Tại sao trẻ đột nhiên thức giấc vào ban đêm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có hơn 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội nhi - sơ sinh.

Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng thức giấc đột ngột vào ban đêm. Trong đó chủ yếu liên quan đến quá trình phát triển của bé và tác động của bệnh tật.

1. Trẻ đột ngột thức dậy vào ban đêm là do đâu?

Ngay cả những đứa trẻ ngủ ngon nhất cũng có thể đột ngột thức dậy vào ban đêm. Đặc biệt là giai đoạn 6 tháng tuổi trở đi, khi trẻ bắt đầu lo lắng bị thiếu tình thương từ bố mẹ.

Các nguyên nhân phổ biến khác gây ra tình trạng đột ngột thức dậy vào ban đêm ở trẻ nhỏ gồm bệnh tật hoặc chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhảy vọt. Trong trường hợp này, ngoài việc điều trị sốt, viêm họng hoặc viêm tai bạn có thể thử một số cách khác như:

  • Đảm bảo rằng trẻ ngủ đủ giấc: Trẻ ngủ càng ít vào ban ngày thì càng khó đi vào giấc ngủ và ngủ ngon vào ban đêm. Gia đình cần cho bé ngủ đủ các giấc ngủ ngắn trong ngày và đi ngủ đúng giờ vào buổi tối.
  • Hãy nói chuyện nhẹ nhàng và xoa dịu khi trẻ đột ngột thức dậy vào ban đêm: Ở bên trẻ cho đến khi trẻ bình tĩnh, nhưng tránh nói lớn, nói nhiều và bật ánh sáng mạnh. Có thể mất một vài đêm hoặc thậm chí vài tuần để bé ngủ ngon trở lại, nhưng càng theo dõi sát thói quen ngủ của trẻ, vấn đề càng sớm được giải quyết.
Trẻ thức đêm
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thức giấc đột ngột vào ban đêm

2. Đột nhiên thức giấc vào ban đêm có liên quan đến chứng hoảng sợ khi ngủ?

Một số trẻ sơ sinh có xuất hiện chứng hoảng sợ khi ngủ, sớm nhất là 18 tháng tuổi. Loại rối loạn giấc ngủ này khác với ác mộng, thường gặp ở trẻ em từ 2 - 4 tuổi.

Chứng hoảng sợ khi ngủ xuất hiện sớm trong chu kỳ ngủ đêm khi bé chuyển từ giấc ngủ sâu sang giấc ngủ nông, thời gian từ vài phút đến 45 phút, trẻ luôn ở trong trạng thái ngủ. Trong khi đó, ác mộng xảy ra muộn hơn trong chu kỳ ngủ đêm và trẻ có thể thức giấc vì cơn ác mộng.

Hoảng sợ khi ngủ về đêm diễn ra trong giai đoạn ngủ sâu. Bé có các biểu hiện như đột ngột khóc, thậm chí la hét. Trẻ thường không nhớ chuyện gì đã xảy ra khi được hỏi vào sáng hôm sau. Điều tốt nhất bạn có thể làm là đảm bảo an toàn cho trẻ.

Các dấu hiệu cho thấy bé đang mắc chứng hoảng sợ khi ngủ:

  • La hét
  • Đổ mồ hôi
  • Cựa quậy hoặc đập tay chân
  • Mắt mở, đơ cảm xúc
  • Nhịp tim nhanh
  • Nhịp thở nhanh

Hoảng sợ khi ngủ thường chỉ xảy ra một lần trong đêm.

3. Tại sao trẻ mắc chứng hoảng sợ khi ngủ?

Trẻ thường bị hoảng sợ về đêm do hệ thần kinh trung ương bị kích thích quá mức. Điều này xảy ra do não bộ của trẻ đang phát triển và tiếp xúc với thế giới đầy mới lạ.

Bệnh viêm phổi ở trẻ em có lây không?
Hệ thần kinh trung ương bị kích thích quá mức có thể khiến trẻ bị hoảng sợ

Trẻ dễ có nguy cơ hoảng sợ về đêm nếu gia đình có người đã xuất hiện bệnh hoặc mộng du. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ hoảng sợ về đêm gồm có:

  • Bệnh tật
  • Một số loại thuốc
  • Mệt mỏi
  • Căng thẳng
  • Môi trường ngủ mới
  • Chất lượng giấc ngủ kém.

4. Làm gì để ngăn ngừa chứng hoảng sợ về đêm để trẻ ngủ ngon?

Trẻ ngủ suốt đêm có thể làm giảm nguy cơ mắc chứng hoảng sợ về đêm. Một số cách sau có thể khuyến khích trẻ ngủ ngon hơn:

  • Hiểu rõ thời gian trẻ cần ngủ: Trẻ sơ sinh 4 - 12 tháng cần 12 - 16 giờ ngủ mỗi ngày, 1 - 2 tuổi cần 11 - 14 giờ ngủ mỗi ngày.
  • Tạo thói quen đi ngủ sẽ giúp trẻ ngủ nhiều hơn, kể cả trong những giai đoạn trẻ bị ốm, mọc răng. Thói quen phải đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện như đánh răng, đọc sách trước khi ngủ.
  • Để đạt kết quả tốt nhất, hãy bắt đầu thói quen đi ngủ trước khi bé bắt đầu dụi mắt, vì đó là dấu hiệu của sự mệt mỏi.

5. Thức giấc liên tục về đêm, có cần đưa trẻ đi khám?

Gia đình nên đưa trẻ đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như co giật, tình trạng sợ hãi hoặc bất an suốt đêm hoặc thậm chí cả ngày, bất ngờ hình thành các thói quen gây khó ngủ, ngủ ngáy. Chúng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý cần điều trị.

Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị sớm
Nên đưa trẻ đi khám nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường

Gia đình cũng có thể nhờ bác sĩ tư vấn nếu gặp khó khăn trong quá trình xây dựng thói quen ngủ cho trẻ. Khi đến gặp, bạn cần nêu rõ các triệu chứng, giờ giấc ngủ và các thói quen, hành vi bất thường khác nhằm cung cấp thông tin rõ ràng cho bác sĩ.

Trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa... cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

80.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan