Đặc điểm phân của trẻ bị táo bón

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những độ tuổi có hệ thống tiêu hóa phát triển chưa hoàn thiện, vì vậy khả năng mắc phải tình trạng rối loạn tiêu hóa là rất cao. Một trong số các rối loạn hay gặp là bệnh lý táo bón. Bên cạnh các dấu hiệu của táo bón thì cha mẹ cũng cần chú ý đến đặc điểm phân của trẻ bị táo bón để sớm đưa trẻ đi thăm khám khi cần thiết.

1. Dấu hiệu trẻ bị táo bón

1.1. Giảm số lần đi tiêu so với bình thường

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi có thói quen đi tiêu 2-3 lần mỗi ngày. Nếu cha mẹ nhận thấy số lần bé đi tiêu ít hơn bình thường, có khi 1-2 ngày mới đại tiện một lần thì khả năng cao trẻ đã bị táo bón.

Khi đó cha mẹ nên chú ý theo dõi thêm các biểu hiện khác để xác định chắc chắn và có biện pháp can thiệp kịp thời cho trẻ. Những trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn có nguy cơ táo bón thấp hơn những trẻ bú sữa ngoài;

1.2. Trẻ đại tiện rất khó khăn

Một dấu hiệu khác của táo bón ở trẻ nhỏ là bé gặp rất nhiều khó khăn khi đi tiêu. Tình trạng táo bón làm trẻ phải rặn nhiều, mặt đỏ bừng lên, vã mồ hôi, thậm chí quấy khóc do đau rát. Việc phải rặn nhiều để tống phân ra ngoài có thể gây chảy máu vùng hậu môn, nếu tiếp tục kéo dài có nguy cơ cao thành bệnh trĩ. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ có những biểu hiện đại tiện khó khăn như trên;

1.3. Chướng bụng, ăn không tiêu

Tình trạng táo bón là yếu tố gây khó tiêu thức ăn, khiến chúng tích tụ lại gây chướng bụng, đầy hơi, sờ vào thấy bụng cứng, kèm theo hiện tượng xì hơi nặng mùi... Những dấu hiệu trên thường gặp và rất dễ nhận biết, vì vậy cha mẹ cần quan tâm đến trẻ, theo dõi kỹ thêm để có biện pháp xử lý kịp thời;

1.4. Biếng ăn, quấy khóc

Tình trạng táo bón lâu ngày gây ùn ứ các chất độc trong cơ thể, chẳng những không thải được ra ngoài mà còn có nguy cơ hấp thu ngược trở lại. Điều này làm trẻ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, giấc ngủ không tốt và khiến trẻ hay quấy khóc vô cớ mỗi khi ngủ, nhất là vào ban đêm.

phân của trẻ bị táo bón
Phân của trẻ bị táo bón thường nhỏ và khô

2. Đặc điểm phân của trẻ sơ sinh bị táo bón

Một số trẻ hay bị mặt đỏ tía tai, có thói quen rặn mạnh khi đại tiện. Những biểu hiện trên có thể là bình thường vì tình trạng táo bón chỉ được xác định chính xác khi kết hợp các triệu chứng cùng với đặc điểm phân của trẻ sơ sinh bị táo bón:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thật sự gặp khó khăn trong việc đại tiện;
  • Phân của trẻ bị táo bón thường nhỏ và khô, giống như phân thỏ. Một số trường hợp ít gặp phân của trẻ táo bón lớn hơn nhưng thường cứng.
  • Phân của trẻ sơ sinh bị táo bón thường có lẫn những sợi máu. Hiện tượng này xảy ra do những vết nứt trên da, gọi là vết nứt hậu môn do quá trình bé cố gắng đẩy phân cứng ra ngoài;
  • Trẻ tỏ ra cáu gắt, căng thẳng, thậm chí quấy khóc khi đi đại tiện;
  • Sờ vào bụng trẻ táo bón có cảm giác cứng, đôi khi sờ được khối phân trong đường ruột.

Chế độ dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến khả năng bị táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những bé bú mẹ hoàn toàn ít có nguy cơ mắc chứng táo bón khi so sánh với những trẻ cùng lứa và uống sữa công thức. Giải thích cho vấn đề này cũng đơn giản vì sữa mẹ vừa dồi dào các chất dinh dưỡng thiết yếu, vừa phù hợp với đường ruột trẻ, dễ tiêu hóa và tạo ra phân mềm hơn.

Một yếu tố khác khi pha sữa công thức có tỉ lệ sữa bột quá nhiều cũng có thể dẫn đến táo bón. Do đó, cha mẹ nên tuân thủ hướng dẫn pha sữa của nhà sản xuất, đảm bảo chắc chắn đã cho đủ lượng nước cần thiết và lượng sữa bột thích hợp vào bình.

Những dấu hiệu táo bón ở trẻ nếu chỉ xảy ra 1 hoặc 2 lần thì cha mẹ có thể không cần quá lo lắng, nhưng nếu dấu hiệu phân của trẻ bị táo bón kể trên xuất hiện từ 3 lần trở lên (hoặc nếu thấy có sợi máu) thì tốt nhất cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ.

Tình trạng táo bón ở trẻ nhỏ thường xảy ra ở những bé mới bắt đầu chế độ ăn dặm hoặc táo bón là dấu hiệu của tình trạng nhạy cảm với đạm sữa, đạm đậu nành hoặc không dụng nạp một chất nào đó trong sữa mẹ, sữa công thức.

Xem ngay: Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ táo bón

3. Nguyên nhân nào có thể dẫn đến tình trạng táo bón ở trẻ?

Có nhiều nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bao gồm:

  • Trẻ bị sốt cao;
  • Trẻ bị mất nước;
  • Thay đổi số lượng sữa;
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng;
  • Trẻ sử dụng một số loại thuốc gây táo bón.

Những trẻ lớn hơn có thể mắc chứng táo bón bởi vì trẻ sợ cảm giác đau khi đại tiện, trẻ có một vết rách gần hậu môn (hay gọi là nứt hậu môn) gây đau đớn mỗi khi bé đi tiêu. Tình trạng này nếu không được phát hiện sớm có thể trở thành một vòng bệnh lý luẩn quẩn. Trẻ càng sợ đau sẽ càng cố gắng nhịn đại tiện và táo bón sẽ càng nghiêm trọng hơn. Khi đó, nếu trẻ bắt buộc phải đi tiêu thì cơn đau sẽ tồi tệ hơn do phân lúc này đã khô và cứng hơn rất nhiều.

4. Cách đề phòng táo bón ở trẻ

Để hạn chế tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cha mẹ có thể áp dụng những biện pháp sau đây:

  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng của mẹ để cải thiện chất lượng sữa mẹ: Chế độ ăn của mẹ cần tăng cường bổ sung chất xơ từ rau củ quả, uống nhiều nước, hạn chế thức ăn cay nóng, hạn chế sử dụng rượu bia...;
  • Những bé bắt buộc phải sử dụng sữa công thức, cha mẹ nên cân nhắc chọn lựa những loại sữa phù hợp độ tuổi, chú ý đến hàm lượng chất xơ hoà tan – một thành phần giúp làm mềm và tăng thể tích phân, tăng nhu động ruột đồng thời là thức ăn của các loại lợi khuẩn;
  • Tắm nước ấm giúp trẻ thư giãn và kích thích nhu động ruột;
  • Xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ: Hành động này nên thực hiện từ 3-5 phút sau khi cho con bú để kích thích đường ruột hoạt động, hạn chế táo bón;

Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay khi có những dấu hiệu bất thường sau đây:

  • Táo bón kéo dài trên 7 ngày và biện pháp thay đổi chế độ dinh dưỡng của mẹ không có tác dụng;
  • Táo bón gây ảnh hưởng đến sức khoẻ như trẻ ăn kém, gầy, sút cân, suy dinh dưỡng hoặc táo bón kèm theo nôn ói.

Xem ngay: Trẻ táo bón kéo dài nên dùng thuốc nào hiệu quả?

phân của trẻ bị táo bón
Xoa bụng cho bé theo chiều kim đồng hồ giúp hạn chế táo bón

5. Một số thay đổi khác về phân của trẻ nhỏ

5.1. Phân của trẻ khi chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức

Việc chuyển đổi này chắc chắn làm phân trẻ có sự thay đổi. Cha mẹ có thể dễ dàng nhận thấy phân của con màu sẫm hơn, giống bột hồ và có mùi hôi nhiều hơn. Việc chuyển đổi từ sữa mẹ sang sữa công thức nên diễn ra chậm, kéo dài trong một thời gian và ít nhất là vài tuần. Điều này giúp hệ tiêu hóa của con có đủ thời gian để thích nghi và hạn chế các rối loạn như táo bón.

Đồng thời, việc chuyển đổi từ từ cũng hạn chế nguy cơ sưng, đau và viêm ngực cho mẹ. Khi bé đã thích nghi ổn định với việc bú sữa công thức, một chu kỳ đại tiện mới sẽ được thiết lập hoàn toàn khác so với giai đoạn trước đó.

5.2. Phân của bé khi bắt đầu ăn dặm

Chế độ ăn dặm để bổ sung thêm dưỡng chất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phân của trẻ. Cha mẹ dễ dàng nhận thấy phân của bé sẽ bị ảnh hưởng bởi thức ăn bé ăn, phân của bé thường trở nên đặc hơn, sẫm màu hơn và nặng mùi hơn.

Tìm hiểu rõ về đặc điểm của phân trẻ táo bón giúp cha mẹ có thể thay đổi chế độ dinh dưỡng, bổ sung thực phẩm đề phòng tình trạng táo bón nguy hiểm cho trẻ.

Việc cải thiện tình trạng táo bón có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho con dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

Để hạn chế việc trẻ nhỏ bị táo bón, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B ,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan