Đặc điểm miễn dịch của trẻ sơ sinh

Bài viết được viết bởi ThS.BS Ma Văn Thấm - Bác sĩ Nội Nhi, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Hệ thống miễn dịch của chúng ta là một chuỗi các tế bào, mô và cơ quan, bảo vệ chúng ta khỏi các mầm bệnh xâm nhập, giữ cho chúng ta khỏe mạnh và có khả năng chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Khi trẻ còn là trẻ sơ sinh, chúng nhận được các tế bào miễn dịch từ mẹ qua nhau thai và sữa mẹ (nếu chúng đang bú mẹ). Theo thời gian, hệ thống của em bé trở nên trưởng thành và có thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về đặc điểm miễn dịch của trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây.

1. Các Immunoglobulin

Immunoglobulin (IgG) có mặt trong bào thai phần lớn có nguồn gốc từ mẹ, sự di chuyển qua rau thai của các IgG xảy ra từ tuần thứ 8 nhưng chủ yếu là trong 3 tháng cuối của thời kỳ bào thai. Ở trẻ đủ tháng, nồng độ IgG tương đương hoặc cao hơn mẹ. Tính đặc thù của các IgG ở mạch máu rốn phụ thuộc vào sự tiếp xúc với kháng nguyên và đáp ứng miễn dịch của mẹ trước đó.

trẻ đẻ non, nồng độ IgG liên quan trực tiếp với tuổi thai. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nồng độ kháng thể IgG đặc hiệu với Streptococcus nhóm B giữa máu con (rốn) và mẹ lần lượt là 1,0; 0,5 và 0,3 ở trẻ đủ tháng; 32 tuần và 28 tuần. Hơn nữa, nồng độ IgG nhận được từ mẹ giảm ngay sau sinh. Trẻ có cân nặng < 1500g bắt đầu có hiện tượng giảm gammaglobulin khi nồng độ IgG trung bình từ 200 – 300 mg/dL trong tuần đầu tiên. Các Immunoglobulin khác không qua được rau thai và có nồng độ thấp: Nồng độ IgM và IgA ở trẻ 1 tuổi chỉ đạt lần lượt là 60% và 20% so với người trưởng thành.

2. Bổ thể

Hệ thống bổ thể bao gồm một chuỗi các protein hoạt động qua lại tạo nên các phản ứng dây chuyền đối với các protein quan trọng khác trong việc chống lại các tế bào vi khuẩn (yếu tố hóa ứng động và phân hủy tế bào, opsonin). Hiện tượng cơ bản trong phản ứng dây chuyền của bổ thể là sự chuyển từ phân tử C3 thành phân tử C3b hoạt tính. Hiện tượng này có thể tạo ra bằng con đường cổ điển hoặc con đường tắt. Dây chuyền bổ thể nhân lên sự trả lời miễn dịch chống lại nhiễm khuẩn: Chỉ 1 phân tử IgG có thể tạo nên 10.000 phức hợp tấn công màng.

Sự tổng hợp bổ thể của bào thai xuất hiện từ tuần thứ 6. Nồng độ trong huyết tương của hệ thống bổ thể ở trẻ sơ sinh thấp hơn người lớn. Nồng độ và hoạt tính của bổ thể ở trẻ đẻ non thấp hơn trẻ đủ tháng.

3. Bạch cầu đa nhân trung tính

Hệ miễn dịch của trẻ sinh non
Trẻ sinh non dễ bị nhiễm khuẩn do thiếu hụt hệ thống thực bào.

Sự thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng của hệ thống thực bào khiến trẻ sơ sinh dễ bị tổn thương bởi nhiễm khuẩn. Khả năng hóa ứng động bạch cầu đa nhân trung tính ở cả trẻ đẻ non và đủ tháng đều kém. Bạch cầu đa nhân trung tính ở trẻ sơ sinh thiếu khả năng bám dính, tập hợp và khả năng biến hình, do đó, làm chậm quá trình đáp ứng với nhiễm khuẩn. Khi được opsonin hóa đầy đủ, khả năng thực bào và tiêu diệt của bạch cầu đa nhân trung tính ở trẻ sơ sinh và người lớn là tương đương nhau. Khả năng oxy hóa kém của bạch cầu đa nhân trung tính ở trẻ sơ sinh cũng là nguy cơ làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn, đặc biệt ở trẻ đẻ non.

Sự giảm bạch cầu đa nhân trung tính ở trẻ đẻ non cũng là một yếu tố nguy cơ làm tăng tình trạng nhiễm khuẩn. Sự suy giảm về mặt số lượng sẽ kéo theo sự suy giảm về mặt chất lượng, nguyên nhân là do nhiều tế bào chưa được biệt hóa hoàn toàn lưu hành trong máu. Dự trữ bạch cầu đa nhân trung tính ở trẻ sơ sinh chỉ bằng 20 – 30% so với người lớn. Tỷ lệ tử vong cao còn liên quan đến sự giảm bạch cầu đa nhân trung tính do nhiễm khuẩn và suy tủy xương.

4. Hệ thống monocyte và đại thực bào

Hệ thống monocyte và đại thực bào bao gồm các tế bào monocyte lưu hành trong máu và các đại thực bào ở các mô; đặc biệt là gan, lách và phổi. Hoạt động của các đại thực bào bao gồm trình diện kháng nguyên, thực bào, điều hòa miễn dịch. Số lượng tế bào monocyte ở trẻ sơ sinh bình thường nhưng chức năng của đại thực bào trong hệ thống liên võng nội mô kém, đặc biệt là ở trẻ đẻ non. Khả năng hóa ứng động của monocyte ở trẻ đẻ non và trẻ đủ tháng đều kém, do đó, làm giảm đáp ứng viêm ở các mô.

5. Tế bào diệt tự nhiên (Natural killer cells - NK)

Tế bào nk trong hệ miễn dịch của trẻ
Tế bào NK là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch của trẻ.

Tế bào tiêu diệt tự nhiên (Natural killer cells) hay còn gọi là tế bào NK, là một bạch huyết bào trong hệ miễn dịch tự nhiên, có khả năng phản ứng nhanh với các tế bào nhiễm virus và tế bào dị biệt bao gồm các tế bào có khả năng hình thành ung thư. Chức năng của chúng là nhận biết và tiêu diệt các tế bào nhiễm virus kể cả các tế bào mới sinh ra.

Hệ thống miễn dịch thích nghi bao gồm tế bào B và tế bào T. Tế bào B đóng vai trò chính trong phản ứng miễn dịch dịch thể, trong khi tế bào T chủ yếu tham gia vào các phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.

Hệ thống miễn dịch bẩm sinh bao gồm các tế bào và protein đóng vai trò quan trọng trong sự khởi đầu và kích hoạt hệ thống miễn dịch thích nghi sau đó. Thành phần chính của hệ thống miễn dịch bẩm sinh là hàng rào biểu mô vật lý, bạch cầu thực bào, tế bào đuôi gai và tế bào tiêu diệt tự nhiên.

Các tế bào NK là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch bẩm sinh, chúng là những tế bào lympho có nguồn gốc từ tủy xương lớn, dạng hạt. Tế bào NK chiếm số lượng tế bào lympho lớn thứ ba sau tế bào B và T. Chúng cũng được tìm thấy trong khoang màng bụng, lá lách, gan, phổi, hạch bạch huyết, tuyến ức và ở tử cung trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, khả năng gây độc của tế bào NK ở trẻ sơ sinh thấp hơn nhiều so với người lớn.

6. Các Cytokin và các hóa chất trung gian

Sự đáp ứng với nhiễm khuẩn và biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân liên quan đến sự cân bằng giữa các cytokin gây viêm và chống viêm. Những hóa chất trung gian đã được nghiên cứu ở trẻ sơ sinh bao gồm yếu tố hoại tử mô (TNF ), interleukin 1 (IL-1), IL-4, IL-6, IL-8, IL-10, IL-12, yếu tố hoạt hóa tiểu cầu và các leukotrien. Khả năng sản xuất các cytokin ở trẻ sơ sinh còn yếu do liên quan dến sự chưa trưởng thành của các đại thực bào.

Để hệ miễn dịch cũng như các hệ cơ quan khác của trẻ phát triển toàn diện, cha mẹ nên bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1,... giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Đừng quên thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan