể áp dụng:

  • Cách 1: Cha mẹ cần chuẩn bị một chiếc khăn sạch và sau đó vắt chiếc khăn sạch này lên vai. Mẹ bế vác bé sao cho đầu của bé tựa vào vai của mẹ. Sau đó, một tay mẹ ôm con và tay còn lại thực hiện động tác vỗ lưng nhẹ nhàng cho bé. Khi vỗ lưng, mẹ cần chụm bàn tay.
  • Cách 2: Mẹ cũng cần chuẩn bị 1 chiếc khăn sạch, sau đó đặt khăn lên đùi của mình. Mẹ cho bé ngồi và tựa vào ngực. Một tay mẹ giữ bé và tay còn lại thực hiện xoa lưng hoặc khum bàn tay để vỗ nhẹ nhàng vào lưng bé. Mẹ nên vỗ nhẹ theo thứ tự từ dưới lên. Các bà mẹ lưu ý, cho bé ngồi nghiêng về phía trước để bé dễ dàng ợ hơi hơn.
  • Cách 3: Mẹ để bé nằm úp lên cánh tay của mình, lưu ý điều chỉnh tay để phần đầu của bé cao hơn phần ngực. Khi đã giữ bé ở tư thế ổn định, mẹ xoa lưng bé theo hình tròn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể để bé nằm sấp trên đùi của mẹ và vỗ lưng bé nhẹ nhàng để bọt khí đang bị kẹt trong dạ dày trẻ được tống hết ra ngoài.
  • Cách 4: Cách này thường được áp dụng đối với những bé đã cứng cáp hơn và có thể giữ cổ thẳng. Mẹ tiến hành bế bé để mặt của bé hướng ra bên ngoài. Khi này, tay của mẹ đặt ở phía dưới mông của bé còn tay kia vòng qua bụng của bé. Sau đó, mẹ đứng lên và đi bộ nhẹ nhàng. Áp lực từ tay mẹ cùng với sự chuyển động khi mẹ đi lại sẽ góp phần giúp cho hơi trong dạ dày của trẻ thoát ra ngoài.

Khi ợ hơi, trẻ có thể bị nôn trớ ra một ít sữa. Mẹ không nên quá lo lắng vì đây là dấu hiệu rất bình thường. Thông thường, mẹ nên vỗ lưng cho trẻ trong khoảng 10 đến 15 phút. Nếu trẻ vẫn chưa hết hiện tượng ợ hơi thì mẹ nên thay đổi tư thế của trẻ và tiếp tục vỗ lưng giúp cải thiện tình trạng đầy hơi ở trẻ.

3. Các lưu ý khi thực hiện vỗ ợ hơi cho trẻ

  • Khi vỗ ợ hơi cho trẻ, cha mẹ nên thực hiện vỗ nhẹ nhàng. Vì mẹ có vỗ mạnh hơn cũng không giúp tăng hiệu quả tống hơi ra ngoài dạ dày của trẻ mà còn khiến trẻ hoảng sợ hoặc tệ hơn là ảnh hưởng tới cột sống của trẻ.
  • Trẻ sơ sinh cần được cha mẹ vỗ ợ hơi cho đến khi được khoảng 2-3 tháng tuổi, sau đó trẻ sẽ có thể tự ợ khi cứng cáp hơn. Tuy nhiên, tần suất vỗ ợ hơi ở mỗi em bé là khác nhau. Có những bé không cần vỗ ợ hơi thường xuyên, nhưng một số bé khác có thể cần vỗ ợ hơi trong và sau mỗi bữa ăn, trong khi có những bé thì chỉ cần ợ hơi trong khi ăn. Theo thời gian, cha mẹ sẽ hiểu rõ về thói quen của trẻ và có thể điều chỉnh để có cách làm phù hợp nhất đối với con.
  • Dấu hiệu cho thấy trẻ đã ợ hơi ra ngoài: Trẻ phát ra tiếng ợ, trẻ ngừng khóc vì thấy dễ chịu hơn và hào hứng tiếp tục bú. Khi nhận thấy những dấu hiệu này, mẹ có thể ngừng vỗ và cho bé bú tiếp. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn quấy khóc và khó chịu sau khi mẹ thực hiện vỗ ợ hơi, có thể trẻ đang có một vấn đề bất thường. Cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám để được kiểm tra và tư vấn về tình trạng sức khỏe của trẻ.
  • Trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi chưa thể ăn quá nhiều, vì thế mẹ nên chia nhỏ các cữ bú để giúp trẻ dễ dàng hấp thu. Để đảm bảo bổ sung dinh dưỡng và không gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ, mẹ cũng nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình. Chế độ ăn của mẹ nên đầy đủ các loại thực phẩm, có thể bổ sung thêm sắt, canxi, DHA, vitamin D trong trường hợp cần thiết. Mẹ cần tránh ăn những thực phẩm chiên rán, thực phẩm nhiều gia vị, thực phẩm cay nóng, bia rượu,... để tránh gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

Trên đây là các phương pháp vỗ ợ hơi đúng cách. Cha mẹ cần lưu ý vỗ nhẹ nhàng, đúng tư thế để đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng tới cột sống của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan